Liên hoan Sân khấu Toàn quốc về ”Hình tượng Người Chiến sĩ CAND” lần thứ II:

Hóa thân "Hình tượng Người Chiến sĩ CAND", chúng tôi đã thăng hoa như thế nào?

Thứ Ba, 28/09/2010, 11:05
Những ngày này người dân của cả nước đang hân hoan chào đón sự kiện trọng đại của nước nhà, trên muôn nẻo đường thủ đô cờ hoa và biểu ngữ rợp trời, những công trình chào mừng, các lễ hội văn hóa mang đến không khí tưng bừng, rộn rã...

Có chút gì chộn rộn, xao động trong lòng người dân Việt, vì mình được sinh ra và chứng kiến thời khắc đáng nhớ của lịch sử nước nhà, chỉ ít hôm nữa thôi Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi.

Với người nghệ sĩ còn gì tự hào hơn là được hòa mình vào dòng chảy của lịch sử dân tộc, dâng hiến nét đẹp cho đời bằng sáng tạo nghệ thuật. Thời gian này, hàng trăm nghệ sĩ của 17 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước đã quy tụ tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, mang đến những câu chuyện kịch hôi hổi tính thời sự qua đề tài về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND".

Chiến tranh đã trôi qua hơn 30 năm, những cán bộ, chiến sĩ trong (CBCS) Lực lượng Công an nhân dân vẫn kiên trì đấu tranh trên mặt trận không có tiếng súng nhưng không kém phần cam go, quyết liệt,  để góp phần mang lại sự bình yên trong mỗi mái ấm gia đình, và bình yên cho Tổ quốc... Qua sự hóa thân của các diễn viên, những chiến công thầm lặng, những trận đánh sinh tử, những mâu thuẫn xung đột nội tâm của người chiến sĩ Công an đã được tái hiện sống động, linh hoạt trên sân khấu. Vậy, diễn viên đã có cảm xúc và thăng hoa như thế nào để thể hiện vai diễn của mình?

NSƯT Bằng Thái (Đoàn kịch nói Quảng Ninh): Tôi đã sụt 8kg để đóng vai này

Anh có bộ sưu tập đáng nể với 10 vai chính đóng công an: cảnh sát kinh tế, cảnh sát hình sự, chỉ huy thành phố, an ninh... Và ở liên hoan lần này anh đã vào vai một  giám đốc công an  trong vở kịch "Một người tự xé xác hay cuộc chiến".

Một cảnh trong vở “Hoa thép” - Tác giả Phan Gia Liên.

PV: Sự ngạc nhiên lớn nhất khi anh xuất hiện ở kỳ liên hoan này là trông anh gầy đi nhiều, có khi sụt nhiều cân đấy? Hay anh quá lo lắng cho vai diễn?

NSƯT Bằng Thái: Tôi cố tình gầy đi đấy. Đã vài tháng nay sau khi nhận vào vai Giám đốc công an mà béo tốt quá thì e không thuyết phục, nên tôi có chế độ luyện tập đặc biệt. Trong vòng hơn 1 tháng tôi giảm 8kg, trọng lượng cơ thể ban đầu là 69kg xuống còn có 61kg. Đấy thực sự là một sự thách đố. Gia đình tôi 4 thế hệ làm ngành y, tôi lại có một ông thầy tên là Phùng Gia Thạch, võ sĩ quyền Anh ở Hải Phòng dạy cho tôi cách ép cân.

Tôi giảm cân hoàn toàn mà không cần dùng đến thuốc, chỉ dùng thảo dược và những kỹ thuật để giảm cân. Thật ra, đây không phải là lần đầu tôi sụt cân để vào vai diễn vì trước đây tôi cũng đã làm giảm cân kiểu này khi vào vai Anh hùng Lý Tự Trọng, bộ phim chiếu trên truyền hình rồi đấy. Tôi sụt cân nhiều nhưng theo hướng dẫn đúng cách nên cơ thể vẫn khỏe mạnh.

PV: Vở kịch anh diễn đề cập đến vấn đề nóng trong xã hội là tham nhũng. Có xã hội là có tham nhũng, chỉ có điều tham nhũng ít hay nhiều mà thôi...!!!

NSƯT Bằng Thái: Đúng rồi! Có con người là có lòng tham. Có cái tham tốt và tham xấu. Tham công tiếc việc, tham cống hiến, tham lao động, nhưng tham lam thì lại khác. Còn đồng tiền mạnh quá. Tôi nghĩ trên đời này ít ai là không thích tiền. Tiền có thể "vật" hết mọi người, chẳng tha ai. Tham, sân, si, ai mà chả vướng một tí, nhưng nếu không may bị "vật" thì sẽ như thế nào? Tham nhũng như một khối u bám vào người, anh có dám xé, dám cắt  nó ra không? Tiền thì có tiền sạch, tiền bẩn, quan trọng là anh ứng xử với nó ra sao thôi?

PV: Từng hóa thân vào nhiều vai chiến sĩ công an, anh thấy người chiến sĩ công an có phẩm chất nào nổi bật?

NSƯT Bằng Thái: Phẩm chất công an mà đóng ra công an cho khán giả tin ngay đó là sự hy sinh. Mà lại là hy sinh thầm lặng, chiến công thầm lặng. Trong phòng chống tội phạm buôn bán ma túy, những vụ án kinh tế... người chiến sĩ công an đã đối đầu với không ít hiểm nguy, đôi khi phải trả bằng sinh mạng của chính mình.

PV: Tôi lại cho là tính quyết liệt, vì đứng trước cái ác thì con người ta cần phải mạnh, thậm chí vô cùng mạnh mẽ...

NSƯT Bằng Thái: Không những quyết liệt mà phải chấp nhận giáp lửa, bọn tội phạm là những đám lửa, vậy ai là người dập nó. Người chiến sĩ CAND phải có phẩm chất dũng cảm. Có nhiều người khi nhảy vào lửa sợ bỏng, nhưng công an thì lại khác, chính vì vậy mà kim chỉ nam cho Lực lượng Công an nhân dân là "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ".

PV: Xem các đoàn nghệ thuật diễn với chủ đề về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" từ đầu tới giờ, anh mang tâm trạng như thế nào khi thấy bạn bè đồng nghiệp của mình hóa thân vào vai CBCS công an?  

NSƯT Bằng Thái: Tôi đã đọc tất cả kịch bản của 19 vở diễn ở kỳ liên hoan lần này, đây quả thực là những kịch bản tinh túy được sàng lọc, chọn lựa kỹ, điều này đã tạo điều kiện cho diễn viên thỏa thê tung hứng sáng tạo trong vai diễn của mình. Liên hoan cũng là dịp để các đoàn nghệ thuật trong cả nước khoe nhau về nghề. Diễn viên thành công thì đoàn nghệ thuật của anh sẽ thành công, bát cơm sẽ đầy lên, khán giả sẽ yêu hơn. Cho nên ở liên hoan này các nghệ sĩ làm việc cực kỳ nghiêm túc, nỗ lực hết mình...

Ở liên hoan này tôi hơi bị "ngán" mấy ông bạn vàng, như anh Tầm chuyên đóng vai chính diện ở Đoàn kịch nói Thái Bình, rồi Phạm Anh Tú ở Nhà hát Tuổi trẻ, hay anh Đăng Bẩy ở Đoàn kịch Công an nhân dân... Đấy là những diễn viên mà tôi phải "đề phòng". Có những người trong nghề dù người ta nhiều tuổi hơn hay ít tuổi hơn mình, nhưng nói về đẳng cấp nghề nghiệp là mình nể đấy!

Diễn viên Hoàng Tùng (Nhà hát Tuổi Trẻ): 1 giờ 30 phút không nói gì trên sàn diễn

Lần đầu tiên tôi vào vai một chiến sĩ công an trong vở kịch hình thể "Chuyện từ một ngã tư". Kịch chỉ diễn bằng vũ đạo trong đó sử dụng chủ yếu là múa và kịch câm. Vở diễn kéo dài 1 giờ 30 phút vậy mà một chiến sĩ công an giao thông lại hoàn toàn không nói gì, chỉ diễn bằng ngôn ngữ hình thể, tôi cảm thấy thực sự khó. Và hình như đây là lần đầu tiên Việt Nam chúng ta dựng một vở kịch về cảnh sát giao thông, mà người cảnh sát lại không được nói gì.

Cái khó của một diễn viên như tôi là làm sao truyền tải cho khán giả những câu chuyện trong tác phẩm, những điều mình gửi gắm, những khó khăn vất vả, niềm hạnh phúc, kể cả những đấu tranh với cái ác của  người chiến sĩ công an giao thông. Diễn không được nói gì không chỉ khó cho diễn viên, mà còn cả cho đạo diễn, biên đạo, toàn bộ ê kíp để làm sao truyền tải tác phẩm đến khán giả và tiếp nhận hiểu được thông điệp tác phẩm muốn truyền tải.

Trong quá trình làm vở diễn của tôi, chưa có lần nào tôi mệt và mất sức như lần này. Nhiều khi tôi cảm thấy mình kiệt sức, tập xong tôi phải nhủ mình không được làm gì nữa cả để giữ sức cho các buổi diễn tiếp theo. Và cuối cùng chúng tôi đã mang đến liên hoan một vở diễn trọn vẹn mà ở đấy đã thể hiện tình cảm của chúng tôi với Lực lượng Công an.

Người chiến sĩ công an giao thông phải đứng giữa tiết trời khắc nghiệt, lúc nắng chang chang, khi mưa sầm sập... hoặc là khi phải tiếp xúc với những vụ tai nạn khủng khiếp, tôi đã diễn để miêu tả trạng thái tâm lý tình cảm, và những chi tiết sống động có thật của đời thường qua ngôn ngữ hình thể. Về mặt tâm lý con người khi nhìn thấy những vụ tai nạn thương tâm, không ai không ghê rợn, không muốn chứng kiến, vậy mà người chiến sĩ công an giao thông đã phải lao vào đối mặt thường xuyên với những khó khăn đó.

Với tình trạng giao thông như hiện nay, trên đường phố thường xuyên có những vụ va chạm xe cộ, hay những vụ đi xe vượt ẩu, lộn xộn lấn đường, vượt đèn đỏ, tắc nghẽn giao thông... nếu trên đường phố không có bóng dáng cảnh sát giao thông thì sẽ ra sao? Tại sao một số người lại ghét cảnh sát giao thông? Bởi vì họ đi sai luật, loanh quanh xin xỏ, mà lại không chịu nộp phạt. Công an đã làm đúng nhiệm vụ, trách nhiệm của họ, thì người tham gia giao thông sai lại ghét người thực thi đúng trách nhiệm.

Diễn viên Vũ Đức Minh (Nhà hát kịch Hà Nội): Công an không lạnh lùng, nghiêm khắc quá...

Tôi tốt nghiệp khoa Diễn xuất của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội vào năm 2007 thì đến tháng 6/2008, NSND Hoàng Dũng về Đoàn kịch Hà Tây chọn diễn viên, nhìn thấy tôi, anh bảo: "Em diễn được vai anh đang cần tìm đấy". Thế là anh đã đặt lòng tin vào tôi khi giao vai người chiến sĩ công an, nhân vật chính trong vở kịch "Trái tim trong trắng" của Lưu Quang Vũ. Đấy là vai diễn đầu tiên của tôi sau khi ra trường đi làm ở nhà hát, mà duyên số thế nào lại vào vai người chiến sĩ công an. Vở diễn hoàn thành, Đoàn chúng tôi đi lưu diễn nhiều tỉnh phía Bắc như Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ... đến đâu cũng được khán giả yêu mến.

Tôi có một người bạn thân làm công an hình sự. Thi thoảng chúng tôi lại gặp nhau. Một hôm hai chúng tôi đang ngồi uống cà phê, bạn tôi quay sang bảo tôi: "Có thể tôi với cậu đang ngồi đây nhưng ngày mai chẳng may cậu là tội phạm  thì tôi sẽ lại khác với cậu chứ sẽ không còn ngồi thoải mái với nhau như thế này nữa". Bạn tôi cũng như bất cứ chiến sĩ công an nào đều đặt lợi ích của dân tộc, của đất nước lên trên lợi ích của cá nhân, bạn bè.

Nhiều khi tôi thấy một số người cứ bảo công an là ghê gớm, rồi đi ra ngoài đường nhìn thấy mấy anh công an giao thông thì lại tỏ vẻ e ngại, khó gần... nhưng thực ra không phải như thế. Trong công việc họ phải nguyên tắc nhưng ngoài đời sống thì người ta cũng như mình thôi. Có một hôm tôi chứng kiến thấy có một người dân hỏi đường và anh công an trả lời rất nhiệt tình. Chứ có phải công an là khô cứng đâu, tốt như thế cơ mà, chẳng qua là mọi người ít giao lưu với các chiến sĩ công an thôi.

Liên hoan Sân khấu về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND", người dân đi xem các vở diễn để hiểu thêm về công an là người như thế nào. Không phải là người lạnh lùng quá, nghiêm khắc quá mà thấy chiến sĩ CAND thật sự gần dân

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.