Iceland: Nguy cơ sau “cơn say” kinh doanh du lịch

Thứ Ba, 07/11/2017, 21:53
Đất nước Iceland (Băng đảo) nằm trên vành đai Bắc Cực, do những núi lửa thuộc một rặng núi lửa đang hoạt động ngầm dưới biển hợp thành. Vùng đất quanh năm băng tuyết, hiếm hoi ánh mặt trời này sở hữu những danh thắng thiên nhiên kỳ vĩ và người dân nơi đây thường xuyên dẫn đầu bảng xếp hạng có cuộc sống hạnh phúc nhất thế giới.

Sở hữu những địa điểm kỳ thú như vậy nên nhiều người ví von rằng, đến thăm Iceland gần giống như được đặt chân lên một hành tinh khác và chính vì thế, Iceland đã và đang trở thành một trong những điểm đến được ưa thích nhất trên hành tinh. Từ năm 2015, Iceland thu hút mạnh du khách năm châu bằng các chiến dịch tiếp thị lớn và khuyến mại hàng không, mời gọi đến đây để trải nghiệm những chuyến du lịch ngắn ngày nhưng vô cùng ấn tượng với thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ đến mức tinh khiết.

Trong năm qua, tính riêng ở lĩnh vực du lịch, Iceland đã thu được 373 tỉ krona, tương đương 3,4 tỉ USD.

Nguy cơ món quà thiên nhiên bị hủy hoại

Vào đầu thế kỷ XXI, Iceland đã trở thành hình mẫu cho sự bùng nổ tín dụng toàn cầu. Các ngân hàng ở quốc gia này mở rộng đáng kể ra nước ngoài và một lượng lớn ngoại tệ đổ vào Iceland, thúc đẩy tăng trưởng một cách khác thường. Trước khi khủng hoảng tín dụng toàn cầu diễn ra, các ngân hàng của Iceland có khối lượng tài sản nước ngoài trị giá khoảng 10 lần GDP của quốc gia này với những khoản nợ tương ứng, trong khi các doanh nghiệp Iceland cũng đầu tư ra nước ngoài rất mạnh tay.

Sự phụ thuộc lớn vào ngành ngân hàng đã khiến nền kinh tế Iceland gần như sụp đổ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Phải cần đến sự can thiệp của chính phủ vào hệ thống ngân hàng và hỗ trợ tài chính khẩn cấp của IMF, thì nền kinh tế của Iceland mới dần hồi phục. Ngành ngân hàng sụp đổ kéo theo bao nhiêu gia đình lâm vào cảnh phá sản.

Trong cái khó ló cái khôn, nhiều gia đình đã tìm thấy du lịch là cứu cánh, phải tận dụng những sản phẩm thiên nhiên hào phóng ban tặng biến thành lợi thế “thoát nghèo”. Khi đó, các sách hướng dẫn cung cấp các tour du lịch được ấn hành ồ ạt như nấm mọc sau mưa, trong khi những người khác nhìn ra những phi vụ kinh doanh béo bở trong việc cho thuê nhà của họ, thông qua một số trang mạng như Airbnb.

Nếu năm 2009, Iceland khiêm tốn tiếp nhận 464.000 du khách, con số “nhỉnh” hơn dân số nước mình hơn 100.000 người thì vào năm 2017 dự kiến con số này sẽ đạt khoảng 2,4 triệu người. Riêng trong hai tháng đầu năm nay, số du khách đã tăng 60% so với cùng kỳ năm 2016.

Sau “cơn say” khai thác các tiềm năng như ngắm cực quang, sông băng, tắm suối khoáng nóng..., người Iceland sớm nhận ra rằng, đất nước nhỏ bé và yên bình không thích hợp để phát triển du lịch kiểu đại trà; việc chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh trong sự tĩnh lặng hay những khoảnh khắc kỳ diệu đắm mình với thiên nhiên chẳng hợp chút nào với sự xô bồ và âm thanh huyên náo được tạo ra từ lớp du khách này nối tiếp sang lớp du khách khác.

Người ta nói rằng những cảnh quan thiên nhiên độc đáo của Iceland được bảo tồn nhờ vào câu chuyện về “người bí ẩn” sống bên dưới những tảng đá. Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng câu chuyện đã được người dân thường xuyên truyền nhau để ngăn chặn việc khai phá, phát triển xây dựng mới, giúp bảo tồn cảnh quan thiên nhiên của đất nước.

Edward Huijbens thuộc Trung tâm Nghiên cứu Du lịch Iceland, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ El Confidencial: “Đông đúc ồn ào, nhếch nhác và làm suy thoái quá mức thiên nhiên là những hậu quả không mong muốn do sự bùng nổ du lịch mang lại. nếu mọi thứ vẫn tiếp tục như hiện nay, Iceland sẽ bị hủy hoại khi trở thành điểm đến của du lịch đại chúng.

Iceland sẽ đối mặt nhiều nguy cơ khi biến thành điểm đến của du lịch đại chúng.

Bộ trưởng Du lịch Thordis Kolbrun Reykfjord Gylfadottir, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin tài chính Bloomberg, cũng thừa nhận rằng: “Tất cả chúng ta phải thận trọng trong kinh doanh du lịch để không trở thành nạn nhân của sự thành công và lợi nhuận gia tăng thần tốc. Nếu cho phép quá nhiều người đến những nơi có hệ sinh thái nhạy cảm, tức là chúng ta đã hủy hoại những món quà độc đáo của thiên nhiên, là một phần hình ảnh của đất nước Iceland và chúng ta sẽ mất tất cả những gì chúng ta có thể kinh doanh tại thời điểm này”.

Huijbens nêu ví dụ: “Việc quá nhiều du khách đến làm cho thảm thực vật mong manh ở Bắc Cực bị giẫm đạp dưới chân, tạo ra những rãnh mòn trên mặt đất, nước sẽ chảy qua những rãnh đó và sẽ làm xói mòn đất đai nhiều hơn”. Các khu vực nhạy cảm nhất của thiên nhiên ở Iceland là những khu vực núi lửa mới, nơi những hố nham thạch sẽ dễ dàng bị sụp. Các khu vực này, trên thực tế, là những khu vực hấp dẫn nhất đối với du khách và họ thường lấy những miếng đá núi lửa để mang về nhà, cho dù điều này không được phép”.

Ở những vùng càng hoang sơ thì càng thiếu cơ sở hạ tầng. Cứ như người say ngủ đã nhiều năm, một ngày choàng tỉnh với “lố nhố” khách trong nhà, họ luống cuống sắp xếp mọi thứ để làm đẹp lòng khách nhưng vì không đủ thời gian chuẩn bị nên “nhà” của họ - các điểm du lịch - dần ngập rác thải. Giấy, lon, các loại chế phẩm nhựa làm mất vẻ đẹp của những nơi mà cho đến gần đây vẫn là nơi hoang dã.

Bất bình trước những vấn đề này, một số vùng, như Kirkjubaejarklaustur, đã quyết định hạn chế số lượng du khách. Ở đây mỗi gia đình không được nhận quá 10 du khách đến ở, họ phải đảm bảo đủ chỗ đậu xe cho tất cả, còn du khách thì phải chứng tỏ bản thân “có cách hành xử phù hợp”.

Giá bất động sản tăng cao

Khi lượng khách du lịch nước ngoài tăng mạnh thì tất yếu kéo theo làn sóng tìm kiếm cơ hợi đầu tư. Theo hãng tin tài chính Bloomberg, chính quyền Iceland hiện tìm cách thắt chặt luật hạn chế quyền sở hữu từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc nhân trường hợp có một doanh nhân từ Đại lục đang nỗ lực tìm cách sở hữu lô đất 12 km vuông để xây dựng khu nghỉ mát bên trong hòn đảo được gọi là Golden Circle, một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của Iceland. Mảnh đất mà nhà đầu tư Trung Quốc đang nhắm đến có giá 11,4 triệu USD, tọa lạc cách thủ đô Reykjavik 97 km về phía đông.

Theo luật pháp Iceland, chỉ có công dân trong nước, công dân của Khu vực đồng tiền chung châu Âu, hoặc những người nước ngoài sống ở Iceland ít nhất 5 năm mới có thể được phép mua đất tại quốc gia này. Tuy nhiên, vấn đề chính gây tranh cãi ở đây là có một điều khoản cho phép miễn trừ các luật lệ do Bộ Tư pháp đưa ra.

Theo thống kê của Chính phủ Iceland, nhu cầu sở hữu đất của các nhà đầu tư nước ngoài đã làm giá bất động sản tại đây tăng cao, trong đó giá nhà đã tăng 54,6% trong giai đoạn từ tháng 12-2009 đến tháng 7-2017. Ông Olafur Stephensen, quan chức trong Hội đồng Thương mại Iceland - Trung Quốc, cho biết mối quan tâm của các nhà đầu tư Trung Quốc mới bắt đầu trong vòng 2-3 năm nay. “Chúng tôi chỉ mới chứng kiến sự gia tăng mạnh trong đầu tư kinh doanh từ Trung Quốc, và tôi dự kiến đầu tư từ nước này sẽ còn tăng lên”, ông Stephensen cho hay.

Từng kinh qua bài học xương máu của sự bùng nổ “bong bóng ngân hàng” cách đây gần 10 năm, quãng thời gian không quá dài để người dân và Chính phủ Iceland đủ tỉnh táo với hiện tượng “bong bóng du lịch” có nguy cơ lặp lại thảm kịch cũ, nhưng lần này, hậu quả sẽ nặng nề và lâu dài hơn vì nó tác động đến chính nền tảng thiên nhiên đã tạo nên một Băng Đảo với bao nhiêu cảnh sắc kỳ vĩ.

Nhìn ra hệ quả nhãn tiền, người Iceland nhận thức rằng, sự phát triển bền vững của một quốc gia - tính đến cả yếu tố con người, môi trường và xã hội - mới là ưu tiên trên cả hiệu quả của việc “nhặt” cho đầy hầu bao kinh tế.

Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.