Khám phá làm thay đổi thị trường đất hiếm

Thứ Hai, 18/07/2011, 08:45

Các khoa học gia Nhật Bản cho biết họ vừa khám phá 100 tỉ tấn đất hiếm dưới lòng biển Thái Bình Dương, nhiều gấp nghìn lần lượng cung cấp trên toàn cầu hiện nay. Nếu đúng như vậy thì cái thế độc quyền về đất hiếm của Trung Quốc, vốn được Bắc Kinh sử dụng như con bài "bắt chẹt" Tokyo và một số nước khác, từ nay coi như chấm dứt.

Trung Quốc chiếm 97% sản lượng 17 loại nguyên tố đất hiếm toàn cầu, nguyên liệu quan trọng trong sản xuất ôtô điện, tivi màn hình phẳng, iPod, nam châm siêu dẫn, laser, tên lửa, kính nhìn ban đêm, turbine gió và các sản phẩm công nghệ tiên tiến khác. Các nguyên tố đất hiếm có những tên gọi lạ như neodymium, promethium và yttrium. Tuy được gọi là "đất hiếm" nhưng các loại nguyên tố này có trữ lượng khá lớn trong lớp vỏ trái đất. Mặc dù vậy, vấn đề đặt ra là trữ lượng các loại đất hiếm trên đất liền rất mỏng và nằm rải rác. Do vậy, các khu vực có thể khai thác được nguyên liệu này thường không vi phạm các quy định giới hạn về môi trường khá khan hiếm.

Vì lý do này, 17 nguyên tố đất hiếm được mệnh danh là "vàng của thế kỷ XXI" do sự khan hiếm và giá trị đặc biệt của chúng. Việc sản xuất nguồn nguyên liệu đất hiếm tập trung hầu như chủ yếu tại Trung Quốc, nơi có 1/3 trữ lượng đất hiếm trên thế giới. 1/3 trữ lượng khác thuộc về Nga, Mỹ và Australia.

Nhưng từ hôm 3/7 vừa qua, một khám phá đang làm thay đổi bàn cờ, làm đảo lộn thị trường đất hiếm thế giới. Kết luận của nhóm chuyên gia địa chất Nhật Bản do Giáo sư Yasuhiro Kato dẫn đầu đăng trên tạp chí khoa học Anh, Nature Geoscience cho thấy: Qua kết quả phân tích mẫu trầm tích từ 78 khu vực bao phủ một vùng lớn thuộc trung đông Thái Bình Dương trải dài từ kinh tuyến 120 đến 180, với hơn 2.000 mũi khoan tách lõi trầm tích ở độ sâu, có nơi sâu trên 50m dưới thềm biển, một trữ lượng đất hiếm dồi dào đã được phát hiện. Nguyên liệu này đã mất hàng trăm triệu năm để tích tụ, tích lại với tốc độ dưới nửa centimet trong 1.000 năm. Có lẽ các nguyên tố này được tích lại do tác động với một nguyên tố thủy nhiệt có tên là phillipsite.

Trung Quốc đang mất dần thế độc quyền trên thị trường đất hiếm.

Kết luận này có ý nghĩa to lớn không chỉ về mặt khoa học và kinh tế mà còn về mặt chính trị. Việc khám phá này trước mắt khiến giới kinh doanh đất hiếm rất hồ hởi. Một thương gia tên George Pichon, đứng đầu một tập đoàn chuyên kinh doanh đất hiếm, đã nhìn thấy là tuy việc khai thác khám phá này còn xa vời, nhưng một điều chắc chắn là nó sẽ làm thay đổi cục diện hiện nay. Thị trường các nguyên tố đất hiếm đã bị thắt chặt đáng kể trong vài năm qua. Trung Quốc đã hạn chế hạn ngạch xuất khẩu, củng cố ngành công nghiệp này và thông báo các dự án xây dựng nguồn dự trữ quốc gia, nêu ra mối quan ngại về môi trường và nhu cầu nội địa. Những động thái này dẫn đến hiện tượng sụt giảm 9,3% lượng kim loại đất hiếm Trung Quốc xuất khẩu năm 2010, dấy lên động thái làm giá của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã biện minh là không muốn làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của họ và công nghiệp Trung Quốc cũng cần đến sản phẩm này, và kêu gọi các nước khác hãy gia tăng sản xuất. Nhưng trong mắt Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, quyết định của Bắc Kinh chỉ có mục tiêu gây khó khăn mà thôi, và họ cũng đang đe dọa kiện Bắc Kinh ra trước Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về hồ sơ này nhưng chưa làm.

Theo tờ Libération của Pháp, như các chuyên gia Nhật Bản hay lãnh đạo chính trị Nhật đã khẳng định, họ đưa ra con số là Thái Bình Dương có dự trữ đất hiếm 1.000 lần cao hơn trữ lượng tìm thấy trên thế giới hiện nay. Giáo sư Yasuhiro Kato nói đến 110 tỉ tấn liên quan đến phần khám phá vừa qua của ông, trong khi trên mặt đất, dự trữ chỉ là 110 triệu tấn. Còn sản xuất của Trung Quốc tuy chiếm 97% sản lượng thế giới, chỉ là 120.000 tấn mỗi năm, quả là không thấm vào đâu trước những con số to lớn nói trên!

Nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản còn khẳng định là ở những vùng giàu đất hiếm nhất của Thái Bình Dương, chỉ cần khai thác trên một diện tích 5km2 thôi, cũng đủ cung cấp cho nhu cầu thế giới trong một năm. Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy trữ lượng có thể lộ ra khi tẩy bùn bằng axít loãng, một quy trình chỉ mất khoảng vài giờ. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu cho rằng, quy trình này sẽ không ảnh hưởng tới môi trường nếu axít không bị đổ xuống đại dương. Câu hỏi lớn hơn là liệu công nghệ hiện nay có thể khai thác bùn ở độ sâu 4.000-5.000m hay không và nếu có thể, liệu phương án này có khả thi về mặt kinh tế?

Giáo sư Yasuhiro Kato cho biết, hiện các công ty khai thác mỏ chưa có phản hồi về vấn đề này. Nguyên nhân có lẽ là do chưa ai biết đến việc đất hiếm tồn tại trong lớp bùn đại dương mà các nhà nghiên cứu vừa phát hiện. "Tôi không phải là một kỹ sư, chỉ đơn thuần là một nhà nghiên cứu địa học. Tuy nhiên, cách đây khoảng 30 năm, một công ty khai thác mỏ của Đức đã thành công khi khai thác bùn dưới đáy biển Đỏ. Như vậy, về mặt kỹ thuật, tôi tin chắc rằng bùn dưới biển sâu có thể khai thác để lấy nguồn khoáng sản được" - Giáo sư Kato nói.

Trong bối cảnh hiện nay, khám phá của các nhà khoa học Nhật được xem là con dao kinh tế hai lưỡi là vì một mặt nó là một thông điệp mạnh gửi đến Trung Quốc. Do lo ngại mất thị trường, Trung Quốc sẽ phải giảm giá. Nhưng mặt khác nếu giá cả tụt giảm thì việc khai thác lòng đại dương sẽ không mang lợi gì nhiều. Ngoài ra còn vấn đề môi trường, vì hệ sinh thái ở vùng này của Thái Bình Dương được đánh giá là rất mong manh.

Báo chí Nhật Bản cho rằng, để bắt đầu khai thác kim loại đất hiếm với quy mô công nghiệp thì cần phải thông qua quyết định ở cấp quốc tế. Còn hiện nay thị trường thế giới vẫn lệ thuộc vào các đợt cung cấp từ Trung Quốc. Nói cách khác, Trung Quốc vẫn còn những ''ngày đẹp trời để thao túng''. Tuy nhiên, Tokyo ám chỉ rằng, độc quyền của Bắc Kinh về kim loại đất hiếm không thể kéo dài mãi.

Trong một diễn biến khác, ngày 5/7, Tổ chức WTO đã lên án Trung Quốc về các biện pháp hạn chế xuất khẩu nguyên vật liệu của nước này. Theo các chuyên gia của WTO, một loạt các biện pháp hạn chế xuất khẩu được Bắc Kinh áp đặt cho 9 loại nguyên liệu (như bô-xít, kẽm, than cốc, magnesium…) hầu hết dùng cho các ngành kỹ thuật cao, là không phù hợp với các quy định quốc tế. Tổ chức này yêu cầu chính quyền Trung Quốc phải tuân thủ các nguyên tắc của WTO

Văn Bôl (tổng hợp)
.
.