Hội chứng rối loạn lưỡng cực

Thứ Sáu, 31/05/2013, 22:40

Dư luận xã hội bắt đầu chú ý nhiều đến hội chứng rối loạn lưỡng cực (Bipolar disorder) hay còn gọi là chứng hưng trầm cảm - tức vừa hưng cảm (quá hưng phấn) vừa trầm cảm (suy sụp tinh thần thái quá) sau khi nữ ngôi sao Hollywood Catherine Zeta Jones công khai về trường hợp của mình.

Ngày nay, các nghiên cứu khoa học về chứng bệnh tâm thần đặc biệt này đã tìm thấy nguyên nhân di truyền qua phát hiện một số gene của nó. Mọi sự thay đổi của những chất trung chuyển thần kinh trong não bộ cũng làm cho tâm tính biến chuyển thất thường. Những nghiên cứu cũng cho thấy có sự liên quan đáng kể giữa chứng rối loạn lưỡng cực và khả năng sáng tạo của một số tài năng nghệ thuật và khoa học trên thế giới.

Chứng bệnh tâm thần rối loạn lưỡng cực có yếu tố di truyền rất mạnh qua nhiều thế hệ của một gia đình bị mắc phải. Một tác phẩm có ảnh hưởng mạnh trong lĩnh vực này là cuốn sách của nhà tâm lý học Mỹ Kay Redfield Jamison ở Đại học Johns Hopkins - "Rối loạn lưỡng cực và khí chất nghệ sĩ", xuất bản năm 1992.

Nữ giáo sư Jamison kết hợp sự chẩn đoán thông thường với sự khảo sát thông tin tiểu sử cá nhân, nhật ký, gia phả và mọi dữ liệu khác đối với các nhà thơ Anh sinh trưởng vào thế kỷ XVIII. Kết quả, Jamison tìm thấy những giai đoạn mà các bác sĩ tâm thần gọi là hưng cảm nhẹ (hypomania) liên quan đến khả năng sáng tạo, sự uyển chuyển trong nhận thức v.v… Nói chung là tập hợp những yếu tố dẫn đến sự bộc phát sáng tạo thiên tài.

Các nghiên cứu khác của Jamison cũng tiết lộ khả năng sử dụng ngôn ngữ khác thường xảy ra ở các cá nhân bị hưng cảm nhẹ, ví dụ như hay sử dụng điệp âm, lối dùng câu có vần điệu, ngôn từ phong phú… Nghiên cứu của Jamison đối với 47 nhà văn và nghệ sĩ kiệt xuất của nước Anh - được chọn trên cơ sở những người này đã giành được một vài giải thưởng danh giá trong lĩnh vực hoạt động của họ - cho thấy 38% trong số người này từng được chữa trị rối loạn tâm thần, bệnh trầm uất.

Có giả thuyết cho rằng, nhờ các chu kỳ hưng cảm mà nghệ sĩ cho ra đời các tác phẩm độc đáo. Một ví dụ là danh họa Van Gogh sáng tác bức tranh "Starry Night" (Đêm đầy sao) khi ông đang nằm điều trị tại Bệnh viện St Remy.

Warren Taylor, Giám đốc chương trình các rối loạn tâm tính ở khoa Y Đại học Vanderbilt, giải thích: "Những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực gặp phải những giai đoạn phát triển tâm thần mâu thuẫn khác nhau; có lúc cảm thấy sầu não và mất hết cả ý chí, có lúc hưng phấn quá mức trước mọi sự việc. Họ thường có rất nhiều năng lượng, không cần ngủ và có thể tiêu tiền bạt mạng".

Một trường hợp điển hình là cố Thủ tướng Anh Winston Churchill được coi là có năng lượng phi thường khi hoàn tất bộ sách khảo cứu lịch sử 4 tập đồ sộ "Lịch sử dân tộc nói tiếng Anh" trong vòng 15 ngày nhờ vào một chu kỳ hưng cảm. Tác phẩm được trao giải Nobel Văn chương năm 1953. Thêm vào đó, bộ sách hồi ký 6 tập về Chiến tranh thế giới thứ 2 của Churchill cũng được hoàn thành trong thời gian kỷ lục!

Ngôi sao Hollywood Catherine Zeta Jones từng được chữa trị rối loạn lưỡng cực.

Chứng rối loạn lưỡng cực thường phát triển ở thời kỳ đầu tuổi thanh niên, với 50% các trường hợp bắt đầu trước 25 tuổi. Một số người có thể mắc chứng rối loạn lưỡng cực từ nhỏ (khoảng 5 - 6 tuổi) và phát triển đến 50 tuổi. Rối loạn lưỡng cực cũng dễ bị nhầm lẫn với chứng hiếu động thái quá và suy giảm khả năng tập trung nơi trẻ em.

Có hai dạng chính gọi là lưỡng cực 1 và lưỡng cực 2 tùy theo triệu chứng nặng hay nhẹ. Ở dạng lưỡng cực 1, người bệnh trải qua những giai đoạn kích động quá mức nghĩa là có năng lượng và khả năng sáng tạo rất cao. Họ cũng có thể dễ dàng quẫn trí, thường thao thức hay ngủ quá ít, thậm chí tin vào những khả năng không có thực của mình từ đó dẫn đến những hành động bốc đồng hay hấp tấp.

Giới chức y khoa nhận định lưỡng cực dạng 1 vô cùng nguy hiểm bởi vì những chu kỳ kích động tâm thần có thể trở nên rất nặng. Họ giải thích: "Biểu hiện ở những người này là nói chuyện nhanh hơn bình thường cũng như năng suất làm việc cao hơn. Thậm chí họ không ngủ. Ở dạng 2, bệnh nhân chỉ hưng cảm nhẹ, cảm thấy lo lắng, mệt mỏi, thiếu tập trung hay không quan tâm đến công việc”. 

Ngày nay, chứng rối loạn lưỡng cực được điều trị bằng thuốc lithium và một số loại khác như là lamotrigine, thuốc an thần, thuốc chống co giật như sodium valproate. Liệu pháp nhận thức (cognitive therapy) cũng được sử dụng. Khác với bệnh tâm thần phân liệt hay các bệnh khác liên quan đến não bộ, rối loạn lưỡng cực không gây sa sút trí tuệ cũng như biến đổi nhân cách, mà ngược lại, "bệnh nhân" khi chưa được phát hiện bệnh vẫn có cuộc sống bình thường trong môi trường của chính mình dù được người khác cho là "người khác thường".

Hiện nay, các chuyên gia trong lĩnh vực tâm thần đặc biệt quan tâm đến chứng rối loạn lưỡng cực do tác động của xã hội hiện đại với nhịp sống hối hả và căng thẳng dễ gây stress ảnh hưởng đến tâm tính. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chứng rối loạn lưỡng cực cũng có mặt tích cực của nó vì giúp các  nghệ sĩ và nhà khoa học thăng hoa trong quá trình sáng tạo và nghiên cứu

An An (tổng hợp)
.
.