Huyền thoại nhẫn uyên ương của người Chu Ru

Thứ Ba, 08/01/2019, 13:49
Tây Nguyên là nơi hội tụ của nhiều dân tộc thiểu số với nền văn hóa dân gian đa dạng và độc đáo; là nơi đua sắc của muôn loài hoa và những sản vật cao nguyên nổi tiếng; là không gian mê hoặc trong âm thanh rộn ràng của tiếng cồng chiêng.

Nằm ở phía nam cao nguyên Lâm Viên, huyện Đơn Dương là nơi tập trung sinh sống chủ yếu của người Chu Ru. Gần gũi và sẻ chia với các dân tộc anh em, trải qua bao chặng đường lịch sử và quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, đồng bào Chu Ru vẫn giữ được những nét bản sắc riêng. Trong kho tàng giá trị văn hóa vật chất và tinh thần phong phú, người Chu Ru có một nghề thủ công truyền thống lâu đời và nổi tiếng, đó là nghề đúc nhẫn bạc.

Nghệ nhân Ya Tuất đang làm nguội sau khi nhẫn được đổ khuôn.

Chiếc nhẫn bạc nhuốm màu huyền thoại

Không chỉ là một đồ trang sức, với người Chu Ru, chiếc nhẫn bạc còn là một điều thiêng. Nó gắn liền với đời sống tâm linh và có mặt trong những nghi thức quan trọng của cộng đồng như cưới hỏi, ma chay, lễ tết... Với quan niệm nhẫn bạc đem lại niềm vui và may mắn nên dù giá trị vật chất không cao nhưng nhẫn bạc của người Chu Ru lại chứa đựng giá trị tinh thần hết sức lớn lao.

Nhẫn bạc của người Chu Ru thường là nhẫn đôi nên chúng được gọi là nhẫn trống - mái. Tiếng Chu Ru, nhẫn trống gọi là Srí Kră - nhẫn dành cho nam, còn nhẫn Mái gọi là Srí Mơtal - nhẫn dành cho nữ. Người Chu Ru vẫn theo chế độ mẫu hệ. Phụ nữ chủ động trong tình yêu và hôn nhân: “Thích anh rồi, em tặng chiếc nhẫn thiêng/ Mong sớm ngày nên duyên chồng vợ”.

Khi nhà gái đi hỏi chồng cho con thì chiếc nhẫn bạc là lễ vật không thể thiếu theo yêu cầu của nhà trai. Nó là một kỉ vật quan trọng, minh chứng cho tình yêu cũng như trách nhiệm vợ chồng trong gia đình, là biểu tượng cho một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc vẹn tròn như vòng tròn của chiếc nhẫn... Đồng thời, nó còn thể hiện sự gắn kết bền chặt và thuận hòa giữa hai dòng họ bởi nhà trai chấp thuận gả con cho nhà gái không đòi hỏi sính lễ cao sang mà chỉ cần một đôi nhẫn bạc làm tin. Khi đã trao nhau chiếc nhẫn thì các cặp đôi sẽ gắn bó, yêu thương nhau đến suốt đời.

Bởi chiếc nhẫn bạc có ý nghĩa to lớn trong đời sống tinh thần của người Chu Ru nên họ luôn cất giữ nhẫn cẩn thận. Họ chỉ đeo nó khi đi chơi hay vào dịp lễ, tết mà không đeo khi làm việc vì sợ chiếc nhẫn sẽ bị hỏng hoặc chẳng may bị đánh rơi.

Chiếc nhẫn bạc là vật thiêng liêng của vợ chồng và là một nét đẹp trong phong tục hôn nhân mẫu hệ từ xa xưa nên nó không thể thiếu trong cuộc sống của người Chu Ru. Tuy nhiên, đến giờ, nghề đúc nhẫn bạc chỉ còn lại một truyền nhân duy nhất, đó là nghệ nhân Ya Tuất ở làng Hawaii, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, người đã gắn bó với nghề 30 năm.

Chị Ma Wen, vợ anh Ya Tuất chuẩn bị đổ khuôn nhẫn.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nhẫn bạc lâu đời nên từ nhỏ, anh Ya Tuất đã sớm kế thừa những tinh hoa của cha ông. Lên 7 tuổi, anh tận mắt chứng kiến ông cha mình đúc nhẫn với một niềm hào hứng, say mê. Tới năm 17 tuổi, anh đã theo học nghề của dòng họ. Nhưng để trở thành người sống với nghề đến ngày hôm nay thì không phải ai cũng làm được. Bởi không phải ai học nghề cũng gắn bó được với nghề. Để theo nghề không chỉ có lòng kiên trì, sự khéo léo, tâm huyết mà nhiều khi cũng cần cái duyên.

Anh chia sẻ rằng, trong lúc học nghề, rất vất vả và khó khăn, nhiều lúc làm không thành công nên nản lòng, muốn bỏ. Nhưng, cuối cùng, bằng lòng quyết tâm, anh đã theo nghề như một mối lương duyên. Từ đó đến nay, hàng ngàn chiếc nhẫn đã được anh tạo ra để mang đến niềm hạnh phúc cho buôn làng.

Làm nông nghiệp là công việc chính của vợ chồng nghệ nhân Ya Tuất. Còn đúc nhẫn là một nghề vừa để tăng thêm thu nhập cho gia đình, vừa bảo tồn những giá trị truyền thống mà cha ông để lại.

Người Chu Ru rất tin vào yếu tố tâm linh của chiếc nhẫn cưới nên khi làm nhẫn, anh Ya Tuất luôn tuân thủ các công đoạn chế tác mà cha ông đã truyền lại và tiến hành một cách rất tỉ mỉ như một nghi thức thiêng liêng.

"Công nghệ" đúc nhẫn độc đáo

Để đúc được chiếc nhẫn trống - mái phải trải qua nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn cần một kỹ thuật khác nhau nhưng khó nhất và quan trọng nhất là việc tạo khuôn. Khuôn nhẫn được làm từ sáp ong. Đây là loại nguyên liệu mềm nên rất thuận lợi cho việc tạo hình. Nghệ nhân nấu chảy sáp, lấy dùi gỗ nhúng vào sáp nóng rồi để nguội, tách sáp ong ra khỏi dùi sẽ được một khuôn sáp tròn.

Tùy theo kích cỡ của ngón tay, nghệ nhân sẽ cắt sáp thành những khoanh tròn lớn nhỏ để tạo khuôn. Thân của nhẫn mái thường để trơn, nên chỉ cần cắt khuôn đều nhau theo các kích cỡ. Ngược lại, thân của nhẫn trống được tạo hình khá cầu kỳ từ các sợi sáp ong. 2 hoặc 3 sợi sáp mảnh vê lại với nhau sẽ tạo ra hình dáng hoa văn cho nhẫn nam với những họa tiết chủ yếu là bông lúa và mặt trời.

Những họa tiết này thể hiện quan niệm của người dân về cuộc sống, đó là sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên, là cứ liệu sinh động cho sự phát triển sớm và rộng khắp của văn minh nông nghiệp tại cộng đồng tộc người Chu Ru. Cả nhẫn trống và mái đều được tạo mặt để đính cườm hoặc hạt Kơnia trang trí.

Những chiếc nhẫn trống - mái của người Chu Ru.

Khuôn nhẫn được nối với phễu rót bằng một ống sáp ong. Phễu rót làm bằng lá dứa, là chỗ để rót bạc nóng chảy khi đúc nhẫn. Mỗi khuôn thường được làm để đổ từ 2 đến 3 chiếc nhẫn.

Hỗn hợp từ đất sét và phân trâu là một hỗn hợp đặc biệt được dùng trong quá trình tạo khuôn. Đất sét được lựa chọn kĩ càng và làm mịn. Một nguyên liệu không thể thiếu đó là phân trâu. Lấy phân trâu là việc tuy đơn giản nhưng cũng phải tuân theo nguyên tắc nhất định: lấy ngay từ sáng sớm, khi mặt trời vừa ló rạng và phải là phân của những con trâu từ 1 đến 3 tuổi.

Anh Ya Tuất giải thích: “Theo quan niệm của người Chu Ru, con trâu nhỏ khi ăn nó thường nhai kĩ, phân sẽ dẻo. Còn con lớn, khi ăn không nhai kĩ nên phân sẽ không dẻo, do đó làm nhẫn sẽ khó và không đẹp, nhiều khi còn bị vỡ khuôn”. Sau khi lấy phân trâu về, nghệ nhân sẽ cho đất sét và phân trâu vào nước với tỉ lệ thích hợp để tạo thành hỗn hợp không bị nứt khi đốt khuôn.

Sau khi tạo hình bằng sáp ong, nhẫn sẽ được nhúng vào hỗn hợp này 6 lần, khi phơi khô sẽ tạo thành một bộ khuôn đúc hoàn chỉnh.

Khoảng từ 4 đến 8 giờ sáng là thời gian thích hợp cho việc nhóm lửa làm nóng chảy bạc để đổ vào khuôn bởi thời điểm đó khuôn sẽ chín đều và khí hậu mát mẻ sẽ giảm được sức nóng của nguồn nhiệt. Củi để đốt lửa nhất định phải là củi cây Kasiu được kiếm trong rừng sâu, nếu không đúng loại củi, nồi bạc sẽ bị vỡ khi cho vào nung chảy. Công đoạn này đòi hỏi sự tập trung cao độ, kiên nhẫn và khéo léo nên thường do chị Ma Wen, vợ anh Ya Tuất làm. Đây cũng là ý nghĩa tâm linh của việc đúc nhẫn trống - mái: có duyên với nhau mới làm chung được.

Cặp nhẫn được tạo nên từ đôi bàn tay, sự gắn bó, đoàn kết, yêu thương, san sẻ của cả hai vợ chồng. Khi làm, chị Ma Wen phải đeo bao tay và vô cùng cẩn trọng, nếu không rất dễ bị bỏng bởi nguồn nhiệt lớn tỏa ra từ bếp than và bạc nóng chảy. Những chiếc khuôn được tôi luyện trong lửa, tùy vào nhiệt độ, khoảng 5 phút thì khuôn sẽ chín, sáp ong tan chảy và sẵn sàng để đổ bạc vào. Việc này phải làm thật khéo vì đổ nhanh thì bạc dồn cục, đổ chậm thì bạc đông cứng. Bạc nung chảy đổ vào khuôn, chiếc nhẫn cơ bản được hoàn thành giống với tạo hình sáp ong ban đầu.

Khuôn nhẫn được nhúng vào nước làm nguội đột ngột, khuôn tan ra để lộ nhẫn phía trong. Nhẫn đúc xong được cắt gọt những phần bạc dư thừa. Lúc này những chiếc nhẫn đã sẵn sàng làm nhiệm vụ thiêng liêng của mình: kết nối duyên tình.

Mặc dù đã có kinh nghiệm lâu năm trong nghề đúc nhẫn nhưng đôi lúc nhẫn vẫn bị hư vì nhiều lý do khác nhau. Khi đó, anh Ya Tuất quan niệm rằng vạn sự tùy duyên, ngay  cả việc đúc nhẫn cũng vậy.

Giữ hồn cho buôn làng

Mấy chục năm trôi qua, chưa bao giờ cái bếp nhà anh ngừng đỏ lửa. Người nghệ nhân kết hợp sự khéo léo của đôi tay với những bí quyết tục truyền của dòng tộc để tạo ra những chiếc nhẫn thiêng, biểu trưng cho tình yêu đôi lứa son sắt vẹn toàn. Những chiếc nhẫn khi ra lò đều thuộc loại độc bản, không cái nào giống cái nào.

Người Chu Ru quan niệm nhẫn bạc là vật đem lại niềm vui và may mắn nên ngoài nhẫn trống - mái, nghệ nhân Ya Tuất còn làm thêm nhiều loại nhẫn khác. Người Chu Ru thường sử dụng những chiếc nhẫn này làm quà tặng cho bạn bè và người thân thay cho lời chúc phúc.

Công đoạn làm khuôn nhẫn bằng sáp ong.

Nhẫn trống - mái mang trong mình những giá trị văn hóa độc đáo, là linh hồn của tộc người Chu Ru trên mảnh đất Đơn Dương, Lâm Đồng. Vì đến nay chỉ còn anh Ya Tuất là nghệ nhân đúc nhẫn bạc truyền thống nên UBND huyện Đơn Dương đã có những kế hoạch để anh hướng dẫn, truyền nghề cho người khác. Đây là một niềm vui dành cho đồng bào Chu Ru, xóa tan đi lo lắng, trăn trở trong lòng họ vì sợ những thế hệ sau này sẽ không còn biết đến chiếc nhẫn bạc uyên ương.

Đơn Dương là huyện miền núi, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng hiện nay là vùng phát triển kinh tế nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, đồng bào dân tộc Chu Ru ở đây đã tiếp cận với khoa học kĩ thuật trong sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong trồng rau và hoa. Khi chất lượng cuộc sống được nâng lên, người dân cũng quen dần với các thiết bị hiện đại trong cuộc sống thường ngày.

Nhiều sản phẩm trang sức tinh xảo được làm từ máy móc đã xuất hiện trong  cộng đồng người Chu Ru nhưng họ vẫn ưa thích đôi nhẫn bạc truyền thống của nghệ nhân Ya Tuất. Vì nhẫn trống - mái được làm bằng phương pháp thủ công, tuy mộc mạc và đơn sơ nhưng ẩn chứa trong đó là những ý nghĩa nhân văn của một nghi lễ quan trọng nhất đối với mỗi người Chu Ru.

Giờ đây, trên mảnh đất cao nguyên đại ngàn, vợ chồng nghệ nhân Ya Tuất vẫn ngày ngày giữ gìn, tiếp nối và truyền lại vốn cổ quý báu của cha ông cho thế hệ sau.

Nhật Minh
.
.