Nhạc sĩ Thanh Tùng – những ngày chống chọi với bệnh tật:

“Hoa vẫn hồng trước sân…”

Thứ Ba, 01/12/2015, 16:15
Mặc dù người nhạc sĩ tài hoa, tác giả của những bản tình ca lãng mạn trữ tình bay bổng nhất của thập niên 80, 90 không còn xuất hiện trước công chúng khi ông bị những cơn đột quị ập đến. Bệnh tật liên tiếp kéo đến, quật ngã thân thể cao lớn, sức vóc vạm vỡ khi xưa không còn.

Giờ, ông gầy gò, nhỏ bé, di chuyển khó khăn và không nói được, ông chỉ có thể mấp máy môi một cách khó nhọc. Nói chuyện với ai hoặc là gật đầu hoặc lắc đầu, và đôi mắt thăm thẳm buồn. Nhưng dù vậy, công chúng vẫn chưa bao giờ quên ông, những bài hát của ông vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, đó là những bài ca đi cùng năm tháng, đã gắn bó với nhiều thế hệ và sống mãi trong lòng người hâm mộ.

Đã 7 năm nay, nhạc sĩ của những bản tình ca êm đềm và mượt mà, tác giả của những ca khúc xuất sắc nhất giữa những năm 80 và đầu những năm 90 bị đổ bệnh. Đó là vào một ngày cuối tháng 8-2008, nhạc sĩ ra Hà Nội dự định tổ chức một đêm nhạc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của mình, buổi sáng ông đi uống cà phê về thì bị đột quị, xuất huyết não. Lúc đó, anh Thông con trai của nhạc sĩ đã đưa cha vào Bệnh viện Bạch Mai.

Sau vài ngày hôn mê ông đã tỉnh lại, nhưng sức khỏe vẫn còn yếu lắm. Căn bệnh tiểu đường lâu năm cộng với bệnh huyết áp khiến cho sức khỏe của ông thêm phần suy yếu, giờ lại bị đột quị, những căn bệnh cứ thế kéo đến đổ ập lên người nhạc sĩ tài hoa.

Kể từ cái ngày mùa hè năm đó đến nay cũng đã 7 năm, một khoảng thời gian khá dài nhạc sĩ chấp nhận sống chung với những cơn đau bệnh hành hạ. Nhưng, chẳng phải là từ khi đổ bệnh ông mới có những cơn đau mà những người quen biết ông, những người đã từng tiếp xúc trò chuyện cùng ông đều biết nhạc sĩ là người luôn có trái tim đau đáu và trăn trở. Dường như trong bất cứ chuyện gì ông cũng đi tận cùng của vấn đề.

Âm nhạc như một nơi trú ngụ của tâm hồn đã đưa ông về một cánh đồng đầy những hương hoa thơm mát để người nhạc sĩ thăng hoa cho ra những bài ca đi cùng năm tháng: “Câu chuyện nhỏ của tôi”, “Giọt nắng bên thềm”, “Hát với chú ve con”, “Hoa tím ngoài sân”, “Lối cũ ta về”, “Một mình”…

Nhạc sĩ Thanh Tùng cùng con trai (đứng thứ hai bên tay phải) và những người bạn nghệ sĩ.

Ông trời đã thổi vào người nhạc sĩ tài hoa một tâm hồn nhạc sĩ - nghệ sĩ bồng bềnh lãng mạn, của giai điệu rất riêng, khi trong sáng giản dị, tự nhiên như hơi thở nhưng cũng không kém phần nồng nàn da diết trữ tình bay bổng, lời tự sự: “Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên. Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên. Bao đêm tôi đã một mình nhớ em. Đêm nay tôi lại một mình…” - đậm chất Thanh Tùng.

Trong những ca khúc của ông, bài hát "Một mình" có hoàn cảnh ra đời đặc biệt. Đó là khi ông 40 tuổi, vợ ông qua đời, ông một mình nuôi 3 người con, 2 trai và 1 gái, nhớ thương vợ và thương thân mình ông đã sáng tác ca khúc này và được nhiều ca sĩ thể hiện. Cả 3 diva của làng nhạc Việt đều thể hiện thành công ca khúc này: Thanh Lam, Hồng Nhung, Trần Thu Hà.

Và, một điều nữa những người bạn của ông và công chúng hâm mộ ông đều có cảm nhận chung người nhạc sĩ tài hoa là thế, nhưng một lời là một vận vào: “Bao đêm tôi đã một mình nhớ em. Đêm nay tôi lại một mình..”. Nỗi buồn mênh mông, không bến bờ cứ ngút ngàn niềm thương và nỗi nhớ với người vợ đầu gối tay ấp. Và, bài hát cũng là sự dự cảm trước những chuỗi ngày dài đằng đẵng của sự cô đơn, ngay kể cả cho đến tận bây giờ, hành trình đang đi đến chặng cuối con đường .

Trước đây, lúc còn khỏe, nhạc sĩ trò chuyện cùng mọi người cũng đã chẳng nề hà giấu diếm, khi nghe câu hỏi chuyện riêng tư, ông thừa nhận mình là người: cô đơn bẩm sinh. Sự cô đơn ấy đã thăng hoa thành lời ca và giai điệu để rồi đã bao người khi nghe đồng cảm với âm nhạc của ông. Ngay kể cả các con ông cũng rất hiểu cha mình, khi ông còn khỏe, những người con của ông đã luôn ủng hộ ông đi bước nữa để chấm dứt cuộc sống một mình buồn bã, nhưng mặc dù có nhiều bóng hồng hương sắc đi qua đời ông, nhưng ông vẫn chưa tìm được một hồng nhan tri kỷ nào khác ngoài vợ mình.

Vốn biết ông là một doanh nhân thành đạt, một nhạc sĩ hào hoa và có không ít mối tình với những nhan sắc được cho là diễm lệ, khi ông còn khỏe tôi đã từng tò mò hỏi ông: "Ai là người yêu ông nhất?", ông  bảo: "Vợ tôi”. Tôi hỏi tiếp: "Còn ông yêu ai nhất?", ông trả lời: "Vợ tôi". Vợ ông là hồng nhan tri kỷ của ông, còn những người phụ nữ sau này đến với ông, ông vẫn mặc nhiên buồn và đau đáu niềm cô đơn. Các con ông là người hiểu cha mình và cũng rất yêu cha. Trước khi ông lâm bệnh, người con trai thứ hai là anh Thông đang sống tại Hà Nội, còn hai người con thì sống tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nhạc sĩ Thanh Tùng, diễn viên Hồng Minh và con trai của nhạc sĩ.

Kể từ ngày ông bị đột quị vào mùa hè năm 2008, ra viện ông về lại TP Hồ Chí Minh, sau đó ông có nguyện vọng sống tại thủ đô, nơi mà ở đó ông đã gắn bó bao kỷ niệm.  Ăn tết năm 2012 xong, anh con trai cả và người con gái út của ông đưa ông ra Hà Nội để sinh sống và họ cùng ở lại mảnh đất này.

Giờ thì ông sống tại một căn hộ trên khu chung cư Ciputra.  Bệnh tật đã biến ông một người hay đi, hoạt động sôi nổi thành ra một người di chuyển khó khăn. Cả ngày ông phải ngồi trên xe lăn. Người đàn ông cao lớn, vạm vỡ thuở nào, giờ gầy gò bé nhỏ. Ông không nói được, chỉ gật đầu hoặc lắc, đôi môi  mấp máy không thành tiếng. Trông ông mong manh như vệt nắng nhẹ của những ngày cuối thu.

Trước đây, khi còn sung sức, sống ở thành phố Hồ Chí Minh một năm ông ra Hà Nội vài lần thăm bạn bè rồi cùng nhau đi những chuyến đi bất tận. Từ ngày ông đổ bệnh, chỉ quanh quẩn ở nhà, bạn bè thân thiết trong làng văn nghệ vẫn thi thoảng kéo đến thăm ông. Họ lại quây quần trò chuyện vui vẻ cùng nhạc sĩ, cũng vẫn chai rượu Tây và mùi thuốc lá đặc quánh, mọi người thì vẫn uống, vẫn hút, duy chỉ có riêng ông thì dừng.

Nhưng không vì thế mà câu chuyện trở nên kém vui. Thấy bạn bè chuyện trò rôm rả, ông vui lắm. Hà Nội không phải là nơi ông sinh ra và lớn lên, ông sinh ở Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, nhưng đây là quê hương thứ hai của người nhạc sĩ, khi còn là một cậu học sinh miền Nam, tập kết ra Bắc, ở mảnh đất này đã có những bà con cô bác cưu mang ông, rồi cũng chính nơi đây nơi nhạc sĩ đã viết ca khúc trữ tình nổi tiếng của những năm 80 “Lời tỏ tình của mùa xuân”: “…Em ơi nghe chăng mùa Xuân, mùa Xuân hát ở trong lòng. Đất nước với sức sống mới như chim én bay trên trời cao. Em ơi nghe chăng tình yêu, tình yêu hé nở ban đầu. Như Xuân đang sang mênh mang, như con tim yêu thương nồng say…”.

Nhạc sĩ Thanh Tùng là nhạc sĩ của những bản tình ca say đắm, giàu gợi mở, những ca khúc vang lên âm hưởng giai điệu ca từ mượt mà, lời nhắn nhủ yêu thương,  thủ thỉ tâm tình của tình yêu đôi lứa. Nhưng nhạc sĩ cũng tâm sự rằng không có một người con gái nào là nguyên gốc trong những ca khúc của ông. Những bài hát của ông được dệt nên từ cảm xúc thoáng qua, một cái nhìn, một ánh mắt, một cử chỉ, một lời nói của nhiều điều bắt gặp trong đời sống, nên các mỹ nữ cũng đừng vội mừng và nghĩ rằng mình là nguyên gốc.

Duy chỉ bài hát "Một mình" là ông biết chắc mình viết để tưởng nhớ người vợ quá cố, viết cho hồng nhan tri kỷ sớm bạc mệnh... Dường như, sự thành đạt của một doanh nhân, sự nổi tiếng của một nhạc sĩ, sự đào hoa của một người đàn ông không thể nào khỏa lấp nỗi cô đơn ngày càng ăn sâu vào tâm trí hoang hoải của ông, nỗi buồn mênh mông bất tận đấy không có gì và ai khác có thể khỏa lấp được.

Nhạc sĩ Thanh Tùng và diễn viên Hà Ê Va, diễn viên Hồng Minh.

Nhạc sĩ Thanh Tùng không chỉ tài hoa về con đường âm nhạc mà còn là một doanh nhân có tiếng. Dường như ông được ưu đãi cả ở hai khía cạnh, sự nhạy bén sắc sảo của một người kinh doanh và bản chất mơ mộng lãng mạn mây gió của một nghệ sĩ - nhạc sĩ đích thực. Ông từng kinh doanh nước khoáng, rồi có thời đồng sở hữu vũ trường, một trong những vũ trường đầu tiên ở Hà Nội, một chuỗi những nhà hàng ăn. Nhưng chỉ đến khi ông kinh qua ngành bất động sản thì ông mới thật sự gặp vận.

Có lẽ vì ông mệnh Hỏa mà đất lại thuộc Thổ. Theo ngũ hành tương sinh, Hỏa sinh Thổ, nên khi ông chuyển sang ngành bất động sản mới thật sự hợp duyên. Nếu tổng kết trong làng nhạc sĩ thì quả thực chả ai được ông trời ưu đãi sự tài hoa riêng biệt như nhạc sĩ Thanh Tùng. Ở bất kỳ lĩnh vực nào ông cũng nổi tiếng khiến cho người ta nể phục, là nhạc sĩ tài hoa, hào hoa, là một ông chủ phong lưu, một dân chơi có hạng. Vào cuối những năm 90, nhạc sĩ Thanh Tùng đã có dư giả bạc tiền sắm cho mình 3 chiếc ôtô hạng sang có một không hai ở Hà thành.

Không chỉ giàu về của nả sở hữu, mà ông còn giàu về tình bạn với những nghệ sĩ của hai miền Nam - Bắc. Ông có những người bạn nghề giỏi giang và tiếng tăm. Có lẽ, những người giỏi họ thường trân quý nhau, nên dễ đồng điệu với nhau. Cái khí chất anh hai Nam Bộ phong lưu và khoáng đạt khiến cho những người bạn nghề yêu mến.

Thời gian, cứ một đi không trở lại, từng mùa xuân qua, hè tới, thu sang, đông đến, những người anh lớn của ông lần lượt về miền cát bụi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đi từ lâu, năm ngoái nhà văn Nguyễn Quang Sáng trở về miền cát bụi, cậu em út là ông còn ở lại. Trên tầng cao, ông ngắm nhìn khung trời qua ô cửa, và chẳng hiểu sao nghĩ đến ông, nhạc sĩ của bản tình da da diết ấy, lời bài hát của ông cứ âm vang ngân lên trong tôi sao quá đỗi thiết tha: “Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi. Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi. Giọt nắng bâng khuâng. Giọt nắng rơi rơi bên thềm. Bài hát bâng khuâng. Bài hát mang bao kỷ niệm. Những ngày đã qua…”.

Trần Mỹ Hiền
.
.