Hối hả làng nghề vào Tết

Thứ Tư, 22/01/2020, 13:49
Trong cơn mưa bụi lất phất bay, trong cái rét ngọt của ngày giáp tết, nhẩn nha dạo quanh những làng nghề Hà Nội, sẽ thấy trọn nhịp sống gấp gáp, lòng yêu nghề và sự say nghề của người dân trong hơi xuân đang đến rất gần. Trước vẻ trù phú của làng nghề, dạt dào hi vọng một năm mới an lành, no đủ...

Ở Tranh Khúc, tết quanh năm...

Những ngày cận tết, đường làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội thơm lừng mùi bánh chưng. Dọc đường làng, từng chồng lá dong xếp cao vừa được vận chuyển từ tận Lào Cai, Nghệ An về đây, mùi lá ngai ngái dễ chịu. Nhiều khách hàng đi ôtô, xe máy đến đặt mua, vận chuyển bánh chưng càng làm không khí thêm gấp gáp.

Ngay sát đường làng, cả gia đình cụ Nguyễn Thị Lạc đang bận rộn gói bánh chưng để kịp giao cho khách. Cụ Lạc tuổi đã gần 90 nhưng tay vẫn thoăn thoắt gói bánh, buộc lạt, miệng nói cười rôm rả. Cụ bảo ở các vùng quê khác, bánh chưng thường chỉ được gói vào dịp tết. Còn ở Tranh Khúc, khi cả làng làm nghề gói bánh, thì tết quanh năm. Độ ngoài rằm tháng Chạp, cả làng vào vụ bánh chưng để cung cấp cho thị trường tết, bận bịu cho tới tận 29-30 tết mới tạm nghỉ để chuẩn bị đón năm mới.

Đã hơn 20 năm nay, bánh chưng nhà cụ Lạc ngon nức tiếng ở khu chợ Khương Thượng, quận Đống Đa. Tết này, khách đặt nhiều nên cả nhà phải tập trung nhân lực gói bánh ban ngày và luộc bánh ban đêm. Không chỉ nhà cụ Lạc, cả tuần nay ở Tranh Khúc vào ban đêm các nhà đều sáng đèn luộc bánh. Cụ Lạc bảo, chưa năm nào giá thịt lợn lại tăng cao như năm nay, thế nên giá bánh chưng cũng theo đó nhích lên từ 5-10 nghìn/chiếc.

Cụ Nguyễn Thị Lạc ở làng nghề Tranh Khúc, gần 90 tuổi vẫn miệt mài gói bánh chưng.

Đi sâu vào làng, không khí gói bánh càng trở nên nhộn nhịp. Cách vài nhà lại có một lò luộc bánh đang bốc khói nghi ngút. Cơ sở làm bánh chưng Hải Hương cả tuần nay phải thuê thêm 6-7 nhân công phụ trách các khâu rửa lá, xếp lá, cắt lá, xếp bánh, luộc bánh, vớt bánh, ép bánh.

Giữa khoảng sân rộng, ông Nguyễn Văn Bảy, 71 tuổi, đang miệt mài gói bánh chưng. Quanh ông là nong đỗ đã thổi chín, được nắm lại thành từng nắm vàng ươm và dậy mùi; rổ gạo nếp trắng ngần, lá dong xếp chồng xanh mướt, chậu thịt tươi ngon. Tất cả các nguyên liệu gói bánh đều được chọn lựa cẩn thận, tẩm ướp đượm vị, vừa miệng. Bánh chưng Tranh Khúc vừa phải, không quá to, đặc biệt những nghệ nhân gói bánh như ông Bảy không gói khuôn mà vẫn chặt tay, vuông vức, đều tăm tắp.

Những ngày cao điểm, ông Bảy ngồi gói bánh từ 6 giờ sáng tới 6 giờ tối, được khoảng 1.200 cái. Bánh gói xong, xếp vào nồi luộc từ 8-10 tiếng. Khi bánh chín, vớt bánh và rửa qua nước lạnh, sau đó dùng một tấm phên ép để bánh nở đều, các góc chặt như nhau. Những chiếc bánh chưng Tranh Khúc dẻo, thơm ngon, đẹp về hình thức được người dân Hà Nội và nhiều tỉnh thành ưa chuộng, đặt mua từ tháng 11 âm lịch. Tùy theo nhu cầu của khách mà bánh chưng có các mức giá khác nhau, dao động từ 30-80 nghìn/chiếc, có khách đặt loại đặc biệt giá lên tới 100-150 nghìn/chiếc.

Ông Võ Hồng Hải, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Duyên Hà tự hào khi nói về nghề làm bánh chưng cha truyền con nối nhiều đời ở làng Tranh Khúc. Hiện nay làng có khoảng 200 hộ gắn bó và phát triển nghề làm bánh chưng truyền thống. Bánh chưng Tranh Khúc có mặt tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ lớn của Hà Nội, tham gia các hội chợ tết.

Không chỉ thế, bánh chưng của làng còn được xuất đi nước ngoài cùng kiều bào đón tết ở Nga, Ba Lan, mang hương vị tết cổ truyền của dân tộc đến với những người Việt Nam xa xứ…

Quất đỏ mặt người ở Tứ Liên

Từ đường Âu Cơ, quận Tây Hồ rẽ vào ngõ 124 dẫn ra đường đê quai là đến làng quất cảnh Tứ Liên nổi tiếng đất Hà thành. Con ngõ này những ngày giáp tết có lúc tắc nghẽn vì ôtô, xe máy của khách tứ phương đến ngắm và mua quất tết. Cả một vùng đất bãi bạt ngàn quất cảnh lúc lỉu quả chín vàng và tấp nập người qua lại. Sau một năm cần mẫn chăm cây, uốn thế quất, người làng Tứ Liên ngày cận tết lại bận bịu đón khách đến vườn và chuyên chở cây đến từng nhà.

Từ 8 giờ sáng, vườn quất hơn một mẫu của anh Lê Văn Tùng - chủ vườn quất đã tấp nập khách đến mua. Anh Tùng bảo những người chơi quất nhiều kinh nghiệm thường đến vườn từ tháng 11 âm lịch để chọn được cây quất như ý và đặt trước. Từ đầu tháng Chạp, nhà vườn bắt đầu chuyển quất đến tận nhà cho khách.

Nắm bắt được xu hướng chơi quất bình dịp tết thay cho quất đất, năm nay anh Tùng mở rộng diện tích, tăng số lượng quất lên 1.200 gốc - gấp 3 lần so với năm trước. Phần lớn quất được trồng trong bình, lọ, chậu khay, tiểu cảnh đa dạng về hình dáng, kích cỡ. Những chậu quất bon sai nhỏ nhắn và trĩu quả phù hợp với không gian gia đình.

Đường ô ở làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông.

Thế uốn đa dạng như long giáng, phượng chầu, dáng trực, dáng thác đổ nhìn nghệ thuật hơn, mềm mại hơn được người tiêu dùng ưa chuộng. Những cây quất tứ quý (trên cây có cả quả xanh, chín và hoa, lộc) thường được đặt hàng sớm. Tùy vào cây to hay nhỏ, bình gốm hay bình sứ mà giá cả có thể từ vài trăm nghìn đến vài triệu/bình.

Quất trồng ở đất chiếm số lượng ít, chủ yếu là cây cỡ lớn, dáng tròn, tán cao rộng thường được mua về trưng bày tại các công ty, cơ quan, khách sạn có không gian rộng rãi. Khó nhất là trồng quất cảnh lục bình đòi hỏi kĩ thuật chăm sóc và tạo dáng công phu, chưa kể trong quá trình tạo hình rất dễ làm gãy cành, hỏng cây. Giá thành bán theo cặp quất lục bình vì thế không hề rẻ. Anh Tùng hồ hởi cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên quất sai và đều quả, lá mướt, dáng thế đẹp và được giá. Cây quất đắt giá nhất vườn của anh đã có người mua với giá 20 triệu đồng.

Men theo con đường đất vào sâu trong bãi sẽ gặp vườn quất của anh Nguyễn Thế Anh được xây cao và quây lưới để thuận tiện cho khách đến tham quan. 700 bình quất nhà anh đến thời điểm ngày 23 tháng Chạp đã được khách đặt mua trước 500 bình, chủ yếu là mua buôn về các chợ hoa tết ở khắp Hà Nội và các tỉnh như Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng. Anh bảo trồng quất bình khó hơn, tỉ mỉ hơn, phải kì công uốn thế nhưng đến tết lại nhàn hơn, không phải đánh quất sang chậu như quất đất.

Chào đón năm mới Canh Tý, nhà vườn của anh tạo ra những bình “chuột cõng quất” đặc biệt hút khách, giá cả dao động từ 500 nghìn - 2,5 triệu đồng/bình. Mới qua ông Công ông Táo mà cả vườn quất của anh chỉ còn 2 bình “chuột cõng quất” để bán. Không chỉ bán trực tiếp tại vườn, những người trẻ ở Tứ Liên còn rao bán quất cảnh online, cũng nhộn nhịp không kém.

Vừa bán quất, các nhà vườn vừa tranh thủ những ngày cận tết nhập hàng nghìn chậu, bình mới về tập kết ở bãi. Để sau tết, người dân Tứ Liên lại bước vào một năm trồng quất hứa hẹn mùa tết năm sau sẽ bội thu.

Niềm vui của người dân Tứ Liên khi quất cảnh năm nay được giá.

Rộn tiếng thoi đưa

Làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông ngày thường vốn đã đẹp, những ngày cận tết được điểm tô, trang hoàng càng thêm rực rỡ. Con phố Lụa được chăng kín hàng nghìn chiếc ô xinh xắn đủ màu trông như phố ô. Càng gần đến tết, khách ở Hà Nội và các vùng lân cận, cả khách Tây cũng dập dìu đến Vạn Phúc để chụp ảnh check in, để mua khăn, mua áo diện tết, làm quà tặng.

Cách cổng làng lụa không xa, tiếng máy dệt lụa của các cơ sở sản xuất lụa vẫn vang lên từng nhịp. Trong xưởng dệt, 4 chiếc máy dệt đang hoạt động hết công suất. Cả tổ thợ người nào việc nấy, tập trung và cần mẫn, người phụ trách máy dệt, người guồng tơ ra ống, người chuốt tơ, người mắc cửi dệt. Dệt xong là đến các công đoạn nhuộm. Bằng sự hợp lực của cả tổ thợ, mỗi ngày, 8-9 mét lụa được dệt nên, tinh xảo và độc đáo, mang dấu ấn của những người gái đảm làng nghề.

Cô Nguyễn Thị Tâm - người làng Vạn Phúc đã gắn bó với khung cửi từ khi mười tám đôi mươi, nay gần 70 tuổi vẫn không rời nghề lụa. Cô Tâm phụ trách một dàn hơn chục con tơ được guồng ra ống tơ. Cô bảo, ngày trước dệt thủ công, mỗi dịp tết đến cả làng hối hả, thức khuya dậy sớm, mỗi ngày dệt được 4-5m lụa. Nay nhờ có máy dệt nên năng suất tăng gấp đôi, làm việc cũng đỡ vất vả. Năm nay, để có đủ hàng cho khách đặt mua và chuẩn bị hàng bán tết, dự kiến cả xưởng sẽ phải làm việc đến hết ngày 28 tết.

Nghệ nhân Đỗ Quang Hùng đang chạy máy dệt lụa đổi màu.

Bỏ lại những nhộn nhịp bán buôn đầu phố Lụa, đi sâu vào làng, không gian yên tĩnh đủ để nghe thấy tiếng máy dệt từng nhịp đều đều vang lên từ con ngõ nhỏ. Nằm sâu trong ngõ 36 phố Lụa là cơ sở dệt của nghệ nhân Đỗ Quang Hùng. Vừa đến đầu cổng đã nghe thấy tiếng thoi đưa lách cách vui tai. Ông Hùng đang cần mẫn thay thoi để phối màu trên mảnh lụa. Bao năm nay, dựa trên vốn nghề được truyền lại từ đời trước, ông Hùng mày mò nghiên cứu cách phối màu tơ theo các tỉ lệ khác nhau, tạo nên những mảnh lụa đổi màu đặc sắc.

Có nghe ông Hùng giải thích về lụa, mới thấy hết được sự sáng tạo và am tường về màu lụa, về quy trình dệt lụa của nghệ nhân. Khi lụa đổi màu được may thành áo, váy thì mỗi cử động sẽ tạo ra hiệu ứng màu sắc khác nhau, duyên dáng và đẹp mắt vô cùng.

Những súc lụa mềm mịn, dịu mát, hoa văn trang nhã, phóng khoáng của cơ sở dệt lụa của gia đình ông được nhiều khách hàng ưa chuộng, tìm đến đặt hàng. Càng đến thời điểm gần tết thì khách đặt mua vải lụa càng nhiều. Tết đã gần lắm nhưng vợ chồng nghệ nhân Hùng và tổ thợ vẫn miệt mài với công việc. Hai máy dệt lụa khổ rộng 1.15m đang hoạt động hết công suất để kịp trả hàng cho khách đặt mua 500m lụa.

Ông Hùng bảo, nhu cầu về lụa ngày càng đa dạng. Nếu như trước kia, lụa chỉ để may áo cánh, áo sơ mi thì bây giờ lụa được dùng để may khăn quàng, túi, ví, chăn gối, rèm cửa cao cấp, may vest, caravat, các bộ váy hiện đại, hợp thời.

Bà Quản Thị Loan - vợ nghệ nhân Hùng vẫn đang miệt mài chuốt tơ. Dù có gấp gáp đến đâu thì công việc này vẫn phải làm một cách tỉ mẩn và cẩn thận. Chỉ cần ẩu một chút thôi thì sợi tơ dễ đứt và chuốt không đều, khi đưa vào dệt sẽ không đạt tiêu chuẩn. Hỏi bà Loan khi nào nghỉ tết, bà cười bảo cứ làm hết các đơn hàng lụa giao cho khách thì nghỉ tết.

Có khi cho thợ nghỉ nhưng hai ông bà vẫn phải làm đến tận ngày cuối cùng của năm. Nghề làm lụa bận bịu quanh năm như chăm con mọn nhưng đối với những người yêu lụa, tâm huyết với nghề dệt lụa như vợ chồng ông Hùng thì được gắn bó với nghề và sống được bằng nghề là cả một niềm vui.

Huyền Châm
.
.