Hội tụ anh tài trong LHSK về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND”

Thứ Ba, 07/07/2015, 16:00
Với 27 vở diễn của 20 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, Liên hoan sẽ là nơi hội ngộ của các nhà biên kịch gạo cội, các đạo diễn tên tuổi, và những diễn viên nổi tiếng trong cả nước.

Giữa tháng 7 này, khán giả Thủ đô sẽ được thưởng thức một sự kiện văn hóa lớn. Đó là Liên hoan Sân khấu (LHSK) toàn quốc "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" lần thứ III, do Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp tổ chức.

Liên hoan chắc chắn sẽ mang đến cho khán giả nhiều thú vị. Bởi, với 27 vở diễn của 20 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, Liên hoan sẽ là nơi hội ngộ của các nhà biên kịch gạo cội, các đạo diễn tên tuổi, và những diễn viên nổi tiếng trong cả nước. 

Đặc biệt, khán giả Thủ đô sẽ có cơ hội được thưởng thức miễn phí các vở diễn, do các nghệ sĩ xuất sắc ở nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp biểu diễn.

Kịch bản phong phú

Liên hoan là nơi các kịch bản hấp dẫn nhất về đề tài Người chiến sĩ CAND được lựa chọn. Và, những biên kịch gạo cội ở mảng đề tài này thêm một lần được khẳng định, trước hết là về số lượng vở diễn. Trung tướng - Nhà văn Hữu Ước có 3 kịch bản được các Đoàn dàn dựng: "Phút giây định mệnh" (chuyển thể Chèo: Trần Đình Văn, đạo diễn: NSƯT Xuân Sanh) do Nhà hát chèo Hưng Yên dựng.

Công ty cổ phần Sân khấu và Điện ảnh Vân Tuấn (Công ty Vân Tuấn) cũng dựng vở "Người đàn bà uống rượu" (đạo diễn: Quốc Thảo), còn Đoàn Cải lương Thái Bình, đơn vị từng thành công ở Liên hoan lần II cũng với một vở diễn của nhà văn Hữu Ước, lần này tiếp tục dàn dựng "Khoảnh khắc mong manh" (chuyển thể cải lương và đạo diễn: NSƯT Xuân Vũ).

Một nhà viết kịch đang khá ăn khách ở cả trong Nam, ngoài Bắc là tác giả Lê Chí Trung, cũng có 3 vở được các nhà hát lựa chọn mang đến Liên hoan: "Nơi lấp lánh mặt trời" (đạo diễn: NSƯT Anh Tú) của Nhà hát Kịch Việt Nam, "Cho một ngày bình yên" (đạo diễn: Bùi Như Lai) do Nhà hát Tuổi trẻ dựng vở và "Phía sau tội ác" (Lê Chí Trung - Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Nguyễn Thành Chánh Trực) của Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ TP HCM.

Vốn từng công tác trong lực lượng Công an nên tác giả Vũ Xuân Cải cũng có thế mạnh về đề tài này, có 3 kịch bản được dàn dựng tham gia Liên hoan: Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa dựng vở "Cơn lốc cuộc đời" (đạo diễn: NSND Hoài Huệ), Đoàn kịch nói Nam Định chọn "Phía sau vụ án" (đạo diễn: NSƯT Trần Nhượng - NSƯT Đào Quang) và Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn Thanh Hóa đã có "Mảnh đời run rẩy" (đạo diễn: NSƯT Giang Châu).

Đại tá quân đội - Nhà văn Chu Lai, có duyên với lực lượng vũ trang, khi vở "Quyết đấu giữa sương mù" (đạo diễn: NSND Lê Hùng) được Đoàn kịch CAND dàn dựng, còn vở "Người chiến sĩ năm xưa" (chuyển thể chèo: NSƯT Bùi Vũ Minh, đạo diễn: NSND Lê Hùng) do các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Quân đội trình diễn. Riêng tác giả Nguyễn Đăng Chương có kịch bản "Không phải là vụ án" đã được Đoàn kịch CAND và Nhà hát Nghệ thuật Ca Kịch Huế cùng dựng.

Ngoài ra, còn một đội ngũ hùng hậu các tác giả ở nhiều lứa tuổi và đa phần là những cây bút tên tuổi, với những kịch bản xuất sắc. Cố tác giả Lưu Quang Vũ cũng "tham dự" Liên hoan với vở "Thủ phạm là ai" do NSƯT Chí Trung đạo diễn, nhà văn Hà Đình Cẩn với kịch bản "Những người lính trận" được Nhà hát Kịch nói Quân đội lựa chọn đến với Liên hoan, hay NSND Hồng Vân với "Chuyên án 292" do chính Công ty Vân Tuấn dàn dựng, đã biểu diễn hàng trăm đêm. Kịch bản "Cát trắng như gạo" của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, "Bông hồng vàng" (của Trần Kim Khôi), "Người thi hành án tử" (Phạm Văn Quý), "Người trong biển lửa" (tác giả An Ninh), "Dư chấn" của nhà văn Xuân Đức, "Thành Hoàng làng" (của nhà văn Giang Phong) v.v…

Mỗi tác giả sẽ trình làng một "món ăn" riêng, độc đáo và hấp dẫn, mang đến những góc nhìn đa chiều và đầy sự cảm thông, sẻ chia với lực lượng Công an trong nhiệm vụ gìn giữ an ninh trật tự.

Vở "Không phải là vụ án" của Đoàn kịch CAND.

Những đạo diễn tài hoa và các ngôi sao sân khấu

Góp phần quan trọng vào "bữa tiệc" sân khấu về hình tượng Người chiến sĩ CAND lần này, còn là lực lượng đạo diễn. Có thể thấy ở đây những "cây đại thụ" của sân khấu Việt như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng, hay người lần đầu đạo diễn như NSƯT Công Bẩy, cũng mạnh dạn dự Liên hoan. Thế hệ đạo diễn kế tiếp như Phạm Huy Thục, NSƯT Anh Tú, NSƯT Chí Trung, NSƯT Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Trần Nhượng, đạo diễn Diệp Tiên (con trai NSND Diệp Lang) v.v… đều là những người đã được khẳng định qua nhiều vở diễn. Mỗi đạo diễn mang đến một phong vị riêng, làm cho "bữa tiệc" sân khấu thêm sinh động, phong phú.

Một tin vui với khán giả Thủ đô là dịp liên hoan lần này, còn được thưởng thức nhiều vở diễn do các ngôi sao sân khấu của cả ba miền thể hiện. Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ cho khán giả cơ hội được thưởng thức tài năng diễn xuất của dàn diễn viên đã từng chinh phục khán giả của ba miền đất nước, đặc biệt là danh hài Xuân Bắc, cùng các nghệ sĩ Xuân Nam, Việt Thắng, Khuất Quỳnh Hoa, Thùy Hương, Ánh Hồng, Trịnh Nhật.

Là một đơn vị có nhiều ngôi sao sân khấu, Nhà hát Tuổi trẻ cũng mang đến Liên hoan thế mạnh này với các gương mặt được công chúng yêu mến từ lâu, như NSND Lê Khanh, NSƯT Ngọc Huyền, Đức Khuê,  Quang Ánh v.v… Công ty Vân Tuấn, vốn có nhiều vở diễn ăn khách cùng các diễn viên tên tuổi, lần này sẽ cho khán giả Hà Nội được thưởng thức tài nghệ của danh hài Minh Nhí, diễn viên đang nổi như cồn Minh Luân, Ốc Thanh Vân, 2 diễn viên  đang được khán giả yêu mến là Hòa Hiệp, Minh Phương cùng với Xuân Nhị, Cung Phong v.v…

Cùng với các diễn viên trẻ có khả năng như Hoàng Việt Tùng, Huyền Trang, Đoàn kịch CAND cũng huy động các diễn viên đã thành danh như NSƯT Công Bẩy, Hồng Tuấn tham gia vở diễn dự Liên hoan. Liên hoan cũng sẽ là dịp khán giả được thưởng thức các giọng ca vàng của Đoàn văn công Đồng Tháp với các ngôi sao cải lương đắt khách: Minh Trường, người vừa giành Huy chương Vàng vọng cổ và Mỹ Vân, giọng ca tên tuổi cũng mới giành giải thưởng danh giá của giới cải lương là Huy chương Vàng Giải diễn viên xuất sắc Trần Hữu Trang.

Nhà hát Thế giới trẻ (Trường đại học Sân khấu điện ảnh TP HCM (ĐHSKĐA) sẽ mang "con át chủ bài" là diễn viên Huy Khánh, người đã nổi danh qua hàng loạt bộ phim điện ảnh và truyền hình, đặc biệt được giới trẻ yêu thích, đến Hà Nội, để vào vai chính trong vở kịch "Bông hồng vàng".

Với lực lượng diễn viên tài danh hùng hậu của ba miền hội tụ, chắc chắn sẽ tạo nên sức hút cho LHSK "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" với khán giả, bởi không phải lúc nào mọi người cũng có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu và thưởng thức các vở kịch do các nghệ sĩ tên tuổi ở nhiều vùng miền biểu diễn.

Vở "Ai là thủ phạm?" của Nhà hát Tuổi trẻ.

Chủ nhà hiếu khách

Là đơn vị chủ trì và phối hợp với Bộ VH-TT&DL, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan, Bộ Công an đã dành một khoản kinh phí khá lớn, khoảng hơn 8 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước cấp để tổ chức Liên hoan, hỗ trợ cho các đoàn dàn dựng vở và chi phí đi lại. Đây là yếu tố quan trọng giúp các đơn vị, nhất là các đơn vị sân khấu tư nhân, có điều kiện tham dự Liên hoan.

Theo NSND Hồng Vân, Giám đốc Công ty Vân Tuấn: Là đơn vị sân khấu xã hội hóa nên các nghệ sĩ của đơn vị chị hầu như khó có cơ hội tham gia các LHSK do không có kinh phí. Vì vậy, chỉ khi có sự hỗ trợ của Bộ Công an, các nghệ sĩ mới có cơ hội dự Liên hoan. Đây là cơ hội để các nghệ sĩ vừa thể hiện khả năng, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp, đồng thời, còn có cơ hội khẳng định mình bằng việc giành huy chương, phần thưởng, để làm cơ sở cho việc xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND sau này.

Với Nhà hát Thế giới trẻ của Trường ĐHSKĐA TP HCM, kinh phí hỗ trợ của Bộ Công an rất quan trọng, vì ngân sách cấp cho trường chỉ để phục vụ công tác đào tạo, nên không có kinh phí dựng vở, nếu không được Bộ Công an đầu tư dàn dựng.

Tuy nhiên, theo đạo diễn Phạm Huy Thục, Phó Hiệu trưởng của trường và là  người dàn dựng vở "Bông hồng vàng" dự LHSK lần này: "Dĩ nhiên số kinh phí được hỗ trợ không thể đủ cho dựng vở, nên chúng tôi vẫn đang tìm nguồn bù đắp. Nhưng xác định đây là cơ hội để làm nghề cho cả đạo diễn lẫn diễn viên, khẳng định tài năng, nên chúng tôi quyết định tham gia. Mặc dù cả tôi và diễn viên Huy Khánh đều đang tham gia vai chính và thứ chính trong một bộ phim truyền hình dài tập, nhưng chúng tôi vẫn dành thời gian để tập vở.

Nhiều hôm, tập từ khuya đến sáng mà không ai có cátxê, nhưng vẫn hào hứng. Từ đạo diễn, tác giả đến các diễn viên đều xác định đến với LHSK toàn quốc về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" là một cơ hội tốt, cũng là một dịp để bày tỏ tình cảm của người nghệ sĩ với lực lượng Công an, nên chúng tôi đều tự nguyện tập luyện, không nhận thù lao, để dành tiền cho việc mua sắm trang phục, đạo cụ, chi phí đi lại tham gia Liên hoan".

Đạo diễn Phạm Huy Thục cho biết tin vui: Sau khi dàn dựng, vở diễn "Bông hồng vàng" sẽ được biểu diễn cho một số đơn vị Công an, từ đó, bổ sung, chỉnh sửa cho vở diễn trước khi lên đường tham dự Liên hoan.

Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Bình, cũng cho biết: Nguồn kinh phí để hỗ trợ dựng mới vở diễn tham dự Liên hoan dù chỉ chiếm khoảng 50% tổng chi phí, nhưng với các nghệ sĩ của nhà hát, đó lại là nguồn động viên tinh thần quan trọng. Bởi từ trước đến nay, các đoàn tham gia các liên hoan hầu như đều phải tự lo kinh phí, chứ không được tạo điều kiện như vậy.

Nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Bình cho biết thêm: Cho dù không được Bộ Công an hỗ trợ, Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế vẫn tham dự. Bởi đây là một đề tài hay, luôn được khán giả quan tâm nếu vở diễn có chất lượng. Bên cạnh đó, nhà hát cũng xác định, LHSK toàn quốc về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" sẽ là một "sân chơi" chuyên nghiệp cho các nghệ sĩ thể hiện khả năng, để có thể giành được các giải thưởng, làm cơ sở cho việc xét tặng các danh hiệu nghệ sĩ hay giải thưởng sau này.

Bộ Công an đã thành lập BTC LHSK "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" lần thứ III-năm 2015, gồm 12 thành viên, do Trung tướng Bùi Bá Định, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, làm Trưởng ban;  Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL), Phó trưởng ban; NSƯT Lê Chức, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Phó trưởng ban; Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND, Tổng cục Chính trị CAND, Bộ Công an, Phó trưởng ban Thường trực; Thiếu tướng Đặng Thái Giáp, Cục trưởng Cục Công tác chính trị, Tổng cục Chính trị, Bộ Công an, Phó trưởng ban. Các ủy viên gồm: Đại tá Ngô Xuân Liệu, Phó cục trưởng Cục Tài chính, Bộ Công an; Đại tá Nguyễn Minh Ngữ, Phó cục trưởng Cục Tham mưu, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an; Đại tá Nhữ Quốc Sỹ, Phó cục trưởng A83, Tổng cục An ninh, Bộ Công an; Đại tá Nguyễn Đức Minh, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu, Tổng cục Chính trị CAND, Bộ Công an; Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó giám đốc Trung tâm Phát thanh, Truyền hình, Điện ảnh, Tổng cục Chính trị CAND, Bộ Công an; Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng Biên tập Báo CAND, Tổng cục Chính trị CAND, Bộ Công an, Ủy viên Thường trực; Thượng tá Nguyễn Xuân Lịch, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền - Giáo dục, Cục Công tác chính trị, Tổng cục Chính trị CAND, Bộ Công an - Ủy viên kiêm Thư ký tổng hợp BTC.


Giải thưởng LHSK toàn quốc về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" được tính điểm trong việc xét tặng các danh hiệu NSND, NSƯT. Ban tổ chức Liên hoan dự kiến sẽ trao giải cho các vở diễn gồm: 1 Huy chương Vàng, trị giá 60.000.000đ; 3 Huy chương Bạc, trị giá 40.000.000đ/1giải; 5 Huy chương Đồng, trị giá 30.000.000đ/1 giải và Giải khuyến khích, mỗi giải: 15.000.000đ.

Giải cá nhân sẽ trao 20 Huy chương Vàng, trị giá  10.000.000đ/1 Huy chương; 30 Huy chương Bạc, trị giá 8.000.000đ/1 Huy chương và 30 Huy chương Đồng, trị giá 5.000.000đ/1 Huy chương.

Thanh Hằng
.
.