Huy chương Olympic và những khoản tiền thưởng khổng lồ

Thứ Năm, 16/08/2012, 19:40

Mỗi kỳ Thế vận hội luôn là sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, bất cứ ai cũng muốn được ghi danh trong cuộc tranh tài quy mô toàn cầu này. Để khuyến khích các vận động viên lập thành tích mang tính kỷ lục mới, nhiều quốc gia và các tổ chức chuyên ngành, cũng như giới tài trợ đã không ngần ngại chi mạnh tay hòng tôn vinh tên tuổi đất nước mình.

Bục danh dự đồng nghĩa với tiền thưởng cao ngất

Bên cạnh uy tín đạt được, huy chương Olympic còn đem lại khoản thu nhập vững chắc. Số tiền thưởng dành cho các cá nhân đoạt thành tích thường là những khoản hiện kim khổng lồ. Ví như một nhà vô địch người Cộng hòa Kazakhstan hoàn toàn có thể yên tâm, rằng tài khoản ngân hàng sẽ được bổ sung thêm gần 200.000 euro. Trong khi Cộng hòa Liên bang Đức là một cường quốc kinh tế lại chỉ thưởng số tiền "khiêm nhường" cho vận động viên giành huy chương vàng là 15.000 euro, bạc là 10.000 euro và đồng là 7.500 euro.

Nhưng với giới điền kinh Liên bang Malaysia lại khác. Một chủ doanh nghiệp khai mỏ kiêm nhà tài trợ ở Kuala Lumpur đã long trọng hứa chắc như đinh đóng cột, rằng vận động viên Malaysia nào đoạt huy chương cao nhất trong lịch sử Thế vận hội sẽ được trao tặng một con gấu bông bằng… vàng khối, với trị giá quy đổi qua hiện kim tương đương nửa triệu euro.

"Tôi biết các vận động viên đã nỗ lực tập luyện vất vả như thế nào, do vậy họ phải nhận được phần thưởng xứng đáng - một nhà tài trợ thổ lộ trong lễ tiễn đoàn Malaysia sang London tham dự Olympic mùa hè lần thứ 30 - Đó chính là cách chúng ta tỏ lòng biết ơn họ".

Bộ ba huy chương vàng (giữa), bạc (trái) và đồng.

Đầu tư thỏa đáng…

Tuy nhiên không phải ai đoạt giải cũng được "trả công" hậu hĩnh. Nhà nước Brazil không dành bất cứ khoản thưởng nào cho đoàn vận động viên hùng hậu thi đấu tại Olympic London 2012. "Chính sách nhất quán của chúng tôi là mọi người tham gia tranh tài đều phải cố gắng hết mình. Nhà nước đã đầu tư rất nhiều để họ có thể đại diện cho Tổ quốc Brazil, hà cớ gì phải chi thưởng thêm nữa?!", người phát ngôn Ủy ban Olympic Brazil cho biết.

Cho dù Chính phủ Brazil không cấp thêm kinh phí lập quỹ tiền thưởng riêng, ngành bưu điện của nước này là một tổ chức đã cổ phần hóa hứa thưởng 40.000 euro cho bộ môn bơi lội nếu đạt thành tích cao, trong đó 20% dành thưởng cho huấn luyện viên. Còn đội tuyển bóng đá Olympic Brazil cũng sẽ nhận được khoản hiện kim đáng kể, nếu như đem về cho tổ quốc tấm huy chương vàng Olympic của môn bóng đá mà quốc gia đã 5 lần vô địch thế giới này còn thiếu trong bộ sưu tập của mình.

Nhiều quốc gia Đông Âu hào phóng chi thưởng cho vận động viên đoạt thứ hạng cao, như Liên bang Nga là 100.000 euro, cả Bulgaria, Lithuania và Belarus cũng có mức thưởng tương tự. Còn Cộng hòa Ai Cập "nhỉnh" hơn với 130.000 euro. Riêng Italia tưởng thưởng cao ngất ngưởng cho vận động viên giành được huy chương vàng là 140.000 euro, bạc là 75.000 euro và đồng là 50.000 euro.

"Kình ngư" người Mỹ Michel Phelps.

Tài trợ được mùa

Nếu muốn nhận mức thưởng 50.000 euro, vận động viên người Pháp phải giành được huy chương vàng Olympic. Để so sánh, khoản tiền thưởng cho thành tích tương tự của vận động viên Nhật Bản là 31.000 euro, Mexico - 30.000 euro, Argentina - 27.000 euro… Đoàn Mỹ ngoài định mức thưởng của chính phủ ra là những khoản hiện kim đáng kể đến từ các nhà tài trợ. Ủy ban Olympic Hoa Kỳ chi thưởng cho vận động viên đoạt huy chương vàng là 25.000 USD, còn chức vô địch môn đấu vật được nhận tới 200.000 USD từ các nhà tài trợ. Liên đoàn xe đạp Mỹ cũng thưởng "đặc cách" thêm cho người đoạt huy chương vàng Olympic số tiền là 100.000 USD.

Riêng trường hợp của "kình ngư" Michel Phelps, người từng đoạt đến 8 kỷ lục thế giới tại Olympic Bắc Kinh 4 năm trước được giới tài trợ săn đón ráo riết. Chỉ tính mức thưởng từ Liên đoàn Bơi lội Hoa Kỳ dành cho vận động viên đạt thành tích cao nhất ở mỗi cự li thi đấu là 75.000 USD, nếu lặp lại những kỳ tích phi thường như trong năm 2008 thì M. Phelps sẽ "bỏ túi" 800.000 USD, chưa kể khoản thu hàng triệu USD khác của các nhà tài trợ và quảng cáo

Trần Hồng (theo El Pais)
.
.