Hồi sinh nhờ đông lạnh?

Thứ Ba, 24/09/2013, 16:05

Ý tưởng bảo tồn một thi thể ở nhiệt độ cực thấp với hy vọng người này sẽ được hồi sinh nhờ công nghệ y khoa tiên tiến trong tương lai (cryonics) được coi là chuyện khoa học viễn tưởng, nhưng thực tế điều đó đã tồn tại từ lâu và thậm chí có không ít người mạo hiểm tham gia loại chương trình "bất tử" này. Phương pháp bảo quản xác chết trong bể chứa nitrogen lỏng ở nhiệt độ -196 độ C đã có từ thập niên 60 thế kỷ trước và ước tính đã có hơn 100 thi thể đang trong tình trạng đông lạnh chờ ngày hồi sinh! Trong số những người muốn hồi sinh bằng phương pháp cryonics có giám khảo chương trình X-Factor nổi tiếng Simon Cowell.

Khi một người vừa mới qua đời, công ty bảo tồn đông lạnh sẽ được thông báo tức thì để cử đội phản ứng đến giữ cho máu tiếp tục tuần hoàn trong cơ thể người chết. Thi thể sau đó được giữ lạnh và tiêm đủ mọi loại hóa chất khác nhau để ngăn chặn hiện tượng máu đông thành cục và tổn hại não.

Sau khi xác chết được ướp lạnh trên điểm đóng băng của nước, máu được bơm ra ngoài và thay vào đó là dung dịch bảo quản các cơ quan nội tạng. Các mạch máu cơ thể cũng được tiêm dung dịch chống đông nhằm ngăn chặn sự hình thành tinh thể băng trong các cơ quan, mô và xác được làm lạnh đến nhiệt độ -130oC. Bước cuối cùng là đặt thi thể vào một bể chứa nitrogen lỏng ở nhiệt độ -196oC.

Theo số liệu thống kê mới nhất, có khoảng 150 thi thể được bảo quản trong nitrogen lỏng ở Mỹ, và 80 thi thể khác chỉ đông lạnh phần đầu hay não của họ. Ngoài ra, có hơn 1.000 người còn sống đăng ký tham gia chương trình "bất tử" với Công ty Cryonics để được đông lạnh toàn thân sau khi họ từ trần!

Những người thích thú với phương pháp cryonics cho biết, họ có 3 lý do "chính đáng" để hy vọng. Đầu tiên, sự tổn hại não có thể được giảm thiểu nhờ bảo đảm mức oxy được duy trì. Thứ hai, đông lạnh thi thể ở nhiệt độ đủ thấp sẽ làm chậm đi các tiến trình hóa học trong các tế bào và mô đủ để ngăn ngừa bất cứ sự phân rã nào của cơ thể. Cuối cùng, bất chấp việc cơ thể khó tránh khỏi bị tổn hại do tiến trình làm lạnh và bệnh tật hay tuổi tác song họ vẫn hy vọng công nghệ nano trong tương lai có khả năng sửa chữa mọi thứ!

Nếu một người được làm lạnh dưới -5oC thì nước bên trong các tế bào cơ thể sẽ đông lại tạo nên các tinh thể băng nguy hiểm sẽ đâm thủng màng tế bào gây tổn hại hết sức nghiêm trọng. Do đó, Công ty Cryonics sẽ cố gắng khắc phục điều này bằng cách thực hiện một tiến trình gọi là thủy tinh hóa - tức là, thay thế nước trong cơ thể bằng các tác nhân chống đông để giảm thiểu sự hình thành của tinh thể băng. Tuy nhiên, cho đến bây giờ vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy chúng ta có thể thủy tinh hóa các cơ quan con người!

Các bồn nitrogen lỏng bảo quản xác chết chờ ngày "hồi sinh" của dịch vụ Alcor Life Extension Foundation (ALEF).

Chuyên gia sinh học đông lạnh (nghiên cứu tác động của nhiệt độ thấp đến các hệ sinh học) Dayong Gao thuộc Đại học Washington ở thành phố Seattle (Mỹ) giải thích: "Chúng ta biết có thể thủy tinh hóa thành công những cơ thể rất nhỏ như là côn trùng và các mô đơn giản như mạch máu. Bởi vì, kích thước càng nhỏ thì càng dễ kiểm soát tiến trình làm lạnh và các chất chống đông sẽ lan đi đúng cách".

Nhưng, các cơ quan của thi thể được bảo quản trong nitrogen lỏng ở nhiệt độ -196oC sẽ bị tác động như thế nào? Tiến sĩ Gao cho biết: Chúng ta đơn giản vẫn chưa biết được bởi vì các thi thể hiện vẫn còn giữ trong các bể chứa! Theo nhà sinh hóa học Ken Storey, Đại học Carleton ở Ottawa (Canada) thì kết quả rất mù mờ: "Chúng ta có nhiều cơ quan khác nhau và chúng ta biết qua nghiên cứu bảo tồn các cơ quan cấy ghép rằng, cho dù có thể bảo quản lạnh thành công chúng đi nữa thì mỗi một cơ quan đòi hỏi được giữ lạnh ở tỷ lệ khác nhau, với hỗn hợp thuốc và độ tập trung các chất chống đông khác nhau.

Giáo sư phân tích: "Cho dù bạn chỉ muốn bảo quản não bộ thôi thì cơ quan này cũng có nhiều khu vực khác hẳn nhau đòi hỏi được giữ đông với các cách thức khác nhau! Nếu một ngày nào đó, các nhà khoa học có được thành công với phương pháp cryonics đối với toàn bộ cơ thể người, thì vẫn còn vấn đề hết sức quan trọng là đưa xác chết trở về với cuộc sống như thế nào!

Tiến sĩ Gao nói: "Cho dù khoa học có khả năng hạn chế sự tổn hại bằng các chất chống đông, vấn đề là làm thế nào để rút chúng ra khỏi cơ thể một cách an toàn". Hơn nữa, còn có những tình thế phức tạp đáng quan tâm khác như là giữ đông cơ thể ở nhiệt độ -196oC khiến nó trở nên giòn và dễ vỡ giống như tấm gương trong suốt giai đoạn làm ấm lên do ứng suất nhiệt.

Cũng theo Tiến sĩ Gao, não bộ - cơ quan có đến 10.000 kết nối đối với mỗi tế bào thần kinh trong 100 tỉ tế bào này - đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ nóng và lạnh. Một vấn đề khác là trước khi chết có thể cơ thể đã bị tác động xấu do bệnh tật hay tuổi tác.

Những người chủ trương đông lạnh xác chết cho rằng vào một ngày nào đó trong tương lai không xa, công nghệ nano - thao tác vật chất ở mức độ phân tử - sẽ cung cấp một giải pháp tối ưu cho mọi vấn đề. Tuy nhiên, Giáo sư Ken Storey hoài nghi niềm tin này bởi vì vấn đề nằm ở chỗ mỗi tế bào cơ thể người. Giáo sư phát biểu: "Một tế bào cơ thể người có chừng 50.000 protein và hàng trăm triệu phân tử mỡ làm nên màng tế bào. Và, cryonics sẽ phá vỡ hoàn toàn chúng".

Tiếp đến là sự phức tạp của não bộ mà chúng ta chưa hoàn toàn biết hết. Nhà thần kinh học Martin Ingvar thuộc Viện Karolinska, Stockholm (Thụy Điển) có ý kiến: "Các tính năng tinh tế của mạng lưới bão bộ là hay thay đổi. Một số trong các kết nối này là mấu chốt trong khi một số khác có thể bị mất đi - nhưng chúng ta không biết những kết nối nào sẽ bị mất".

Bất chấp mọi thứ, cryonics vẫn là vấn đề của hy vọng và niềm tin vào tương lai. Thậm chí, nhà khoa học tiên phong trong công nghệ nano - Tiến sĩ Robert A. Freitas - còn dự đoán một cách lạc quan rằng, thi thể đông lạnh sẽ được hồi sinh đầu tiên vào khoảng năm 2040 - 2050. Nhưng, Tiến sĩ Dayong Gao nhận xét: "Con người  luôn có thể hy vọng vào những thứ sẽ thay đổi trong tương lai, nhưng hiện tại vẫn chưa có quỹ tài trợ khoa học nào ủng hộ cryonics".

Năm 1964: Giáo sư vật lý Robert Ettinger - Đại học Michigan (Mỹ) xuất bản cuốn sách "Viễn cảnh của sự bất tử" kích thích nghiên cứu cryonics.

Năm 1967: James Bedford, nhà tâm lý học 73 tuổi, trở thành người đầu tiên được đông lạnh theo phương pháp cryonics và còn được bảo quản xác cho đến ngày nay.

Thập niên 70: Các dịch vụ cryonics thương mại đầu tiên bắt đầu hoạt động nhưng sau đó nhiều công ty đóng cửa vì chi phí quá cao.

Năm 2005: Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Hồi phục - Đại học Pittsburgh (Mỹ) thông báo họ đã thành công khi đưa vài con chó vào trạng thái chết lâm sàng và sau đó đưa chúng trở về với cuộc sống.

Năm 2006: Các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Boston cũng có thành công tương tự với những con heo thí nghiệm.

Năm 2011: Sau khi qua đời lúc 92 tuổi, Robert Ettinger trở thành người thứ 106 được bảo quản thi thể tại Viện Cryonics - Công ty Cryonics do ông thành lập năm 1976 ở Clinton, bang Michigan (Mỹ).

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.