Hương sắc mùa xuân

Thứ Bảy, 17/02/2018, 08:20
Khi mùa xuân và tết đến, dẫu có nơi trời vẫn lạnh nhưng ta vẫn cảm thấy ấm áp. Mùa của hoa đào, hoa mơ trắng, hoa mai vàng và hơi ấm tỏa ra từ mái nhà - nơi gia đình sum họp. Những chiến sĩ ở miền biên viễn vẫn cảm thấy được sưởi ấm trong tim - họ đang đứng trước đầu sóng ngọn gió che chắn hiểm nguy cho bao người nơi quê hương xa ngái.

Mùa xuân thường gắn với tuổi trẻ, mùa vạn vật đâm chồi nảy lộc, và xuân vẫn nằm ngay trong tim của những người “...xót nỗi ta không còn trẻ mãi”! Là mùa đâm chồi nảy lộc của thiên nhiên, mùa xuân cũng thuộc về những con người đang hành động.

Dẫu có những người đang độ thanh xuân đã hy sinh vì nghĩa lớn và cuộc đời như cây xanh bị đốn giữa mùa xuân, song nhựa sống của họ vẫn nuôi dưỡng cho đất cằn thêm màu mỡ. Từ mùa thu tới đầu xuân năm nay, nhiều vùng ở nước ta vẫn đang bị cuốn theo bão lũ, sạt lở.

Đinh Hữu Dư - người phóng viên đã chọn nơi hiểm nguy ở đầu sóng lũ để tác nghiệp. Dẫu đời anh đã bị đốn như cây xanh giữa mùa xuân nhưng nhựa sống và cây đời của anh vẫn đâm chồi nảy lộc. Tình gia đình, làng xóm đã nuôi dưỡng Dư từ lúc còn là mầm non. Túp lều anh sống với mẹ khi còn nhỏ, cửa trống hoác, mái che bằng phên dậu và một tấm ny-lông, như một công trình phụ bị ai đó bỏ hoang! Nơi ấy, cậu bé bảy tuổi đã đi khuân gạch thuê, kiếm thêm tiền để theo đuổi việc học hành.

Giống như người xưa từng ngồi học dưới ánh đèn gom bởi những con đom đóm, ngày nay Dư đã nhiều đêm lấy dây buộc tóc lên song cửa, nếu ngủ gật cậu sẽ phải tỉnh lại để ôn bài - theo lời người mẹ kể. Cánh cửa ngôi nhà hiện nay ghi số 29 đã bạc trắng và rêu phong - nơi anh từng trở về cùng mẹ sau mỗi chuyến đi - kèm theo lời chú thích của một tờ báo “...trùng với tuổi của Dư”.

Tôi lại liên tưởng tới nghệ danh của Dư là Giang Phong. Anh như dòng sông và gió - luôn trôi chảy và bay xa. Anh đã bị nước lũ dòng sông cuốn đi, ba ngày mới tìm thấy thân xác, nhưng hồn của anh vẫn như “dòng sông cuốn đi, giọt nước trở về” (Nguyễn Duy). Trong những ngày đau thương đó, tôi thấy trên mạng hình ảnh một học viên trẻ, đuổi theo đám tang anh mà khóc: “Sếp ơi! Từ nay em mất người bạn tri âm...”.

Người ấy là một học viên đã được Dư hướng dẫn. Một cộng sự ghi lại rằng khi ngồi trên tàu đi qua ngôi nhà xưa của thầy, anh đã không dám nhìn về hướng ấy. Hành động của Giang Phong là giọt nước chảy về, sẽ nuôi những cây xanh vươn lên.

Mùa xuân không chỉ là chu kỳ của đời người, mùa xuân thức dậy trong tim người hành động ở bất kỳ thời gian nào. Giờ đây, trên vùng cao, các thầy cô vẫn đang đến từng nhà người dân, vận động phụ huynh cho con em tới trường và cõng những em nhỏ qua các đoạn dốc trơn vừa trải qua cơn lũ. Có chữ, các em sẽ như cây non vươn lên thành rừng che phủ xanh đất nước.

Một học trò cũ thời tôi dạy trường trung học - cách đây gần sáu mươi năm - đã mang đến cho tôi một bản kiểu “tóm tắt lịch sử” quãng đời thanh niên từ khi ra trường (1962) cho đến năm 1991. Khởi đầu, cậu ấy xung phong lên dạy ở trường Thanh niên Lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình. Không chỉ dạy chữ, mà dạy chăn nuôi gia súc đủ loại, hàng nghìn con bò, dê, cừu Mông Cổ.

Bước chân thầy sải qua bao trường và bản của các dân tộc: Đồi Miễu, Hang Hùm, Chằm Cun, Chánh Cành - trong một tuần, chạy bộ hết nơi này đến nơi kia. Sau đó, lại lên miền núi Phú Thọ dạy các môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật nông nghiệp - chủ yếu là trồng sắn. Song song với việc dạy, thầy còn lấy được bằng đại học Kinh tế nông nghiệp và theo lớp sau đại học.

Nhờ có học thức, thày đã thí nghiệm và phát triển thâm canh trồng sắn, tăng năng suất từ 5 tấn/ha lên tới 25 tấn/ha, góp phần cho dân xóa đói. Xuất thân từ gia đình tư sản (thời ấy gặp nhiều khó khăn lắm!), anh vẫn được bầu làm đại biểu Quốc hội.

Hiện nay, những thanh niên ham hành động thường lập thành những nhóm “phượt”. Không chỉ là bay nhảy lông bông, phượt cũng khiến ta hiểu thêm đất nước. Song tôi biết, có những nhóm phượt vì mục đích cống hiến, thiện nguyện. Phượt bằng xe máy tới các bản vùng cao, vượt đèo suối, giữa đường gặp mưa lũ, có đoạn đường khấp khểnh rộng bằng vài gang tay, chỉ còn cách một tay bám đá núi, một tay dắt xe...

Đường dài, hàng nặng, đã có sự tiếp sức của các giáo viên trên bản. Họ phóng tới điểm hẹn, chuyển hàng rồi hướng dẫn nhóm phượt tới trường mẫu giáo và tiểu học, nơi các em nhỏ đang đứng chờ. Tùy theo mùa, các em nhận được những món quà khác nhau: sách vở ngày khai trường, áo ấm và ủng cho mùa đông, bánh kẹo, sữa, đường...

Tôi có một sinh viên bao năm nay, bánh xe và gót chân của anh chàng ấy đã mòn vẹt trên khắp nẻo đường, có nơi anh đã đến tới năm, sáu lần. Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Đồng Văn, Điện Biên với những tên bản xa lạ: Lán Bò, Bản Lìm, Pú Xi, Po Chò, Nậm Xe, Săng Tăng Ngai, Phăng Xố Lin, Nả Kế, Sìn Hồ, Làng Lao, Lũng Thầu, Bản Giốc... Anh mang về những thước phim, những tấm ảnh, sắc màu váy áo sặc sỡ của dân vùng bản, lại có cháu bé còn ở truồng...

Khi học xong, trở thành thầy giáo, trong một đêm khuya mưa bão, anh phóng xe đi vào đường mòn để nhờ bạn mang đồ đi thiện nguyện. “Hung thần xa lộ” là một bà phóng xe hơi, một mình một đường, đâm thẳng vào cuối bắp vế của thầy giáo trẻ. Nằm viện gần hai tháng, thầy ra viện nằm nhà trọ với cặp nạng và cái chân băng bó, thầy nghỉ không có lương. Thế mà vì không thể ngồi yên, với đôi nạng và chân băng bó, anh ấy được một đoàn đi kèm giúp đỡ, trở về Hà Giang lần thứ sáu.

Trong cái lạnh 7 độ C của cao nguyên đá, anh đến trường Mầm non Tả Lủng để trao quần áo ấm, mũ và ủng cho các em bé... để rồi lại trở về “hang ổ” của mình, tự xoay xở cho đến ngày cái chân sẽ bình thường. Trong những ngày tù túng, anh lại mơ tới những bữa mì pha nước suối đun sôi trong ống nứa giữa rừng, mơ về hoa mai trắng, hoa tam giác mạch và những sắc màu rực rỡ...

Chàng Đôn-ki-hô-tê vẫn có thật nhưng không vỡ mộng... Ngày nay vẫn có những hiệp sĩ không có kiếm và lao, không có ngựa, nhưng cưỡi trên con ngựa sắt đi khắp mọi miền mang theo những tải hàng thiện nguyện!

Tôi lại nhớ tới nhà thơ tài hoa Phạm Tiến Duật, dường như anh chỉ hân hoan khi sống với rừng núi: “Anh đi trong rừng, lá vỗ trên cao/ Gió bốn bề cây ngả nghiêng chào”... “Nằm ngửa nhớ trăng nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo”... Song anh đã có những câu thơ rất hay trong bài “Tiễn các cháu đánh giày về quê ăn Tết”: “...Chỉ mấy ngày thôi về với cha với mẹ/ Các cháu sẽ gặp lại quê mình xanh như thể tre xanh/ Từ nghìn năm xưa tre vẫn xanh như thế...”. Anh cũng đã dạy chữ cho các cậu bé ấy. Có chữ, những măng non ấy sẽ vươn lên thành lũy tre bao bọc làng quê...

Đối với tôi, mùa xuân không chỉ hiện lên với màu hồng của hoa đào, màu vàng hoa mai, màu trắng hoa mơ mà còn với những độ đậm nhạt của màu xanh lá cây: chồi non, búp măng, “lá vỗ trên cao”... Và màu của các loại hoa khác như hoa ban trắng, hoa tam giác mạch tím ngát hoang sơ, những loài hoa trải thành ruộng ở chân trời xa xôi, nơi hướng tới của những con người đang hành động. “Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát” (Đoàn Phú Tứ). Với tôi, “Màu mùa xuân xanh xanh/ Màu mùa xuân tím ngát”...

G.S Đặng Anh Đào
.
.