Khám phá mới về bức họa Mona Lisa

Thứ Tư, 28/11/2007, 07:15
Trải qua nhiều thế kỷ, bức họa Mona Lisa đã khiến cho các nhà đam mê nghệ thuật nghi hoặc về nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Nay, một nhà phát minh người Pháp khẳng định là có thể giải mã được những bí ẩn tiềm tàng trong bức họa nổi tiếng này, kể cả chủ đề nổi tiếng gây nhiều hoài nghi là chi tiết thiếu lông mày và mí mắt của nàng Mona Lisa.

Kỹ sư người Pháp Pascal Cotte cho biết, các bức ảnh quét kỹ thuật số siêu phân giải cho phép ông "đào sâu" qua các lớp sơn để quan sát tỉ mỉ hồi thế kỷ XVI danh họa Leonardo Da Vinci đã vẽ chân dung vợ của một thương gia thành Florentine như thế nào.

Theo Pascal Cotte, ảnh quét có độ phân giải 240 triệu pixel của ông cho thấy dấu hiệu hiện hữu lông mày và mí mắt ở cả hai bên mắt của chủ thể trong bức họa nguyên thủy. Nhưng do những nỗ lực phục chế các chi tiết này vô tình bị mất đi. Ông cho biết: “Kỹ thuật mới này cho phép quan sát sâu vào bên trong cấu trúc bức họa và hiểu rằng Leonardo thực sự là một thiên tài”.

Từ khi còn là một đứa trẻ lớn lên tại Paris hồi thập niên 60 của thế kỷ trước, Cotte đã trải qua hàng giờ chiêm ngưỡng bức họa Mona Lisa khi ông nhìn thấy lần đầu tiên tại Bảo tàng Louvre. Sau đó, Cotte vận dụng mọi kiến thức khoa học về ánh sáng và quang học để chế tạo một camera cho phép ông thực hiện hoài bão của mình.

Pascal Cotte, 49 tuổi, ước tính đã trải qua 3.000 giờ để phân tích dữ kiện từ các ảnh quét bức họa tại Phòng thí nghiệm của Bảo tàng Louvre cách nay 3 năm. Bằng cách sử dụng các cảm biến nhạy sáng từ dãy quang phổ hồng ngoại và cực tím có thể thấy bằng mắt thường, ông phát hiện được nhiều chi tiết quan trọng:

- Da Vinci đã thay đổi vị trí 2 ngón tay ở bàn tay trái của chủ thể.

- Ban đầu gương mặt của chủ thể rộng hơn và nụ cười cũng diễn cảm hơn.

- Nàng Mona Lisa có cầm một chiếc khăn nhưng thấy rất mờ.

Ngoài ra, các phân tích của ông còn cho thấy cái mà ông tin làm phẩm màu dùng để vẽ bức họa còn lại trên giá vẽ của Da Vinci. Hiện nay, bức họa Mona Lisa đang trưng bày trong tủ kính chống đạn ở Bảo tàng Louvre - với 3 màu xanh lá đậm, vàng và nâu - là kết quả của nỗ lực phục chế của các nhà bảo tồn sau này.

Phân tích trên bức ảnh kỹ thuật số của ông - được chụp bằng camera có 13 bộ lọc màu khác nhau (máy ảnh thông thường chỉ có 3 hoặc 4 bộ lọc màu) - Cotte đã tái tạo bức họa Mona Lisa với ánh sáng màu xanh và màu trắng lấp lánh mà ông tin là đúng với bức họa nguyên thủy. Cotte cho biết: “Các thế hệ tiếp theo sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nàng Mona Lisa với màu sắc thật của bức họa”.

Mặc dù một số nhà lịch sử hội họa tỏ thái độ hoài nghi với những khám phá của mình, Cotte vẫn hy vọng kỹ thuật của ông có thể được sử dụng như một tiêu chí cho việc phục hồi các tác phẩm có giá trị khác chứ không riêng bức họa Mona Lisa. Áp dụng kỹ thuật này, Cotte đã tạo ra được nhiều bức ảnh siêu phân giải của hơn 500 bức họa, bao gồm của Van Gogh, Brueghel, Courbert và nhiều họa sĩ bậc thầy khác ở châu Âu

L.H. (theo AP)
.
.