Hồng Công đang nỗ lực trở thành trung tâm nghệ thuật của châu Á

Thứ Hai, 19/03/2012, 06:30

Hồng Công trở thành thị trường đấu giá nghệ thuật lớn hàng thứ 3 thế giới sau New York và London vào năm 2007, và kể từ năm 2008 là nơi tổ chức thành công một hội chợ nghệ thuật hiện đại. Hồng Công cũng đang thu hút những tên tuổi lớn trong thế giới gallery nghệ thuật - bao gồm White Cube của London, đơn vị cung cấp những bộ sưu tập mới phong phú của khu vực - và đang ấp ủ dự án nhà bảo tàng đầy tham vọng nhằm cạnh tranh với Tate Modern của London và Nhà bảo tàng Nghệ thuật đương đại của New York.

Cách đây 3 năm, nghệ sĩ của giới truyền thông Samson Young bay từ New York đến Hồng Công và ông đánh giá thành phố này không chỉ là vùng đất của các chủ nhà băng, luật sư  và viên chức văn phòng như ngày xưa nữa mà nó đang từng bước trở thành trung tâm nghệ thuật của châu Á.

Theo nhận xét của Samson Young, con người ở Hồng Công rất lạc quan và nó là một trong những thành phố đang phát triển và ngày càng thu hút nhiều sự đầu tư cho phát triển nghệ thuật. Và vào ngày 2/3/2012, White Cube - nơi gắn bó với tên tuổi nghệ sĩ đương đại tiếng tăm Damien Hirst -  đã cho mở cửa gallery bên ngoài biên giới nước Anh lần đầu tiên của mình trong cao ốc 31 tầng tọa lạc tại khu tài chính của Hồng Công.

Graham Steele, Giám đốc gallery khu vực châu Á, cho biết quyết định khai trương một cơ sở mới ở Hồng Công ra đời do nhiều lý do, bao gồm yếu tố Hồng Công không đánh thuế vào doanh thu và miễn thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu tác phẩm nghệ thuật. Do đó, Graham Steele nhìn thấy Hồng Công là một thành phố vô cùng hấp dẫn đối với nghệ sĩ và giới kinh doanh nghệ thuật.

Cuộc triển lãm đầu tiên của White Cube giới thiệu tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại Anh. Các nhà kinh doanh nghệ thuật nổi tiếng Larry Gargosian, Ben Brown và Edouard Malingue cũng nhanh chóng khai trương những không gian gallery tại Hồng Công trong năm qua. Tuy nhiên, Magnus Renfrew - Giám đốc Hội chợ Nghệ thuật quốc tế ART HK - cho rằng Hồng Công không phải bao giờ cũng là điểm đến nhiều thuận lợi. Năm 2007, khi chuẩn bị thực hiện hội chợ nghệ thuật đầu tiên, Renfrew nói ông đã đáp 40 chuyến bay trong vòng 6 tháng để cố gắng thuyết phục chính quyền Hồng Công cho phép các gallery thế giới tham gia hội chợ.

Theo Renfrew, thị trường nghệ thuật thế giới hoài nghi dự án mở các hội chợ nghệ thuật tại một địa điểm không truyền thống như Hồng Công, nơi không dễ kinh doanh buôn bán tác phẩm nghệ thuật.

Hội chợ nghệ thuật đầu tiên diễn ra vào năm 2008 ở Hồng Công đã thu hút 100 gallery và 19.000 khách tham quan - điều đó cho thấy người Hồng Công rất khát khao thưởng ngoạn nghệ thuật đương đại đồng thời thúc đẩy nhiều gallery nổi tiếng thế giới chuyển hướng đến phương Đông. Năm 2011, ART HK cũng ra sức cạnh tranh khi đứng ra tổ chức các hội chợ nghệ thuật đương đại lớn nhất thế giới. Nhưng theo nhận xét của giới chuyên gia, môi trường nghệ thuật Hồng Công còn thiếu vắng những nhà bảo tàng lớn và những không gian nghệ thuật phi thương mại vốn là điều phổ biến ở New York hay London.

Nhiều gallery nghệ thuật đang mọc lên ở Hồng Công.

Nhưng một dự án đầy tham vọng trên khoảng đất nhìn ra cảng Victoria nổi tiếng của Hồng Công sẽ làm thay đổi điều đó. M+ - tên gọi của nhà bảo tàng nghệ thuật hiện đại trong dự án mới - sẽ chiếm một phần trong Khu vực Văn hóa Tây Cửu Long có diện tích 40 hecta và là một trong những nhà bảo tàng lớn nhất đang phát triển trên toàn cầu. Dự kiến nhà bảo tàng sẽ mở cửa đón khách vào năm 2018 và một cuộc cạnh tranh quốc tế cho việc thiết kế tòa nhà được tổ chức trong năm nay. Kế hoạch bao gồm không gian triển lãm 20.000m2 - tức gần gấp đôi Tate Modern.

Lars Nittve, Giám đốc  Tate Modern, chịu trách nhiệm về dự án từ năm 2011. Ông có ngân sách 1,7 tỉ đôla HK (khoảng 200 triệu USD) - một phần trong khoản ủng hộ tài chính khổng lồ của chính quyền - để xây dựng bộ sưu tập mà trung tâm sẽ là nghệ thuật đương đại Trung Quốc. Điều đó cho thấy Hồng Công đang cố gắng vươn lên để trở thành thủ đô nghệ thuật của châu Á.

Singapore tự tổ chức hội chợ nghệ thuật của riêng đảo quốc trong năm 2011 và một loạt những điểm hẹn nghệ thuật mới cũng như không gian gallery đã mở cửa, thường nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền. Tuy nhiên, dự án Tây Cửu Long của Hồng Công sẽ gặp nhiều trở ngại trong cạnh tranh với Bắc Kinh và Thượng Hải, những nơi hội tụ nhiều tên tuổi nghệ sĩ lớn của Trung Quốc. Nhưng bất chấp những trở ngại này, cộng đồng nghệ sĩ nhỏ ở Hồng Công vẫn không nản lòng

Duy Minh (tổng hợp)
.
.