Khi Hồ Quý Ly trả lời phỏng vấn

Thứ Bảy, 12/02/2011, 14:35
Hồ Quý Ly chủ trương giải nghĩa Thư kinh, Thi nghĩa bằng chữ Nôm. Viết tựa sách Thi nghĩa bằng quốc ngữ theo ý riêng độc đáo của mình không theo quan điểm của Chu Hy mà các thức giả lẫn học giả đương thời lấy làm mẫu mực!

Đáp nhân vấn An Nam phong tục
Dục vấn An Nam sự
An Nam phong tục thuần
Y quan Đường chế độ
Lễ nhạc Hán quân thần
Ngọc ủng khai tân tửu
Kim đao chước tế lân
Niên niên nhị tam nguyệt
Đào lý nhất ban xuân.

(Trả lời người phương Bắc hỏi về phong tục nước An Nam
An Nam muốn hỏi rõ
Phong tục vốn thuần lương
Lễ nhạc như tiền Hán
Y quan giống thịnh Đường
Dao vàng cá vảy nhỏ
Bình ngọc rượu lừng hương
Mỗi độ mùa xuân tới
Mận đào nở chật vườn.
Bản dịch của Tuấn Nghi - Thơ văn Lý Trần Tập III, NXB KHXH  - Hà Nội 1978).

Bao nhiêu là những tiếc xót khi hậu thế phải bỏ vô số công  ra sức tra xét mà chỉ tìm thấy 5 bài thơ của một vị vua độc đáo, “nhiệm kỳ” chỉ có 7 năm nhưng từng để lại một huân nghiệp mà hậu thế đến giờ cũng chưa giải mã một cách rốt ráo. Đó là Hồ Quý Ly!

Một trong 5 bài thơ ấy là Đáp nhân vấn An Nam phong tục (như đã dẫn trên đây) mà tôi không hề sợ sái khi khẳng định đó là một bài trả lời phỏng vấn cực kỳ hiếm hoi còn sót lại của một vị vua nước Việt. Mà lại cách ta dằng dặc như thời gian tồn tại của thành nhà Hồ: gần 700 năm!

Thiết nghĩ cũng cần làm cái việc vấn tổ tầm tông một chút. Nhà thờ tổ họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, có bức đại tự Nhất bản năng song cán, nghĩa là một gốc tốt hai cành. Có lẽ cành họ Hồ ở hương Đại Lại, Thanh Hóa, là sum suê nhất của cái gốc tổ Quỳnh Lưu? Hương Đại Lại thuộc huyện Vĩnh Phúc của xứ Thanh mà dưới triều Tây Sơn do kị húy đổi thành huyện Vĩnh Lộc bây giờ... Tông phái họ Hồ ở Đại Lại có một viên quan nhỏ làm con nuôi của cụ Tuyên úy Lê Huấn. Cháu bốn đời của Lê Huấn mang tên Lê Quý Ly đã đến hồi phát trở thành người tin cẩn của triều đình nhà Trần bởi Quý Ly thuộc hàng ngoại thích.

Lê Quý Ly có hai người cô ruột được sung vào cung của triều đình nhà Trần đều làm vợ Vua Trần Minh Tông. Ba mươi năm ra vào nơi cung cấm dốc lòng khuyển mã từ khi khí vượng nhà Trần thịnh đến hồi suy, dũng họ Hồ bao năm tưởng chìm lút đi bởi họ Lê đã dần dà được bộc phát trong chí trai của người tráng niên Hồ Quý Ly.

Một góc Thành nhà Hồ. Ảnh: Xuân Ba.

Như là biện chứng của Dịch lẫn tạo hóa, một triều đại phong kiến thường là thịnh cực thịnh rồi suy và cực suy. Triều Trần với những chiến công hiển hách năm nào đã trở nên lụ khụ cỗi cằn, thậm chí ngáng trở bước tiến của lịch sử bằng ông vua lẫn cẫn Trần Nghệ Tông mà sử chép có lần bỏ Thăng Long mà dông tuốt sang Đông Ngàn để giặc Chiêm Thành vào kinh thành giết chóc cướp bóc hãm hiếp như vào chỗ không người!

Triết thuyết phương Đông vốn thường xuýt xoa lẫn nắc nỏm rằng ở đời vốn hơn nhau một chữ Thời! Kiểu người như Hồ Quý Ly đã trở thành nhân vật, đã trở thành anh hùng của thời loạn ấy bằng việc đoạt lấy ngôi và mở ra một thời kỳ mới của lịch sử dân tộc bằng triều đại nhà Hồ với quốc hiệu  Đại Ngu.

Tôi thơ thẩn dưới chân thành nhà Hồ chả phải là một lần, một bận… Trí lực bấy bớt từ những ngày cấp ba trường huyện ấy cho tới bây giờ bạc đầu vẫn cứ lồng lộng và lừng lững, và có lẽ vẫn mãi chắc khừ tầm vóc của một ngôi thành bằng đá xanh độc nhất vô nhị ở xứ Đông Nam Á này!

Lật đi lật lại mãi những trang quốc sử mà vẫn có điều chi thảng thốt: “Mùa xuân năm Đinh Sửu niên hiệu Quang Thái thứ 10 (tức là năm 1397) tháng Giêng, Hồ Quý Ly sai Lại bộ Thượng thư kiêm Thái sư lệnh Đỗ Tỉnh đi coi đất rồi đo đạc động An Tôn Phủ Thanh Hoa đắp thành đào hào lập nhà tông miếu dung đàn xã tắc mở đường phố có ý muốn dời đô. Việc ba tháng thì xong...

Việc ba tháng thì xong. Cụm từ ấy cứ như là thách đố mai hậu? Ba tháng vừa thiết kế lẫn thi công một công trình đá một tòa thành đá chu vi 4 cây số vuông, cao 10 mét, 4 vòm cổng  hoành tráng bằng những khối đá đồ sộ. Cửa Nam thành: Rộng 38 mét, cao từ 7 - 10 mét. Nội chỉ một tấm đá ở Cửa Tây mà đã dài 5,1 mét, rộng 1,59 mét, cao 1,3 mét. Độ nghiêng mặt thành và chân móng trơ trơ với tuế nguyệt 700 năm nay như thế mà chỉ có 1,5 độ!  Đá xanh granit độ cứng từ 10-12 với những thớt, những khối vuông vức lẫn hình múi cam ấy lấy ở đâu và vận chuyển lắp ráp như thế nào, đến bây giờ vẫn là một câu hỏi?

Một bận tôi đã bám theo tổ công tác của ngài Kikuchi Seiichi, PGS. TS khảo cổ của Đại học Chiêu Hòa, Nhật Bản, về thành nhà Hồ. Họ làm nhiều thứ khảo cổ, trong đó có việc góp phần giải mã câu hỏi 3 tháng xây thành! Chuyện này sẽ nói vào dịp khác nhưng UNESCO mấy tháng trước vừa làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ để công nhận Thành Nhà Hồ là Di sản thế giới.

Hồ Quý Ly để đời cho mai hậu chưa hẳn là cái tòa thành đá kỳ vĩ kia. Mà là sự nghiệp cải cách. Mà là học thuật lẫn trước tác. Mà tinh những thứ lạ, độc đáo. Thông cảm cho sự nổi đóa của nhà sử học danh tiếng Ngô Sĩ Liên, trong Đại Việt sử ký Toàn thư, hai sử thần Phan Phù Tiên và Ngô Sĩ Liên đã mạt sát giễu cợt gọi là Ngụy Hồ.

Cũng dễ hiểu, chả riêng chi hai cụ, các sử gia phong kiến luôn coi những cải cách, những đổi mới lẫn công việc của cha con Hồ Quý Ly là một thứ  thoán nghịch! Có lẽ chả phải dẫn ra ở đây những cải cách đổi mới về hạn điền, hạn nô, những bỏ tiền đồng dựng tiền giấy... mà các sử gia lẫn các nhà kinh tế hiện đại đã nhận xét và thẩm định là tiến bộ, là đi trước thời đại.

Xin trở lại bài thơ ăm ắp tinh thần hào sảng dân tộc của ông vua Hồ Quý Ly. Có thể coi đây là nội dung trả lời phỏng vấn khá độc đáo! Vậy thì ai, người nào làm cái việc phỏng vấn? Vua nhà Minh? Hay sứ thần nhà Minh? Chính sử không hề lưu bất kỳ sự kiện nào về việc này?  Bài thơ Đáp nhân vấn... không hề có xuất xứ? Chúng tôi nghiêng về khả năng thời mạt Trần, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương thường cử nhiều sứ sang Đại Việt (giao hảo hay dòm ngó?), Hồ Quý Ly khi ấy không khó khăn trong việc góp phần vào vai trò tiếp sứ?

Muốn hỏi về chuyện nước An Nam ư? An Nam quốc chứ không phải là thứ rợ phương Nam mà các thiên tử hay phán bảo một cách khinh miệt Man, Di, Nhung, Địch... Không phải xứ mà là vương quốc An Nam phong tục vốn thuần hậu. Áo mũ không khác chế độ nhà Đường. Lễ nhạc tương tự như vua quan nhà Hán.

Có thể trên thực tế hiếm ít khi diễn ra cung cách sinh hoạt sang trọng nhưng khi đãi đằng khách khứa vẫn có cung cách ẩm thực độc đáo của nước Nam. Vẫn có bình ngọc rót rượu mới cất ngát hương và thứ gỏi cá dân dã đưa cay. Gỏi cá, có lẽ món dân dã mà sang trọng ấy bên Trung Hoa và An Nam đều phổ biến nên Hồ Quý Ly mới nhắc đến Kim đao chước tế lân như một thứ đồng vị tương lân vậy? Cá ngon nhỏ vảy mà nguyên văn là tế lân.

Trong Xích Bích phú của Tô Đông Pha có câu: Cự khẩu tế lân trạng tự Tùng Giang chi lô (Miệng lớn vảy nhỏ giống cá mè sông Tùng Giang). Ông quan Trương Hàn đời Tấn nhân khi gió thu nổi lên nhớ món gỏi cá (cá vược) với rau thuần (rau rút) ở quê nhà đã bỏ cả chức quan mà về. Tích này Nguyễn Du đã diễn ra câu nổi tiếng trong Kiều để chỉ lòng lưu luyến quê hương: Thú quê thuần vược bén mùi...

Hai câu cuối mới thanh thản đĩnh đạc lẫn thần tình làm sao: Hằng năm cứ độ tháng hai tháng ba. Đào mận đều cũng xuân như nhau cả (bản dịch của cụ Tuấn Nghi đào mận nở chật vườn chưa toát lên cái câu thần đào lý nhất ban xuân - đào mận đều cùng xuân như nhau cả!)

Giải mã âm hưởng tự tôn tự hào dân tộc ấy trong bài thơ của Hồ Quý Ly không thể không xét đến căn cốt độc lập tự chủ mà Hồ Quý Ly thể hiện rất rõ trong quan điểm học thuật của mình. Đơn cử việc Hồ Quý Ly biên tập lại Tống Nho soạn sách Minh Đạo gồm 14 thiên, gọi Chu Công là Tiên thánh, Khổng Tử là Tiên sư. Cho sách Luận Ngữ có một số chỗ đáng ngờ khó tin. Nói Hàn Dũ là nhà Nho ăn trộm (đạo văn). Nhận xét Chu Đôn Di, Trình Hiệu, Chu Hy, Dương Thi, Lý Diên Niên... những học giả Trung Hoa sừng sững ấy là "những kẻ tuy  học rộng nhưng tài kém không chú ý đến thực tế, chuyên đánh cắp văn chương của người xưa...".

Hồ Quý Ly chủ trương giải nghĩa Thư kinh, Thi nghĩa bằng chữ Nôm. Viết tựa sách Thi nghĩa bằng quốc ngữ theo ý riêng độc đáo của mình không theo quan điểm của Chu Hy mà các thức giả lẫn học giả đương thời lấy làm mẫu mực!

Quan điểm học thuật độc đáo như một thứ cách tân sáng tạo ấy đã khiến sử thần Ngô Sĩ Liên cáu bẳn lẫn cả hoang mang: Đạo của tiên thánh nếu không có Khổng Tử thì không ai phát huy được. Hậu Thánh sinh ra nếu không có Khổng Tử thì không còn ai làm khuôn phép nữa. Từ khi có sinh dân đến nay, chưa có ai nổi tiếng hơn Khổng Tử, thế mà Quý Ly lại dám khinh suất bàn về Ngài thì thực không biết lượng sức mình!  Người sau mà có trước tác thì cũng chỉ mở mang cho rộng thêm, tô chuốt cho bóng thêm có thế mà thôi, sao Quý Ly lại dám chê bai bàn cãi?” (Toàn thư. Bản kỷ nhà Trần. Quyển VIII. Trg 185-190. Sđd.).

Các nhà nghiên cứu phê bình lý luận đương đại có lẽ sẽ có ý kiến xác đáng về vấn đề này nhưng thử dẫn ra hai nhà nho ở hai thế kỷ đã nhận xét về học thuật của Hồ Quý Ly. Một là, ông vua Tự Đức đã phê Vị phi toàn phi (chưa chắc đã hoàn toàn sai). Hai là, cụ Huỳnh Thúc Kháng. Nhà đại khoa này có lẽ với khí chất ngang thẳng xứ Quảng cộng với thứ tiết tháo thực (chứ chẳng phải suông chung chung mà ta thấy thiên hạ cứ gán bừa cho các nhà Nho) đã tìm ở tiền nhân Hồ Quý Ly một sự đồng tình không khoan nhượng.

Cụ Huỳnh gay gắt như thế này: "Phải nhận thấy cái án Tống Nho mà Hồ Quý Ly là cái thiết án (tức cái án ăn cắp) rất xác đáng! Cái gọi là thiết án ấy là lối học giáo điều nô lệ tầm chương trích cú nhai văn nuốt chữ mà đầu óc tê liệt không suy nghĩ chẳng sáng tạo ra điều gì mới mẻ!". Cụ Huỳnh từ đó mà suy ra rằng lối học mót, học theo kiểu nô lệ đắm đuối với Tống Nho ấy đã lan tràn từ đời Hậu Lê trở về sau là khởi nguyên nạn xâm lược của nhà Minh đầu thế kỷ XV và đi liền đó là họa diệt chủng về văn hóa!

Cũng cần nói thêm rằng, trước tác của Hồ Quý Ly phần bị hủy diệt, phần thất lạc nhất là thời điểm xâm lược của nhà Minh nên đã có ý kiến rằng bài thơ Đáp nhân vấn... (được chép trong sách Liệt triều tập đời Minh) là của một sứ thần Nhật Bản (!?). Rằng Hồ Quý Ly đã mượn lời sứ thần Nhật Bản để đối đáp với sứ nhà Minh(!?). Vấn đề này xin các bậc cao minh chỉ giáo cùng phân định. Nhưng chắc chả khó gì khi việc phân định lẫn minh định trên tiêu chí độc lập tự chủ tự tôn dân tộc trong trước tác cùng việc làm trong 7 năm cầm quyền của ông vua họ Hồ để khỏi rơi vào trận đồ bát quái của việc ngụy thư lẫn tam sao thất bản?

Chao ôi, khó tìm thấy một triều đại phong kiến nào mà ngắn ngủi bỗng chốc như triều Hồ? Chỉ có 7 năm. Bảy năm chỉ là cái chớp mắt của lịch sử. Nhưng gần 700 năm sau, hậu thế vẫn còn bận rộn, vẫn còn tất tả với cái chớp mắt xửa xưa ấy!

Viết tới đây chợt dậy lên cảm giác bồi hồi lần ấy công cán qua Trung Hoa, một vị sứ thần trong Sứ quán ta ở Bắc Kinh cho biết đã cất công tìm mộ của Hồ Quý Lý (nghe đâu ở Giang Nam, mà Giang Nam mênh mông mấy tỉnh?) và mộ của con trai là Hồ Nguyên Trừng từng làm Thượng thư bộ Công dưới triều Minh (nghe đâu mộ ở Bắc Kinh) mà vẫn chưa thấy...

X.B.
.
.