Hoa hậu kém xinh, nhà báo vô tình

Thứ Hai, 16/06/2014, 18:25

Cuộc thi Hoa hậu Đại Dương 2014 lần thứ 1 - 2014 vừa kết thúc, không để lại quá nhiều dư vị đối với đám đông. Ngoại trừ câu trả lời vô cùng ngây ngô của thí sinh đoạt giải Người đẹp Thời trang Phan Thị Thu Phương về việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Cùng với câu nói rất bất hủ của Hoa hậu Đại Dương 2014 Đặng Thu Thảo: "Tôi không gặp áp lực vì bị chê xấu".

Ngoài cuộc thi này, còn có vụ ầm ĩ khác khi nhạc sĩ Quốc Trung phản ứng đối với cách tác nghiệp của nhiều phóng viên tại đám tang của cố nhạc sĩ tài hoa Thuận Yến.

Hoa hậu kém xinh

Trong đêm chung kết xếp hạng của cuộc thi Hoa hậu Đại Dương 2014 diễn ra tại Phan Thiết (Bình Thuận), thí sinh Phan Thị Thu Phương đến từ Đồng Nai, khi được một thành viên trong Ban giám khảo đặt câu hỏi: "Trước việc xâm phạm chủ quyền Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc với việc đặt giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng biển Việt Nam, em có suy nghĩ thế nào?", thí sinh này đã trả lời rằng: "Khi biết về việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD tại vùng biển Việt Nam mình, em cảm thấy rất là bức xúc, nó xâm phạm về lãnh thổ, về vùng kinh tế của đất nước Việt Nam mình. Em muốn người Trung Quốc hãy mở giàn khoan đó ra, và để cho đất nước Việt Nam của em ngày càng xinh đẹp hơn".

Cụm từ "Em muốn người Trung Quốc hãy mở giàn khoan đó ra", ngay lập tức vấp phải sự phản ứng rất mạnh mẽ của dư luận. Họ cho rằng, việc thí sinh của một cuộc thi nhan sắc với ý nghĩa mà theo lời những người tổ chức là hướng về biển đảo như vậy là không thể chấp nhận được. Bởi sự ngô nghê về nhận thức, sự vô trách nhiệm trong phát ngôn trước một biến động của đất nước.

Thí sinh Phan Thị Thu Phương về sau đã đính chính: "Em cảm thấy rất tiếc vì đã sử dụng những từ ngữ khiến mọi người hiểu lầm. Thực ra, "mở" là một từ địa phương tại Đồng Nai quê em, nó có nghĩa là nói về việc phải tháo bỏ, gỡ ra chứ em hoàn toàn không có ý muốn nói Trung Quốc mở rộng giàn khoan tại vùng biển nước ta.  Em là một công dân Việt Nam và em hiểu tình hình nước ta đang như thế nào, nhưng có thể vì đây là lần đầu tiên đứng trên một sân khấu lớn như vậy, em không tiết chế được lời nói của mình và đã dùng từ ngữ gây khó hiểu. Em mong rằng qua cuộc thi này,  em có được những kinh nghiệm tốt hơn trong tương lai".

Thí sinh Phan Thị Thu Phương trả lời phỏng vấn trong đêm thi chung kết Hoa hậu đại dương.

Tôi không nghĩ động từ "mở" là từ địa phương của Đồng Nai như Phan Thị Thu Phương giải thích, bởi quê gốc của tôi cũng ở Đồng Nai và tôi chưa từng nghe ai bảo "mở" là một từ địa phương. Tuy nhiên, vạ miệng là cái vạ mà tất cả chúng ta đều ít nhiều vấp phải. Dẫu tôi vẫn nghĩ, có những lần vạ miệng không thể nào chấp nhận được.

Quan trọng hơn, việc cứ ra rả về ý nghĩa của cuộc thi rồi lại để xảy ra chuyện tào lao này thuộc về trách nhiệm của Ban tổ chức cuộc thi. Đơn giản, gần như ở tất cả các cuộc thi nhan sắc thí sinh đều được tham khảo đáp án của phần thi ứng xử. Thật khó hiểu, khi thí sinh Phan Thị Thu Phương vẫn có thể đoạt một giải thưởng phụ khi đã gây ra sự cố như vậy. Điều này rất dễ khiến dư luận liên tưởng đến chuyện bán mua giải thưởng, vốn vẫn thường xảy ra ở các cuộc thi nhan sắc tại nước mình.

Chưa hết bất ngờ với khả năng ứng xử của Người đẹp Thời trang Phan Thị Thu Phương, thì tôi lại bất ngờ với bài trả lời phỏng vấn của tân Hoa hậu Đại Dương Đặng Thu Thảo.

Trả lời câu hỏi về cảm giác của cô khi bị phản ứng nhan sắc của cô không xứng đoạt ngôi vị Hoa hậu, Đặng Thu Thảo cho biết: "Ngọc có thể được trau chuốt lại. Tôi nghĩ mình sẽ có một khoảng thời gian để được trau chuốt, mài giũa. Không có người phụ nữ nào không đẹp, chỉ là người đó có biết tôn cái đẹp của mình lên hay không. Vẻ đẹp thật sự nằm trong tâm hồn. Tôi còn muốn mình đẹp qua các hoạt động từ thiện và xã hội sắp tới nữa chứ không chỉ đẹp về vẻ ngoài.

Đọc các bài báo sau đêm đăng quang tôi thấy có quá nhiều ý kiến trái chiều, có những lời khen nhưng cũng có nhiều lời chê. Bị chê, ban đầu tôi cũng hụt hẫng, nhưng rồi thấy vui. Tôi không sợ áp lực từ dư luận. Tôi nghĩ dư luận sẽ làm tôi trưởng thành hơn, giúp tôi đứng vững hơn trong cuộc sống".

Chuyện bình thường nhất mà ai cũng phải biết, đó chính là phải xinh đẹp mới có thể trở thành hoa hậu trong một cuộc thi nhan sắc. Ai đời lại bảo, "Tôi không sợ áp lực dư luận khi bị chê xấu". Ơ, Hoa hậu bị chê xấu mà không chịu áp lực thì biết phải bình luận như thế nào đây (?!). Nếu cần một phụ nữ có vẻ đẹp tâm hồn lấn át vẻ đẹp hình thể thì chắc chắn khi đó người ta sẽ tổ chức một cuộc thi khác, chứ không phải là cuộc thi hoa hậu.

Mà cũng không nên bất chấp dư luận quá sớm, tân Hoa hậu Đặng Thu Thảo ạ. Cái gương Hoa hậu Các Dân tộc Việt Nam 2011 Triệu Thị Hà, bị áp lực từ nhà tổ chức đến độ cương quyết xin trả lại vương miện Hoa hậu vẫn còn sờ sờ ra đó. Ít khi nói trước được điều gì từ một vương miện hoa hậu. Tôi có thể kể cho Đặng Thu Thảo nghe hàng chục câu chuyện thuộc dạng "bạch diện hắc tâm" liên quan đến ngôi vị mà Đặng Thu Thảo vừa mới sở hữu. Nhưng thôi, quan điểm của mỗi cá nhân khác nhau.

Hoa hậu Đại Dương 2014 Đặng Thu Thảo.

Tôi chỉ nghĩ, việc cố gán ghép một ý nghĩa quá lớn lao về biển đảo, về chủ quyền… trong một cuộc thi nhan sắc còn rất nhiều vụng về, thuần túy là một trò ăn chơi nhảy múa, thì hoặc trước hoặc sau sẽ để lại sự phản cảm như cái cách mà thí sinh Phan Thị Thu Phương hay kiểu trả lời quái đản của Hoa hậu Đặng Thu Thảo là điều trước sau sẽ diễn ra. Sự lố bịch mãi mãi không thể nào được che đậy dưới lớp áo đạo đức.

Phóng viên vô tình

Sau đám tang của cố nhạc sĩ tài danh Thuận Yến, nhạc sĩ Quốc Trung có viết trên Facebook cá nhân: "Tôi rất đồng cảm với sự nhiệt tình, hăm hở, muốn dấn thân cho sự nghiệp của các bạn phóng viên trẻ nhưng các bạn cần phải hiểu và đặt những điều đó vào đúng chỗ. Hơn hết phải biết hướng tới những đề tài văn hóa và nhân văn. Nếu bạn có điều đó thì sẽ không bao giờ thiếu những đề tài cho các bạn. Lễ tang là một sự kiện buồn và của riêng mỗi gia đình. Việc họ thực hiện nó như thế nào, ứng xử và chia sẻ với nhau như thế nào là việc riêng của họ và chỉ có họ mới được quyền phán xét.

Không có quy định hay bất cứ ai có quyền bắt họ làm những điều mà họ không muốn. Nó cũng không thể hiện nhân cách của họ và chỉ có những kẻ phá hỏng sự riêng tư của họ mới cần xem lại nhân cách của mình. Đừng để sự nhiệt huyết thiếu tỉnh táo thiếu trí thức biến mình thành những con rối và lãng phí tuổi trẻ đẹp đẽ của các bạn. Hãy để chúng tôi tin tưởng và tôn trọng các bạn để được các bạn tôn trọng".

Trước đó, anh có một đoạn viết khác cũng liên quan đến sự bức xúc này: "Một ngày buồn. Tiễn đưa nhạc sĩ Thuận Yến, buồn hơn với các phóng viên trẻ trong đám tang. Chúng chạy rầm rập, không coi ai ra gì, chen lấn, xấn xổ, xăm xoi... Đám tang cho dù là của gia đình nghệ sĩ nổi tiếng thì cũng không phải sự kiện. Ai là người giao nhiệm vụ cho các em và tệ hơn là đăng những bài báo về gia đình khi mà họ còn đang rất đau buồn... đến chết các em ý cũng không tha nhỉ".

Tôi có trao đổi với những bạn hữu tham dự đám tang của nhạc sĩ Thuận Yến, bạn hữu của tôi cho biết, họ không thể ngờ phóng viên lại chọn cách tác nghiệp theo kiểu làm náo loạn không khí trang nghiêm của đám tang. Phóng viên nhào cả lên vị trí đặt linh cữu của nhạc sĩ Thuận Yến để chĩa máy chụp ảnh ghi hình, chen lấn với thân hữu của nhạc sĩ Thuận Yến đến chia buồn để chụp ảnh... Những hành động rất không nên trong một bối cảnh tiếc thương, đau buồn khi từ giã một con người đáng kính.

Hình ảnh của các phóng viên tác nghiệp tại đám tang của cố nhạc sĩ Thuận Yến.

Thật ra, vấn đề mà nhạc sĩ Quốc Trung đề cập đến, ngay trong giới nhà báo những hành vi phản cảm như vậy cũng luôn bị lên án. Có điều, nhiều đồng nghiệp trẻ thường hay nhiệt tình thái quá trong một số vụ việc mà tôi tạm gọi là nhạy cảm.

Để đáp ứng thị hiếu thích nghe ngóng sự tò mò của một bộ phận độc giả, nhiều tòa soạn báo từ báo in cho đến báo điện tử, chủ động thúc phóng viên chuyển tải những thông tin phía sau một sự mất mát nếu người nằm xuống là một cá nhân nổi tiếng hay là một nạn nhân của vụ trọng án nào đó. Chính từ đây, ngày càng có nhiều phóng viên xuất hiện một cách rất oai hùng tại các đám tang.

Trách phóng viên trong các vụ việc như thế này, cũng tội nghiệp cho hoÅ. Bởi, một phóng viên chuyên nghiệp là không nề hà hay nại lý do nào đó khi được ban biên tập cắt cử theo đuổi sự kiện. Nhất là đối với những phóng viên trẻ, những người luôn có nhu cầu chứng minh năng lực bản thân đối với Ban biên tập.

Tôi không có ý định dạy dỗ ai, bởi mỗi phóng viên là một cá tính. Tôi chỉ kể câu chuyện của riêng mình.

Mấy năm trước, tôi có thực hiện bài viết có nội dung phía sau vụ án, kể chuyện cô gái từ chối tình cảm của một kẻ cuồng tình. Cô đã bị kẻ biến thái ấy sát hại nhân danh thứ tình yêu vô tri của gã. Cô là con gái duy nhất của một vị giáo sư nổi danh của Việt Nam. Sau khi thực hiện bài viết ấy, xin phép giáo sư ra về, giáo sư còn đề nghị tôi có thể thắp cho cô gái một nén nhang vì "Tôi cảm nhận được cái tình của cậu dành cho con gái tôi". Sau khi báo in bài viết, vị giáo sư vẫn thường giữ liên lạc với tôi. Ngày giỗ đầu của con gái, vị giáo sư vẫn nhớ gửi mail gọi tôi đến nhà để hàn huyên về những kỷ niệm nhằm xoa dịu những buồn thương.

Không chỉ có lần ấy, mà tôi còn thực hiện nhiều bài viết phía sau vụ án khác. Tôi đoán chắc, không phóng viên nào muốn tác nghiệp tại đám tang cả. Có điều, đã làm báo thì không thể để thông tin trôi qua. Có điều, cách tác nghiệp như thế nào thì phải hết sức cẩn trọng.

Cách đây vài hôm, trong diễn đàn dành cho nhà báo trẻ trên Facebook, cũng có bài do một phóng viên trẻ viết với nội dung phản ứng cách tác nghiệp của đồng nghiệp lớn tuổi tại đám tang của cháu bé không may bị cửa đè đến tử vong khi đi tham quan trường tiểu học mà cháu sắp nhập học ở quận Thủ Đức, TP HCM.

Sau bài viết này, đồng nghiệp lớn tuổi đã có bài viết phản hồi lại, cho rằng anh tác nghiệp rất lịch sự và công bố nhiều hình ảnh nhằm minh chứng "Chính đồng nghiệp trẻ cũng chĩa điện thoại đặt chế độ ghi âm để ghi lại lời kể của mẹ cháu bé ngay trong đám tang". Đúng kiểu, "khỉ mới trả lời cả họ mày thơm".

Nhà báo, như tôi quan sát. Một nhà báo thì tác nghiệp rất lịch sự. Hai nhà báo thì tác nghiệp hơi rộn ràng. Hơn ba nhà báo cùng tác nghiệp thì bất cứ chỗ nào cũng thành… một cái chợ. Ngoại trừ một vài hội nghị có sự tham gia của yếu nhân, khi mà công tác an ninh luôn là ưu tiên hàng đầu.

Không thể kêu gọi các Ban biên tập của nhiều tờ báo dừng đưa tin về sự kiện thời sự (mà chắc chắn, sự ra đi của một nhạc sĩ nổi tiếng như nhạc sĩ Thuận Yến chính là một sự kiện thời sự văn hóa - PV) bởi nhu cầu của một bộ phận bạn đọc. Cũng không thể kêu gọi phóng viên từ chối khi nhận lệnh từ Ban biên tập phân công thực hiện nhiệm vụ ấy.

Chỉ có thể, kêu gọi chính bản thân của mỗi phóng viên khi tác nghiệp mà thôi. Thay vì xem đó là một sự kiện thời sự thì hãy lưu ý đó chính là nỗi tang thương mà rất nhiều người thân của cá nhân nằm xuống đang phải gánh chịu. Một hành động chen lấn, nói năng lớn tiếng, lựa chọn vị trí tác nghiệp không phù hợp… đều để lại những ấn tượng rất không tốt đẹp.

Thay vì là nhập vai nhà báo vô tình, hãy cố hướng mình thành nhà báo chân tình

Ngô Nguyệt Hữu
.
.