Khách sạn trên trời

Thứ Năm, 15/10/2009, 09:25

Cùng với sự phát triển của ngành khoa học vũ trụ, nhiều ý tưởng thương mại đã xuất hiện. Bắt đầu từ việc mở ra các chuyến du lịch vào vũ trụ, các chuyến tham quan trên trạm vũ trụ quốc tế… các cơ quan hàng không vũ trụ của các cường quốc trên lĩnh vực này đang tiếp tục những tham vọng mới.

Một trong những ý tưởng độc đáo nhất từ trước đến nay, phải kể đến công trình quy mô mang tên "khách sạn vũ trụ". Nó đã và đang hứa hẹn sẽ trở thành ý tưởng đắt giá của ngành thương mại vũ trụ trong những thập kỷ tới.

Đi đầu trong việc phát triển ngành thương mại vũ trụ này chính là cơ quan Hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ - NASA. Với việc mở ra chuyến du lịch đầu tiên lên vũ trụ với cái giá siêu đắt đỏ, chính NASA đã mở đầu cho một loạt các ý tưởng táo bạo và tham vọng của hàng loạt các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Ý tưởng đầu tiên về khách sạn trên vũ trụ thuộc về các nhà khoa học Tây Ban Nha với chi phí lên đến 3 tỉ USD cho công việc thiết kế, xây dựng và hoàn thiện. Tại Barcelona, các kiến trúc sư đã lên kế hoạch xây dựng một khách sạn đầu tiên trong vũ trụ với tên gọi "Galactic Suite" (dải ngân hà). Ý tưởng này ngay lập tức đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn từ các quốc gia giàu có như Nhật Bản, Mỹ và các nước Tiểu vương quốc Arập. Dự tính công trình sẽ hoàn thành vào năm 2012 và sẽ đón các vị khách du lịch đến tham quan vũ trụ với mức giá vé thấp nhất có thể.

Theo tính toán của các nhà thiết kế, khách sạn vũ trụ Galactic suite sẽ cho phép các vị khách tham quan chiêm ngưỡng toàn cảnh thế giới từ vũ trụ trong vòng 80 phút, với 15 lần ngắm cảnh mặt trời mọc trong ngày. Và như vậy, chỉ cần lưu lại khách sạn vũ trụ trong vòng 3 ngày, du khách đã có thể có một chuyến tham quan thú vị trên vũ trụ mà không cần phải bước ra khỏi phòng ở của khách sạn.

Mô hình khách sạn vũ trụ của Robert Gigelow.

Dự kiến chi phí cho 3 ngày lưu lại trên khách sạn dải ngân hà có thể lên tới 4 triệu USD - một con số không nhỏ. Tuy nhiên, giới khoa học cho rằng: đây sẽ là một công trình độc đáo và thu hút được những người yêu thích khám phá vũ trụ. Các căn phòng của khách sạn vũ trụ Galactic suite hiện đã được thiết kế xong và đang trong quá trình hoàn thiện. Khi được ghép lại, chúng sẽ có hình dạng giống như cấu trúc của những phân tử hóa học. Các nhà khoa học cũng đã tính toán thiết kế để mỗi căn phòng có thể chứa được trong phần đầu của tên lửa đẩy. Sau khi đưa được các phòng lên vũ trụ, công việc tiếp theo sẽ là lắp ráp chúng lại với nhau để trở thành mô hình khách sạn theo dự tính. 

Cùng với sự ra đời của ý tưởng Galactic suite, không lâu sau đó, nhiều nhà tỉ phú cũng bắt đầu tiết lộ những tham vọng của mình trong lĩnh vực thương mại đầy mới mẻ và táo bạo này.

Ý tưởng thứ hai về việc xây dựng khách sạn vũ trụ xuất phát từ hai mô hình mẫu của nhà tỉ phú người Mỹ - Tiến sĩ Robert Bigelow. Ông đã xây dựng một mô hình mẫu đầy tham vọng cho cái mà ông gọi là "nơi dừng chân  dành cho các con tàu du hành vũ trụ" nằm trong quỹ đạo cách trái đất 563,2704 km. Tại phòng nghiên cứu của mình ở Las Vegas, chính Robert Bigelow đã nâng mô hình này lên thành ý tưởng về một khách sạn  trong vũ trụ với đầy đủ những tiện nghi như ở trái đất, đồng thời phù hợp với trạng thái không trọng lượng trong không gian.

Về phương tiện để thực hiện chuyến du hành đến và nghỉ chân ở khách sạn, Tiến sĩ Gigelow đã tiến hành những tính toán kỹ lưỡng và cho rằng tàu vũ trụ Genesis I và Genesis II được phóng bằng tên lửa đẩy của Nga sẽ có giá thành thấp hơn sử dụng các loại tên lửa rốckét hiện nay của Mỹ. Tất nhiên điều này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều cho ngành du lịch vũ trụ trong tương lai.

Về khách sạn vũ trụ, nhóm các nhà khoa học tham gia ý tưởng của Gigelow dự tính: có thể xây dựng bằng một vật liệu đặc biệt được chế tạo sẵn từ loại vải sợi siêu chắc chắn có tên gọi Vectran. Đây là vật liệu chính cấu tạo nên các bức tường của khách sạn vũ trụ. Chúng sẽ được cuộn  lại và được chứa ở phần chóp của tên lửa đẩy để mang lên vũ trụ. Sau đó, các cuộn vật liệu này sẽ được mở ra và được thổi phồng lên trong quá trình xây dựng, lắp ráp. Con tàu dự kiến sẽ thực hiện sứ mệnh lịch sử - xây dựng khách sạn vũ trụ tương lai - có tên gọi là sundancer.

Tiến sĩ Gigelow cũng cho biết ông sẽ thực hiện ý tưởng này của mình mà không cần đến sự trợ giúp hay can thiệp nào của các cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia, kể cả NASA.  Có thể nói, những ý tưởng độc đáo đang dần  thúc đẩy sự hình thành của ngành thương mại vũ trụ.

Trong tương lai không xa, thay vì chỉ là những câu chuyện khoa học viễn tưởng, nhân loại sẽ được chứng kiến những hệ thống khách sạn trong vũ trụ thực sự đi vào hoạt động

Ngọc Minh (theo Independent)
.
.