Hiểu và có thái độ đúng đối với trẻ em tài năng

Thứ Sáu, 27/01/2012, 16:25

Rải rác trong những năm qua và gần đây, càng ngày chúng ta càng được nghe nhiều câu chuyện về những em bé bộc lộ khả năng khác thường ở độ tuổi còn rất nhỏ, trong đó có nhiều em biết đọc thông thạo từ lúc một vài tuổi, có em biết làm những phép tính nhẩm hết sức phức tạp...

Đặc biệt chúng ta bắt đầu được đón nhận các tài năng văn học còn rất trẻ như Đặng Chân Nhân làm thơ từ khi lên 8 tuổi, Ngô Gia Thiên An "nói" thơ từ khi em chưa biết đọc, biết viết. Năm 2011, riêng trong lĩnh vực văn học của Việt Nam còn nổi lên một loạt các tên tuổi khác nữa như Đan Thi, Nguyễn Hoàng Trâm Anh, và đặc biệt là Nguyễn Bình 10 tuổi đã viết tiểu thuyết.

Những em bé này có thật sự tài không? Nếu chúng ta bỏ công đọc một chút các bài viết của các nhà khoa học trên thế giới về hiện tượng tài năng xuất hiện sớm ở trẻ dưới 18 tuổi chỉ bằng một thao tác đơn giản là Google, thì câu trả lời là: Đúng, các em thật sự là những tài năng! Không có gì phải nghi ngờ ở đây cả!

Nhân đây tôi cũng muốn chia sẻ với bạn đọc nói chung và cha mẹ có con tài nói riêng rằng tài năng là một hiện tượng, vì vậy nó là đối tượng của nghiên cứu, đặc biệt là của khoa học giáo dục và tâm lý. Chúng ta nên hình thành thói quen tham vấn chuyên gia trong lĩnh vực mà ta không biết để có ứng xử đúng đắn, trong đó có vấn đề nhận thức và hỗ trợ tài năng.

Theo các nhà khoa học thì nếu trẻ có một số trong số các dấu hiệu sau đây thì có thể kết luận các em có năng lực thiên bẩm và cần được quan tâm hết sức nghiêm túc:

Vài năm đầu:

- Có thể tính nhẩm rất nhanh những phép toán phức tạp.

- Biết nói và đọc rất sớm.

- Có khả năng tập trung chú ý trong một thời gian dài.

- Có khả năng tư duy trừu tượng.

- Đặt rất nhiều câu hỏi.

Giai đoạn lớn hơn:

- Tư duy trừu tượng, nghĩa là trẻ có thể làm toán cao cấp, có khả năng đặc biệt về ngôn ngữ.

- Có thể nói về những vấn đề rất phức tạp như đạo đức, đạo lý, tôn giáo.

- Có khả năng truyền đạt ý nghĩa hoặc cảm xúc thông qua ngôn từ, hành động, biểu tượng.

- Có khả năng tập trung và thích thú một việc trong một thời gian dài.

- Có vốn từ vựng phong phú, hiểu và sử dụng được các từ ngữ mà trẻ đồng lứa chưa hiểu và sử dụng được.

- Có khả năng trực giác mạnh và sự liên tưởng giữa những lĩnh vực khác nhau rất xa.

- Có khả năng nắm bắt và hiểu sâu một lĩnh vực phức tạp một cách nhanh chóng và dễ dàng.

- Có mối quan tâm và say mê tới những chủ đề khác thường.

- Thể hiện sự gia tăng trong các mối quan tâm tới thế giới xung quanh. 

- Có nhiều thông tin về nhiều thứ.

- Luôn muốn biết tại sao hay làm thế nào mà một cái gì đó lại như vậy.

- Đặc biệt thất vọng trước sự bất công.

- Quan tâm và lo lắng về các vấn đề chính trị và xã hội.

- Thường đưa ra được lý do xác đáng hơn cha mẹ cho một điều không làm hay muốn được làm.

- Từ chối đánh vần, tập viết, làm toán thông thường, học chữ cái bằng thẻ, hay tập viết.

- Thích chơi trò ghép và giải quyết khó khăn.

- Nói nhiều.

- Thích các ẩn dụ và các ý tưởng trừu tượng.

Nhiều nhà khoa học đã đưa ra danh sách các dấu hiệu khác nhau để giúp nhận ra tài năng của trẻ trong một số lĩnh vực khác nhau về khoa học, nghệ thuật, thậm chí cả lãnh đạo, kinh doanh... Như vậy, vấn đề tài năng bộc lộ sớm ở trẻ cần được nhìn nhận rất toàn diện và đa dạng. Các bạn có thể tham khảo các trang web của các nhà khoa học trong lĩnh vực giáo dục, các trung tâm hỗ trợ trẻ em tài năng, các viện nghiên cứu giáo dục Mỹ, Australia, Anh..., các trang hướng dẫn làm cha mẹ, trong đó có phần dành cho cha mẹ có con tài năng, ví dụ như các trang này: austega.com/gifted/characteristics.htm, www.abcontario.ca/support/understanding-giftedness/signs-of-giftedness,www.stephanietolan.com

Riêng đối với trẻ em viết văn, làm thơ, nhiều nhà giáo dục đồng ý rằng trẻ làm thơ, viết văn không phải chỉ để vui; trẻ em là những nhà thơ tuyệt vời nhất bởi vì các em có trí tưởng tượng mạnh mẽ nhất.

Nếu nhìn theo góc độ tâm linh thì các nhà tâm linh lý giải sự phát triển của các em là sự tiếp nối của việc học tập và tiến hóa tinh thần của chính các em trong các kiếp trước, khi các em cơ bản còn lưu giữ ý thức vũ trụ và chưa tiếp nhận những ảnh hưởng của môi trường xã hội.

Thiên tài được lý giải theo cách này trong cuốn sách nổi tiếng "Sự sống sau cái chết" của bác sĩ, tiến sĩ y học, nhà triết học và tâm linh Mỹ gốc Ấn Độ hàng đầu thế giới Deepak Chopra. Cuốn sách đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản ở Việt Nam. Có vẻ chỉ tiếp cận theo cách này mới lý giải được tại sao thiên tài bộc lộ rất sớm và không cần có kinh nghiệm (theo cách hiểu thông thường về từ này).

Rõ ràng tài năng đi theo con đường khác thường, trái quy luật, nên đi theo cách thông thường để nhận thức, hiểu và công nhận tài năng không phải là cách đúng đắn, hay nói thẳng ra là nó còn có nguy cơ gây tổn thương và cản trở nghiêm trọng sự phát triển của tài năng ở trẻ em.

Stephanie S. Tolan, nhà nghiên cứu giáo dục Mỹ, người đã cống hiến nhiều thời gian để nghiên cứu và viết về trẻ em tài năng và làm cha mẹ của trẻ em tài năng như thế nào, nói rằng khi phát hiện con mình có dấu hiệu tài năng, cha mẹ trẻ thường vừa có cảm giác tự hào, phấn khích, vừa sợ. Vấn đề quan trọng, theo bà, là tìm các chuyên gia, sách vở, đọc để tìm hiểu xem cần nuôi dưỡng một tài năng như thế nào để duy trì và phát triển nó. Dưới đây là tóm tắt những luận điểm chính của một nghiên cứu của bà xuất bản nhiều năm trước được thực hiện với tài trợ của Cơ quan Nghiên cứu và Cải tiến Giáo dục, Bộ Giáo dục, Hoa Kỳ.

Vấn đề lớn nhất là sự khác biệt của trẻ tài năng. Để hiểu những đứa trẻ tài năng, điều quan trọng là cần nhận thức rằng ngoài những nhu cầu như những đưa trẻ khác, chúng có thêm những nhu cầu rất khác. Cha mẹ phải nhận ra những nhu cầu này, không được bỏ qua vì điều đó sẽ gây ra tổn thất nghiêm trọng đối với trẻ, làm trẻ bị ảnh hưởng cả về trí tuệ và cảm xúc. Có thể sử dụng ẩn dụ về kính hiển vi để hiểu và chấp nhận tài năng ở trẻ: Nếu mọi người nhìn thế giới qua các ống kính (máy ảnh) với một vài ống kính còn bị mờ, hỏng, khiến một số chi tiết bị sai lệch hay bị phóng đại, thì chúng ta có thể nói rằng trẻ em tài năng nhìn thế giới qua ống kính hiển vi, còn trẻ cực kỳ tài năng nhìn thế giới qua kính hiển vi điện tử.

Trẻ em tài năng nhìn cuộc sống theo rất nhiều cách và thấy những điều mà những người khác không thể nhìn thấy.  Có những lợi thế và bất lợi đối với các em bộc lộ tài năng sớm.

Trẻ sẽ dần dần nhận ra các em khác với những đứa khác và bố mẹ cần chuẩn bị cho chúng cách mà chúng sẽ phản ứng với bên ngoài. Khi tài năng của trẻ được xác định, cha mẹ cần thảo luận cởi mở với con, chẳng hạn bằng cách sử dụng ẩn dụ về chiếc kính hiển vi. Không cần phải giấu trẻ mà cần thảo luận cởi mở. Hãy hướng dẫn cho trẻ rằng điều quan trọng không phải là để được công nhận hay cạnh tranh, mà là làm gì với những khả năng đặc biệt mình có.

Nuôi nấng một đứa trẻ có tài đầu tiên có nghĩa là chú trọng vào những nhu cầu của nó và có sự thống nhất làm thế nào để đáp ứng những nhu cầu này. Vậy một đứa trẻ tài  năng có nhu cầu gì? Những đứa đặc biệt tài năng có hai nhu cầu cơ bản:

1) Chúng cần cảm thấy thoải mái với bản thân chúng với những khác biệt của chúng, điều sẽ mở ra nhiều thứ tiềm tàng và tạo ra khó khăn

2) Chúng cần phát triển tiềm năng đáng kinh ngạc của chúng. Có một định hướng mạnh mẽ bên trong dẫn dắt sự phát triển của những khả năng này. Cha mẹ nên nhớ rằng mục tiêu lâu dài trong cuộc đời không phải là giành sự may mắn, hay giải thưởng Nobel, mà là trở thành một người thoải mái với những khả năng của mình và biết sử dụng những khả năng đặc biệt một cách hiệu quả.

Những năm thơ ấu, cha mẹ nên coi những nhu cầu khác thường của trẻ là bình thường. Ví dụ trẻ 2 tuổi muốn chơi đồ chơi của trẻ 6 tuổi thì cần tạo điều kiện cho chúng. Trẻ biết nói sớm và có nhu cầu nói cần được cha mẹ dành thời gian để nói chuyện với con.

Những người ngoài thường thích những đứa trẻ có tài trình diễn khả năng đặc biệt của chúng và gọi đó là "hiện tượng". Điều đáng lưu ý đối với cha mẹ là càng chấp nhận sự khác biệt của con như những điều bình thường sớm bao nhiêu thì trẻ sẽ càng sớm có khả năng coi những điều khác biệt chúng làm là bình thường bấy nhiêu. Sau này, nếu những khả năng đặc biệt không còn thì đứa trẻ sẽ không cảm thấy rằng cái làm cho chúng có giá trị đã bị mất.

Trẻ tài năng thường gặp khó khăn trong trường học, Stephanie S. Tolan nhấn mạnh. Nếu ở nhà một đứa trẻ 1 tuổi nói như đứa 5 tuổi thì cha mẹ sẽ không hạn chế, bảo rằng chỉ được dùng mấy từ cho tuổi lên 1 thôi, nhưng trường học là vậy. Phần lớn các giáo viên không biết ứng xử thế nào với tài năng nếu không nói là không nhận thức được, bất chấp hay bỏ qua. Giáo viên không được hướng dẫn cần làm gì khi trong học sinh có trẻ tài năng khác biệt, và các kiểu tài năng đó là gì.

Đặng Chân Nhân.

Bị ép phải học một chương trình thiết kế cho trẻ thông thường, những đứa trẻ tài năng thậm chí có vẻ còn không có gì nổi trội hơn các học sinh khác, thậm chí tài năng của nhiều em bị coi thường và nghi ngờ. Nhiều em viết chữ rất xấu. Có em đọc còn chậm hơn trẻ khác vì cách tư duy và đọc tổng hợp, chứ không đọc từng từ như trẻ em khác. Nhiều em còn gặp khó khăn trong việc nhớ chi tiết - một yêu cầu được đặt ra đối với mọi học sinh bình thường. Rõ ràng, đối với tài năng, phải có những phương pháp giảng dạy đặc biệt. Tóm lại, khó khăn đối với trẻ tài năng ở trường học đơn giản là: KHÔNG PHÙ HỢP VỚI KHUÔN SẴN CÓ.

Trường học áp dụng phương pháp dạy theo lứa tuổi, còn trẻ tài năng vượt lứa tuổi, hay có tư duy vượt rất xa so với lứa tuổi. (Nhân đây, xin phép rẽ ngang sang trường hợp của Đặng Chân Nhân như một ví dụ điển hình: Rất nhiều bài thơ, câu thơ của em thể hiện suy nghĩ và nhận thức của những người thậm chí ở tuổi "xưa nay hiếm" như về ý nghĩa của cuộc sống, sự tồn tại của con người, có Chúa hay không... Ngô Gia Thiên An cũng nói đến tự do tinh thần, điều đến người lớn cũng còn mơ hồ).

Như vậy, đối xử với tài năng đúng đắn đòi hỏi cha mẹ phải chủ động tìm hiểu để giúp con bù đắp được những điều trường học không mang lại. Đây rõ ràng là điều cực khó đối với các cha mẹ có con tài năng. Không có trường học riêng cho trẻ tài năng đặc biệt, tuy nhiên, khi việc đi học dẫn tới những vấn đề không thoải mái cho trẻ, cha mẹ rõ ràng là chỗ dựa duy nhất cho chúng và gia đình cần trở thành nơi học tập chính của chúng, mà theo Stephanies. Tolan, điều then chốt là giúp các em duy trì được sự tự tin, điều dễ bị mất đi trong môi trường trường học.

Về khía cạnh xã hội, trẻ tài năng thường gặp khó khăn trong việc thiết lập quan hệ bè bạn với người cùng lứa tuổi khi không có những trẻ tài như chúng để tương tác. Do đó, điều cha mẹ cần làm là giải thích cho chúng rằng có nhiều kiểu bạn khác nhau, mỗi bạn có thể chia sẻ một sở thích nào đó, có người có thể nhiều tuổi hơn.

Tóm lại, nếu trẻ tài năng, cha mẹ không nên ép chúng, nhưng biết quý trọng, ủng hộ là điều cần thiết. Hãy cho trẻ một ngôi nhà an toàn, một nơi trú ngụ - nơi chúng có thể tìm thấy tình yêu, sự chấp nhận tài năng và sự khác biệt của chúng.

Quay trở lại với hiện tượng các trẻ tài năng xuất hiện trong lĩnh vực văn học Việt Nam mới đây, tôi cho rằng chúng ta nên vui mừng và mở lòng đón nhận tác phẩm của các em vì các em đã tạo ra giá trị cho xã hội. Hãy giảm bớt các câu hỏi không cần thiết rằng liệu cái tài năng này sống bao lâu, hay chẳng mấy hồi nó tắt sớm...

Các em còn rất nhỏ và cuộc sống còn nhiều thay đổi. Nếu lớn lên các em không viết nữa mà chuyển sang cái khác thì cũng nên coi rằng đó là điều rất bình thường, chẳng có gì phải thất vọng. Điều quý giá nhất là ngày hôm nay, ở tuổi này, các em đã góp một tiếng nói có giá trị trong văn học ở giai đoạn này. Và điều quý nhất đối với cha mẹ là ngày hôm nay, con vui với điều con làm

Nguyễn Điệp Hoa
.
.