Họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng: Bức huyết họa và luồng sáng vĩnh cửu cuộc đời

Thứ Tư, 26/07/2017, 13:00
Với họa sĩ thương binh 1/4 Lê Duy Ứng, cuộc sống mỗi ngày là một sự lao động miệt mài. Bởi thế mà ông vẫn sáng tác đều đặn, như để ký gửi tâm sự cuộc đời vào từng nét vẽ đôi khi cứ nhòe đi, cứ ảo mờ trước đôi mắt chỉ còn cảm nhận hai miền sáng tối.

Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ, họa sĩ Lê Duy Ứng bận rộn với lịch tiếp khách, triển lãm, trưng bày các tác phẩm ở nhiều địa điểm trên địa bàn Hà Nội. Căn nhà của ông ở phố Lĩnh Nam nhiều khách tham quan ra vào thưởng lãm các tác phẩm được trưng bày ở cả 4 tầng nhà.

Người nghệ sĩ trong bộ quần áo quân nhân đã sờn nếp, niềm nở với cuộc sống, tiếng cười của ông giòn tan mỗi lần ai đó khéo đùa. Dường như, bóng tối ở phía trước mắt chỉ là cái cớ để cho ông sáng tạo, để cho niềm cảm hứng về đồng đội, về những năm tháng chiến tranh, trào lên nơi ngón tay.

Với họa sĩ thương binh 1/4 Lê Duy Ứng, cuộc sống mỗi ngày là một sự lao động miệt mài. Bởi thế mà ông vẫn sáng tác đều đặn, như để ký gửi tâm sự cuộc đời vào từng nét vẽ đôi khi cứ nhòe đi, cứ ảo mờ trước đôi mắt chỉ còn cảm nhận hai miền sáng tối.

Đi theo tiếng gọi non sông

Ông lần từng bước ra cửa đón tôi, dáng ông nhỏ nhắn hiền lành trong bộ quân phục màu xanh bộ đội. Ông niềm nở hỏi han, cái giọng Nam Miền Trung ngọt như mía lùi khiến ai đến nhà cũng cảm nhận được tinh thần hiếu khách của ông. Người vợ ông, dáng dong dỏng cao, ở tuổi ngoài 60, mặn mà, lịch lãm. Bà đang ngồi nhặt rau ở gian bếp, chuẩn bị bữa cơm trưa.

Họa sĩ Lê Duy Ứng bên bức Huyết họa.

Họa sĩ Lê Duy Ứng dẫn tôi lên các tầng nhà. Tôi bị choáng ngợp bởi tranh và các bức điêu khắc của ông. Đầy tràn trong mỗi căn phòng. Những bức điêu khắc của người họa sĩ khiếm thị chưa trơn tru, nó thô ráp nhưng có sức lay động. Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ hiện lên rõ rệt và đầy khí phách, nó thể hiện cho nỗi lòng ông, một người chiến sĩ, thương binh, họa sĩ rời cuộc chiến cuối cùng trong hy vọng để rồi mang trong mình những mảnh đạn của chiến tranh, và một đôi mắt đã không thể nhìn thấy.

Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng sinh năm 1947 tại thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Vốn có năng khiếu thiên bẩm nên ngay từ bé ông đã tập vẽ dưới sự dìu dắt của người cha là họa sĩ, nhà báo Lê Yến. Năm lớp 4, với sự dẫn dắt của người thầy là Nhà giáo ưu tú Bùi Đình Sơn, ông đã có phòng triển lãm tranh tại huyện Quảng Ninh mang tên "Xấu nên tránh, tốt nên làm". Năm 1961, ông mang tranh dự thi toàn tỉnh và đoạt giải nhất. Khi năng khiếu đã trở thành niềm mê say, ông lựa chọn nộp hồ sơ vào trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội để quyết tâm theo đuổi con đường hội họa từ bé.

Tại đây, một môi trường mới có nhiều họa sĩ nổi tiếng giảng dạy như các họa sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Đức Nùng, Trần Huy Oánh, Lương Xuân Nhị, Diệp Minh Châu... Lê Duy Ứng được thỏa sức vẫy vùng trong bầu trời hội họa đầy mơ ước. Nhưng rồi, khi ông đang học dở năm thứ 3, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông xếp bút nghiên lên đường chống giặc. Và một bước ngoặt cuộc đời đã đến với người họa sĩ trẻ tuổi, như thể nó là sự thử thách của số phận.

Họa sĩ Lê Duy Ứng kể lại: "Năm 1972, tôi có mặt tại chiến trường Quảng Trị, đó là nơi nóng nhất cuộc chiến, thuộc biên chế Ban Tuyên huấn Trung đoàn 101. Tại Thành Cổ, tôi đã vẽ nhiều ký họa phản ánh cuộc sống chiến đấu của quân và dân Quảng Trị anh hùng. Sau đó 1 năm tôi theo chân các anh giải phóng quân, tham gia đánh trận Cửa Việt thắng lợi, để ghi lại cuộc chiến đấu ấy, tôi vẽ bức tranh "Chiến thắng Cửa Việt" tặng Đại tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh Sư đoàn 312, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Rồi tôi lại vác máy ảnh, ba lô đi cùng các chiến sĩ vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975. Hành trang mang theo là giá vẽ và máy ảnh, mấy cái bút với tư cách là một họa sĩ chiến trường để ký họa chiến tranh...

Đầy khí thế tiến công và chiến công trong sáng 28-4-1975, khi đoàn quân chỉ cách cửa ngõ Sài Gòn 30 km, tại căn cứ Nước Trong, tôi bị "dính" súng chống tăng của địch, bị hỏng hai mắt và ngất đi. Khi tỉnh dậy, mắt không nhìn thấy gì, nghĩ mình khó qua khỏi, tôi muốn làm một việc gì đó thật ý nghĩa. Dưới làn bom đạn ác liệt, tôi lần mò lấy giấy, dùng ngón tay làm bút, dùng máu từ vết thương ở mắt của mình vẽ bức chân dung Bác Hồ với nền là lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng, dưới bức chân dung, ghi đậm dòng chữ "Ánh sáng niềm tin/ Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân", tôi gấp cẩn thận bức tranh, cho vào túi áo ngực và lại ngất đi.

Đến khi ra đến Sơn Lộc, tôi mất nhiều máu, nên bị chết lâm sàng. Đồng đội đã chuẩn bị đưa tôi đi chôn. Trong lúc đồng đội sửa sang lại huyệt, tôi tỉnh dậy bò ra khỏi cáng. Sau đó tôi được đưa đi điều trị tại Viện Quân y. Khi thay quần áo, các y bác sĩ thấy bức tranh đặc biệt trong túi áo được vẽ bằng máu của tôi và đã cất đi. Hiện bức tranh đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh".

Tàn nhưng không phế

Bây giờ, bức huyết họa ấy của họa sĩ Lê Duy Ứng được nhìn nhận như là một biểu tượng của niềm tin chiến thắng và sức sống mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Bức họa vẽ trong khi mắt không nhìn thấy cũng đã trở thành một luồng ánh sáng vĩnh cửu của đời ông. Các cụ ta vẫn nói, "Giàu hai đôi mắt, khó đôi bàn tay", đôi mắt ông không còn, dĩ nhiên, đó là một nỗi tuyệt vọng khủng khiếp, song ông vẫn còn "đôi bàn tay" lành lặn để làm lại từ đầu.

Họa sĩ Lê Duy Ứng với bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Họa sĩ Lê Duy Ứng chia sẻ: "Những ngày điều trị ở bệnh viên, tôi may mắn gặp giáo sư, bác sỹ Đào Xuân Trà, khi đó ông là Phó Viện trưởng kiêm Trưởng Khoa mắt Viện Quân y 108. Thấy tôi suốt ngày ngồi buồn bã trên ghế đá, ông ra vỗ vai động viên: "Mình biết là họa sỹ mà lại bị hỏng mắt, Ứng sẽ rất buồn. Nhưng vừa rồi mình sang Liên Xô, thấy có một người mù nặn tượng đẹp lắm, hay là Ứng thử chuyển sang điêu khắc xem sao".

Lúc đó, tôi không nghĩ chỉ là lời động viên đơn thuần nữa, mà nó có sự chân tình và đâu đó, có cả sự mách bảo thân thương. Sau đó, tôi đã tự mày mò, một phần nhờ bạn bè tìm đất để tập nặn tượng trong bóng tối bằng tất cả những kiến thức có được về hội họa, về điêu khắc, cộng với một trái tim nóng luôn không muốn mình vô nghĩa với cuộc đời.

Bức tượng đầu tay tôi hoàn thành là bức tượng Bác Hồ cùng dòng thơ "Hỏng mắt con tạc tượng Người/ Niềm tin ánh sáng trọn đời trong con". Tác phẩm của tôi nhận được nhiều lời khen ngợi. Có lẽ có cả sự động viên của mọi người nhưng điều đó khiến tôi vô cùng hạnh phúc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đến thăm Viện Quân y 108, xem tôi tạc tượng Bác Hồ đã động viên: "Cháu biết nhạc sĩ vĩ đại Beethoven sáng tạo nên những tác phẩm âm nhạc bất hủ khi nào không? Là khi người nhạc sĩ này đã bị điếc. Là họa sĩ bị hỏng mắt, cháu hãy lấy tấm gương đó phấn đấu và rèn luyện".

Lời khuyên đó như là một sự khích lệ để tôi tiếp tục sáng tạo. Không những thế, tôi còn được Đại tướng giúp đỡ tìm hiểu các bệnh viện giỏi về mắt trên thế giới để đi chữa trị. Năm 1984, tôi đã xin được thăm nhà Đại tướng và mong muốn được vẽ một bức chân dung về ông. Trong 20 phút ngồi trò chuyện, bức tranh hoàn thành, Đại tướng xem và tỏ ra hài lòng nên trân trọng treo bức chân dung này tại phòng khách".

Cho đến nay, họa sĩ Lê Duy Ứng đã vẽ tới cả nghìn bức tranh về Bác Hồ và hàng trăm bức tranh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cũng nặn được hàng trăm bức tượng các hình ảnh người bộ đội Cụ Hồ. Đối với ông, hội họa đã mang lại cảm hứng sống và một đời sống có ý nghĩa, bên trong màu đen của đôi mắt đã không còn nhìn thấy.

Ông cười bảo: "Nó là số phận rồi cháu ạ! Chiến tranh đã lấy đi của mình đôi mắt, nhưng mình còn may mắn hơn bao nhiêu đồng đội, còn được sống để trở về làm tiếp công việc mình yêu thích. Nhiều đồng đội của tôi ngã xuống, có những tài năng đã bị chôn vùi cùng lớp đất và khói đạn của chiến tranh. Bởi thế tôi phải sống cho cả những người lính ấy. Còn vẽ được là còn sống. Còn sáng tạo được là còn tri ân những con người đã yêu thương, giúp đỡ mình".

Khi con tim vẫn hòa chung nhịp đập

Họa sĩ Lê Duy Ứng cho biết, sau khi bị hỏng mắt, mấy năm sau đó (1982), ông được GS.BS Nguyễn Trọng Nhân cấy ghép thành công trong 4 tiếng đồng hồ và mắt ông đã sáng trở lại. Khi nhìn thấy ánh sáng trở lại, cũng là thời điểm ông sáng tác được nhiều nhất, ông vẽ như thể đó là một điều cứu rỗi duy nhất để có thể mang khát vọng và ước mơ của mình cất cánh. Ông vẽ về cánh rừng thương binh nằm, vẽ về những người y tá, bác sĩ sau trận chiến, ông vẽ về những sinh hoạt đời thường khi những người lính ngồi kể cho nhau nghe chuyện quê hương...

Đặc biệt, rất nhiều bức tranh và bức tượng về Bác Hồ đã để lại dấu ấn trong ký ức người xem, như bức: "Tượng Bác Hồ trên đỉnh Trường Sơn", "Bác Hồ với thiếu nhi", "Tội ác của Mỹ - ngụy với nhân dân Quảng Trị"... Nhưng dường như, số phận đã thử thách ông thêm một lần nữa, khi năm 2005, đôi mắt ông lại mất dần thị lực. Dù được tạo điều kiện để sang Nhật chữa trị, song đôi mắt ấy đã dường như không thể phục hồi trở lại. Bây giờ, ông chỉ có phân biệt được mảng sáng khi đưa nó đến thật gần, còn phía trước, chỉ là một màn đêm đặc quánh.

Ông cha ta vẫn nói rằng, ông trời không cho ai tất cả, mà cũng không lấy đi của ai tất cả. Bị mất đôi mắt, ông lại được số phận bù đắp lại cho một người vợ tuyệt vời. Bà là Trần Thị Lê, người con gái gốc Quảng Bình nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Bà là thanh niên xung phong, Họ gặp nhau tại Quảng Trị năm 1973, nhưng sau đó, vì nhiệm vụ khác nhau nên đã xa nhau.

Thời điểm bị thương hỏng mắt, nghĩ mình làm sao có thể mang đến hạnh phúc cho ai nên ông đã tự chui vào vỏ ốc, trốn tránh mọi cuộc hỏi han. Một người bạn sau đó đã báo tin cho bà Lê và bà đã tìm đến Bệnh viện 108 gặp ông. Kìm nén mọi cảm xúc, ông không muốn làm người phụ nữ mình yêu thương thất vọng. Ông bảo, vì tàn tật nên ông không muốn lấy vợ nữa. Người con gái Hà Nội dịu dàng, chung thủy ấy đã nói trong nước mắt: "Em yêu ai thì chỉ yêu đến chết một người thôi!".

Dường như số phận đã an bài, lần thứ hai, bà Lê vào viện thăm họa sĩ Lê Duy Ứng, dù bị ông từ chối, nhưng hiểu được tấm lòng của người con trai miền Trung, nên bà nói rõ cho ông biết rằng, bà muốn gánh vác một phần những khó khăn, vất vả, cả nỗi đau mà ông phải chịu. Bà đã theo ông vào Vinh (Nghệ An) chăm sóc ông khi ông chuyển bệnh viện.

Rồi một lần, họa sĩ Lê Duy Ứng kể: "Cô ấy đã đưa cả bố mẹ và các em vào viện rồi nói: Anh đừng từ chối em mãi thế, em biết anh từ chối rồi anh cũng sẽ có vợ, em cũng sẽ có chồng, nhưng người vợ anh lấy anh sẽ không biết mặt. Còn em là người yêu cũ anh biết mặt rồi, sau này nếu sinh con ra, người ta nói con giống em thì anh tưởng tượng luôn được mặt con. Câu nói này đã làm tôi quá xúc động, vì thế ngày 19-9-1976, chúng tôi đã quyết định làm lễ cưới tại khu tập thể Trương Định (Hà Nội)".

Bây giờ họ đã có hai người con, một trai, một gái. Người vợ tảo tần vẫn bên cạnh ông hằng ngày cơm cháo, chăm sóc vỗ về những khi trở trời đau yếu. Bà đến với ông bằng một tình yêu trọn vẹn thủy chung. Bà để ông thả sức vẫy vùng với sáng tạo và tưởng tượng bằng một thứ ánh sáng không phải từ đôi mắt, mà từ tâm hồn, từ trái tim. Có lẽ bởi thế, mà người họa sĩ thương binh mù ấy, vẫn có đủ sức khỏe, tinh thần lạc quan để có thể vẽ, nặn nên những bức tượng, những bức tranh có sức sống về những người lính một thời kiêu hùng nơi trận mạc, những khát vọng của tuổi trẻ một thời không bao giờ nguôi quên.

Họa sĩ Lê Duy Ứng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông cũng đã có trong gia tài nhiều giải thưởng danh giá. Nhưng người lính ấy, mỗi khi có khách đến nhà, dù đó là ai, vẫn vồn vã, lần mò từng bậc thang, từ từ tra ổ khóa cửa tươi cười đón khách. Ông khiến cho người ta có cảm giác rằng, mọi nỗi buồn, mọi nỗi đau rồi sẽ đi qua, mọi vết thương rồi sẽ lành, chỉ tinh thần lạc quan, niềm vui sáng tạo và niềm yêu say cuộc sống là còn sáng mãi...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.