Hiệu ứng xã hội

Thứ Ba, 02/10/2007, 10:00
Hiệu ứng xã hội được hiểu là một phản ứng của toàn xã hội trước một sự việc nào đó, gây nên một hiệu quả nhất định.

Phản ứng có thể bất đồng tình (phản kháng), cũng có thể là ngược lại - đồng tình, ủng hộ (lâu nay theo thói quen tiếp nhận ngôn ngữ, ta cứ thường quan niệm “phản ứng” chỉ với một nghĩa thứ nhất - bất đồng tình, mà quên hẳn nghĩa thứ 2 - ngược lại. Ở đây cần hiểu chính xác, đầy đủ từ “phản ứng” như cụm từ “phản ứng hóa học”).

Từng có những vụ việc gây chấn động xã hội khiến từ trẻ đến già, từ giới tri thức, có học vấn cao đến những người lao động bình thường, đơn giản đều xôn xao, bàn tán gây nên áp lực khiến những cơ quan chức năng không thể không vào cuộc, thực thi phận sự.

Ví như vụ một phó chủ nhiệm UB TDTT hiếp dâm cô bé chưa đến tuổi thành niên cách đây vài năm, vụ một bác sĩ giết người tình cũ lấy chiếc ĐTDĐ và một khoản tiền không đáng kể, rồi vụ PMU 18...

Nhìn chung, những vụ án hoặc là man rợ, phản nhân tính hoặc là vi phạm đạo lý với lối sống quá ư trác, trụy, bất lương của kẻ có vị thế trong xã hội dễ gây nên sự phản ứng mãnh liệt trong xã hội.

Khi những vụ việc ấy vừa diễn ra, được báo chí nêu thì ở bất cứ đâu, từ ngoài đường cho đến trong công sở, nơi các quán nước vỉa hè tới mọi gia đình, người ta đều bàn tán sôi nổi theo hướng cực kỳ phẫn nộ. Đó là hiện tượng bình thường và cần thiết.

Nó chỉ chứng tỏ một điều tốt đẹp: người dân Việt Nam luôn trọng đạo lý, ưa thiện, ghét ác, không chấp nhận mọi sự bất nhân, thất đức, đi ngược lại truyền thống tử tế, nhân đức của ông cha.

Chính bởi làn sóng dư luận, phản ứng theo hướng rất bất đồng tình, phẫn nộ của toàn xã hội mà những cơ quan chức năng không thể làm ngơ, không thể vô trách nhiệm để phải phát huy chức năng điều tra, xử lý.

Đó là hiệu ứng xã hội.

Nhưng cần thấy một điều: một vài vụ việc vừa nêu trên, trong nhiều vụ khác không thể kể hết ra đây, tuy rất trầm trọng hoặc man rợ, khủng khiếp, không thể nương nhẹ khi xử lý nhưng dẫu sao hậu quả tai hại chỉ liên quan đến 1 hoặc một số người.

Nếu có gây thất thoát ngân sách Nhà nước có thể đáng kể nhưng vẫn không thể bằng những sự lãng phí sau đây: một là vừa qua, kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán niên độ ngân sách năm 2005: hầu hết các cơ quan Nhà nước được kiểm toán đều có sai phạm, nhiều nơi rất nghiêm trọng.

Chỉ qua kiểm tra tại 20 doanh nghiệp Nhà nước, đã phát hiện và kiến nghị tăng thu cho ngân sách Nhà nước 1.280 tỉ đồng. Rồi rất nhiều công trình gây lãng phí hàng chục tỉ đồng là chuyện... bình thường. Ấy vậy mà chỉ có 2 đơn vị bị đề nghị Cơ quan điều tra vào cuộc, còn lại là... rút kinh nghiệm (!).

Việc này liệu có thể coi là lớn, đáng để tất cả mọi người để tâm, bởi sự lãng phí, thất thoát tiền bạc nghiêm trọng ấy chính là từ nguồn đóng thuế của nhân dân, là mồ hôi nước mắt của họ?

Hai là vấn đề khoán xe công. Để chống lãng phí và góp phần ngăn ngừa tham nhũng, Quốc hội đã có nghị quyết, Chính phủ đã có quy định về vấn đề này, nhưng việc thực hiện hầu như vẫn còn là con số không. Mới chỉ có rất ít địa phương thực hiện như Vĩnh Long và Khánh Hòa. Còn các cơ quan ở Trung ương, số người thực hiện quả là quá... khiêm tốn.

Hai sự việc trên rõ ràng tổn hại rất lớn đến ngân sách nhà nước, góp phần làm kiệt quệ nền kinh tế mà lẽ ra không phải gánh chịu. Nhưng có lẽ chỉ những người có trách nhiệm trong hệ thống quản lý biết là phản ứng. Bởi vậy, chưa tạo nên được hiệu ứng xã hội.

Cần làm sao để ở đâu người ta cũng bàn luận, không đồng tình hai sự việc trên. Chỉ khi ấy, mới không thể có chủ trương: rút kinh nghiệm.

Mới hay hiệu ứng xã hội là vô cùng cần thiết. Cần tạo ra điều này bằng hệ thống truyền thông tự sự nhận thức sâu sắc về ích lợi của tất cả cộng đồng. Có như vậy, mới góp phần tốt cho công cuộc thúc đẩy xã hội phát triển

Nguyễn Đình San
.
.