“Hừng đông”: Câu chuyện về người Cộng sản kiên trung

Thứ Ba, 26/01/2016, 15:05
Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ngày 7, 8, 9-1 vừa qua Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp Nhà hát Cải lương Việt Nam đã giới thiệu vở cải lương “Hừng đông” do tác giả, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản văn học; chuyển thể Cải lương - Hoàng Song Việt; Đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên.


“Hừng đông” đã xây dựng hình tượng người Cộng sản kiên trung Phan Đăng Lưu trong giai đoạn lịch sử rất khó khăn vẫn kiên cường đấu tranh giải phóng dân tộc. Vở diễn là lời tri ân của hôm nay với các thế hệ cách mạng đi trước.

Vở cải lương “Hừng đông”.

Nhà viết kịch, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Như một lời tri ân

Nhà cách mạng Phan Đăng Lưu sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học, yêu nước, nghĩa tình tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ ông đã bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học, can đảm, khí khái. Phan Đăng Lưu luôn ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước, đưa nước ta theo con đường độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ. Vở cải lương "Hừng đông" là câu chuyện xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh cách mạng của ông, một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và nhân dân ta đã sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ.

"Hừng đông" có khai từ và 7 cảnh, được xây dựng theo tiến trình thời gian, từ khi Phan Đăng Lưu đang làm nhân viên Trại tơ tằm Thanh Ba (Phú Thọ) về thăm nhà đến quãng thời gian ông từ bỏ vị trí một viên chức trong bộ máy của thực dân, trở thành nhà hoạt động cách mạng ở Nghệ An, Huế rồi bị bắt giam ở nhà tù Buôn Mê Thuột (1929 - 1936).

Ngoài ra, những dấu mốc như: "Tòa Khâm sứ Trung Kỳ" đánh dấu việc Phan Đăng Lưu chỉ đạo đấu tranh nghị trường, báo chí, văn hóa, tư tưởng ở Huế (1936-1939); "Nam Kỳ" tái hiện bối cảnh xứ sở Nam Kỳ sục sôi chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa và cảnh Phan Đăng Lưu ra Bắc dự "Hội nghị Trung ương ở Đình Bảng", xin chủ trương đình hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cũng được tái hiện trên sân khấu để khán giả hiểu rõ hơn về sự nghiệp cách mạng của người chí sĩ cộng sản này.

Cảnh kết của vở diễn "Hừng đông" tái hiện cảnh nhà cách mạng Phan Đăng Lưu bị địch bắt ngay khi về đến Sài Gòn. Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra trong khí thế cách mạng ngút trời của quần chúng; kẻ thù đàn áp hết sức dã man; Phan Đăng Lưu cùng nhiều chiến sĩ cách mạng ưu tú ngã xuống trước hừng đông của độc lập, tự do…

Trong quá trình xây dựng kịch bản văn học và chuyển thể kịch bản văn học thành vở cải lương, các tác giả đã nêu bật được trí thông minh, bản lĩnh, hoài bão của Phan Đăng Lưu đặt trong bối cảnh truyền thống văn hóa, yêu nước của gia đình Phan Đăng Lưu ở Nghệ An. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ, năm 2015, đất nước kỷ niệm 75 năm Khởi nghĩa Nam Kỳ, trong đó nhà cách mạng Phan Đăng Lưu được Đảng giao trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa này.

Trong quá trình xây dựng hình tượng người Cộng sản ưu tú của Đảng ở giai đoạn lịch sử khó khăn, lúc ông đang nắm cương vị cao nhất của Đảng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ nguy hiểm và chấp nhận hy sinh… PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi hoàn thành xong kịch bản văn học với độ dài hơn 100 trang ông lại cảm thấy rất mãn nguyện bởi toàn bộ cuộc đời của nhà cách mạng họ Phan đã được tái hiện rõ nét và chân thật nhất.

Khi được hỏi, vì sao lại chọn nhà cách mạng Phan Đăng Lưu mà không phải là một ai khác làm công trình chào mừng Đại hội Đảng XII, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết, ông may mắn được sinh ra trên quê hương của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, những câu chuyện về nhà cách mạng Phan Đăng Lưu đã ngấm vào ông từ khi ông còn nhỏ. Bởi vậy, ông muốn viết về nhà cách mạng trước hết như một lời tri ân. Hơn nữa, việc tái hiện lại hình ảnh của người con ưu tú của quê nhà như nhà cách mạng Phan Đăng Lưu vì ông là một trí thức tiêu biểu xuất sắc - người chiến sĩ Cộng sản, nhà lãnh đạo kiên trung, xuất sắc, mẫu mực, có tầm nhìn xa trông rộng, mưu lược, bản lĩnh, nhân văn, xả thân vì nghĩa lớn; ông còn là nhà báo, nhà văn, một nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và cách mạng nước ta.

Trí tuệ, bản lĩnh, tài năng, đạo đức và nhân cách của ông đã góp phần xuất sắc cho Đảng, cho cách mạng, cho nhân dân ở một giai đoạn đầy vẻ vang, đầy bão táp, tạo tiền đề quan trọng tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Những cống hiến to lớn, xuất sắc của Phan Đăng Lưu; tấm gương cộng sản sáng ngời của ông mãi mãi được toàn Đảng, toàn dân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, học tập, noi theo. Đây cũng chính là tư tưởng của vở diễn lần này. Dù biết khán giả rất ngại khi xem nhiều vở diễn với lời thoại nặng nề, vì vậy khi viết ông đã tránh và cố gắng viết lời thoại bình dị nhất có thể.

Bên cạnh đó, vở diễn cũng có những chi tiết hờn ghen đời thường, những câu chuyện vui do các đồng chí Trần Phú, Phan Đăng Lưu kể. Câu chuyện cách chúng ta hơn 75 năm, nhưng khán giả có thể cảm thấy những con người ấy vẫn sống bên ta, có những phần của họ trong chúng ta. "Hừng đông" như một lời tri ân các thế hệ đi trước, mong thế hệ ngày nay phát huy tinh thần của thế hệ cán bộ đảng viên, nhân dân hy sinh cho cách mạng".

Sau thành công của các vở kịch: "Chuyện tình Khau Vai" và "Mai Hắc Đế" thì "Hừng đông" với hiệu ứng lớn từ phía khán giả đã một lần nữa khẳng định, những vở diễn đậm chất anh hùng ca vẫn luôn được đón nhận. Cùng với nó là truyền thống vẻ vang, sự phấn đấu, hy sinh to lớn của nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng ưu tú ở một giai đoạn khó khăn, máu lửa của cách mạng Việt Nam vẫn luôn được ghi ơn. Đây cũng là lời tri ân, lời hứa của thế hệ hôm nay nguyện sống, phấn đấu, lao động, học tập, rèn luyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đạo diễn Triệu Trung Kiên: Chúng tôi đã thăng hoa cùng vở diễn

"Hừng đông" là một tác phẩm tâm huyết của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ để chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã được dàn dựng thành công. Vở diễn ca ngợi tấm gương cống hiến, chiến đấu và hy sinh của người chiến sĩ Cộng sản Phan Đăng Lưu - một tấm gương sáng ngời cho các thế hệ người Việt Nam noi theo để sống có ý nghĩa cho cuộc đời, cống hiến cho dân tộc, cho đất nước.

Đạo diễn -  NSƯT Triệu Trung Kiên.

Vở diễn cũng đề cập đến một giai đoạn lịnh sử bi hùng của dân tộc ta với sự hy sinh kiên cường của bao chiến sĩ cách mạng và đồng bào miền Nam trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Dù bị thực dân Pháp dìm trong biển máu, nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ đã tạo tiền đề thắng lợi cho cuộc Cách mạng Tháng Tám. "Hừng đông" được sáng tạo với quan điểm nghệ thuật đương đại, ít nhiều mang tính thử nghiệm, với sự tham gia của ban nhạc đường phố 9X thuộc Câu lạc bộ nghệ thuật HUB, cùng dàn diễn viên trẻ, đẹp, tài năng của Đoàn biểu diễn I, Nhà hát Cải lương Việt Nam như: Quang Khải, Như Quỳnh, Thu Hiền, Minh Hải, Văn Đáng, Đức Hảo, Hoàng Tùng, Xuân Thông... Sau những đêm công diễn tại Hà Nội, vở diễn đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả, đa số đều khen ngợi vở diễn rất hay và thực sự bất ngờ.

Đây là tác phẩm thứ 3 của tác giả Nguyễn Thế Kỷ do tôi làm đạo diễn. Điểm giống là cùng được viết bởi một ngòi bút sắc sảo, tâm huyết, có trách nhiệm, giàu chất thơ, thấm đẫm tính nhân văn, đậm đà hồn cốt Việt. Điểm khác là mỗi tác phẩm phản ánh một đề tài; một không gian, thời gian; một vấn đề văn hóa, lịch sử; một bút pháp nghệ thuật riêng. Nhưng tất cả đều toát lên một khao khát là ca ngợi, tôn vinh công trạng của các thế hệ tiền nhân; lấy đó làm tấm gương, làm động lực để khích lệ lòng tự tôn, tự hào dân tộc; kêu gọi đại đoàn kết vì tương lai phồn vinh cho đất nước. Có thể nói một cách gọn ghẽ về 3 tác phẩm thế này: "Chuyện tình Khau Vai" da diết. "Mai Hắc Đế" hào sảng, "Hừng đông" bi hùng.

Là một đạo diễn trẻ, tôi cũng phải học hỏi nhiều kinh nghiệm khi đạo diễn các vở lớn như thế này, nhưng lần này tôi không phải tìm hiểu nhiều vì ngoài việc anh Nguyễn Thế Kỷ đưa tôi đến gặp gia đình, con cháu của cụ Phan Đăng Lưu, thì trong tác phẩm văn học, tác giả đã cung cấp chi tiết, tỉ mỉ từng sự kiện lịch sử, từng con số thống kê, thậm chí từng giai thoại, điển tích và cả những mường tượng, liên tưởng, hành động hóa các con chữ… nên kịch bản văn học "Hừng đông" đã có độ dày lên tới hơn 100 trang. Lần này có vẻ anh hơi "lấn sân" đạo diễn của tôi…

Nói vui vậy, nhưng dù có nhiều thuận lợi, thì khó khăn cũng không phải là ít. Khó khăn đầu tiên là thời gian dàn dựng quá ngắn (vẻn vẹn một tháng, do điều kiện công tác của đơn vị); tác phẩm đề tài đấu tranh cách mạng, hoàn toàn không dễ dàn dựng để có thể hấp dẫn, thu hút người xem. Các diễn viên sau một năm hoạt động với tần suất cao, cũng đã có dấu hiệu giảm sút sức khỏe; rồi sức ép tâm lý của đạo diễn liệu có vượt qua được những bức tường thành vững chãi đã được xác lập trong lòng công chúng như "Chuyện tình Khau Vai", "Mai Hắc Đế". Tôi cũng thấy vui vì nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ rất thành công với loại hình cải lương.

Có lẽ cải lương đã "chinh phục" được nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ bởi sức tiếp biến vô cùng mạnh mẽ, cả về bề rộng lẫn chiều sâu của loại hình. Cải lương có thể thích ứng, chuyển hóa và phát huy thế mạnh ở mọi "địa thế hiểm trở". Và điều đặc biệt là sau khi tất cả đã diễn ra, cái còn đọng lại trong tâm thức của cả những người sáng tạo lẫn người tiếp nhận, là một dư vị ngọt ngào, ấm áp, rất thao thiết và rất "tình".

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ vô cùng cẩn trọng trong từng câu, chữ và chi tiết lịch sử cũng như văn hóa, xã hội. Các tác phẩm đều được anh chỉnh sửa không dưới chục lần. Dù vậy, anh lại không hề cực đoan trong các trao đổi nghệ thuật, anh luôn tôn trọng cá tính sáng tạo của tôi và thường để tôi toàn quyền quyết định "vận mệnh" của tác phẩm. Tôi cũng phải cảm ơn đội ngũ các anh chị em tham gia, họ đã làm việc gấp nhiều lần công suất và chính họ là linh hồn để vở diễn thành công với những giây phút thăng hoa trên sân khấu".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.