Huyền thoại và sự thật về nhân vật Robinson Crusoe

Thứ Hai, 16/06/2014, 21:35

"Người hùng đơn độc" Robinson Crusoe luôn làm phấn chấn độc giả khắp thế giới. Nhưng không phải tất cả câu chuyện về chàng thủy thủ "rơi" vào hòn đảo không người, đều là những điều bịa đặt. Chính văn sĩ Anh Daniel Defoe - "người cha tinh thần" của câu chuyện - đã kể lại hoàn cảnh bi đát của viên hoa tiêu người Scotland Alexander Selkirk (1676-1721), qua kiệt tác bất hủ "The life and strange surprizing adventures of Robinson Crusoe of York, Mariner" (Cuộc đời và những chuyện phiêu lưu kỳ thú của thủy thủ xứ York Robinson Crusoe), ấn hành lần đầu tiên tại London năm 1719.

Thực ra Robinson đã sống hơn 4 năm ròng ở hòn đảo mịt mù phía nam Thái Bình Dương xa xăm. Anh chỉ có trong tay một khẩu súng săn, chiếc la bàn và cuốn Thánh kinh nhỏ. Rồi được một con tàu Anh cứu, sau đó Robinson trở về Anh và lấy vợ.

Nhưng những năm cô đơn đã phản lại A. Selkirk: chàng cựu hoa tiêu xuất hiện trước mọi người với bộ quần áo bằng da dê khâu lấy; ý nguyện tái hòa nhập vào cộng đồng hầu như vô ích. Chán nản, anh trở lại nghề đi biển. Rồi mất ở Cape Coast (Ghana) giữa các cuộc hành trình, không được gặp lại Petkan (Thứ 6), một thổ dân tốt tính được hư cấu bởi D. Defoe. Còn lớp "con cháu" của Petkan - dân bản địa ngày nay của đảo - cư xử với tên tuổi Selkirk như là lớp hậu duệ thực thụ của ông.

"Hòn đảo của Robinson Crusoe" tọa lạc giữa Thái Bình Dương, cách hải cảng Valparaiso thuộc miền Trung Chile chừng 70km theo đường chim bay, cùng khoảng diện tích dài 23km và rộng 6km. Theo đường bộ hoặc đường biển đều có thể đến được chỗ mà ngày xưa Robinson thường tới trong những năm tháng sống đơn côi trên đảo. Còn thì phải mất rất nhiều ngày, với nhiều công sức bỏ ra mới tới được cái hang, nơi ông đã dùng làm nhà.

Ở cái bến nhỏ giữa đảo bây giờ, là nơi ông đã dựng xưởng đóng thuyền; còn chỗ thường nướng bánh thuở trước, giờ là chỗ dân chài phơi lưới. Nhưng kỷ niệm về Robinson vẫn sống, được giữ gìn chu đáo từ lớp cháu con của Petkan.

Theo cuốn sách của D. Defoe, thì Robinson Crusoe đã sống 28 năm, 2 tháng và 19 ngày trên đảo. Thực ra anh chàng thủy thủ Alexander Selkirk gốc Scotland, người mà D. Defoe dựng theo "nguyên mẫu Robinson", chỉ sống có 4 năm 4 tháng trên đảo, trong sự cô đơn tuyệt đối.

Chàng hoa tiêu A. Selkirk tới đảo không phải vì bị đắm tàu. Sau cuộc cãi vã nảy lửa với viên thuyền trưởng khó tính William Stradling của con tàu Five Ports, anh ta cần phải được rời tàu theo ý nguyện riêng: xuống hòn đảo đầu tiên mà tàu sẽ gặp sau vụ gây lộn nói trên. Điều đó xảy ra trong vùng quần đảo mang tên Juan Fernandez, người đã tìm ra vùng đất này vào năm 1574. Ngày 7/2/1704 A. Selkirk tự nguyện xuống hòn đảo lớn nhất trong đó. Lúc chiếc xuồng của tàu Five Ports xa dần bờ…

Thấu hiểu hoàn cảnh sắp đến, lập tức tính bướng bỉnh trong Serlkirk biến đâu mất, anh thống thiết gọi với theo đám thủy thủ đang chèo thuyền để họ mang anh về tàu. Nhưng đã quá muộn! Thuyền trưởng vốn là người không nhân nhượng, quyết trừng phạt viên hoa tiêu trẻ tuổi ngỗ ngược vì sự không tuân lệnh: "Cần phải bỏ hắn xuống một hòn đảo hoang dã!", thuyền trưởng W. Stradling hạ lệnh.

Vì nhân đạo, người ta đã để lại cho Alexander khẩu súng, một ít bột mì, chút thuốc lá sợi, một vài thứ cần dùng khi đi biển, một con dao nhỏ cùng tư trang hành lý cá nhân. Như thế bắt đầu câu chuyện thực sự, đã lôi cuốn D. Defoe. Trước đó nhà văn gặp A. Selkirk trong một quán rượu ở London, nghe anh kể lể sự tình và từ đó ông hư cấu lên cốt truyện. Đương nhiên bản thân A. Selkirk cũng là một người có tài kể chuyện.

Năm 1713, ký giả kỳ cựu George Richards, người trợ tá đắc lực của D. Defoe từng viết trên tờ tạp chí New Britisher rằng: "Anh ta có tài kể rất hay; suy nghĩ rất tỉnh táo và miêu tả rất sống động tâm trạng của mình trong những thời kỳ khác nhau của quãng đời sống cô đơn".

Toàn cảnh "hòn đảo của Robinson Crusoe".

Chỉ riêng cái hang mà Alexander-Robinson từng sống cách đây hơn 3 thế kỷ cũng đã gây nhiều ấn tượng sâu sắc. Sau cái hang sâu khoảng 3-4m này là một dãy núi sừng sững, được rừng phủ lên, với những đỉnh cao chót vót lẫn vào mây. Trên bờ, nơi lộng gió biển, hàng dương dày reo vi vu. Một sự hoang vắng chán chường, thường làm tăng cảm giác nặng nề về nỗi trống trải… Chẳng có ai đến đây hết, ngoại trừ một ngày duy nhất trong năm nhân lễ "Santa Vibran De La Soledad" (lễ Thánh Cô đơn theo tiếng Tây Ban Nha) là những người ngưỡng mộ Robinson Crusoe lai vãng tới. Vẫn còn đây cái hốc nhỏ ven đường, với vài nhánh hoa dại tô điểm.

Đó chính là chỗ Robinson Crusoe, đen cháy vì ánh mặt trời và gió biển, chân trần, nhức nhối bởi những vết cào xước, ròng rã năm này qua tháng khác, dõi tìm trong lòng biển hình bóng một cánh buồm hay chiếc xuồng. Ở đầu kia của đảo cũng có một chỗ rất ý nghĩa nữa: "Đài thiên văn". Trèo lên đó phải mất hết mấy tiếng.

Trên độ cao 500m hầu như chạm mây, từ dãy núi này có thể thấy toàn cảnh 2 đầu của đảo. Nơi đây, yên vị trong chiếc "ghế bành" bằng đá, dưới bóng râm của chiếc ô làm từ lá cọ huyền thoại, Robinson dõi xem chân trời, hết đông lại sang tây… Hoàn toàn hoang vắng, chẳng có "ma" nào hết. Một chốn hoang dã!

Đầu năm 1868, thủy thủ đoàn của con tàu Anh Topaze đã đặt một phiến đồng kỷ niệm lên đảo, đến giờ vẫn còn thấy giữa các loài cây dại chen chúc khác nhau. Dòng chữ, bằng chứng duy nhất khẳng định câu chuyện lịch sử về A. Selkirk một cách chính thức, viết: "Để tưởng nhớ Alexander Selkirk, sinh ở Lower Largo, vùng Fife - Scotland, người bị bỏ lại bởi con tàu Five Ports với lượng rẽ nước 96 tấn cùng 16 khẩu thần công trên boong; rồi được giải thoát bởi cỗ tàu buồm Duke ngày 2/2/1709".

Với thiên nhiên phóng đãng và trù phú, "hòn đảo của Robinson Crusoe" trông giống như một vườn địa đàng nở hoa. Vùng nước ven bờ đảo dày đặc những cá, chúng là nguồn thu nhập chủ yếu của dân địa phương. Điều kỳ lạ thực sự là nền văn minh nhân loại vẫn chưa "chạm" tới chốn này, không giống như quần đảo Galapagos kế bên đã trở thành "vật hy sinh" bởi chính sự nổi danh của mình.

Cái "thiên đường" này phủ lên bạn, cũng như một thời từng lôi cuốn Selkirk-Crusoe vậy. Không bao giờ và chẳng có ai? Vâng, đó chính là sự giàu có lớn nhất của hòn đảo này, "chơi vơi" giữa khoảng trống của không gian cũng như thời gian. Một "kho báu" vô giá, mà bọn cướp biển từ thời xa xưa đã không thể lấy đi

Thu Hường (theo The Burlington Magazine)
.
.