Hollywood – Nghệ thuật tạo dựng người hùng và hệ lụy sản sinh kẻ ác

Thứ Sáu, 27/10/2017, 16:05
Những người hùng đẹp như thiên sứ cứ lừng lững trên màn bạc, làm bá chủ của thế giới phồn hoa tồn tại ngắn ngủi trong hơn một trăm phút của một suất chiếu nhưng kẻ ác thì cứ lẩn khuất trong đời thực, bị kích động bởi những sản phẩm giải trí từ những nhà sản xuất vô tâm.

Gần một tuần đã trôi qua kể từ đêm những tràng đạn trên tầng 32 khách sạn - sòng bạc Mandalay Bay ở Las Vegas lia thẳng xuống đám đông làm chết 59 người và hơn 500 người bị thương, người dân Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng. Cuộc điều tra làm rõ động cơ gây án của hung thủ 64 tuổi vẫn đang được tiến hành trong khi nhân thân của gã này đang bị giới chức và truyền thông soi vào tận cùng ngóc ngách.

Bước đầu, khi chưa phát hiện thấy biểu hiện gì bất thường của Stephen Paddock trước khi hắn ra tay “tạo lập nên tên tuổi” với vụ xả súng - thảm sát kinh hoàng nhất lịch sử nước Mỹ, người ta chỉ có thể cho rằng, gã là người đa nhân cách. Khắc họa thành công mối liên hệ của trạng thái tâm thần này với bạo lực súng đạn chỉ có thể là những bộ phim đình đám của kinh đô điện ảnh Hollywood.

Súng – nhân vật chính trong phim bom tấn Hollywood

Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2016, tại Mỹ xảy ra những vụ xả súng - thảm sát nhiều hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Xả súng giết người hàng loạt được định nghĩa trong nghiên cứu là có 4 nạn nhân trở lên, không tính đến các vụ giết người có liên quan đến băng đảng hay các vụ giết chóc nhiều thành viên trong gia đình.

Poster phim “Scarface” công chiếu năm 1983.

Các vụ nổ súng như vậy từng xảy ra tại một rạp chiếu phim ở Aurora, bang Colorado; Trường Tiểu học Sandy Hook ở Newtown, bang Connecticut vào năm 2012 hay vụ tấn công tại một hộp đêm dành cho người đồng tính ở Orlando, bang Florida vào tháng 6-2016… Trong khi Mỹ chiếm 5% dân số thế giới, thì có 31% số vụ xả súng xảy ra ở Mỹ. Đất nước này có nhiều súng hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và người dân thì dễ dàng tiếp cận súng hơn so với các nước khác. Ước tính khoảng 270 - 310 triệu khẩu súng đang lưu hành tại Mỹ.

Với dân số Mỹ khoảng 319 triệu người, thì gần như người Mỹ nào cũng sở hữu súng. Cũng theo kết quả nghiên cứu, nhiều tay súng ở Mỹ mắc bệnh tâm thần nhưng các nghiên cứu khác chỉ ra rằng, số lượng ước tính ca mắc bệnh tâm thần không tăng đáng kể, trong khi số lượng các vụ xả súng - thảm sát tại Mỹ đã tăng vọt trong hơn một thập kỷ qua.

Adam Lankford, Phó giáo sư về tư pháp hình sự tại Đại học Alabama, tham gia công trình nghiên cứu đã đưa ra một giả thiết giải thích nguyên nhân những tay súng thực hiện các vụ tấn công.

“Tôi bị ấn tượng bởi thống kê và phân tích cho thấy nổi tiếng là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của người đương thời thế hệ người Mỹ chúng ta. Có vẻ như người Mỹ ngày càng mong muốn được nổi tiếng, và không nghi ngờ rằng có mối liên quan giữa việc những kẻ tấn công biết truyền thông sẽ đưa tin về vụ việc chúng gây ra và khả năng chúng hành động”.

Lời lý giải cho động cơ gây nên những vụ xả súng thảm sát của Adam Lankford trùng hợp với phát biểu của ông Wayne Petherick, Phó giáo sư ngành tội phạm học tại Đại học Bond ở Gold Coast, Australia, đưa ra ngay sau khi xảy ra vụ xả súng mới nhất này.

Ông nói: “Nếu một kẻ muốn nổi tiếng và nhìn thấy tên của mình được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên mọi màn hình, mọi tờ báo ở gần như mọi quốc gia, kẻ đó sẽ thấy đây là cách để ghi tên vào lịch sử”.

Và sự khác biệt giữa kẻ nổi tiếng khi gây ra những vụ “tắm máu” như vậy với người nổi tiếng được tôn vinh như thần tượng ở Mỹ khác nhau ở chỗ: kẻ ngoài đời thực - người trên màn ảnh; kẻ quyết phải được “một phút huy hoàng” với anh hùng trừ gian diệt bạo gần như hiện hữu trong… mộng tưởng. Từ hàng chục năm qua, những nhà sản xuất quyền uy vận hành cả kinh đô điện ảnh Hollywood đã chi cả núi đôla để mô tả sức mạnh của súng đạn trên màn bạc.

Người hùng đơn thương độc mã trong loạt phim “Die hard”.

Từ những anh hùng cơ bắp Rambo, Commando đến các bộ phim lừng danh như Scarface, Once a time at America đến Pulp Fiction, Shoot Em up, rồi loạt phim Bourne Identity, Taken hay John Wick… Phim hành động Hollywood luôn tràn ngập những pha đối đầu tóe lửa, mịt mù khói súng.

Theo báo cáo năm 2015 của Tạp chí The Economist, tính chất bạo lực súng đạn trong phim dán nhãn PG-13 của Hollywood tăng 300% kể từ năm 1985. Một nghiên cứu của báo The Hollywood Reporter cho thấy số khẩu súng xuất hiện trong các phim bom tấn kinh phí lớn ra mắt từ năm 2010 đến 2015 cao hơn 51% so với một thập kỷ trước.

Nhà sản xuất phim tài liệu Abigail Disney từng khẳng định: “Súng là nhân vật chính quan trọng nhất trong phim bom tấn Hollywood”. Trong số 100 phim Mỹ đạt doanh thu lớn nhất năm 2015, gần 20 phim có poster in hình khẩu súng!

“Văn hóa súng đạn” đã được hình thành cùng với chính nước Mỹ. Do đặc điểm thời kỳ đầu dựng nước, người dân Mỹ phải đấu tranh khốc liệt để sinh tồn, nên các nhà lập quốc đã coi việc được dùng súng là quyền cơ bản của con người, chỉ đứng sau quyền tự do tôn giáo, ngôn luận và hội họp.

Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Hoa Kỳ, được phê chuẩn cùng với 9 tu chính án khác trong Tuyên ngôn Nhân quyền vào năm 1791, ghi rõ: “Một lực lượng dân vệ được tổ chức tốt là rất cần thiết cho nền an ninh của một quốc gia tự do, do đó quyền của người dân được giữ và sử dụng vũ khí sẽ không bị xâm phạm”.

Dựa trên quyền được quy định trong hiến pháp, ngày nay nước Mỹ đã đề ra hàng chục nghìn điều luật về súng. Hệ thống luật này vô cùng phức tạp và rất khác nhau ở các bang, nhưng có thể nói, không ở nơi nào người dân có thể sở hữu súng một cách dễ dàng như tại Mỹ.

Chính việc sở hữu súng dễ dàng như vậy đã tạo điều kiện hình thành nên một nền “văn hóa súng đạn” tại Mỹ và thứ văn hóa ấy lại có một môi trường tốt để phát triển tại Mỹ, khi nó được cổ súy bởi một bộ phận không nhỏ người Mỹ bất mãn, có vấn đề tâm lý trong cuộc sống hiện đại và luôn có cảm giác bị xã hội bỏ rơi để rồi dễ dàng chọn súng ống để giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, nó vô tình được “nuôi dưỡng” bởi một môi trường phim ảnh, trò chơi điện tử… đầy rẫy những cảnh bắn giết, đâm chém, thanh toán lẫn nhau.

Khán giả và những ám ảnh bạo lực

Yếu tố bạo lực dường như không thể thiếu trong những bộ phim ăn khách ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của Mỹ. Những đề tài lớn như chiến tranh, điều tra phá án, xung đột sắc tộc và ngay cả lịch sử - tôn giáo cũng không tránh khỏi yếu tố bạo lực. Bạo lực được sử dụng tràn lan trong phim ảnh để tạo cảm giác mạnh, gây ám ảnh trong tâm trí người xem khiến họ phải sợ hãi.

Nhân vật Joker trong phim “The Dark Night” do Heath Ledger thủ diễn.

Muốn khắc họa hình ảnh người anh hùng mạnh mẽ bao nhiêu, yếu tố bạo lực, đẫm máu càng phải khủng khiếp bấy nhiêu. Và yếu tố bạo lực đã từ lâu trở thành “thương hiệu”, trở thành mồi câu khách của nền công nghiệp điện ảnh Hollywood. Đã từ lâu, các nhà tâm lý học khẳng định: những bộ phim bạo lực đẫm máu có tác động không nhỏ đến tư duy người xem.

Thậm chí, những cảnh đẫm máu có thể khiến người xem bị ám ảnh trong suốt một thời gian dài. Xem phim về bạo lực, ngay những khán giả tâm lý bình thường cũng dễ bị kích động, huống hồ là những người có các vấn đề tâm lý tiềm ẩn, say sưa thưởng thức những cảnh phim ấy, hạt giống bạo lực trong con người họ như được tưới tắm rồi nhanh chóng nảy mầm, sinh sôi...

Năm 2008, bộ phim “The Dark Night” kể về cuộc chiến đấu giữa Người Dơi và Joker - tên tội phạm điên cuồng luôn xuất hiện với bộ mặt hóa trang trắng toát và cái miệng cười rộng ngoác. Lần đầu ra mắt công chúng, suất chiếu đầu tiên của “The Dark Night” diễn ra vào lúc nửa đêm.

Khi đó, 3.700 rạp trên toàn nước Mỹ đều có những suất chiếu đêm cho bộ phim, cuối cùng đem về cho nhà sản xuất 900 triệu đôla tiền bán vé trên khắp thế giới. Phần lớn thành công của bộ phim không phải nhờ anh hùng Người Dơi mà được cho là nhờ vào nhân vật Joker do tài tử Heath Ledger thủ vai. Những ai đã xem qua bộ phim này không thể phủ nhận sức ám ảnh ghê sợ của vai diễn này.

Đến năm 2012, trong khi các nhà sản xuất đang khấp khởi kỳ vọng về bộ phim “The Dark Night Rises” tiếp theo hiệu ứng của “The Dark Night” sẽ giúp họ thêm một phen hốt bạc thì bi kịch xảy ra.

Ngày 20-7-2012, kẻ sát nhân mang theo một khẩu súng trường, một khẩu súng săn và hai khẩu súng ngắn đường kính 40mm xả súng vào đám đông khán giả tại rạp phim Century 16 ở thị trấn Aurora, thuộc bang Colorado. Ít nhất 12 người thiệt mạng và 58 người bị thương. Hắn bắn rất nhanh, các luồng đạn rải khắp phòng chiếu phim.

Hành động hung hãn của hắn khiến cảnh sát không thể tiến vào trong phòng chiếu được. Nhanh chóng hắn lủi qua lối cửa thoát hiểm đã được mở sẵn nhưng rất may cảnh sát vòng ngoài đã tóm được hắn. Trên người kẻ sát nhân được trang bị đầy đủ vòng cổ chống đạn và găng tay chuyên dụng của những tay súng chuyên nghiệp.

Khi bị bắt, hắn tự xưng mình là “Joker” và tên thật của hắn là James Holmes, 24 tuổi, sinh viên của Trường Đại học Colorado và đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ về tâm thần học (!). Khi gây án, hắn nhuộm tóc đỏ rực giống hệt Joker trong một cảnh phim và đã lên kế hoạch thực hiện vụ xả súng trong nhiều tháng. Hàng xóm và bạn học mô tả hắn là một người rất thông minh, ngăn nắp nhưng cũng rất cô độc và ngại giao tiếp.

Ra tòa lần đầu vào ngày 23-7-2012, James Holmes thậm chí còn ngoái lại hỏi một quản giáo tại nhà tù Colorado: “Ông xem The Dark Night Rises chưa? Phim kết thúc thế nào?”. Vụ xả súng đẫm máu của “Joker” là cú sốc thật nặng với ngành giải trí Mỹ, là một “cái tát” - không phải là cái đầu tiên - cảnh tỉnh nền điện ảnh lừng lẫy với những cảnh bạo lực kinh hoàng nhất thế giới.

Thật không ngoa khi cho rằng, Hollywood và những “siêu phẩm” của mình đã góp phần thổi bùng ngọn lửa bạo lực súng đạn trong xã hội Mỹ. Năm 2015, Tổ chức Giám sát truyền thông MRC Culture chỉ trích: “Ngành công nghiệp giải trí rất đạo đức giả. Phim điện ảnh, truyền hình và video âm nhạc kiếm bộn tiền từ việc mô tả và tô hồng bạo lực súng đạn”.

Ngược lại với sự thoải mái khi tôn vinh sức mạnh súng đạn, Hollywood rất ít khi sản xuất các bộ phim với chủ đề về những vụ xả súng hàng loạt dù những vụ xả súng vô cớ vẫn liên tục xảy ra trong khi đó là thứ chất liệu rất thực tế và vô cùng phong phú cho Hollywood thực hiện một vài tác phẩm để đời.

Theo thống kê của Tạp chí Vox, kể từ cuộc xả súng thảm sát tại thành phố Orlando ngày 12-6-2016 đến nay, nước Mỹ đã xảy ra hàng trăm vụ xả súng lớn nhỏ khiến gần 600 người thiệt mạng.

Những người hùng đẹp như thiên sứ cứ lừng lững trên màn bạc, làm bá chủ của thế giới phồn hoa tồn tại ngắn ngủi trong hơn một trăm phút của một suất chiếu nhưng kẻ ác thì cứ lẩn khuất trong đời thực, ẩn nấp trong ngách tối của những tâm hồn méo mó dễ dàng bị kích động bởi những sản phẩm giải trí từ những nhà sản xuất vô tâm.

Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.