Hướng dẫn viên du lịch “chui” người Trung Quốc ở Nha Trang

Thứ Sáu, 24/06/2016, 08:10
Những hướng dẫn viên “chui” người Trung Quốc được tập huấn nghiệp vụ du lịch, trong đó họ được cung cấp những thông tin mang tính xuyên tạc về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Thuyết minh cho khách ở những điểm tham quan như thế nào thì đã có “hướng dẫn viên” Trung Quốc lo liệu. Chỉ khi “bí” quá, họ mới hỏi hướng dẫn viên người Việt...

Những hướng dẫn viên không thẻ

9 giờ sáng Thứ bảy, tôi theo anh Trần, một doanh nhân người Việt gốc Hoa có trụ sở công ty ở quận 11, TP HCM đến khu biệt thự nằm gần Cầu Đá, TP Nha Trang, Khánh Hòa để gặp một đối tác với anh trong chuyện làm ăn. Nhưng khi điện thoại báo tin là mình đã đến thì đối tác của Trần cho biết do có người thân phải nhập viện cấp cứu nên chị xin lỗi và hẹn gặp lại Trần lúc 18 giờ 30.

Thời gian còn dài, Trần rủ tôi ra cảng Cầu Đá chơi. Đây là nơi xuất phát của những chuyến tàu đưa khách ra thăm các đảo Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Mun, Con Sẻ Tre, Bãi Mini, Bãi Tranh, Làng Chài… Những con tàu ấy phần lớn là tàu nhỏ bằng gỗ, sức chứa chỉ khoảng 35 đến 50 người, giá thuê nguyên chuyến là 2 triệu đồng. Tính ra với 50 khách, mỗi người chỉ tốn 40.000 đồng.

Khi chúng tôi đến, hàng trăm khách du lịch đang chuẩn bị xuống tàu, trong đó có khá nhiều người Trung Quốc. Họ tập trung thành từng nhóm dưới sự điều hành của một hướng dẫn viên cũng là người Trung Quốc.

Qua lời dịch của Trần, tôi được biết anh hướng dẫn viên đang giới thiệu với đoàn khách về 2 hòn đảo mà họ sắp đến cùng các dịch vụ ăn uống, mua sắm hàng lưu niệm. Anh ta nói: “Ở một số cửa hàng, các bạn có thể trả bằng tiền Việt hoặc đồng nhân dân tệ”. Tôi thấy anh ta giống y những khách trong đoàn với quần kaki, áo thun, mũ lưỡi trai, chân đi giày thể thao. Nếu như anh ta không nói thì chắc chắn chẳng ai biết anh là người hướng dẫn.

Hướng dẫn viên du lịch “chui” người Trung Quốc đang thuyết minh cho khách về những hòn đảo sắp ghé thăm ở Nha Trang.

Chuẩn bị khởi hành, một thanh niên người Việt - trước ngực lủng lẳng sợi dây nhỏ gắn tấm thẻ bọc nhựa nhưng mặt thẻ có ghi những thông tin về họ tên và đơn vị nơi anh ta công tác thì lại được để cho quay vào phía trong - đến quầy bán vé, mua vé cho cả đoàn. Tôi hỏi sao không để họ tự mua thì anh đáp: “Họ không biết tiếng Việt”.

Tôi hỏi tiếp, rằng anh có phải là hướng dẫn viên chính thức cho đoàn khách Trung Quốc ấy không thì anh ta gật đầu. Nhưng theo tìm hiểu của tôi, phần lớn những đoàn khách Trung Quốc đến Nha Trang đều thuê hướng dẫn viên người Việt để hợp thức hóa, còn mọi chuyện khác họ tự lo. Khi đưa xấp vé cho trưởng đoàn xong và khi họ lên tàu, tôi chẳng nhìn thấy mặt mũi anh hướng dẫn viên người Việt này đâu nữa!

Theo một thống kê của ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa, 5 tháng đầu năm 2016, du khách Trung Quốc đến Khánh Hòa là 175.000 người, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm gần 40% lượt khách quốc tế. Hiện tại, Khánh Hòa có 27 doanh nghiệp lữ hành chuyên đón khách Trung Quốc, trong đó 9 doanh nghiệp được cấp giấy phép lữ hành quốc tế phục vụ khách Trung Quốc, 2 doanh nghiệp làm đại lý lữ hành quốc tế, còn số doanh nghiệp ở các tỉnh thành khác đặt văn phòng đại diện tại TP Nha Trang là 13.

Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, khách du lịch Trung Quốc đến địa phương này ngày một tăng là dấu hiệu đáng mừng, nhưng cũng tạo ra sức ép đáng kể với công tác quản lý, bởi lẽ toàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay mới chỉ có 11 người thông thạo tiếng Hoa được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế

Tại Tháp Bà Ponagar, cảnh tượng chẳng khác gì ở cảng Cầu Đá. Lúc chúng tôi đến thì cũng là lúc một “hướng dẫn viên” Trung Quốc đang ngăn cản một phụ nữ trong đoàn khi bà này định mua một sợi dây chuyền kết bằng những vỏ ốc bé tí. Trần dịch: “Nó nói rằng đây là tour khép kín. Nếu muốn mua hàng lưu niệm thì đã có những cửa hàng trong tour chứ không nên mua ở ngoài”.

“Cửa hàng trong tour” là những nơi mà người Trung Quốc bỏ vốn đầu tư hoặc sang nhượng lại rồi thuê người Việt đứng tên. Và không chỉ bán hàng lưu niệm, những “cửa hàng” này còn là những tiệm ăn, khách sạn, dịch vụ karaoke, massage... Ở đó, khách hoàn toàn có thể thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.

Cũng tại Tháp Bà Ponagar, tôi còn thấy một “hướng dẫn viên” Trung Quốc thuyết minh cho đoàn khách người Trung Quốc về sự tích của ngôi tháp này. Qua lời dịch của Trần, ngoài việc nói về bà Thiên Y Thánh mẫu Ana, anh ta còn xuyên tạc lịch sử Vương quốc Chăm Pa và quá trình di dân của người Việt xuống phía Nam bằng những lời lẽ cực kỳ... bố láo.

Theo đề nghị của tôi, Trần đến cạnh tay hướng dẫn viên, bảo với anh ta là “giải thích sai rồi”. Nghe một “đồng hương” nói tiếng phổ thông Trung Quốc, tay hướng dẫn viên cười hì hì, rằng: “Trong tài liệu hướng dẫn du lịch Việt Nam của công ty tôi viết như thế đó. Tôi chỉ lập lại thôi”.

Hướng dẫn viên du lịch chui

Để tổ chức những tour du lịch đến Khánh Hòa nói riêng và nhiều địa phương khác trong cả nước nói chung, một công ty du lịch có trụ sở tại Trung Quốc sẽ ký hợp đồng hợp tác với công ty du lịch A nào đó ở Việt Nam chẳng hạn, trong đó thỏa thuận phía Trung Quốc mỗi năm sẽ đưa sang Việt Nam bao nhiêu khách và trả cho công ty A bao nhiêu tiền. Trách nhiệm của phía công ty A là đảm bảo các thủ tục tạm trú hợp pháp cho các đoàn khách Trung Quốc, thiết kế tour, thuê mướn phương tiện...

Khi hợp đồng hợp tác đã được ký hết, phía Trung Quốc cử những nhóm tiền trạm đến những địa phương mà họ dự định đưa khách vào. Nhóm này thông qua nhiều đầu mối, tìm mặt bằng để mở cửa hàng, quán ăn hoặc đặt vấn đề thuê đứt các cửa hàng, quán ăn, khách sạn đã có sẵn với điều kiện chỉ tiếp khách Trung Quốc, chấp nhận thanh toán bằng nhân dân tệ.

Một hướng dẫn viên du lịch “chui” người Trung Quốc yêu cầu khách chỉ nên mua hàng ở “những cửa hàng trong tour”.

Song song với những việc đó, những hướng dẫn viên “chui” người Trung Quốc được tập huấn nghiệp vụ du lịch, trong đó họ được cung cấp những thông tin mang tính xuyên tạc về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Mỗi khi khách đến, nhân viên công ty A ra sân bay đón họ với đầy đủ giấy tờ hợp lệ, đưa họ lên xe về khách sạn rồi những ngày tiếp theo, nếu họ muốn đi đâu thì người của công ty A sẽ sắp xếp phương tiện tàu xe, còn thuyết minh cho khách ở những điểm tham quan như thế nào thì đã có “hướng dẫn viên” Trung Quốc lo liệu. Chỉ khi “bí” quá, họ mới hỏi hướng dẫn viên người Việt.

Tất cả những hướng dẫn viên “chui” ấy đều nhập cảnh Việt Nam bằng visa du lịch bởi lẽ theo quy định của luật pháp Việt Nam, hướng dẫn viên du lịch quốc tế hành nghề trong nước phải là người có quốc tịch Việt Nam và phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp thẻ hành nghề.

Tháng 4-2016, Công an tỉnh Khánh Hòa đã phạt tiền, hủy thị thực, rút ngắn thời gian tạm trú, buộc xuất cảnh 7 người Trung Quốc vào Việt Nam bằng visa du lịch nhưng lại làm hướng dẫn viên “chui” cho các đoàn khách Trung Quốc. Bên cạnh đó, Sở Du lịch Khánh Hòa cũng đã xử phạt 5 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành cho khách nước ngoài gần 50 triệu đồng vì các vi phạm như không có hợp đồng đại lý lữ hành, không phân công hướng dẫn viên hướng dẫn du khách, hướng dẫn viên không có thẻ hướng dẫn viên quốc tế, còn Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa khi tiến hành kiểm tra 13 cơ sở bán hàng phục vụ du khách Trung Quốc, đã xử phạt tổng cộng 54 triệu đồng. Với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, nơi này khẳng định chưa cấp phép lao động cho bất kỳ người Trung Quốc nào vào Khánh Hòa.

Những hệ lụy

Như chúng tôi đã nói ở trên, để có thể đưa khách Trung Quốc sang Việt Nam du lịch, nhiều công ty du lịch Trung Quốc chọn cách hợp tác với một công ty du lịch Việt Nam có tư cách pháp nhân, thậm chí hợp tác cả với những công ty du lịch “lụi” - nghĩa là không đăng ký với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, sau một thời gian, đã xảy ra những chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.

Ngày 18-12-2015, ông Yang Ziming, Tổng giám đốc của Công ty du lịch quốc tế Chengdu - là một công ty con trực thuộc Tập đoàn Chengdu, Trung Quốc, ký hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Silent Bay do ông Trương Đăng Vũ Thụy làm giám đốc.

Theo nội dung của hợp đồng này, Chengdu sẽ lần lượt đưa 300.000 khách du lịch Trung Quốc đến TP Nha Trang với mức phí trả cho Công ty Silent Bay là 500.000 USD/năm.

Hợp đồng ký xong, Chengdu trả trước cho Silent Bay 100.000 USD, còn lại mỗi tháng sẽ trả 40.000 USD. Trách nhiệm của Silent Bay là bảo đảm thủ tục tạm trú hợp pháp ở TP Nha Trang cho tất cả người của Công ty Chengdu.

Khách du lịch Trung Quốc ở Nha Trang.

Thế nhưng, đến tháng 3-2016, ông Wang Tao, Phó Giám đốc Công ty du lịch quốc tế Chengdu ký đơn “xin hỗ trợ” gửi Bộ Công an Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa, nhờ can thiệp để công ty này kinh doanh du lịch tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực chất của lá đơn “xin hỗ trợ” là nhằm tố cáo Công ty Silent Bay.

Theo ông Yang Ziming, ngày 4-2-2016, đại diện Công ty Silent Bay mời ông đến họp, yêu cầu ông phải trả thêm cho Silent Bay 500.000 USD/năm - gọi là “phí bảo kê”. Và nếu ông Yang từ chối, họ sẽ trục xuất ông Yang khỏi TP Nha Trang, không cho phép kinh doanh du lịch.

Chưa rõ sự thật của việc này thế nào vì Tổng cục An ninh Việt Nam đã vào cuộc, tiến hành điều tra, xác minh, nhưng trong lá đơn “xin hỗ trợ” do Phó Giám đốc Wang Tao ký, lộ ra một chi tiết là Công ty Chengdu đã cử hơn 90 người, gồm hướng dẫn viên du lịch và nhân viên tiếp tân đến TP Nha Trang để “đảm bảo chất lượng tiếp đón, dịch vụ, đào tạo hướng dẫn viên và nhân viên Việt Nam cùng một lúc”.

Như thế, trong số hơn 90 người Trung quốc đến Nha Trang, những người làm nhiệm vụ “hướng dẫn du lịch” đều là làm chui. Giám đốc một công ty du lịch Việt Nam tại Nha Trang cho biết cuối năm 2015, Công ty Chengdu đã từng đặt vấn đề hợp tác với đơn vị ông nhưng ông từ chối vì Chengdu mốn góp vốn với công ty để họ có thể đứng tên, đưa hướng dẫn viên Trung Quốc vào, thực hiện tất cả các khâu dịch vụ rồi chia cho công ty Việt Nam một khoản tiền, coi như tiền thuê mướn giấy phép.

Trưa Chủ nhật, tôi cùng Trần ra sân bay Cam Ranh để vào TP Hồ Chí Minh. Tại khu sảnh dành cho khách đến, tôi gặp 3 người đàn ông Trung Quốc đang xí xa xí xộ. Trần nói: “Họ đang chờ đón khách”. Thấy một thanh niên người Việt áo sơ mi trắng, quần xanh, tay cầm một xấp giấy tờ đứng cạnh mấy ông này, tôi hỏi có phải anh làm du lịch không?

Anh gật đầu rồi bảo theo trách nhiệm công ty phân công, anh ra đây để cùng phối hợp với những “hướng dẫn viên” Trung Quốc đón khách: “Công ty đã đặt sẵn xe cộ. Nhiệm vụ của em là mua vé cho khách vào những điểm tham quan, trình báo giấy tờ với các cơ quan chức năng Việt Nam nếu bị kiểm tra còn ăn, ở thì họ đã sắp sẵn hết rồi. Nếu có muốn đưa họ đi chỗ này, chỗ kia để kiếm tiền “cò” thì cũng không được vì từ lúc xuống máy bay cho đến khi lên máy bay về lại Trung Quốc, đi đâu, ở đâu, ăn gì, mua gì..., họ đều đã lên chương trình...”.

Và như vậy, phần lớn số tiền mà khách du lịch Trung Quốc tiêu pha ở Khánh Hòa lại chảy vào túi người Trung Quốc.

Vũ Cao
.
.