Hoàn cảnh éo le của một gia đình lính đảo cần giúp đỡ

Thứ Tư, 30/07/2014, 15:25

Nhiều người khi biết về tình cảnh của gia đình Thượng úy Nguyễn Gia Khang (42 tuổi, thuộc Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân) và chị Trương Thị Ngọc (giáo viên Trường THCS Nguyễn Hiền, huyện Cam Lâm) đã không khỏi thương cảm và xót xa. Đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Đông, Thượng úy Khang phải xin cấp trên về công tác tại bờ để tiện chăm sóc vợ con đều bị bệnh hiểm nghèo - con trai út bị bại não, vợ bị bệnh hiếm gặp. Vậy nhưng tai họa lại tiếp tục ập đến gia đình này khi anh Khang bỗng nhiên ra đi vĩnh viễn để lại vợ góa con côi đau buồn và bệnh tật.

Bệnh tật, tai ương dồn dập tìm đến

Bế trên tay đứa con trai gần 3 tuổi bị bệnh bại não - cháu bé có những hành động gần như vô thức như vung tay, cắn vào người mẹ… - chị Trương Thị Ngọc (34 tuổi), người vợ tội nghiệp của cố Thượng úy Nguyễn Gia Khang, buồn bã chia sẻ về hoàn cảnh gia đình mình.

Ngày ấy, anh Khang (quê Nam Định) đang là chiến sĩ Hải quân thuộc Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân (đóng tại Khánh Hòa), chị Ngọc từ Vinh vào Khánh Hòa học Trường cao đẳng Sư phạm. Trong một lần tình cờ gặp gỡ rồi cảm mến yêu thương đã xây nên mối tình đẹp giữa chàng chiến sĩ Hải quân và cô nữ sinh sư phạm.

Năm 2003, anh chị nên duyên vợ chồng. Hạnh phúc của anh chị được nhân lên gấp bội khi lần lượt hạ sinh hai cậu con trai là Nguyễn Đức Thịnh (năm nay 9 tuổi) và Nguyễn Đức Trung (năm nay gần 3 tuổi). Tuy nhiên, năm 2011, khi mới sinh cháu Trung được 2 tháng, chị Ngọc bị tràn dịch màng tim. Chị phải gửi con thơ cho ông bà ngoại trông nom để vào TP HCM điều trị 6 tháng.

"Thời gian ấy tôi cứ phải đi đi về về, có khi phải đi liền mấy tuần, bệnh tim tạm ổn, tôi lại có biểu hiện bị sưng tay. Lúc đầu tôi cứ nghĩ mình bị sưng khớp và đã đi khám chữa ở Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM mất khoảng một năm. Tuy vậy bệnh chỉ giảm đau được chút ít nhưng người lại rất yếu, cảm giác như không còn chút sức lực nào và lúc đó tôi gần như chẳng làm được việc gì cả…", chị Ngọc kể về bệnh tình của mình.

Mẹ con chị Ngọc và ông ngoại vào TP HCM nhận sự hỗ trợ từ Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam.

Thời gian này, dù nhà neo người, vợ đau, con nhỏ, lại bị bệnh liên miên, nhưng anh Khang vẫn đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Đông. Thấy bệnh tình càng ngày càng phức tạp, chị Ngọc phải xin nghỉ dạy, rồi mẹ con, bà cháu bồng bế nhau ra Hà Nội khám bệnh. Các bác sĩ ở Bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương kết luận chị Ngọc bị "xơ cứng bì hệ thống". Các triệu chứng của chị Ngọc trước đó đều do căn bệnh này gây nên. Đây là một loại bệnh lạ, hiểm nghèo, chưa có thuốc đặc trị mà chỉ điều trị cầm chừng.

Trong lúc chị Ngọc bị bệnh tật, cháu Trung, lúc đó được 7 tháng tuổi lại có những biểu hiện khác lạ phát triển không bình thường, cổ cứ vẹo sang một bên khiến gia đình rất lo lắng. Điều không mong đợi đã ập đến khi các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương kết luận cháu Trung bị bệnh bại não bẩm sinh. Thế là cả hai mẹ con chị lại tiếp tục hành trình chữa trị của mình. Tính đến thời điểm hiện tại, cháu Trung đã điều trị 3-4 lần tại Khoa bại não tự kỷ Viện châm cứu Trung ương và 3 lần ở Bệnh viện Đa khoa Nghệ An.

Theo chị Ngọc thì trong thời gian này, do anh Khang đang công tác ngoài đảo  nên chị cũng không dám nói hết chuyện nhà cho chồng nghe vì sợ anh lo lắng sẽ không yên tâm công tác. Và chỉ đến khi về phép anh mới biết rõ tình hình bệnh tật của vợ con. Vì thế, anh đã xin phép cấp trên, đơn vị được công tác tại bờ để tiện chăm sóc vợ con.

Chị Ngọc kể, theo kế hoạch, anh đã đặt vé để đưa vợ con ra Hà Nội điều trị vào ngày 23/4/2014, thế nhưng trước đó một ngày anh đã đột ngột ra đi. “Sau khi anh mất, các bác sĩ bảo chồng tôi bị nhồi máu cơ tim và biểu hiện bệnh của anh cũng không rõ ràng. Trước đó tôi cũng nghe anh nói thỉnh thoảng có hay đau nhói ở ngực", chị Ngọc cho biết.

Mẹ con chị Ngọc và ông ngoại.

Ngoài biểu hiện của bệnh tim, theo lời chị Ngọc thì có lẽ một phần nguyên nhân là do anh Khang quá lo buồn chuyện bệnh tình của vợ con và cả chi phí cho việc đi lại, chữa trị cho vợ con.

Niềm hy vọng chữa khỏi bệnh cho con của người mẹ tội nghiệp

Dù khi anh Khang mất, đồng đội và đơn vị của anh đã chung tay giúp đỡ mẹ con chị Ngọc lo chu tất việc hậu sự của anh, đồng thời còn hỗ trợ thêm một khoản cho mẹ con chị lo cuộc sống trước mắt. Tuy nhiên, trước sự ra đi đột ngột của người trụ cột trong gia đình đã khiến mẹ con chị Ngọc hụt hẫng đau đớn tột cùng .

"Từ khi anh mất, tôi thật sự lo lắng sợ mình sẽ không thể đảm đương được mọi việc, nhất là chữa bệnh cho con. Sau khi suy tính, tôi đã gửi cháu Trung về cho ông bà ngoại, trước mắt để ông bà chăm sóc tạm vì dù sao ông bà ở thành phố Vinh (Nghệ An) cũng tiện lợi hơn do ở đó có một trung tâm phục hồi chức năng… Sau đó, tôi đã quay lại bục giảng và tiếp tục chữa bệnh. Rất mừng là các thầy cô ở trường luôn giúp đỡ và tạo nhiều điều kiện cho tôi thuận lợi trong công tác để chữa bệnh".

Nói về gia cảnh hai bên, chị Ngọc cho biết, bố mẹ anh Khang cũng đã ngoài 60, làm nông nên hoàn cảnh cũng khó khăn, vất vả. Anh là con cả trong 4 anh em, người em thứ ba của anh cũng đang là chiến sĩ hải quân. Chị Ngọc cũng là chị cả trong 3 chị em, cha mẹ cũng đã khá lớn tuổi.

Sau khi anh Khang mất, mẹ con chị Ngọc được hưởng chế độ tử sĩ của anh, nên các của anh chị được hưởng tiền tuất mỗi tháng hơn 500 ngàn. Tính cho đến ngày mất, anh Khang đã công tác trong lực lượng Hải quân 22 năm và làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Đông được 18 tháng.

"Điều tôi mong muốn nhất lúc này là được đi khám bệnh thường xuyên để bệnh của tôi không nặng thêm, để tôi có sức khỏe và thời gian chăm sóc cho hai con. Tôi cũng hy vọng Trung sẽ được chữa trị để có thể đi, nói được và cháu có thể đến trường, dù biết chắc rằng cháu sẽ không thể hoàn toàn bình thường như các bạn khác", chị Ngọc nói lên niềm hy vọng.

Sau khi biết được hoàn cảnh của gia đình Thượng úy Khang và cô giáo Ngọc, nhiều tổ chức, cá nhân đã hết lòng động viên, giúp đỡ mẹ con chị Ngọc về cả tinh thần lẫn vật chất. "Chính nhờ những động viên, giúp đỡ đó mà tôi cảm thấy có nghị lực hơn, yên tâm hơn vì tôi cảm nhận đó là những tình cảm quan tâm thực sự trước hoàn cảnh khó khăn của mẹ con tôi", chị Ngọc thật lòng chia sẻ.

Bà Lê Thanh Trà, Phó Giám đốc Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam, cho biết, để giúp đỡ các gia đình chiến sĩ biển đảo có con, em và người thân bị khuyết tật, Quỹ đã công bố dự án "Sánh bước yêu thương". Với sứ mệnh nhân văn, thiết thực… hiện dự án này đã được Hội Các nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam, BNI Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Doanh nhân cam kết đồng hành để ba doanh nghiệp giúp một cháu và kêu gọi cộng đồng trợ giúp ít nhất 1,5 triệu đồng/tháng như gia đình chị Ngọc sẽ nhận được.

Dự án cũng kết nối với các bệnh viện để đưa cháu đi khám và tìm phương án điều trị, vật lý trị liệu cho cháu. Đồng thời, để có nguồn lực hỗ trợ cho các gia đình chiến sĩ biển đảo khó khăn, Quỹ đã vận động Bộ Thông tin Truyền thông - Cục Viễn thông cấp cho đầu số 1406 với cú pháp TEKT để vận động toàn dân nhắn tin ủng hộ, mỗi tin nhắn 12.000 đồng.

Phú Lữ
.
.