Học phí trả góp - Cách làm hay của một số trường ở TP HCM

Thứ Năm, 28/02/2008, 10:30
Chuyện khó tin nhưng có thật, ở một số trường tiểu học và THCS của quận 4 (TP HCM): rất nhiều phụ huynh đến trường đóng học phí cho con em bằng hình thức trả góp. Góp ở đây, không phải từng tháng một mà là từng tuần, thậm chí có người góp... theo ngày.

Nhận trả góp học phí vì phụ huynh học sinh quá nghèo

Cô Ngô Thị Ánh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xóm Chiếu cho biết, với số lượng 501 học sinh của trường, thì có đến 1/5 là con em những hộ nghèo: cha mẹ buôn thúng bán bưng, làm thợ hồ, chạy xe ôm, bán vé số...

Bên cạnh những em được miễn giảm toàn phần theo diện xóa đói giảm nghèo của Nhà nước, hoặc theo một diện mới phát sinh: giải tỏa, thì còn hơn 10 em con những hộ nghèo (không thuộc hai diện trên) rất nan giải trong chuyện đóng tiền học.

Theo cô Nguyệt, tiền học tăng buổi mỗi tháng chỉ 35 ngàn đồng (với lớp 1) và 45 ngàn đồng (từ lớp 2 đến lớp 5), nhưng hiện nay trong sổ thu tiền học của nhà trường, vẫn còn rất nhiều em... để trắng bao tháng nay.

Có trường hợp hỏi ra mới hay, cha mẹ các em ly dị, để các em ở lại nhờ em chồng nuôi, em chồng không nghĩ mình phải... đóng tiền học cho cháu. Cũng có trường hợp cha mẹ các em bị bắt vì buôn bán ma túy, các em ở với ông bà, ông bà phải đến tận trường góp từng ngàn tiền lẻ đóng cho cháu.

Và những trường hợp như vậy, tiền học cho đóng dần chứ không thu một cách máy móc. Mặt khác, trường tích cực xin học bổng hỗ trợ cho các em.

Còn cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Nhơn: "Cho trả góp cũng là bất đắc dĩ, vì phụ huynh không làm đơn đề nghị trường xét từ đầu năm để đưa vào diện miễn giảm. Cuối cùng mới hay, phụ huynh không biết chữ. Họ đến tận trường xin đóng từng tuần một, cho con em yên tâm học hành".

Cô Mai cho biết, cô vẫn thường trao đổi với các giáo viên chủ nhiệm, hãy đến tìm hiểu thật kỹ gia cảnh của các em. Nếu các em đóng chậm, không nên nhắc nhở nhiều chạm đến lòng tự ái, ảnh hưởng đến việc học tập của các em.

Trường THCS Tăng Bạt Hổ A là trường áp dụng cách thu học phí trả góp từ năm học 1999-2000. Cô Nguyễn Võ Minh Thư, Hiệu trưởng, cho biết một việc mà trường vẫn làm hàng năm là tìm hiểu xem năm học mới này có bao nhiêu học sinh nghèo để rồi bên cạnh việc xin hỗ trợ học bổng, còn biết cách để thu học phí ở các em thế nào cho ổn nhất.

Bởi, cũng có một số em dù gia đình nghèo nhưng lại không thuộc diện xóa đói giảm nghèo theo tiêu chuẩn chung, nên không được miễn giảm; mà xét học bổng thì không cùng thời gian với... thu học phí.

Cô Thư cho biết, những năm trước, nhà trường tạo điều kiện cho các em nghèo thuộc diện trên góp cho giáo viên chủ nhiệm tiền học... từng ngày. Năm nay, nhà trường có 4 em, thì các em không góp theo ngày nữa mà góp theo tuần. "Nhưng không nhất thiết tuần nào phụ huynh cũng phải đóng, mà có tuần đóng ít, tuần đóng nhiều theo khả năng tài chính của họ. Phụ huynh cũng vui vẻ mà học sinh lại yên tâm học hành".

Để thắp sáng những ước mơ...

Hầu hết các hiệu trưởng đều thẳng thắn rằng, cho các em đóng học phí kiểu như vậy, không phải là để chạy theo thành tích “thu đủ” “thu đầy” để làm đẹp thêm những bản báo cáo cuối quý, cuối năm. Vì đã không ít những trường, chấp nhận đưa một số trường hợp vào diện thất thu.

Đa số các em nghèo được đóng học phí theo kiểu... "nhỏ giọt" đều rất ham học, học khá. Em Nguyễn Thị Anh Đào, lớp 7A4, Trường THCS Tăng Bạt Hổ, là một trong những em mấy năm học nay đóng học phí theo diện trả góp, là một học sinh khá của trường. Đào có hoàn cảnh hết sức khó khăn: Mẹ em bị mù, nhưng vì lo cho con ăn học vẫn phải mò mẫm đi bán vé số hàng đêm tại các tụ điểm của dân ăn nhậu.

“Mẹ con bị mất tiền, mất vé số hoài. Có nhiều lúc mẹ đi bán, không biết đến thời gian, nên vé số bị hết giờ, phải bù lỗ. Em muốn được học, sau này trở thành cô giáo, để mẹ đỡ phải đi bán vé số” - ước mơ của Đào như vậy...

“Có những em, khi đi xuống tận nhà, mới hay cái khó khăn trong gia cảnh của các em hơn cả mức tưởng tượng, và nghị lực của các em cũng hơn cả mức tưởng tượng" - cô Nguyễn Võ Minh Thư tâm sự.

Cô Thư kể về trường hợp em Trần Thị Ngọc Trâm, học sinh lớp 8A2. Cho em trả góp học phí một thời gian, sau đó nhà trường xin được học bổng học sinh nghèo vượt khó để em có điều kiện học tập. Bố em mất sức lao động, mẹ đi lượm ve chai, hiện họ phải đi thuê nhà ở cách trường em học 4 km.

Từ một học sinh học lực bình thường, khi được nhà trường tạo điều kiện, em Trâm đã trở thành một học sinh khá. Khi đại diện nhà trường đến thăm nhà em Trâm mới biết sau mỗi buổi đi học, em phải ở nhà chăm sóc bố và một đứa em bị bại não.

Còn chị em Trần Thị Ngọc Phúc và Trần Thị Ngọc Hậu, hai học sinh giỏi của Trường Tăng Bạt Hổ, dẫu được trả góp học phí mấy năm học nhưng rồi đột nhiên nghỉ học.

Khi cô giáo chủ nhiệm tới nhà thì mới biết, một mình mẹ em nhận may đồ thuê không đủ ăn cho cả nhà nên mới chấp nhận để hai con nghỉ học đi bán hàng thuê. Từ đó, nhà trường tạo điều kiện để hai em được miễn giảm tiền học và xin học bổng cho hai em. Và một tin vui, đã có một tổ chức tài trợ tiền học cho các em đến hết lớp 12.

Ông Lưu Văn Thành, Trưởng phòng Giáo dục quận 4, TP HCM cho biết, hiện nay, ở quận có tới 1.002 học sinh nghèo ở cả hai diện: thu hồi đất và xóa đói giảm nghèo, được miễn tiền học hoàn toàn.

Còn rất nhiều gia cảnh, dù không thuộc diện xóa đói giảm nghèo theo tiêu chí của Nhà nước, cũng không thuộc diện giải tỏa nhưng gia cảnh của họ rất khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Thành, thu học phí theo diện trả góp là cách làm riêng của một số trường, để tạo điều kiện cho học sinh yên tâm học hành.

Nhưng ông cũng có ý kiến rằng, nếu các em nghèo quá thì làm hồ sơ tạo điều kiện cho các em được miễn giảm. Hoặc khó quá thì đưa vào diện thất thu, quận không khó dễ gì chuyện này - ông Thành nói

Hoàng Nguyên
.
.