Họa sĩ Trường Sinh: Từ đèo Pha Đin đến “Điện Biên Phủ trên không”

Thứ Hai, 18/12/2017, 10:39
Tới thăm phòng làm việc của họa sĩ Trường Sinh nằm trong một con ngõ nhỏ trên đường Chùa Bộc (Hà Nội), người ta có cảm giác thoát qua những bề bộn, ồn ào của cuộc sống hối hả. Phòng làm việc được bài trí trang nhã, có cửa sổ nhìn ra hàng tre dịu mát.

Sau mấy lần nhấp chén trà ướm giọng, tôi mới rụt rè hỏi: “Thưa bác, tên thật của bác là gì ạ?”. “Tôi tên họ đầy đủ là Trường Sinh”. “Vậy họa sĩ họ Trường ạ? Cháu nghe họ này lạ quá!”.

Vẽ tranh, làm thơ phục vụ chiến dịch

Họa sĩ Trường Sinh cười: “Người khai giấy khai sinh cho tôi, chẳng hiểu do đâu lại đánh thừa một nét trên chữ Trương. Tôi vốn họ Trương mà. Chuyện thừa dấu này, mãi đến khi đi bộ đội rồi mới biết. Thời đó làm lại thủ tục giấy tờ rất khó, đâm ra tôi cứ để nguyên. Đến sau này thì tôi thấy cũng không cần đổi lại. Với con cái, chuyện họ mạc thế nào tôi đều nói rõ. Tôi cho rằng yêu quê hương, yêu họ tộc bằng tấm lòng...”.

Họa sĩ Trường Sinh bên những bức tranh cổ động trưng bày.

Họa sĩ Trường Sinh sinh năm 1934, tại Nga Sơn, Thanh Hóa. Dòng họ Trương của ông là một dòng họ lớn, lâu đời, có công khai khẩn vùng đất này. Cụ thân sinh của họa sĩ Trường Sinh trước cách mạng làm nghề “thầy cãi” (luật sư), gia đình bề thế và giàu có. Trên họa sĩ, còn có bốn chị là Cúc, Trúc, Mai, Lan. Chị Lan không may sớm qua đời, nên sau chỉ còn Cúc, Trúc, Mai, Sinh. Trương Sinh là con út, của chi út, nhưng lại là con trai đâm ra về vai vế trong họ mạc cao.

Thời bé, người quanh vùng đó nhất nhất gọi “cậu”. “Cậu” Sinh thời đó tuy nhỏ người nhưng cá tính mạnh, bạn lớn thường phải nể. Cậu khoái đi guốc mộc để gõ nhạc trên con đường dài đôi trăm mét từ nhà đến trường; lúc “xung trận”, đôi guốc mộc lại thành cặp “Địch Long Đao” để trị lũ bạn... Nói chung cậu thích nghịch.

Năm “cậu” Sinh tròn 16 tuổi, tốt nghiệp tú tài một, khoảng năm 1951, Việt Minh đang đánh Pháp rất mạnh, tin chiến thắng từ các chiến dịch từ đồng bằng đến biên giới dồn dập bay về đất Nga Sơn. “Cậu” Sinh muốn đi theo bộ đội, nhà không ai cản nổi. Cậu “khai gian” một tuổi để được đi bộ đội. Nhưng dù có tăng tuổi thì cậu vẫn chưa đủ điều kiện vào chiến trường do thể hình còn nhỏ.

Người ta xếp cậu vào lớp thiếu sinh quân của Quân khu 4, đi học nửa ngày và đi làm nửa ngày, lúc đó cậu làm ở Ty Tuyên truyền Văn nghệ tỉnh Thanh Hóa. Trong một lần được chứng kiến tài vẽ của Trường Sinh, Tướng Nguyễn Sơn đã kéo cậu về làm tuyên huấn của Quân khu rồi cho đi học trường Sĩ quan pháo binh, lúc đó tuổi thật của cậu mới tròn 17.

Chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, Trường Sinh được điều động lên tham gia chiến dịch, phụ trách công tác tuyên huấn của Đội 34 thanh niên xung phong (TNXP). Lúc đó có hai đội là 34 và 40, trấn giữ trên đỉnh đèo Pha Đin, đảm bảo thông suốt đường dây vận chuyển.

Họa sĩ Trường Sinh kể lại: “Cuối năm 1953 theo chủ trương của Trung ương cử đoàn cán bộ về vùng nông thôn đã hoàn thành giảm tô và cải cách ruộng đất thuộc 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tuyển quân thành lập lực lượng TNXP phục vụ Tây Bắc và Điện Biên Phủ, một số cán bộ Đoàn thanh niên Thanh Hóa được điều đi TNXP, trong đó có tôi. Lúc đó tôi đang công tác viết, vẽ li-tô thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh đoàn Thanh Hóa. Tôi được chỉ định ngay vào công tác tại Ban Tuyên huấn Đội 34 TNXP mới thành lập. Nhiệm vụ chính của tôi tại Ban Tuyên huấn Đội 34 là viết tin, vẽ, in li-tô cho các tờ tin phát hành nội bộ”.

Hai đội 34 và 40 làm công việc mở đường và đảm bảo an toàn tuyến giao thông dài gần 300km theo đường 41 đi Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Công việc hằng ngày là đào núi, phá đá, bạt ta-luy; xử lý an toàn các đoạn đường bị máy bay Pháp ném bom phá hoại, cảnh giới và rà phá các loại bom nổ chậm, bom bươm bướm; làm đường ngầm qua suối, lấp hố bom, chống lầy, kéo xe kéo pháo, vận chuyển lương thực, khí tài đạn dược, đào hầm cho xe pháo, chuyển thương binh về trạm xá... Các đại đội TNXP gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Thiếu nhất là thuốc nổ nên đôi khi để tiết kiệm, họ phải vần bom nổ chậm ra khỏi đường bằng đôi tay trần.

Chứng kiến sức lao động kiên cường, hăng say, Trường Sinh chợt nghĩ phải có hình thức để động viên, tuyên truyền những việc làm tốt, những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất. Anh lập tức đề xuất với đội trưởng là đồng chí Trần Dân và nhận được sự động viên khuyến khích nhiệt thành. Từ đó anh có thêm nhiệm vụ vẽ tranh cổ động và sáng tác văn, thơ ngợi ca thành quả lao động của TNXP.

Đầu năm 1954 trên đỉnh đèo Pha Đin được dựng lên một bức tranh cổ động “Đội 34 TNXP đào núi, phá đá mở đường”. Nhìn bức tranh, mọi người cảm thấy rất phấn khởi, thêm hăng say lao động. Từ thành công bước đầu đó, anh sáng tác bức  tranh “Đội 34 và 40 TNXP Điện Biên Phủ anh hùng” vẫn còn giữ được bản phác thảo vẽ đen trắng (cho đến ngày nay).

Ngoài việc vẽ tranh cổ động, anh còn sáng tác nhiều bài thơ về Điện Biên Phủ. Mọi người vừa làm việc vừa ngâm nga những câu thơ: “Tranh ra mặt đường trước bình minh/ Lao động  hăng  say - rất  nhiệt tình/ Chòng, xẻng, cuốc, ky, ngòi bộc phá/ Tháo gỡ  bom - giữ vững công trình”. Những ngày tháng chiến dịch Điện Biên Phủ trên đỉnh đèo Pha Đin vui như thế đó!

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, TNXP có nhiệm vụ thu dọn chiến trường, thu chiến lợi phẩm sắp xếp vào kho. Thời kỳ mặt trận đang khẩn trương chiến đấu, lực lượng TNXP lại được lệnh của Tổng Tư lệnh mặt trận chuyển gần 8.000 người sang quân đội bổ sung cho các binh chủng đang trực tiếp chiến đấu tại mặt trận. Tổng kết chiến dịch, lực lượng TNXP Điện Biên Phủ (Đội 34 và Đội 40) được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của những cán bộ tuyên huấn như Trường Sinh.

“Nhật ký” 12 ngày đêm bằng tranh cổ động

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, họa sĩ Trường Sinh theo yêu cầu cách mạng đi học tập ngành nghệ thuật tại Cộng hòa dân chủ Đức, sau khi tốt nghiệp về nhận công tác tại Bảo tàng Cách mạng. Đến năm 1960 lại chuyển về Ty Văn hóa - Thông tin (sau là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội) và công tác tại đây đến lúc về hưu.

Trong suốt thời kỳ biến động ghê gớm của lịch sử đó, cái tên Trường Sinh đã được nhiều tờ báo nhắc tới với những kỳ tích nghệ thuật khiến nhiều đồng nghiệp và nhân dân khâm phục. Nhiều người gọi ông là họa sĩ của những công trình lớn. Quả thực như vậy, bởi khi người ta vẽ tranh cũng chỉ có giới hạn về khuôn khổ, thể như trong tầm mắt người và trong khoảng với của tay. To hơn thì việc thể hiện sẽ bị biến dạng, sai lệch về bố cục, tuy rằng điều này là có thể làm được.

Những bức tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh vẽ ngay trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”.

Theo lý thuyết thì người ta có thể phóng những bức tranh rất lớn và thực tế, đến bây giờ rất nhiều họa sĩ đường phố đã vẽ tranh lên những tòa nhà. Nhưng những hình ảnh đó, thường là biếm họa, hý họa theo phong cách tự do, chưa ai dám khẳng định vẽ giống chân dung lãnh tụ trên một tấm phông lớn rộng đến 320 mét vuông. Vâng! Không ai dại dột làm một việc như vậy cả! Nhất là khi người ta ở trong cái thời ăn theo tem phiếu, sản phẩm đổ đầu. Nhưng đó chính là việc mà họa sĩ Trường Sinh đã làm.

Năm 1970, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Lê nin, Sở Văn hóa - Thông tin yêu cầu có một bức tranh rộng 320 mét vuông để treo trước mặt Nhà hát Lớn. Chuyện sẽ là rất bình thường nếu ta cứ trải bức toan ra giữa quảng trường Cách mạng Tháng Tám mà vẽ.

Song, có lãnh đạo thành phố nhắc vẽ lãnh tụ không thể làm vậy được - không thể để trên đường mà phải có sự tôn kính. Họa sĩ Trường Sinh đã dùng 2 trục lăn treo tấm toan rộng đó lên rồi lăn đến đâu, vẽ đến đấy, giống như một chiếc máy in phun ngày nay. Bức tranh này hoàn thành, Báo Nhân dân đã đưa tin khen ngợi như một sự kiện đặc biệt. Quả thật, nếu chỉ có “khéo tay” thôi thì chẳng thể làm được kỳ tích như thế.

Sau này, họa sĩ còn làm thêm nhiều công trình rất lớn khác như: tác phẩm phù điêu bằng đồng ca ngợi công, nông, binh, trí thức nặng đến 3,5 tấn treo trên bệ đỡ cao 20 mét ở ngã ba Cầu Chui - Gia Lâm để chào mừng Đại hội Đảng lần thứ 5; bức phù điêu “Phố Huế đòi nợ máu” dài 19 mét; và trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, họa sĩ đã vẽ hàng loạt tranh cổ động như một cuốn nhật ký bằng tranh, treo ở nhiều nơi trong Thủ đô ngay trong lúc chiến tranh, bom đạn.

Nhớ lại những năm tháng ác liệt ấy, họa sĩ Trường Sinh kể: “Tôi đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và cả những năm tháng chiến tranh leo thang không quân Mỹ đánh phá miền Bắc. Tôi đã từng chứng kiến cảnh bom rơi đạn nổ, hi sinh mất mát, phẫn uất bi thương nhưng chưa bao giờ cảm xúc lại bị đẩy lên tột cùng như thời điểm Hà Nội trong 12 ngày đêm chống B-52 của đế quốc Mỹ.

Ban ngày, chứng kiến cả thành phố hoang sơ tiêu điều, mặt người ngơ ngác, im ắng đến lặng người, tiếng khóc nghe ai oán nhức nhối thương đau. Khi màn đêm buông xuống, trước giờ máy bay vào, cả thành phố như căng ra, đầu óc, thần kinh như bị bóp nghẹt.

Rồi ầm ầm tiếng bom, tiếng súng phòng không, tiếng rít của động cơ. Tên lửa rạch nát trời đêm, bóng người trên những nóc nhà in trên nền trời sáng bừng ánh chớp. Có lúc tôi đứng trên nóc nhà của Ty Văn hóa nhìn ra khắp thành phố thấy những đám lửa cháy lem khắp nơi giống như cảnh hỏa ngục được vẽ trong tranh Khải huyền. Tai ù đặc và nỗi sợ cứ vơi dần, nhường cho nỗi căm thù khôn tả”.

Sau mỗi trận bom, TNXP, tự vệ, người dân lại ùa đến những nơi bị bom đánh trúng, không ai bảo ai, không đợi phân công, mọi người lao vào đào bới những nơi nghi còn có người sống. Họ đào bới bằng tất cả sức lực của mình, bằng tất cả những dụng cụ mình có, bằng tay không...

Họa sĩ Trường Sinh đã sáng tác những bức tranh cổ động vô cùng xúc động trong thời điểm này. Những hình ảnh cứ hiển hiện trong đầu, không cần phải nghĩ ngợi nhiều, ông đặt bút vẽ, màu sắc, hình ảnh cứ dâng lên cuồn cuộn. Đặt bút là trúng, vẽ là ra tranh. 12 ngày đêm không quân Mỹ rải bom Hà Nội, là 12 đêm ông và đồng nghiệp thức trắng, vẽ, chép, cắt, dán để sớm mai những bức tranh cổ động lại được dựng ngay trên mỗi góc phố, mỗi đống tro tàn để tố cáo tội ác của giặc Mỹ.

Xem những bức tranh ông sáng tác trong 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, nhiều người có chung nhận xét trong tranh không chỉ có sự bi ai, phẫn nộ, mà có cả sự kiêu hùng, bi tráng, lạc quan. Những mảng màu đối lập đặt rất đúng chỗ, bố cục chặt chẽ, khỏe khoắn khiến cho mỗi bức tranh như mảnh ghép của một bản hùng ca. Có thể thấy điều đó qua những bức: “Ních-xơn phải trả nợ máu”, “Hà Nội anh hùng”, “3.000 máy bay Mỹ rơi trên miền Bắc”, “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”, “Việt Nam nhất định thắng”, “Sức mạnh không lực Hoa Kỳ”... Những bức tranh này hầu hết được vẽ bằng bột màu, sau này đã được nhân bản in ấn trưng bày tuyên truyền trên nhiều tuyến phố của Hà Nội.

Cũng qua bộ tranh này, phong cách “Tranh cổ động Trường Sinh” đã thực sự định hình. Mỗi khi nhắc tới tên ông, đồng nghiệp và giới hội họa thường nói ngắn gọn: “Ông cổ động”. Nhiều bức tranh cổ động trong số bộ “nhật ký bằng tranh” về “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” hiện vẫn thấy được in ấn lại và bày bán tại nhiều galery ở Hà Nội. Năm 2012, nhân kỷ niệm 40 năm “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, ông đã mở triển lãm cá nhân trưng bày trọn bộ sưu tập này.

Hiện tại, họa sĩ Trường Sinh đang làm việc với tư cách một nhà khoa học, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Liên hiệp Khoa học văn hóa du lịch. Ông cũng có đề án lớn về kinh tế, văn hóa, du lịch đã đăng ký bản quyền. Và lão nghệ sĩ vẫn tiếp tục cặm cụi để cho đời thêm nhiều cái đẹp, thêm nhiều sáng tạo.

Lê Đông Hà
.
.