Kết thúc đàm phán TPP: Bắt đầu cuộc chiến mới

Thứ Năm, 08/10/2015, 11:00
Tại cuộc họp báo ngày 5/10, sau 5 ngày đàm phán thâu đêm tại thành phố Atlanta, bang Georgia (Mỹ), các bộ trưởng Thương mại 12 nước vành đai Thái Bình Dương tuyên bố đã đạt được thỏa thuận thế kỷ Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngay sau khi thỏa thuận TPP đạt được, bắt đầu những luồng dư luận về tác động của TPP đối với nền kinh tế, và một cuộc chiến mới cũng đã bắt đầu cho tiến trình phê chuẩn hiệp ước.

Ý tưởng về một hiệp ước TPP ra đời tại Mỹ vào năm 2005, và tiến trình đàm phán đã khởi xướng từ năm 2010. Sau 5 năm đàm phán, cuối cùng hiệp ước cũng được ký kết. TPP sẽ có tác động rất lớn đến các nền kinh tế nhiều quốc gia và nền kinh tế chung toàn cầu bởi quy mô và tỉ trọng kinh tế của nó.

Khu vực hiệp ước TPP bao gồm 12 quốc gia vành đai Thái Bình Dương: Australia, Brunei, Canada, Chile, Mỹ, New Zealand, Mexico, Peru, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Việt Nam, với tổng dân số hơn 800 triệu người, tỉ trọng kinh tế chiếm 40% kinh tế thế giới. TPP có hiệu lực sẽ hạ thấp hàng rào thuế quan các nước thành viên, đồng thời tạo ra các tiêu chuẩn chung cho các quốc gia thành viên về các vấn đề như quyền lợi công nhân, bảo vệ môi trường,... Theo thỏa thuận TPP, khoảng 18.000 chủng loại hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được giảm hoặc xóa bỏ thuế quan.

Trước khi các quốc gia đàm phán đạt được thỏa thuận lịch sử, tiến trình đàm phán đã trải qua những giây phút nghẹt thở, đầy kịch tính. Sau 5 ngày đàm phán thâu đêm, đến phút chót vào tối ngày 4/10, tiến trình đàm phán bỗng dưng không thể kết thúc theo đúng kế hoạch do đối tác Mỹ và Australia cùng 5 quốc gia khác không thể đạt được thỏa thuận về bảo hộ thuốc công nghệ sinh học mới do các công ty Mỹ sản xuất, và cuộc họp báo theo dự kiến đã phải dời lại vào sáng 5/10.

Không những thế, New Zealand - quốc gia xuất khẩu sản phẩm sữa hàng đầu thế giới - còn đưa ra thêm đòi hỏi sản phẩm sữa của họ được xâm nhập mạnh hơn vào các thị trường Mỹ, Canada, Nhật Bản, Mexico và Peru, trong đó 90% thị trường sữa của Canada đóng cửa nhập khẩu. Thế là mọi hy vọng về một thỏa thuận lịch sử tưởng chừng đã tan biến vì sự ách tắc này.

Vấn đề mở rộng thị trường cho sản phẩm sữa của New Zealand đã được giải quyết dứt điểm vào lúc 5 giờ sáng ngày 5/10. Riêng về vấn đề bảo hộ thuốc công nghệ sinh học, Mỹ muốn bảo hộ 12 năm độc quyền cho các công ty dược Mỹ sản xuất thuốc sinh học, còn Australia thì không chấp nhận, vì như điều đó làm gia tăng áp lực cho ngân sách chăm sóc sức khỏe cộng đồng và có thể khiến cho bệnh nhân nghèo không thể tiếp cận các loại thuốc đặc trị.

Các nhà đàm phán Mỹ và các đối tác Australia, Chile và Peru đã đề xuất thỏa hiệp "2 phương án": Một là, các công ty dược Mỹ được hưởng đặc quyền đối với dữ liệu lâm sàng của các loại thuốc mới ít nhất là 5 năm, kèm theo vài năm nữa để cơ quan chức năng xem xét các đơn cấp phép sản xuất thuốc giá rẻ cạnh tranh. Phương án 2 là các công ty dược được hưởng đặc quyền toàn bộ đối với thuốc mới trong 8 năm tại một số quốc gia nhất định.

Cuối cùng, các nhà đàm phán Mỹ và Australia cùng 5 quốc gia khác đạt thỏa thuận theo phương án các công ty dược Mỹ được hưởng đặc quyền tối thiểu 5 năm kèm theo vài năm xem xét hồ sơ cấp phép sản xuất thuốc giá rẻ, có nghĩa là tổng thời gian hưởng độc quyền của các công ty dược Mỹ vào khoảng 8 năm, ngắn hơn so với yêu cầu của Mỹ và lâu hơn so với yêu cầu của Australia.

Một khi được phê chuẩn, TPP sẽ mang lại lợi ích chung cho nhiều quốc gia. Chẳng hạn, hàng hóa xuất khẩu Mỹ, nhất là dược phẩm và dịch vụ tài chính, sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn các thị trường nước ngoài. Các công ty sản xuất ôtô Nhật Bản thì được hưởng lợi từ quy định trong TPP về nguồn gốc xuất xứ linh kiện ôtô.

Theo hiệp ước thì một chiếc xe ôtô chỉ cần 45% linh kiện có nguồn gốc từ các quốc gia TPP, thấp hơn nhiều so với quy định 62,5% của Hiệp định NAFTA, và điều này có nghĩa các công ty ôtô Nhật Bản sẽ tận dụng được các thị trường lao động giá rẻ để sản xuất linh kiện ôtô, giảm góp phần giá thành sản xuất và xe ôtô xuất khẩu của Nhật Bản sẽ có cơ hội cạnh tranh tốt hơn.

Ngoài ra, xe ôtô xuất khẩu nguyên chiếc của Nhật Bản còn có thêm cơ hội thâm nhập các thị trường hạn chế khi các quốc gia buộc phải hạ thấp thuế nhập khẩu ôtô theo quy định của TPP. Việt Nam cũng được hưởng lợi nhiều hơn khi cánh cửa thị trường đang dần dần rộng mở đối với hàng hóa xuất khẩu, chủ yếu là nông sản, đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Australia,…

Các bộ trưởng thương mại 12 nước vành đai Thái Bình Dương trước khi bước vào vòng đàm phán cuối cùng.

Tuy nhiên, để TPP thật sự được áp dụng, đòi hỏi phải trải qua tiến trình phê chuẩn tại Quốc hội và nghị viện các quốc gia thành viên. Ở một số quốc gia, việc phê chuẩn diễn ra suôn sẻ, TPP gần như chắc chắn sẽ được phê chuẩn. Nhưng ở một số quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ, việc phê chuẩn được ví như một cuộc chiến mới.

Trước mắt, những trở ngại về chính trị tại các quốc gia thành viên TPP đòi hỏi việc phê chuẩn TPP phải được tiến hành càng sớm càng tốt, trước khi diễn ra các cuộc bầu cử ở Mỹ, Canada, Nhật Bản và Peru. Ở Canada, TPP sẽ gặp khó khăn lớn nếu đảng NDP giành chiến thắng thì TPP có nguy cơ không được phê chuẩn, do NDP bất ngờ chống lại hiệp ước này. Còn ở Mỹ, các nghị sĩ cả Dân chủ lẫn Cộng hòa đều đang có những phản ứng từ thận trọng cho đến nghi ngờ lợi ích mà TPP mang lại.

Đặc biệt, TPP sẽ gặp khó khăn khi các ứng cử viên tổng thống mang ra mổ xẻ. Chẳng hạn, ứng cử viên Bernie Sanders của đảng Dân chủ đưa ra cái nhìn u ám về TPP, cảnh báo TPP sẽ làm mất công ăn việc làm và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Canders và ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa đã đồng loạt kêu gọi các đồng nghiệp phản đối TPP.

Đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, việc thông qua TPP có ý nghĩa một thắng lợi chính trị, một "di sản" quan trọng sau khi ông rời ghế vào đầu năm 2017. Vì thế, ông sẽ phải "chiến đấu" quyết liệt với Quốc hội Mỹ để TPP không phải lâm vào một "cái chết chính trị" như một số chuyên gia dự báo.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.