Hiện tượng “Ghen cô Vy” lên sóng quốc tế: Nghiêm túc thì sẽ gặt thành quả

Chủ Nhật, 15/03/2020, 09:09
Phiên bản mới của ca khúc “Ghen” mang tên “Ghen cô Vy” (tên tiếng Anh: “Washing hand song”) mục đích như một sản phầm âm nhạc để tuyên truyền vệ sinh cá nhân phòng dịch, lại còn nổi tiếng hơn bản gốc rất nhiều.

Ca khúc “Ghen” của nhạc sĩ Khắc Hưng, với phần thể hiện của Min và Erik, đã phát hành năm 2017. Đây là một ca khúc mang tính chất giải trí và sôi động với nội dung về sự ghen tuông của một cô gái dành cho chàng trai mà cô yêu.

Phiên bản mới của ca khúc mang tên “Ghen cô Vy” (tên tiếng Anh: “Washing hand song”) mục đích như một sản phầm âm nhạc để tuyên truyền vệ sinh cá nhân phòng dịch, lại còn nổi tiếng hơn bản gốc rất nhiều.

Làm mới ca khúc tuyên truyền

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, đại diện Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) đã đặt hàng nhạc sĩ Nguyễn Khắc Hưng, ca sĩ Min và Erik viết lại lời mới cho ca khúc “Ghen”.

Khắc Hưng tiết lộ, ban đầu anh được đề nghị sáng tác một bài hát mới hoàn toàn. Tuy nhiên, vì không có đủ thời gian thực hiện nên nhạc sĩ đề xuất viết lại lời cho ca khúc có sẵn. Anh lựa tự chọn bài “Ghen” phát hành cách đây 2 năm và đề xuất cho Bộ Y tế thì được sự đồng ý.

Vũ điệu rửa tay lên sóng chương trình Last Week Tonight của Mỹ và nhiều kênh truyền thông quốc tế.

Với “Ghen cô Vy”, Khắc Hưng đổi toàn bộ phần lời. Từ câu chuyện về tình yêu, ca khúc chuyển sang truyền tải nội dung về cách phòng tránh dịch COVID-19, trong đó trọng tâm là 6 bước rửa tay theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Khắc Hưng cho biết, anh mất 10 ngày để hoàn thành phần lời của “Ghen cô Vy”.

Nam nhạc sĩ cũng được đơn vị đặt hàng cung cấp những tài liệu về dịch COVID-19 để xây dựng đúng nội dung thông điệp. Việc duy nhất anh làm là chọn ra ca từ không chỉ phù hợp với giai điệu mà còn chắt lọc nội dung sao cho truyền tải thông điệp lạc quan và thông tin chính xác nhất về dịch bệnh.

Khắc Hưng cũng tiết lộ, anh chọn viết lời dựa trên giai điệu ca khúc “Ghen” là bởi bài hát này có giai điệu bắt tai, dễ nhớ, dễ thuộc và lại vô cùng trẻ trung.

Nói về ý tưởng này, ông Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường chia sẻ: “Trong thời khắc quan trọng chiến đấu với dịch bệnh, chúng tôi mong ca khúc có thể truyền thêm lửa và bớt chút căng thẳng cho những chiến sĩ tuyến đầu của cuộc chiến. Đó là đội ngũ chuyên gia, các y bác sĩ, các nhân viên y tế và hàng triệu người lao động, những người ở “tiền tuyến” trực tiếp đấu tranh hằng ngày với dịch bệnh”.

Ông Doãn Ngọc Hải cho biết thêm, trong quá trình thực hiện công tác chống dịch, Viện có rất nhiều công việc như soạn thảo văn bản hướng dẫn phòng chống dịch chung cho mọi người, phòng chống dịch riêng cho các đối tượng như người lao động, học sinh, sinh viên, y bác sĩ...

Tuy nhiên, các tài liệu này nếu cứ viết trên giấy hoặc ra rả kêu gọi rửa tay thường xuyên thì người dân không thể nhớ hoặc lưu tâm. Nên Viện mới nghĩ ra chuyện làm điều gì đó để người dân đều nhớ.

Sau khi MV Lyrics phát hành và nhận được sự yêu thích của khán giả, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường còn tiếp tục thực hiện phiên bản Animation (hoạt hình) cũng như tạo nên thử thách #ghencovychallenge (#vudieuruatay - vũ điệu rửa tay) - vũ công Quang Đăng thực hiện, để lan toả qua các mạng xã hội. Thử thách này nhằm mong muốn tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng chủ động xây dựng thói quen phòng bệnh.

Quang Đăng cho biết, khi nghe ca khúc này, anh thấy bài hát rất dễ thương, ca từ hay, ý nghĩa và thôi thúc người ta hành động. Vì sự hứng thú đó, anh đã sáng tác vũ điệu rất nhanh. Ban đầu, khi làm dự án này, anh chỉ mong muốn có sự lan tỏa của thông tin đúng, thông điệp đúng tới nhiều bạn trẻ. Bởi, ngôn ngữ hình thể mang tính quốc tế, chỉ cần hành động đã giúp mọi người có thể hiểu mà không cần dùng lời nói.

“Tôi cũng là một trong những người đầu tiên tham gia dự án này cùng Khắc Hưng, Min và Erik. Khi đó bên Viện muốn nhờ tôi lan tỏa 6 bước rửa tay, một trong những biện pháp vệ sinh phòng bệnh hiệu quả và ai cũng thực hiện được”, nam vũ công chia sẻ.

 “Gây sốt” toàn cầu

Với phần lời mới mang nội dung về dịch COVID-19, giai điệu “Ghen cô Vy” bỗng nhiên hot trở lại sau 2 năm phát hành bản gốc. Đặc biệt, ca khúc còn trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới sau khi Quang Đăng thực hiện vũ điệu rửa tay trên nền nhạc bài hát.

Vũ công Quang Đăng.

Ca khúc còn trở thành một trong những ca khúc được khán giả quốc tế yêu thích nhất từ trước tới nay của Việt Nam. Ca khúc nhận được “cơn mưa lời khen” từ các đơn vị, tổ chức và các kênh truyền thông nổi tiếng nhất trên thế giới như Hàn Quốc, Mỹ, Iran, Pháp...

Thực tế, “Ghen cô Vy” bắt đầu nhận được sự quan tâm của giới trẻ quốc tế sau khi xuất hiện trong chương trình trò chuyện Last Week Tonight with John Oliver của kênh truyền hình HBO (Mỹ) vào ngày 1/3. Chia sẻ trong chương trình, MC - nam diễn viên hài John Oliver đã phải thốt lên: “Tuyệt! Tuyệt! Tuyệt!... Việt Nam đã làm hẳn một bài hát để khuyến khích người dân rửa tay thường xuyên nhằm phòng tránh virus, giai điệu còn rất hay, rất “bốc” nữa chứ”.

Chưa dừng lại ở đó, Last Week Tonight with John Oliver cũng đã giới thiệu cả vũ đạo “gây sốt” dựa trên nên bài hát “Ghen cô Vy” do vũ công Quang Đăng thực hiện trên ứng dụng Tik Tok. Sau đó chưa đến 1 phút, điệu nhảy này ngay lập tức trở thành trào lưu được hàng nghìn người chia sẻ trên mạng xã hội và tập nhảy theo.

“Nhiều người trẻ quá thích ca khúc này thậm chí còn tạo ra trào lưu nhảy múa theo ca từ giai điệu bài hát, tạo nên một thử thách nhảy múa trên mạng xã hội. Ca khúc này quá tuyệt, một ca khúc nói về rửa tay nhưng được thực hiện rất hay, khiến nhiều bài hát khác cũng nói về việc vệ sinh sạch sẽ bỗng trở nên có phần... “ngớ ngẩn” bởi giai điệu, ca từ cũ mòn...”, John Oliver phấn khích nói.

Sau đó, ca khúc cũng được Billboard khen ngợi: “Ca khúc này bắt tai một cách kỳ quái!”. Billboard nhận xét rằng giai điệu của ca khúc sẽ vấn vương trong đầu bất cứ ai nghe tới vài ngày. Bởi, nó rất bắt tai và dễ thuộc, ngoài ra, phần hình ảnh hoạt họa đi kèm với ca khúc cũng rất thú vị.

Ngoài ra, Billboard cũng nhấn mạnh rằng vũ đạo #ghencovychallenge góp công rất lớn khiến cho ca khúc “Ghen cô Vy” trở nên phổ biến. Khi hàng trăm người đã học theo nam vũ công và đăng tải video cover điệu nhảy rửa tay, thông điệp của sản phẩm càng trở nên lan tỏa.

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cũng có bài chia sẻ và khen ngợi ca khúc hết lời, đồng thời sử dụng để tuyên truyền cho thiếu nhi khắp thế giới. “Chúng tôi yêu thích điệu nhảy rửa tay của vũ công đến từ Việt Nam”, UNICEF viết.

“Ghen cô Vy” cũng vừa xuất hiện trên BFMTV - kênh truyền hình số 1 nước Pháp. Trong đoạn clip được đăng tải mới đây, các MC của chương trình không giấu được sự thích thú với ca khúc.

Ở dưới phần thông tin của video, Đài truyền hình Pháp còn mô tả: “Bài hát tiếng Việt này có thể trở thành hit của năm. Đó là một bài hát phòng chống dịch, được đề xuất bởi Bộ Y tế Việt Nam, có tên “Ghen cô Vy”. Đây là một bản cover của Min và Erik, những ca sĩ nổi tiếng của Vpop”.

Các MC cũng nhắc đến điệu nhảy của ca khúc do biên đạo múa Quang Đăng sáng tạo ra, mang tên “vũ điệu rửa tay”. Họ cho rằng, điệu nhảy dễ thương và thiết thực này cũng có thể trở thành trào lưu. “Sớm thôi, chúng ta sẽ được nhìn thấy điệu nhảy này trong các buổi tiệc tùng”, các MC nói. MC của Đài truyền hình Pháp đánh giá, bài hát “Ghen cô Vy” đã góp phần vào thành tích chống dịch rất xuất sắc ở Việt Nam dù có đường biên giới khá dài với Trung Quốc - nơi khởi nguồn dịch bệnh.

Ca khúc “Ghen cô Vy” còn được tạp chí nổi tiếng của Đức - tờ Stern đưa tin với những bình luận “có cánh”: “Việt Nam cho thấy họ đang làm thế nào để mang đến những thông tin sáng tạo về sự lây lan của virus Corona mà không hề cứng nhắc, nhàm chán. Bài hát mô tả các phương pháp mà cộng đồng có thể tự bảo vệ một cách dễ dàng và hiệu quả trước sự lây lan của virus Corona”, tác giả bài viết phân tích.

Tờ Stern còn không quên nhắc đến việc “Ghen cô Vy” được người hâm mộ trên toàn thế giới tìm kiếm và truyền tay nhau. Đặc biệt là sau khi ca khúc xuất hiện trên sóng chương trình truyền hình Last Week Tonight with John Oliver. Bên cạnh đó, tạp chí của Đức còn nói đến việc “vũ điệu rửa tay” của Quang Đăng đang truyền cảm hứng trên mạng xã hội: “Vũ công người Việt Quang Đăng đã sáng tạo ra vũ đạo riêng cho bài hát. Hashtag #quangdang đã nhận được gần 6 triệu lần tìm kiếm trên một ứng dụng xã hội”.

Tờ C News của Pháp có bài viết với nhan đề “Một bài hát phòng chống virus Corona tuyệt vời và có tính lan tỏa cao”. Nội dung bài báo cho hay: “Đây là một cách thú vị và mang tính giáo dục để ghi nhớ những điều cần làm trong thời điểm dịch bệnh xảy ra. Chính phủ Việt Nam đã phát hành một bài hát hấp dẫn để phòng ngừa, ngăn chặn virus Corona. Hãy rửa tay! Chà, chà, chà, chà xát chúng! Tránh đi đến những nơi đông người - bài hát này có tên “Ghen cô Vy”.

Trước sự lan tỏa của bài hát và “vũ điệu rửa tay”, Quang Đăng trả lời phỏng vấn tạp chí Billboard: “Tôi muốn sử dụng ngôn ngữ của riêng mình - nhảy múa - để truyền đạt thông tin chính xác về cách phòng chống dịch COVID-19 tới nhiều người nhất có thể. Đặc biệt là người trẻ, bởi họ thường dễ tiếp nhận thông tin mà không có sự sàng lọc cẩn thận.

Tôi nghĩ kiến thức chính là sức mạnh, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên thông tin bùng nổ, thông tin giả cũng rất nhiều, vì vậy, việc có được nhận thức đúng đắn, thông tin chính xác là rất quan trọng để chúng ta có thể sử dụng sức mạnh của mình theo cách đúng nhất”.

“Ghen cô Vy”, bài học về sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật

Đến thời điểm này, “Ghen cô Vy” vẫn đang được truyền thông quốc tế xem như ca khúc “hiện tượng”. Khắc Hưng cùng ê-kíp đang nỗ lực thực hiện phiên bản tiếng Anh của bài hát này để có thể lan tỏa rộng hơn nữa đến bạn bè quốc tế.

Thực tế, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều nhạc phẩm khai thác đề tài này cũng ra đời. Nhưng, những ca khúc này chỉ được chú ý một thời gian ngắn (do tính thời sự) và trôi vào quên lãng, bởi nhiều nguyên nhân: ca từ không hay, giai điệu không bắt tai, quan trọng nhất là chưa chạm đến cảm xúc của người nghe.

Thậm chí, có sáng tác còn trở thành chủ đề giễu nhại trên mạng xã hội khi ca từ sáo rỗng, giai điệu cũ kỹ. Trong khi đó, “Ghen cô Vy” ra đời, mang đến một luồng gió mới, hợp thời.

Tựa đề ca khúc gần gũi, nhưng đủ kích thích sự tò mò của khán giả. Lời bài hát dễ thuộc, lồng ghép tốt thông tin về dịch bệnh, cách phòng, chống virus, vệ sinh cơ thể ra sao để tránh lây nhiễm... giúp người nghe cảm thấy thoải mái, không nặng nề, giáo điều. Đặc biệt giai điệu trẻ trung và vũ đạo ca khúc là điểm cộng lớn cho bài hát.

Còn nhớ, năm 2012, ca khúc “Gangsnam style” của Psy (Hàn Quốc) được giới thiệu trong talk show của Ellen - một talk show nổi tiếng tại Mỹ. Và MC Ellen cũng rất phấn khích với vũ điệu vui nhộn, thoải mái trong MV giống như cách John Oliver phấn khích với “vũ điệu rửa tay” của vũ công Quang Đăng.

Chỉ 2 tháng sau, MV “Gangsnam style” đạt hơn một tỷ views trên YouTube. Ca khúc leo lên vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng Billboard. Cho đến nay đây vẫn là thành tích cao nhất mà Kpop có đươc tại bảng xếp hạng này. Điệu nhảy “Gangsnam style” trở thành một trong những điệu nhảy nổi tiếng trên thế giới, sánh ngang với “Lambada” (thập niên 80), “Macarena” (thập niên 90).

Mặc dù sau đó Psy không có sản phẩm nào vượt qua thành tích của “Gangsnam style” nhưng không thể phủ nhận đây là “phát súng” đầu tiên cho con đường “Mỹ tiến” của Kpop. Đã 8 năm trôi qua, vị thế của Kpop tại Mỹ đang dần được khẳng định với những sản phẩm âm nhạc phát hành trên toàn thế giới hoàn toàn bằng tiếng bản địa.

Với “Ghen cô Vy” của Việt Nam, có thể hiệu ứng viral của ca khúc chỉ là nhất thời, giữa thời điểm đại dịch COVID đang trở thành tâm điểm quan tâm của khán giả trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là một dấu hiệu tốt cho thấy, âm nhạc của Việt Nam đang có sự chuyển mình tích cực, hướng ra quốc tế.

Và điều quan trọng, bất kể là nhạc cổ động hay theo đơn đặt hàng, thực tế đã cho thấy, nếu lao động một cách nghiêm túc, người nghệ sĩ có thể gặt hái được thành công, thậm chí là thành công vang dội!

Thảo Dung
.
.