Hồi sinh loài voi ma mút

Chủ Nhật, 08/04/2012, 20:35

Vào cuối kỷ băng hà cuối cùng cách đây 20.000 năm, vùng Eurasie là một khu đồng cỏ bao la, một thảo nguyên với nhiệt độ bình quân -100oC. Loài khổng tượng đã thích nghi với khí hậu đó nhờ bộ da ngoài có nhiều lớp cách nhiệt: lông dài 1m, lông nhỏ rồi đến lông tơ, lớp da và lớp mỡ dày. Chúng có đôi tai nhỏ, chiếc đuôi ngắn và miếng da che hậu môn để bảo vệ trước cái rét.

Nhiều giả thuyết đã được đưa ra để giải thích về sự tuyệt chủng của loài voi khổng lồ này. Một giả thuyết cho là do một trận đại dịch khủng khiếp. Nhưng "giả thuyết này chẳng dựa vào chứng cứ nào cả và không giải thích được vì sao các giống loài khác trên thảo nguyên cũng bị tuyệt tích" - nhà khí tượng cổ sinh học Alain Foucault nhận xét.

Một giả thuyết khác gán nguyên nhân cho con người. Để dựng một cái lều của một người tiền sử phải cần đến 21 tấn xương khổng tượng. Và rất nhiều bức tượng hay đồ trang sức cũng được làm bằng ngà hay xương. Tuy nhiên, các thứ đó không lấy từ những cuộc đi săn mà thường được thu nhặt. Thời ấy có hàng trăm ngàn con khổng tượng sống tại Eurasie. Khi chúng chết đi, xác của chúng là nguồn thức ăn cho lũ chim, chuyên ăn xác chết và cả cho con người: 1 con khổng tượng, đó là 2 tấn thịt và 100kg ngà. 

Thế nhưng những cuộc săn không phải là thiếu vắng, thậm chí chúng còn đóng vai trò văn hóa và xã hội, nhưng chỉ là thỉnh thoảng. Con khổng tượng cao khoảng 3m và nặng gần 5 tấn, còn vũ khí ngày xưa lại rất thô sơ cho nên việc săn bắn gặp không ít khó khăn. Còn vấn đề đào hố để bẫy khổng tượng thì thật khó tin vì cho dù có một cái búa máy cũng khó mà đào được ở vùng đất Siberia đông cứng đến vài mét. Hơn nữa, còn có nhiều loài thú khác dễ săn hơn như linh dương, bò rừng…

Do vậy con người không phải là nguyên nhân gây ra sự tuyệt chủng của loài khổng tượng. Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân chính là sự nóng lên của bầu khí quyển. Tuy nhiên, giả thuyết này không có được sự nhất trí trong giới khoa học. Bởi vì trước đó cũng đã có 2 lần khí hậu nóng lên nhưng loài khổng tượng vẫn yên lành. Thật ra chúng không chết vì sức nóng mà vì khí hậu nóng lên đã làm thay đổi môi trường nhiều hơn 2 lần trước. Khi rừng rậm đã thế chỗ cho đồng cỏ, loài khổng tượng không có thời gian để thích nghi với môi trường mới. Phần lớn quần thể đã bị tuyệt diệt, con cuối cùng chết vào năm 1700 trước Công nguyên.

Từ lâu giới khoa học luôn mơ ước có thể làm sống lại một con khổng tượng, và giấc mơ đó giờ đây có thể trở thành hiện thực. Ngày 13/3, các nhà khoa học Nga và Hàn Quốc đã ký thỏa ước hợp tác nghiên cứu để tạo ra một con khổng tượng. Những người ký kết là phó hiệu trưởng Vasily Vasiliev của Đại học Liên bang đông bắc Cộng hòa Sakha và nhà tiên phong nhân bản của Hàn Quốc Hwang Woo-suk ở Quỹ Nghiên cứu Sinh kỹ thuật Sooam.

Hwang Woo-suk là người đã nhân bản con chó đầu tiên tên là Snuppy vào năm 2005. Giờ đây các nhà khoa học muốn nhân bản một con khổng tượng từ các phần thu thập được trong lớp đất đóng băng ở Siberia. Quỹ Sooam sẽ bắt đầu nghiên cứu khi người Nga gởi những mẫu vật của khổng tượng sang.

Viện Hệ gien của Trung Quốc cũng nằm trong dự án này. Quỹ Sooam cho biết họ sẽ chuyển giao công nghệ cho Đại học Nga để nơi này cùng làm việc với một nhóm nghiên cứu của Nhật. Trước tiên và cũng khó khăn nhất là phục chế các tế bào khổng tượng. Các nhà khoa học sẽ cố phân lập những mô còn nguyên vẹn có chứa gien còn tốt.

Tiến trình sẽ là chuyển nhân tế bào soma chứa hệ gien đầy đủ của khổng tượng vào noãn không nhân của một con voi, có thể tạo ra được những phôi mang ADN của khổng tượng, sau đó lại đưa phôi vào dạ con của một con voi. Quỹ Sooam sẽ dùng voi châu Á để chuyển tế bào soma. "Đây là một công việc khó khăn nhưng chúng tôi cho rằng có thể được vì Sooam đã có kinh nghiệm trong kỹ thuật nhân bản loài vật" - Hwang Woo-suk cho biết. Quỹ Sooam đã nhân bản được 8 con chó đồng cỏ, con đầu tiên sẽ chào đời vào tháng 6 tới đây

M.L. (theo L'Express)
.
.