Hướng tới quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình

Thứ Ba, 19/11/2019, 07:20
Lần đầu tiên có một đơn vị mang tính pháp lý để bảo vệ bản quyền cho những người làm phim điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam. Dấu mốc này là muộn trong tiến trình hơn 60 năm phát triển điện ảnh và hơn 30 năm phát triển truyền hình nhưng dẫu muộn thì vẫn còn hơn không. Có điều, còn nhiều băn khoăn với một hội non trẻ.

Ra đời sau “giai đoạn vàng” 10 năm

Ngày 16-8-2019 Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định số 653/QĐ-BNV cho phép thành lập Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam. Và đầu tháng 11 vừa qua, một sự kiện được các nghệ sĩ, những người làm điện ảnh, truyền hình quan tâm là việc công bố sự ra đời của Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam.

Theo nhiều nghệ sĩ, việc thành lập Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam là tín hiệu vui cho thấy việc bảo vệ quyền lợi cho các nghệ sĩ, những người làm điện ảnh, truyền hình trong bối cảnh nạn xâm phạm tác quyền nhan nhản. Nhưng, đây cũng là sự ra đời khá muộn.

Bởi theo diễn viên Quyền Linh, thành viên Ban Thường vụ Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và truyền hình Việt Nam, đáng ra, Hội phải ra đời từ 10 năm trước, khi điện ảnh và truyền hình đang có bước phát triển rực rỡ nhất. Tuy nhiên, muộn còn hơn không, Hội sẽ học tập được kinh nghiệm từ nhiều quốc gia để bảo vệ đươc tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.

“Cô Ba Sài Gòn” - bộ phim bị tổn thất lớn vì nạn vi phạm bản quyền.

Ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam vừa được bầu giữ vai trò Tổng Thư ký Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình cho biết: “Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình là tổ chức xã hội - nghề nghiệp - được thành lập nhằm góp phần bảo vệ bản quyền tác giả, tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình, bảo đảm môi trường lành mạnh cho hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của điện ảnh - truyền hình Việt Nam.

Tôn chỉ, mục đích của Hội là tuyên truyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên thông qua thực hiện quản lý tập thể quyền tác giả, tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình theo quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức Hội, góp phần xây dựng môi trường hoạt động điện ảnh và phim truyền hình lành mạnh, minh bạch”.

Theo ông Hải, những nhiệm vụ trước mắt của Hội, ngoài việc kiện toàn tổ chức, phát triển Hội viên, Hội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền tôn chỉ mục đích của Hội; cung cấp thông tin cần thiết nhằm nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên thông qua thực hiện quản lý, bảo vệ quyền lợi của tác giả, tác phẩm và các quyền liên quan hợp pháp theo quy định của pháp luật cho hội viên. Tập hợp, đoàn kết, tổ chức kết nối và phối hợp hoạt động giữa hội viên, tác giả, nghệ sĩ, tổ chức, chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan.

Tiến hành hòa giải tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo giữa hội viên, tác giả, nghệ sỹ, tổ chức, chủ sở hữu tác phẩm và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định của điều lệ Hội và quy định của pháp luật. Tiến hành hoạt động bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan cũng như quyền lợi hợp pháp khác của hội viên, tác giả, nghệ sĩ và chủ sở hữu tác phẩm theo quy định của pháp luật.

Hội sẽ nhận ủy quyền quản lý, bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình và hình ảnh hội viên nghệ sĩ. Đàm phán cấp phép thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép sử dụng, khai thác tác phẩm, thu tiền sử dụng và chi trả các chế độ cho những người có quyền lợi theo quy định của pháp luật và quy chế tài chính của Hội. Với hoạt động đó, Hội là cầu nối giữa các nhà sáng tác là hội viên với các tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, tạo thuận lợi cho việc sử dụng, khai thác có hiệu quả các quyền của hội viên.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.

Đối phó với vấn nạn xâm phạm

Ra đời muộn trong bối cảnh công nghệ phát triển, tình trạng xâm phạm bản quyền điện ảnh, truyền hình hết sức tinh vi, phức tạp. Đây là thách thức không nhỏ đối với một tổ chức còn non trẻ. Theo điều tra của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA), ở Việt Nam, tình trạng xâm phạm bản quyền không chỉ dừng lại ở các trang web trong nước mà đã xuất hiện nhiều trang web mang tầm cỡ quốc tế.

Nhiều trang web vi phạm đứng ở vị trí cao trong bảng xếp hạng các trang web được xem nhiều nhất trên thế giới lại được vận hành bởi những người Việt Nam đang sống tại Việt Nam. Những vi phạm này gây nguy hại cho nền công nghiệp điện ảnh nói chung. Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu một bộ phim bị tung lên mạng trước thời điểm ra rạp thì tiền vé thu được sẽ bị giảm khoảng 20%. Tại thị trường Việt Nam hiện chỉ có khoảng 3-5 trang web cung cấp dịch vụ xem phim hợp pháp, trong khi số lượng trang web vi phạm gấp nhiều lần.

Cũng theo thống kê của MPA, có trang web lên tới gần 100 triệu lượt truy cập trong 1 tháng và liên tục thay đổi tên miền. Đây là một trong những trang web nguy hại nhất trên thế giới. Trang web này được đăng ký và điều hành bởi các cá nhân là người Việt Nam sống tại Việt Nam, thông qua việc tải phim lên mạng từ các địa chỉ do người Việt Nam đứng tên.

Diễn viên Quyền Linh cho biết, tình trạng vi phạm bản quyền trong tác phẩm điện ảnh, truyền hình xảy ra rất nhiều với nhan nhản vi phạm. Nhiều anh em vừa làm xong phim, để trên YouTube, Facebook đã bị lấy, hay những anh em vừa làm web drama là bị lấy luôn dù có đăng ký bản quyền.

Diễn viên Quyền Linh.

Ở Việt Nam, câu chuyện gây bức xúc trong các nghệ sĩ, những người làm điện ảnh khi việc xâm phảm bản quyền điện ảnh bị xử phạt như “không phạt”. Năm 2017, bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” vừa ra rạp được ít hôm đã bị một thanh niên cùng bạn gái livestream phim lên fanpage chuyên về phim. Kết quả, thanh niên này chỉ bị phạt 15 triệu đồng, trong khi tổn thất của nhà sản xuất là khó đong đếm.

Ở một nước có luật pháp nghiêm minh và ý thức về luật pháp cao như CHLB Đức, các cơ quan liên quan đến điện ảnh cũng đã hợp tác tiến hành một số chiến dịch chống lại nạn vi phạm bản quyền phim từ năm 2003, sau khi có luật hình sự quy định việc vi phạm có thể bị phạt tù tới 5 năm.

Băn khoăn và mong chờ

Sự ra đời của Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam được các nghệ sĩ kỳ vọng sẽ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tuy nhiên, cùng với những mong chờ vẫn còn đó nhiều băn khoăn, trăn trở.

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, việc thành lập Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam rất đáng hoan nghênh và bản thân ông là một nghệ sĩ hết sức mong chờ Hội sẽ có những hoạt động thiết thực, bảo vệ được quyền và lợi ích của các nghệ sĩ, những người làm điện ảnh, phim truyền hình.

Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ: “Với một tác phẩm nhiếp ảnh, âm nhạc, hội họa thì thường của một tác giả và tác giả đó có quyền sở hữu tác phẩm luôn. Nhưng điện ảnh, truyền hình thì không như vậy, đạo diễn làm phim cho một nhà sản xuất (chủ sở hữu) của tác phẩm và thường là hãng phim. Từ xưa đến nay, tôi đi làm mấy chục năm nhưng chưa bao giờ có tác quyền của tác phẩm nào.

Dù mình làm đạo diễn nhưng khi có người hỏi mượn phim ra chiếu cho học sinh xem cũng không mượn được vì phim của hãng hoặc của đài truyền hình. Vậy thì vai trò của tác giả như thế nào trong tác quyền mà chủ sở hữu họ bỏ tiền thuê đạo diễn làm? Bình thường người ta (nhà sản xuất, hãng phim) trả cho đạo diễn bao nhiêu, biên kịch bao nhiêu, họa sĩ bao nhiêu... vậy là xong. Chủ quyền sau đó thuộc người ta và đạo diễn chưa bao giờ được hưởng quyền tác giả”.

Bởi vậy, theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, có thể học tập kinh nghiệm từ Hong Kong. Ông cho biết: “Một lần tôi làm phim cho Hong Kong, họ ký một hợp đồng rất rành mạch. Tác phẩm điện ảnh, truyền hình ra đời sau 2 năm thì đạo diễn được quyền lợi gì, sau 5 năm được quyền gì và 10-20 năm sau được gì. Họ rất rõ ràng nên khi có vi phạm thì sẽ có ngay thông tin.

Ví dụ phim làm ở Hollywood nhưng đang được chiếu ở Việt Nam hay đâu đó và số thu là bao nhiêu thì họ vẫn biết và không chỉ đơn vị là hãng phim quản lý bản quyền đó mà tác giả vẫn được hưởng và có một phần quyền lợi trong đó. Vậy, tôi mong là khi thành lập, Hội làm thế nào để vừa đúng luật mà vừa làm được việc bảo vệ bản quyền cho tác giả”.

Một trang web vi phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh, truyền hình ở Việt Nam.

Diễn viên Quyền Linh cho biết: “Gần 10 năm từ khi bắt tay thực hành ý tưởng để ra đời Hội. Đoạn đường phía trước rất gian nan nhưng Quyền Linh tin chắc rằng với sự kết hợp của các văn nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật thì Hội sẽ làm được một điều gì đó tốt nhất cho các anh em nghệ sĩ, người làm nghệ thuật, đó là bảo vệ tác quyền cho từng cá nhân, từng hãng phim cũng như tác giả của điện ảnh.

Thực tế, anh em làm điện ảnh, truyền hình dù đăng ký bản quyền cũng vẫn bị đánh cắp. Bây giờ nhan nhản các phim truyền hình trên mạng xã hội, anh em không biết ai để lấy tác quyền, gặp ai để bảo vệ cho họ. Hội ra đời để tập hợp anh em nghệ sĩ, bảo vệ chính “con đẻ” của mình”.

Theo diễn viên Quyền Linh, Hội Hội sẽ cử người giám sát các hoạt động vi phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh, truyền hình và bằng công cụ của công nghệ 4.0, kinh nghiệm những người làm điện ảnh, truyền hình sẽ làm sao để đem lại quyền lợi cho anh em nghệ sĩ.

“Chúng tôi sẽ đầu tư kinh phí cho kỹ thuật, phối hợp với Facebook, YouTube, các mạng xã hội để có công cụ nhúng bản quyền cho những nghệ sĩ đăng ký hội viên với Hội. Đấy là quan trọng nhất vì thời đại 4.0 người ta ăn cắp rất tinh vi. Tổ pháp chế, các luật sư phải am hiểu về nghệ thuật. Hội sẽ làm tốt nhất có thể để bảo vệ anh em nghệ sĩ, là chỗ dựa tinh thần, tạo niềm tin, nhiều anh em vào càng tốt” - diễn viên Quyền Linh nói.

Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam nhanh chóng hòa nhập vào hệ thống các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, Hội cần tập trung vào các hoạt động chủ yếu như triển khai thực hiện nhiệm vụ, xây dựng hoàn thiện các văn bản, các quy chế nội bộ của Hội theo quy định của pháp luật và đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội; Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến phát triển hội viên và nâng cao nhận thức của hội viên về các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cũng như điều lệ, chức năng, nhiệm vụ và tôn chỉ, mục đích của Hội; quyền, lợi ích và nghĩa vụ hợp pháp của các hội viên.

Cục Bản quyền tác giả sẽ phối hợp cùng với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng hành, tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để Hội hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của hội viên cũng như lợi ích của xã hội phù hợp với quy định pháp luật và điều lệ.

Dù mới ra đời trong bối cảnh tình trạng vi phạm bản quyền trong điện ảnh, truyền hình đã phát triển đến mức tinh vi nhưng các nghệ sĩ cũng vẫn kỳ vọng, việc thành lập Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam đã đánh dấu một bước phát triển mới trong việc hoàn thiện hệ thống tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

Thảo Nguyên
.
.