Indonesia: Đẩy mạnh chương trình nghiên cứu không gian

Thứ Tư, 11/06/2008, 14:45
Cuối tháng 5 vừa qua, Cơ quan Không gian Indonesia đã thu được thành quả mỹ mãn trong việc phóng tên lửa ra ngoài thượng tầng khí quyển. Đây là giai đoạn đầu trong chương trình mà Indonesia đã tiến hành lâu nay nhằm từng bước đi đến chỗ không còn phải nhờ cậy các nước khác trong lĩnh vực không gian.

Từ trước tới nay, hầu như chẳng mấy ai biết là Indonesia có một cơ quan hàng không được chính phủ tài trợ ngân sách thực hiện chương trình không gian. Do đó, khi các nhà khoa học của cơ quan này loan báo cuộc thử nghiệm phóng tên lửa ở Đông Java đã thành công tốt đẹp, hầu như mọi cơ quan đoàn thể ở Indonesia đều phấn khởi, chào đón tin vui.

Ông Muhammad Muchlas, viên chức thuộc Viện Hàng không và Không gian Indonesia gọi tắt là LAPAN, cho biết: “Tên lửa được phóng vào sáng sớm, điều kiện thời tiết lý tưởng, rất thuận lợi cho việc thử nghiệm của chúng tôi”.

Việc phóng tên lửa vừa qua là giai đoạn đầu của chương trình 5 năm nhằm mục đích chính là Indonesia cuối cùng sẽ tự phóng vệ tinh lên không gian thay vì phải nhờ tên lửa của các nước láng giềng như Ấn Độ để đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Còn nhớ tháng 1/2007, Indonesia phóng thành công vệ tinh giám sát tự tạo đầu tiên của nước này. Tuy nhiên, để đưa vệ tinh này lên quỹ đạo, Indonesia đã phải thuê tên lửa phóng của Ấn Độ.

Theo Tiến sĩ Morris Jones, chuyên viên phân tích các chuyến bay không gian tại Sydney, Australia, việc Indonesia thử phóng tên lửa cho thấy rõ quốc gia này đang dồn mọi nỗ lực để có thể tiến hành chương trình không gian ở tầm mức không thua kém gì các nước tiên tiến khác trên thế giới.

Thực tế, những năm gần đây, Indonesia đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu lĩnh vực không gian như nhờ các nước phóng vệ tinh, chế tạo thiết bị khoa học, tiến hành quan sát thiên văn và nay đến giai đoạn cuối, Indonesia muốn tự chế tạo tên lửa để phóng vệ tinh từ trên lãnh thổ của mình.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Morris Jones cho biết không phải dễ phóng tên lửa vào không gian để làm phương tiện đưa vệ tinh lên quỹ đạo trái đất. Nên nhớ là chính Cơ quan Quản trị Hàng không và Không gian quốc gia Mỹ (NASA) đã phóng đi rất nhiều tên lửa suốt mấy chục năm qua. Vậy mà cơ quan này cũng rất nhiều lần gặp trục trặc kỹ thuật khi điều khiển các phương tiện ngoài không gian.

Tuy rằng, công việc mà LAPAN đang cố gắng thực hiện có phần đơn giản hơn tên lửa của NASA, nhưng không phải vì vậy mà mọi việc đều dễ dàng. Giới chức trách Indonesia cho biết, nước này sẽ không sử dụng kỹ thuật phóng tên lửa vào mục đích quân sự vì loại tên lửa vừa được phóng đi chủ yếu để mang theo vệ tinh chứ không nhằm mục đích gì khác.

Tuy Indonesia không tạo ra một mối đe dọa nào đến nền an ninh của các quốc gia châu Á, nhưng những nước láng giềng hẳn có lẽ không ưa gì việc Indonesia vừa đi thêm bước nữa vào cuộc cạnh tranh không gian.

Tiến sĩ Jones nhận định rằng, hiện nay giữa các nước châu Á đang diễn ra một cuộc chạy đua trong lĩnh vực không gian: điển hình như Hàn Quốc vừa có được phi hành gia đầu tiên vào vũ trụ, Ấn Độ đã sẵn sàng tự chế tạo tàu con thoi để đưa phi hành gia lên không gian, Trung Quốc đã gửi phi thuyền thám sát mặt trăng, Nhật Bản cũng đã làm việc này và cuối năm nay, phi hành gia Trung Quốc sẽ thực hiện cuộc đi bộ đầu tiên trong không gian.

Nói chung, các nước đang thi nhau làm đủ mọi cách chủ yếu để làm rạng danh quốc gia, cũng như để chứng tỏ sự phát triển kỹ thuật và kinh tế nước mình.

Được thành lập vào ngày 27/11/1964 dưới thời cựu Tổng thống Suharto, LAPAN đặc trách nghiên cứu các dự án không gian có tính cách lâu dài cho cả dân sự lẫn quân sự

Đan Kô (Tổng hợp)
.
.