Họa sĩ Nguyễn Văn Phúc: Gửi hồn trong những tấm nhôm

Thứ Tư, 01/03/2017, 08:10
Thông thường, khi vẽ tranh thì các họa sĩ chọn giấy, hoặc vải để phô triển tài năng hội họa của mình. Nhưng có một người họa sĩ lại chọn nhôm, thứ chất liệu vốn chỉ dùng sản xuất máy móc thiết bị, để “vẽ” nên những tác phẩm hội họa rất sinh động, có hồn và đẹp lay động lòng người. Ông là hoạ sĩ Nguyễn Văn Phúc hiện sống ở thành phố Cần Thơ.

Những bức tranh trên nền… cơ khí

Gặp người họa sĩ nghệ sĩ gốc đất Phố Hiến, Hà thành, ở đất Tây Đô, người dùng nhôm gò thành tranh, chúng tôi không khỏi kinh ngạc, tò mò xen lẫn thán phục. Đập vào mắt tôi là những bức tranh cỡ lớn với các màu đồng, trắng bạc, cánh gián không lẫn đâu với cách vẽ tranh khác. Việc chọn chất liệu nào là do tư duy của người nghệ sĩ, nhưng chỉ chọn nhôm là chất liệu chính để thể hiện tác phẩm của mình thì cũng không có nhiều.

Có thể nói, cho đến nay, họa sĩ Nguyễn Văn Phúc là một trong số ít người đầu tiên chọn sáng tác hội họa trên chất liệu chủ yếu là nhôm và đang thành công. Trái với những gì kỳ dị trong sáng tác, ngoài đời, họa sĩ Phúc bình dị, cởi mở, dễ mến, dễ gần. “Cứ gọi tôi là lão gò nhôm. Người biến những xó xỉnh cuộc đời thành tranh” –họa  sĩ Nguyễn Văn Phúc vui vẻ bắt chuyện khi chúng tôi tìm hiểu về chuyện sáng tác tranh nhôm của ông.

Hoạ sĩ Nguyễn Văn Phúc suy tư bên bức tranh gò nhôm “Chiều ven đô” của mình.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Văn Phúc về làm ở Viện Khảo cổ ở thủ đô Hà Nội. Năm 1980, ông vào Cần Thơ làm họa sĩ thiết kế mỹ thuật cho VTV tại Cần Thơ, tiếp theo là dạy ở Trường Cao đẳng Cần Thơ cho tới ngày về hưu. Ông hiện là hội viên Hội Mỹ thuật TP.Cần Thơ.

Trong câu chuyện của mình, ông chia sẻ với chúng tôi rằng, do công tác tại rất nhiều nơi, nhiều đơn vị, mỗi một nơi công tác ông đều tạo cho mình một phong cách khác nhau. Con đường sáng tạo nghệ thuật của ông cứ thế miệt mài, cần mẫn như con ong thợ, cho đến khi nghỉ hưu, ông vẫn không ngừng lao động nghệ thuật. Và chính quãng thời gian nghỉ hưu đã dẫn dắt họa sĩ Nguyễn Văn Phúc đến với tranh gò nhôm.

Có thể nói, đây là dòng tranh độc đáo mà ông đang theo đuổi. Họa sĩ Nguyễn Văn Phúc tâm sự: “Tôi đã từng thử qua màu nước, sơn dầu, có cả điêu khắc gỗ... mỗi loại chất liệu đều có tính chất và cách thể hiện riêng. Và với tôi, nhôm là một chất liệu, là một phong cách thể hiện.”

Bằng sự lao động nghệ thuật chăm chỉ, đam mê, tỉ mỉ với óc sáng tạo, một tình yêu quê hương đất nước lớn lao, họa sĩ Nguyễn Văn Phúc đã tạo ra những bức tranh đẹp và có hồn. Trong số đó có thể kể một số bức tranh nhôm gây ấn tượng lớn cho người xem như các bức tranh: “Chiều Ven đô”, “Khúc hát quê hương”, “Đờn ca tài tử”...

Và đặc biệt là với tình yêu Bác Hồ bao la, họa sĩ Nguyễn Văn Phúc đã dành nhiều tâm huyết sáng tác nhiều tranh về vị lãnh tụ kính yêu. Khi nói về Bác Hồ, họa sĩ Nguyễn Văn Phúc luôn dành một tình cảm, tình yêu đặc biệt. Khi chúng tôi được họa sĩ Nguyễn Văn Phúc cho xem những tác phẩm tranh gò nhôm ông lấy cảm hứng sáng tác từ hình tượng Bác Hồ, chúng tôi đã cảm nhận được tình yêu và sự tôn kính mà ông dành cho Bác. Nhiều bức tranh ông sáng tác trên nhôm về Bác thể hiện được cái đẹp, cái hồn của vị lãnh tụ. Trong đó có tác phẩm “Bác Hồ nhường ngựa cho viên phi công Mỹ”.

Họa sĩ Nguyễn Văn Phúc tâm sự, đây là bức tranh ông rất ưng ý. Bởi nó thể hiện tầm tư duy chiến lược của Người, mở đầu cho tình hữu nghị giữa hai nước. Hay bức tranh về nét giản dị, tiết kiệm của Bác khi từ chối thay đôi giày đã rách mũi. Còn rất nhiều những bức tranh khác nói hết lên nét đẹp nhẹ nhàng nhưng đầy quý phái của tranh gò nhôm, trong đó có khá nhiều tranh phong cảnh, tranh sinh hoạt...

Họa sĩ Phúc thổ lộ, ông rất tâm đắc bức tranh “Chiều ven đô”, một bức tranh mà ai cũng thấy đâu đó trong đời sống của mình. “Cách đây, hai chục năm thì đất Cần Thơ này hình ảnh những tà áo dài đợi đò không hề xa lạ nhưng với sự phát triển nhanh chóng thì chỉ còn là dĩ vãng” – hoạ sĩ Phúc nói với vẻ đầy suy tư.

Một bức tranh màu đồng đáng chú ý khác là bức tranh “Đàn ca tài tử”. Họa sĩ Nguyễn Văn Phúc cho biết phải mất 3 tháng trời ông mới thực hiện xong. Bức tranh toát lên vẻ giản dị mà quý phái. Nhìn ngắm và thả hồn vào bức tranh này, chúng tôi như thấy thấp thoáng trong tranh là lời ca tiếng hát bay lên từ trong bức tranh từ vùng đất hiền hòa, đất lành chim đậu miền Tây sông nước. Có lẽ đó là lý do, là cảm hứng  thôi thúc ông sáng tác nên tuyệt phẩm này.

Công phu tranh gò nhôm

Tranh gò nhôm sử dụng rất ít công cụ, màu sắc, chỉ với cách thức đục phía trên, phía dưới sao cho bức tranh ra lập thể, độ chìm nổi khác nhau. Nhìn bức tranh giản dị là thế, ai cũng tưởng làm tranh nhôm dễ, nhưng thật ra không hề đơn giản. Họa sĩ Nguyễn Văn Phúc tâm sự, nếu không tỉ mỉ tay gõ cho đều thì các mũi gõ xuống to nhỏ khác nhau sẽ làm hỏng bức tranh. Nhiều người đã tốt nghiệp ngành hội hoạ, kiến trúc đến học nghề thử nhưng chỉ vài ngày là lắc đầu ngao ngán.

Hoạ sĩ Phúc kể: “Có một anh cũng đã tốt nghiệp kiến trúc đến tìm học nghề nhưng năm ngày sau thì anh chào thua vì không thể tỉ mỉ nổi cho từng nhát gõ và không đều đặn”.

Còn về màu sắc của tranh gò nhôm cũng là một nghệ thuật, đòi hỏi sự công phu sáng tạo. Theo họa sĩ Phúc, để tạo ra một màu vàng cánh gián thì cần có sự pha trộn giữa màu vàng, đỏ, nâu kết hợp với dầu bóng quét lên như tranh sơn mài. Muốn để ra độ sần sùi cho bức tranh thì sau khi dầu khô để khoảng một tuần lễ đem ra dội nước và lấy cước chùi nồi chà mạnh thì màu sắc chỉ còn đọng ở những lỗ li ti còn bề mặt lại có màu nguyên bản. Ngay đến việc chọn nhôm cũng rất khó. Tuỳ loại nhôm dầy mỏng sẽ cho ra những bức tranh khác nhau và chất lượng khác nhau.

Dòng chảy nghệ thuật trên bức tranh “Khúc hát quê hương”; Bức tranh “Đờn ca tài tử” màu đồng thể hiện tình yêu nghệ thuật, quê hương.

Nhìn nhận, đánh giá về tranh gò nhôm của các họa sĩ, họ đều cho rằng, thể loại tranh gò nhôm của họa sĩ Phúc đạt đến tính thẩm mỹ cao, sự tinh tế không lẫn vào đâu được. Màu sắc của tranh gò nhôm đơn giản, nhưng vẫn tạo được chiều sâu. Nhiều hoạ sĩ cũng rất khâm phục cách sáng tạo trong tranh ông. Trong khi một số họa sĩ tìm cách thể hiện bằng những chất liệu, màu sắc hiện đại thì ông lại tìm đến nét Việt Nam, chất dân tộc trong tranh gò nhôm.

Như là sự tưởng thưởng, đền đáp cho công sức sáng tạo của họa sĩ Nguyễn Văn Phúc, nhiều bức tranh gò nhôm của ông đã đoạt giải cao trong các giải thưởng mỹ thuật. Trong đó có bức “Đờn ca tài tử” đạt giải nhì trong Triển lãm mỹ thuật thành phố Cần Thơ năm 2012. Bức tranh “Chợ nổi Cái Răng” đạt giải khuyến khích năm 2013 nhân kỷ niệm 10 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Ngoài ra còn có các tác phẩm khác như bức tranh “Đất mũi Cà Mau” giải khuyến khích Triển lãm mỹ thuật thành phố Cần Thơ năm 2013, được chọn tham gia Triển lãm mỹ thuật khu vực ĐBSCL...

 Bây giờ mọi người biết đến ông là người đã sáng tạo ra dòng tranh gò nhôm có một không hai ở đất Tây Đô. Tuy đã ngoài 70 nhưng dường như niềm đam mê sáng tác vẫn còn nguyên vẹn. Mỗi ngày ông dành ra mấy tiếng đồng hồ lao động nghệ thuật mặc dù sức khoẻ đã giảm nhiều. Ông tâm sự: “Mỗi người chọn cách thể hiện chất liệu trong tranh của mình nhưng với tôi thì nhôm đã đem đến nhiều cảm xúc nhất”.

Nhưng mấy bức tranh tâm đắc vẫn còn treo đó. Ông không muốn bán đứa con tinh thần nào cả. Ông còn nhắc mãi với chúng tôi là đến nay vẫn còn tiếc vì mới bán cho người mê tranh một sản phẩm với giá 15 triệu đồng. Trong thâm tâm ông chỉ mong muốn là tranh gò nhôm được nhiều người biết đến, đặc biệt là du khách nước ngoài để vừa có thể giới thiệu được nét đặc sắc về đất nước mình, vừa quảng bá rộng rãi loại hình nghệ thuật mới mẻ này.

Gần 40 năm làm nghệ thuật, tìm đến với tranh gò nhôm đã thôi thúc ông hăng say lao động. Những tác phẩm của ông đã được biết đến nhiều trong và ngoài nước, thu hút nhiều người tìm đến tìm hiểu, khám phá. Ngoài công việc sáng tạo nghệ thuật tranh ra thì ông còn chỉ dạy cho nhiều em học sinh để nâng cao trình độ thi vào ngành mỹ thuật, kiến trúc. Thật độc đáo khi những bức tranh gò nhôm được mọi người trân trọng, đến tìm hiểu và giới thiệu với công chúng. Từ những nét bình dị đời thường, những xó xỉnh cuộc sống đã vào trong tranh của “lão gò nhôm”, làm sống lại thêm lần nữa chân dung cuộc sống và ký ức của mỗi người. Ông là một tấm gương về lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ.

Phạm Huy Văn – Đỗ Diệu
.
.