Huawei, đằng sau những toan tính

Thứ Năm, 20/12/2018, 09:17
Vụ việc liên quan tới Tập đoàn Huawei đang lan rộng khiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Trung Quốc và nhiều nước phương Tây leo thang nghiêm trọng. Những dấu hiệu về một âm mưu chính trị đang được đẩy lên. Huawei chỉ là cái cớ để các bên đưa ra chiến thuật gia tăng sức ép nhằm giành thế thượng phong trong cuộc chiến khác còn khốc liệt hơn rất nhiều.

Ai đang “chặn” Huawei?

Việc Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Huawei - bà Mạnh Vãn Chu, con gái người sáng lập tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Trung Quốc - bị bắt giữ tại Canada đang khiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang nghiêm trọng. Mặc dù bà Mạnh Vãn Chu đã được bảo lãnh tại ngoại hôm 11-12 vừa qua, song bà vẫn phải thực hiện một loạt thủ tục dẫn độ, dự kiến sẽ kéo dài hàng tháng, thậm chí là hàng năm.

Trong khi đó, một tòa án Canada cũng vừa tiến hành phiên điều trần về cáo buộc Huawei thông qua Skysom Tech, một doanh nghiệp làm ăn với các công ty viễn thông Iran, để bán các thiết bị trong giai đoạn năm 2009-2014, qua đó vi phạm lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt.

Quyết định của Washington trong việc cấm sử dụng thiết bị của Huawei trong hạ tầng viễn thông dựa trên lý do an ninh và New Zealand, Australia, Nhật Bản cũng "noi gương" Mỹ. Việc Mỹ gây áp lực đối với chính phủ các nước để các nước này hạn chế Huawei đã làm dấy lên câu hỏi: Liệu sự bành trướng ra toàn cầu của Tập đoàn Huawei có bị chặn lại ở một số khu vực trong thời gian tới hay không?

Hiện nay, Huawei đang nắm giữ phần lớn nhất hoạt động kinh doanh của mình, đó là doanh số bán thiết bị cơ sở hạ tầng viễn thông chuyên cho điện thoại di động, chẳng hạn như các thiết bị cần thiết để hỗ trợ việc triển khai các mạng dịch vụ 5G. Thế nhưng, vụ Huawei tiếp tục căng đến chừng nào sẽ không chỉ phụ thuộc vào thái độ chính trị của các nước phương Tây mà còn phụ thuộc vào việc các sản phẩm của tập đoàn công nghệ khổng lồ này tốt đến mức nào so với các đối thủ cạnh tranh khác.

Có rất nhiều nghi vấn xung quanh cáo buộc của Mỹ và phương Tây liên quan tới Huawei. Ảnh: USA Today.

Trước đây, Huawei từng bị cáo buộc - giống như nhiều công ty Trung Quốc khác - là sao chép công nghệ do phương Tây phát triển rồi sau đó qua mặt các đối thủ nhờ khả năng cạnh tranh về giá thành. Tuy nhiên, Huawei hiện chi mạnh tay hơn so với nhiều tập đoàn hùng mạnh khác trên thế giới trong việc nghiên cứu và phát triển.

Viễn cảnh của Huawei hiện giờ không sáng sủa như trước đây. Thế nhưng, hãng này từng vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính nhờ một thị trường nội địa rất mạnh tại Trung Quốc. Và thị trường nội địa có thể sẽ lại lần nữa phát huy tác dụng nếu Huawei mất thêm các hợp đồng ở thị trường phương Tây.

Ẩn tình sau những âm mưu lớn

Về vụ việc này, báo chí Trung Quốc phân tích: Việc bà Mạnh Vãn Chu bị bắt tại Canada trên thực tế diễn ra trước khi có cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Donald Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina hôm 1-12 vừa qua. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sớm biết thông tin Giám đốc Mạnh Vãn Chu bị bắt nhưng tại cuộc gặp, ông Tập Cận Bình không đưa ra bất kỳ ý kiến liên quan nào.

Giới phân tích chính trị Trung Quốc cho rằng sở dĩ ông Tập Cận Bình làm như vậy là để tránh vụ việc này gây ảnh hưởng đến đàm phán thương mại Mỹ - Trung nhưng cũng cho thấy Trung Quốc có thể tiếp tục nhượng bộ để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh thương mại.

Do đó, những câu hỏi về việc liệu đàm phán Mỹ - Trung trong thời gian 3 tháng sẽ tiến triển như thế nào, bà Mạnh Vãn Chu có bị dẫn độ sang Mỹ hay không và còn những tư liệu nào nữa sẽ được công khai... vẫn tồn tại rất nhiều biến số. Giới phân tích Trung Quốc cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận vụ bà Mạnh Vãn Chu bị bắt có liên quan đến đàm phán thương mại Mỹ - Trung và giữa hai vấn đề có ảnh hưởng lẫn nhau.

Những ẩn tình chính trị ngày càng lộ rõ hơn khi những nhân vật có tư tưởng cứng rắn đối với Trung Quốc trong hàng ngũ quan chức Mỹ lại quan tâm tới một vấn đề khác, đó là duy trì vị thế siêu cường thế giới trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ. Dù ông Donald Trump có giải quyết hay lý giải thế nào thì đây vẫn là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc chiến thương mại hiện nay. Bởi, Huawei là mối lo của Washington.

Quan hệ của tập đoàn này với quân đội và giới tình báo trong nước cũng như thành công của Huawei trên cương vị nhà sản xuất thiết bị viễn thông đã tạo ra viễn cảnh u ám là tiềm lực công nghệ của Trung Quốc sánh ngang, hoặc thậm chí là vượt hẳn Mỹ. Với mục tiêu tham vọng “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, Trung Quốc vốn đã xác định các ngành công nghiệp mà họ muốn chiếm lĩnh bằng mọi giá, kể cả qua việc mua và chuyển giao hay thậm chí là đánh cắp công nghệ từ Mỹ và các nước phát triển khác.

Sản phẩm của Huawei không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội địa mà vươn ra thị trường nhiều nước phương Tây. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Nói thêm về những ẩn tình chính trị sau vụ việc này, nhà phân tích chính trị Shatrov cho rằng “không phải ngẫu nhiên” vụ bắt giữ xảy ra đúng vào ngày 1-12. Kế hoạch đã được chuẩn bị đặc biệt, được thực hiện trong thời điểm tiến hành cuộc họp của các nhà lãnh đạo G20 và cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Donald Trump.

Ông nhắc lại rằng vào tháng 4-2017, thời điểm diễn ra cuộc họp giữa ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump tại trang trại của Tổng thống Mỹ, cuộc tấn công tên lửa của Mỹ nhằm vào Syria đã được thực hiện. Tổng thống Trump đã thông báo với nhà lãnh đạo Trung Quốc về sự kiện này trong bữa tiệc tối. Chính xác không thể gọi đây là một sự trùng hợp.

Chuyên gia Nga nhận xét rằng lần này, bằng cách giam giữ CFO của Huawei, Mỹ đã phát một tín hiệu cụ thể tới Trung Quốc rằng họ sẽ tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc bằng mọi giá.

Cú đấm vào kế hoạch "Made in China 2025"

Việc bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei cho thấy quyết tâm của Mỹ nhằm "đè bẹp" sáng kiến hiện đại hóa công nghiệp "Made in China 2025", làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nước. Khi nhìn vào thực chất vấn đề sẽ thấy rõ, trong khi thuế quan là trọng tâm của cuộc chiến thương mại, một số quan chức Nhà Trắng khẳng định cấm vận thương mại, chẳng hạn như lệnh cấm mua bán linh kiện, sẽ là lựa chọn đem lại hiệu quả cao hơn.

Huawei có vai trò quan trọng trong sáng kiến hiện đại hóa công nghiệp "Made in China 2025". Huawei cũng là trọng tâm trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm triển khai dịch vụ mạng không dây thế hệ thứ 5.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người đứng đầu các cuộc đàm phán thương mại của Washington luôn tìm cách đè bẹp sự đi lên của Huawei giữa bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang đua tranh để giành ưu thế công nghệ. Ủy ban cố vấn của Quốc hội Mỹ cảnh báo nếu Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo trong việc thiết lập các tiêu chuẩn mạng không dây quốc tế thì nước này sẽ có thể thu thập dữ liệu của Mỹ dễ dàng hơn nhiều.

Ủy ban này cho rằng việc để Huawei tiếp tục trỗi dậy sẽ giúp tăng cường sứ mạng và chiến lược quân sự của Trung Quốc trong vị thế một cường quốc về an ninh mạng cũng như giải pháp tấn công mạng.

Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đã triển khai kế hoạch ngăn chặn 5 công ty công nghệ cao của Trung Quốc cung cấp thiết bị truyền thông và camera giám sát cho các cơ quan của Chính phủ Mỹ. Đạo luật Ủy quyền quốc phòng năm 2019 được lưỡng viện thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng sẽ siết chặt vòng vây không chỉ đối với Huawei, ZTE mà còn các nhà cung cấp thiết bị giám sát của Trung Quốc là Hangzhou Hikvision Digital Technology, Dahua Technology và Hytera Communications.

Bà Mạnh Vãn Chu. Ảnh: The Week UK.

Đạo luật sẽ cấm các cơ quan của Chính phủ Mỹ, bao gồm chính phủ liên bang, quân đội, các tổ chức hành chính độc lập và các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, mua các sản phẩm từ 5 công ty trên. Các sản phẩm bị cấm bao gồm máy chủ, máy tính cá nhân và điện thoại thông minh, ngay cả khi sản phẩm hoàn chỉnh được sản xuất bởi đơn vị khác. Các thiết bị truyền thông được sản xuất bởi các doanh nghiệp nằm ngoài 5 công ty trên nhưng thuộc sở hữu hoặc liên quan đến Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ bị cấm. Danh sách các công ty vẫn chưa được công bố.

Washington sẽ thực hiện bước thứ hai nghiêm ngặt hơn là cấm các doanh nghiệp khắp thế giới kinh doanh với các cơ quan của Chính phủ Mỹ nếu họ sử dụng các sản phẩm từ 5 công ty nêu trên trong văn phòng của họ. Chính sách này sẽ có hiệu lực từ ngày 13-8-2020 và được áp dụng bất kể sản phẩm và dịch vụ đó có được kết nối với thiết bị hay không.

Phương pháp thứ hai sẽ gây ra nhiều hệ lụy hơn cho các doanh nghiệp vì sự phổ biến của các thiết bị truyền thông do Trung Quốc sản xuất tại các cơ quan của Chính phủ Mỹ và các đối tác kinh doanh của họ trên khắp thế giới.

Mặt trái của lệnh cấm đã lộ ra ngay. Huawei có quan hệ kinh doanh với nhiều công ty Mỹ. Lượng nhập khẩu thiết bị bán dẫn của công ty từ Mỹ bao gồm 1,8 tỷ USD từ Qualcomm và 700 triệu USD từ Intel. Nếu chính quyền ông Trump áp đặt lệnh cấm tương tự ZTE đối với Huawei, các công ty Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Hiện Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu tới 95% các vi mạch công nghệ cao để lắp đặt cho các máy tính và máy chủ trong nước. Trong năm 2016, Trung Quốc đã chi khoảng 227 tỷ USD để nhập khẩu vi mạch, lớn hơn số tiền nhập khẩu dầu mỏ dù họ là nước nhập khẩu năng lượng hàng đầu thế giới.

Vụ bắt giữ bà Mạnh đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo với Huawei, tập đoàn đóng vai trò “xương sống” trong nỗ lực của Trung Quốc trở thành một cường quốc công nghệ toàn cầu. Rủi ro đối với Huawei có thể chỉ là “bước dạo đầu” cho một kế hoạch rộng lớn hơn nhằm siết chặt “đường sống” của Huawei.

Không chỉ tại Mỹ, vụ Huawei đang gây xáo trộn cả châu Âu. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, Washington đã thúc ép các đồng minh EU thông qua các đại sứ của mình để có lập trường mạnh mẽ hơn đối với các nhà cung cấp viễn thông Trung Quốc như Huawei và ZTE.

Sự hối thúc của Mỹ, được đẩy lên một cấp độ mới ngày 12-12 với những cáo buộc công khai của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo, đang phơi bày những chia rẽ giữa các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng như các thành viên của liên minh tình báo Five Eyes, trong đó có Canada, New Zealand, Australia và Anh - phần lớn theo sự lãnh đạo của Mỹ - và những nước khác chống lại áp lực của Mỹ bằng cách miễn cưỡng phản ứng công nghệ Trung Quốc. Đây được coi là một cuộc Chiến tranh Lạnh khác - lần này là về công nghệ thông tin.

Ngay cả Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã tranh luận về vấn đề này khi một quan chức hàng đầu tuyên bố rằng Liên minh châu Âu (EU) "nên lo lắng" về các công ty như Huawei. Ở nhóm thứ hai, Đức muốn có bằng chứng từ Mỹ rằng Huawei đặt ra nguy cơ về an ninh, cũng như Pháp, Bồ Đào Nha và một loạt quốc gia Trung và Đông EU.

Nỗi lo mơ hồ hay thông tin bị bưng bít

Quan điểm ngày càng khác biệt cho thấy ông Donald Trump đang buộc các đồng minh lựa chọn đứng về phía nào trong tranh chấp toàn cầu và đánh giá lợi ích kinh tế của họ - thường gắn bó chặt chẽ với các nhà cung cấp Trung Quốc - với giá trị về an ninh trong liên minh với Washington. Tính đến thời điểm hiện tại, không có cơ quan tình báo nào công bố bằng chứng rõ ràng rằng Huawei đã giúp chính quyền Trung Quốc tiếp cận dữ liệu truyền qua mạng của họ.

Huawei kịch liệt phủ nhận rằng họ từng giúp bất kỳ cơ quan tình báo nào với những đề nghị làm gián điệp. Nhưng, công ty này phải đối mặt với những nghi ngờ từ lâu rằng họ có mối quan hệ gần gũi với các cơ quan tình báo của Trung Quốc - những lo ngại xuất phát từ các báo cáo của Chính phủ Mỹ.

Áp lực đối với các chính phủ EU đang tăng lên hằng tuần vì những chỉ trích công khai hơn về Huawei và những động thái này đã “đổ thêm dầu vào lửa” trong cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Alex Younger, Giám đốc Tình báo đối ngoại của Anh đã đưa ra cảnh báo công khai khi phát biểu tại Đại học St.Andrews: "Chúng ta cần xác định mức độ quyền sở hữu của Trung Quốc đối với các công nghệ này”.

Ở cấp độ EU, các quan chức EU đang tranh luận để đưa ra một phản ứng chính xác. Một báo cáo nội bộ cho thấy EC đã nhận ra những rủi ro liên quan đến việc trao quyền kiểm soát cho các nhà cung cấp nước ngoài đối với các mạng viễn thông. EC cũng đã tiến hành một nghiên cứu về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ trên mạng, có liên quan đến các nhóm tin tặc như trong báo cáo của Mỹ.

Hoa Vinh
.
.