Họa sĩ Phan Kế An: An lòng đi theo lẽ tự nhiên

Thứ Sáu, 26/01/2018, 10:29
Chị Thúy, người con gái thứ hai của họa sĩ Phan Kế An kể lại rằng, ở tuổi 95, bố chị ra đi thanh thản, nhẹ nhàng vì ông đã chuẩn bị cho mình mọi điều trước đó. Ông tâm sự với 3 cô con gái của mình những tháng ngày nằm viện: "Bố nhìn thấy bàn thờ rồi, 95 tuổi, chết cũng là lẽ tự nhiên thôi mà...".

Họa sĩ Phan Kế An sinh năm 1923, tại thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Ông là con trai quan Khâm sai đại thần Phan Kế Toại. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ Phan Kế Toại được cử giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thân mẫu của ông vốn là nữ sinh trường Đồng Khánh. Bà thấm nhuần văn học Pháp và thường kể cho con trai nghe những câu chuyện văn học từ khi còn bé.

Phan Kế An học khóa XVIII (1944-1945) tại Trường Mĩ thuật Đông Dương (École des Beaux - Arts de lIndochine), nay là Trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam - 42 phố Yết Kiêu, Hà Nội. Ông là một trong những hội viên đầu tiên của ngành hội họa - Hội Mĩ thuật Việt Nam ngay từ năm 1957; thực tập sinh về hội họa hoành tráng tại Viện Hàn lâm Mĩ thuật Rê-pin (1960-1962) tại Leningrad (giờ là Saint Petersburg), Liên Xô cũ.

Họa sĩ Phan Kế An được đánh giá là người có tài sáng tác ở nhiều thể loại và sử dụng thành thạo nhiều chất liệu như: sơn mài, sơn dầu, lụa, khắc gỗ... Tranh của ông chứa phong cách hiện thực, tập trung nhiều đề tài gắn bó với lãnh tụ, kháng chiến, sinh hoạt của các dân tộc miền núi, trung du bằng cảm xúc chân thực và sâu lắng.

Họa sĩ Phan Kế An (trái) và bức tự họa.

Tác phẩm của Phan Kế An luôn được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, ông đã được tặng nhiều giải thưởng danh giá. Năm 2001 họa sĩ Phan Kế An vinh dự được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I.

Có một câu chuyện về bức tranh "Nhớ một chiều Tây Bắc" được vẽ vào mùa đông năm 1950, khi đó ông đi kháng chiến với tư cách là đặc phái viên của Báo Sự thật. Bức tranh vẽ cảnh núi non hùng vĩ, nguyên sơ, ánh nắng chiều vương sóng sánh bước chân những anh bộ đội nhấp nhô trong núi rừng trùng điệp, trên đầu, những cuộn mây cuộn tròn như những tảng bông trắng xóa ôm lấy dãy núi hùng vĩ...

Bức tranh này được đánh giá cao vì những cống hiến của Phan Kế An trong việc sáng tạo gam màu, trong việc tìm ra được màu xám xanh và màu xanh chàm nổi tiếng trong sơn mài, điều mà những người đi trước ông đã tìm mà chưa thấy. Màu sắc và hình khối của bức tranh đẹp đến mức, xem tranh ông, họa sỹ và là nhà thơ Đoàn Việt Bắc đã rung động sáng tác bài thơ "Thả chiều vào tranh".

Sau đó, nhạc sĩ quân đội Vũ Thanh đã phổ thơ, thành ca khúc "Nhớ một chiều Tây Bắc" lay động lòng người: "Chiều Tây Bắc trong veo ngà ngọc/ Trời như cầm được ở lòng tay/ Người vẽ tranh trầm tư dáng núi/ Tuổi thanh xuân là tiếng đàn vọng lại/ ...Chiều Tây Bắc trong veo ngà ngọc/ Trời như cầm được ở lòng tay/ Người lính già trầm tư nỗi nhớ/ Anh thả chiều vào tranh...".

Có hai mảng đề tài nổi bật xuyên suốt trong cuộc đời hội họa của họa sĩ Phan Kế An, đó là những bức tranh biếm với bút danh Phan Kích. Nhiều giai thoại về biếm họa của ông đã được lưu truyền, đó là trong kháng chiến, quân và dân giành nhau xem biếm họa của Phan Kích. Ở vùng giáp ranh và vùng địch hậu, có nơi người ta còn phóng to biếm họa của Phan Kích lên mặt tường. Có lần giặc Pháp cho giật mìn, nổ tung cả bức tường có tranh của ông.

Họa sĩ Phan Kế An ký họa Bác Hồ.

Đề tài thứ hai nổi bật và ông tự nhận là đề tài xuyên suốt của đời họa sĩ đó là những bức ký họa về Bác Hồ. Họa sĩ Phan Kế An là người may mắn trở thành họa sĩ đầu tiên được thực hiện những bức ký họa về bác Hồ trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1948, đó là thời điểm ông được đồng chí Trường Chinh giao nhiệm vụ vẽ Bác.

Họa sĩ Phan Kế An đã từng kể lại rằng, giây phút đầu tiên được gặp Bác, ông vì được vẽ, được gặp người mà mình luôn ngưỡng mộ, nhưng lại vừa căng thẳng bởi trọng trách quá nặng nề.

Rồi mọi lo lắng đều tan biến khi họa sĩ trẻ Phan Kế An được Bác đón tiếp ngay khi vừa đến, được Bác bắt tay, thăm hỏi sức khỏe và thậm chí là được ăn cơm cùng Bác. Đợt đi công tác đó, họa sĩ Phan Kế An đã thực hiện được hơn 20 bức tranh về Bác và Báo Sự thật số tháng 12-1948 đã được in với số lượng lớn đủ để phát hành khắp các chiến khu.

Bức ký họa chân dung Bác đã được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước đón đợi và lưu giữ. Sau này, họa sĩ Phan Kế An đã quyết định trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh những bức ký họa, bản khắc gỗ của ông về Bác. Ông cũng luôn tâm niệm rằng, đó là những tháng ngày không quên và hạnh phúc nhất của cuộc đời làm hội họa của ông.

Chị Phan Thúy, con gái ông kể rằng, trong ký ức của gia đình, đó là những tháng ngày miệt mài bên giá vẽ của bố. Dường như số phận ông sinh ra là để làm hội họa nên niềm đam mê ấy đến tận cùng. Kể cả những năm tuổi cao sức yếu, hầu hết thời gian ông dành bên xưởng vẽ. Ấy vậy mà cuộc sống gia đình không phải là giàu sang khá giả, vì ông là người chân chất hiền lành, lại sống rất tự trọng. Chỉ có niềm đam mê vẽ tranh là không bao giờ vơi cạn.

Triền miên trong ký ức của các chị em gái là cái nghèo khó vất vả của cha mẹ để nuôi dạy các con khôn lớn. Có lẽ chính vì thế, không ai trong số 3 người con cụ Phan Kế An theo nghiệp vẽ của bố vì nghĩ rằng, làm họa sĩ nghèo quá, vất vả quá, dù họ yêu thương và tôn trọng công việc của bố mình.

Họa sĩ Phan Kế An cũng là người đã gieo vào lòng các con những bài học về tôn sư trọng đạo. Khi đã làm thầy, ông vẫn luôn không bao giờ quên công ơn dạy dỗ của 3 người thầy mà ông rất đỗi kính trọng. Dù chuyển nhà nhiều nơi, song trong phòng của ông lúc nào cũng có 3 tấm ảnh cỡ lớn, lồng trong khung kính đặt ở vị trí trang trọng nhất trong gia đình.

Đó là ảnh ông chụp với người thầy học, khi còn ở bậc tiểu học, cụ giáo Phùng Xuân Chường (cụ qua đời năm 2006). Một tấm ông chụp bên danh họa Tô Ngọc Vân, người thầy đã dìu dắt ông theo con đường hội họa và một bức ảnh ông dứng bên thầy giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhà thơ Vân Long, một người bạn thân thiết của họa sĩ Phan Kế An, thì khẳng định rằng, Phan Kế An là một người lãng tử và khá nhiều bạn bè, đặc biệt bạn trong giới nhà văn. Ông kể lại cho nhà thơ Vân Long nghe câu chuyện về cuộc triển lãm tranh toàn quốc ở Nhà hát Lớn năm 1946. Khi triển lãm vừa kết thúc, các họa sĩ là những người cuối cùng đi duyệt lại phòng tranh, đặc biệt chú ý xem có tờ danh thiếp nào gài bên bức tranh tác phẩm của mình không.

Bức tranh "Đường lên Tây Bắc" của họa sĩ Phan Kế An.

Nếu có, đó là một tín hiệu vui: một vị khách đã chấm bức tranh này, và tất nhiên đã đồng ý mua bức tranh theo giá tiền đề bên. Họa sĩ Phan Kế An đã thấy một danh thiếp như vậy in tên nhà văn Nguyên Hồng, gài bên tranh của mình, có ghi thêm mấy chữ “Tôi rất thích bức tranh này! Muốn được gặp họa sĩ”.

Ông nửa vui nửa buồn vì đó là bức ông đề giá cao với mục đích muốn giữ nó lại một thời gian... Tuy vậy, ông còn một niềm vui nhỏ: sẽ được gặp nhà văn Nguyên Hồng mà ông vẫn hâm mộ, sách của ông bày bán hàng chục cuốn trên các quầy sách, những “Bỉ vỏ", "Những ngày thơ ấu", "Bảy Hựu". Nhưng ông từng nghe nhà văn Nguyên Hồng nghèo, làm sao lại có tiền mua tranh?

Hôm sau, Phan Kế An đến trụ sở Hội Văn hóa cứu quốc tìm gặp nhà văn Nguyên Hồng. Vừa gặp, họa sĩ Phan Kế An đã ngờ ngợ như gặp Nguyên Hồng ở đâu rồi! Một lúc sau thì nhớ ra mình từng có thời thơ ấu được học cùng lớp với Nguyên Hồng ở trường dòng Nam Định, lớp élémentaire (lớp cuối tiểu học).

Trường dòng Nam Định nổi tiếng dạy toán giỏi, nên khi cụ Phan Kế Toại được điều về Nam Định, đã đưa Phan Kế An đến học lớp enfantin (gọi là lớp đồng ấu). Nguyên Hồng ngày ấy lớn tuổi hơn Phan Kế An, đặc biệt Nguyên Hồng nổi tiếng vì 3 năm học liền bị “đúp” lớp, nghĩa là 3 lớp enfantin, préparatoire, élémentaire. Phan Kế An học 3 năm thì Nguyên Hồng phải học 6 năm.

Vì vậy năm cuối học cùng lớp élémentaire, Phan Kế An mới lên 8 tuổi thì Nguyên Hồng đã 13 tuổi. Điều dễ nhớ nhất là lúc ra sân bóng, Nguyên Hồng hơn tuổi, lại cao lêu đêu, nên hễ tranh bóng đụng phải là cậu bé Phan Kế An ngã bắn ra xa. Nên cứ thấy Nguyên Hồng đến gần là... nhường bóng.

Khi hai người gặp nhau, Phan Kế An phải hỏi lại cho chắc, xem có đúng anh Hồng cao kều ngày xưa học 6 năm 3 lớp không. Nguyên Hồng đã quên hẳn, khi Phan Kế An phải nhắc lại từng kỷ niệm thì Nguyên Hồng mới nhớ ra. Sau này, hai người đã trở thành những người nổi tiếng trong giới. Dĩ nhiên, sau này Phan Kế An mới biết, Nguyên Hồng chỉ muốn gặp mặt, làm quen với họa sĩ nên gài tấm danh thiếp đó thôi.

Chị Phan Thúy bảo có một điều tiếc rằng, dù ông có 95 năm trên cuộc đời và gần như trong suốt thời gian ấy, ông dành thời gian cho hội họa, song chưa một lần nào ông vẽ vợ con, dù vợ ông, bà Khánh, là một người phụ nữ xinh đẹp và hiền lành. Bà yêu thương chồng hết mực. Thời bà còn sống, mỗi bữa ăn bà xay nghiền cơm và thức ăn sao cho không thiếu vitamin trong bữa ăn để ông ăn uống, bồi bổ sức khỏe. Bà mất năm 2013 và kể từ ngày ấy, tâm trạng của ông cũng thường buồn nhớ bà và sức khỏe giảm sút, dù trí óc của ông hoàn toàn minh mẫn. Ông sống cùng người con gái út, chị Thảo, một người con gái "cưng" sinh năm 1976, khi ông đã ngoài 50 và bà đã ngoài 40 tuổi.

Ngày ông ra đi, bên cạnh có đủ đầy con, cháu, chắt. Trước khi ông mất ông vẫn tỉnh táo, thanh thản vì trước đó, như một điềm báo, ông đã được các con đưa đi về quê thăm nom mồ mả các cụ, đến nghĩa trang Mai Dịch để thăm mộ cha mình. Ông cũng đã đến thắp hương cho mẹ chị như một lời chào tiễn biệt, để rồi hội ngộ ở bên kia thế giới cho trọn vẹn chữ tình đầy vơi.

Như một bài thơ mà ông đã làm cách đây khá lâu, nhưng rất tâm đắc: "Rúc còi, ga cuối hẳn gần thôi!/ Soát lại hành trang, nhẹ quá trời/ Tranh sơn dăm bức tươi son mới/ Vừa gửi trăm phương trọn với đời/ Còn chăng mấy câu thơ dang dở/ Nhịp vần chưa thỏa, tứ chưa khơi/ Cả đời cầm cọ vì non nước/ Tình riêng một mối những đầy vơi"...

Xuân Phong
.
.