Iran: Du lịch phát triển bất chấp sự cô lập

Thứ Ba, 27/11/2012, 17:45

Các nỗ lực quốc tế nhằm cô lập Iran và buộc nhà nước Hồi giáo này từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi dai dẳng, song giới quan chức nước này lại khấp khởi mừng khi ngành du lịch phát triển đang cứu vãn kinh tế đất nước.

Mặc dù, nền công nghiệp du lịch của Iran còn chưa phát triển đến mức mà hiện nay nhiều người nghĩ có thể là tiềm năng thật sự, song trong những năm gần đây xu hướng du lịch đến quốc gia Hồi giáo này là một trong những sự tăng trưởng vượt quá mức trung bình toàn cầu. Ngành du lịch của Iran từ năm 2004-2010 nước này tăng trưởng với tốc độ hơn 10% mỗi năm. Lượng du khách nước ngoài đến Iran đạt ngưỡng 3 triệu người vào năm 2011, từ đó góp hơn 2 tỉ USD cho kinh tế nước này - theo dữ liệu của Iran.

Các công ty cung cấp tour du lịch ở Iran cho biết lượng du khách đổ về nơi đây còn tiếp tục tăng mạnh trong năm 2012. Du khách nước ngoài được coi là những người tích cực cung cấp tài chính cho một đất nước đang bị chao đảo vì nạn lạm phát tăng cao, thị trường xuất khẩu có giới hạn và gặp nhiều trở ngại trong nhập khẩu các nguyên liệu thô.

Nhân viên hướng dẫn du lịch Niloofar Ghatei ở thành phố Shiraz, một điểm đến hàng đầu của Iran nhờ điều kiện thời tiết lý tưởng, những lăng tẩm tráng lệ và vườn nho, phát biểu: "Du lịch là một trong những cách giúp chúng tôi kiếm tiền mặt. Nếu không bán dầu mỏ được thì ít ra chúng tôi cũng lôi kéo được ngày càng nhiều du khách nước ngoài đến Iran".

Tuyệt đại đa số du khách tìm đến Iran vì lý do tôn giáo - họ muốn hành hương đến các vùng đất thánh của người Shiite.  Vào năm 2011, có hơn 1.000 người Mỹ đã viếng thăm đất nước Iran vì mục đích du lịch thuần túy, theo Hội Các công ty du lịch Iran. Tuy nhiên, do có nhiều hạn chế, bao gồm quy định phụ nữ phải mang khăn trùm mặt và cấm uống rượu, cho nên Iran vẫn chưa thật sự là điểm đến du lịch thu hút phần đông người phương Tây.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ từ lâu có cảnh báo ngăn cản di chuyển đến Cộng hòa Hồi giáo Iran làm ăn kinh doanh, song không có những giới hạn đối với những người Mỹ muốn viếng thăm nước này. Margarette Beckwith, nữ kiến trúc sư cảnh quan về hưu ở bang Ohio (Mỹ), cho rằng, Iran là đất nước không thiếu sự quyến rũ đối với những người đam mê du lịch.

Vào những năm đầu tiên sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, những người cứng rắn trong giới tôn giáo chủ trương phá hủy một số khu di tích tiền Hồi giáo nổi tiếng nhất của Iran, bao gồm thành phố cổ Persepolis - một khu phức hợp cung điện có niên đại 2.500 năm. Nhưng, do hiểu được tầm quan trọng của du lịch cho nên chính quyền Iran vẫn duy trì những di tích cổ, đồng thời tạo mọi điều kiện dễ dàng cho người nước ngoài muốn viếng thăm đất nước Hồi giáo cổ kính này. Vấn đề là làm sao thu hút thật nhiều du khách đến Iran.

Những du khách tiềm tàng than phiền thủ tục xin cấp thị thực thường không được đáp ứng từ các đại sứ quán Iran. Nhưng sau này tiến trình xin cấp thị thực đã trở nên dễ dàng hơn khi các công ty du lịch đảm trách phần khó khăn này cho du khách. Có điều chính quyền Iran có thêm một số quy định riêng đối với du khách người Mỹ. Chẳng hạn, một hướng dẫn viên du lịch phải đi kèm sát những du khách người Mỹ trong suốt hành trình tham quan Iran. Một điều khó khăn nữa là người Iran không tiếp đón người Mỹ vào nhà họ.

Vườn Eram nổi tiếng của thành phố Shiraz.

Các tổ chức du lịch của Iran đã chuẩn bị kế hoạch quy hoạch 3 thành phố - Mashhad, Qom và Shiraz - thành khu du lịch đặc biệt gọi là "Các khu tôn giáo tự do" (FRZ) để thu hút thật nhiều khách hành hương từ các quốc gia trong khu vực. Nghĩa là, khách hành hương đến FRZ không cần đến thị thực. Kế hoạch này đang chờ sự phê duyệt của Chính phủ Iran.

Mashhad là thành phố tôn giáo quan trọng nhất ở Iran. Do đó, đa phần người nước ngoài đến Mashhad đều là người hành hương đến từ các quốc gia láng giềng như là Pakistan, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Afghanistan. Do Iran nổi tiếng trên thế giới là trung tâm của người Shiite, cho nên nhiều hoạt động sẽ được tổ chức để phát triển loại hình du lịch tôn giáo. Người ta cho rằng việc hủy bỏ yêu cầu thị thực đối với người Hồi giáo sẽ là bước tích cực giúp phát triển tiềm năng du lịch tôn giáo. Và, Qom đang chuẩn bị là thành phố đầu tiên đi theo hướng này

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.