Khí báo mạng kích động kỳ thị vùng miền: Phải siết chặt quản lý

Thứ Năm, 21/08/2014, 16:15

Ngày 12/8, báo điện tử Trí Thức Trẻ cho đăng bài viết “Gái miền Tây và 3 chữ “N” nổi danh thiên hạ”. Đó là bài viết không đề tên tác giả, nội dung xoay quanh 3 chữ “N” của “gái miền Tây” mà theo tác giả là “Ngon - Ngoan - Ngu”.
Ngay khi bài báo vừa xuất hiện, cộng đồng mạng đã không tiếc lời phản ứng gay gắt tác giả bài viết lẫn tờ báo này.

Điển hình như phản ứng của cây bút phóng sự kỳ cựu, nhà báo Binh Nguyên, anh cho biết: “Tôi không thể chấp nhận được loại báo chí như thế này, mang danh là tờ báo “Trí Thức Trẻ” mà lại đi viết những loại bài ba xu, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, con người của một vùng đất. Tôi vừa gọi điện cho một anh có trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và yêu cầu phải làm việc với BBT tờ báo này, nếu không tháo bài xuống, tôi sẽ kiện ra tòa”.

Không chỉ nhà báo Binh Nguyên, hàng loạt những nhà báo khác cũng như cư dân mạng phản ứng rất gay gắt đối với nội dung thiển cận của bài viết trên.

Trước phản ứng của cộng đồng mạng, lãnh đạo Bộ TT&TT đã có cuộc họp khẩn để chỉ đạo xử lý sai phạm được đánh giá là nghiêm trọng trong bài viết này của báo điện tử Trí Thức Trẻ vào ngày 14/8 vừa qua.

Chuyện gì đang xảy ra(?!).

Làm báo kiểu… kỳ quái!

Ngay khi bài viết có nội dung phỉ báng này xuất hiện trên báo điện tử Tri Thức Trẻ, hàng loạt tờ báo mạng lẫn trang web, diễn đàn khác đã dẫn lại bài viết trên, như: ngoisao.vn, baodatviet, tinhay, webtretho, afamily…

Đối với tác giả bài viết, độ ngon của gái miền Tây là da trắng, dáng chuẩn. Độ ngoan là làm mọi cách kiếm tiền để gửi về lo cho gia đình. Còn độ ngu là vì "Song tiếp xúc lâu với em, tôi thành ra chán nản và nhiều lúc cáu gắt vô cớ. Nói chính xác hơn là cách em nói chuyện rất ngây ngô và ngu muội. Cách nói chuyện của em sao nó lệch 180 độ với hình thức bên ngoài của em. Đến nỗi, nhiều câu chuyện đơn giản và bình thường nhất mà em cứ ngơ ngơ không hiểu. Điều này khiến tôi nhiều lúc có cảm tưởng ánh sáng văn hóa còn chưa chiếu tới em vậy".

Cùng với chi tiết miệt thị này, là hàng loạt những câu chữ nặng nề khác mà tác giả bài viết đã sử dụng để nhắc về "gái miền Tây".

Rõ ràng đó là một bài viết đậm chất kích động tính vùng miền, ngoài mục đích câu view (người đọc), thì nó còn có một dụng ý khác là tạo ra những luồng tranh luận nhằm gây "tiếng vang" cho tờ báo. Một số tờ báo mạng hiện nay thường hay chọn cách này để tạo sự chú ý.

Một bài báo có tính chất kỳ thị vùng miền trên một trang báo điện tử.

So với nhiều tờ báo mạng khác, báo điện tử Trí Thức Trẻ khá im hơi lặng tiếng. Thế nên, có lẽ cơ quan truyền thông này "sốt ruột" trước sự mờ nhạt về thương hiệu của tờ báo nên quyết định đánh một cú khiến dư luận choáng váng theo kiểu "Phạt vạ gì tính sau, cứ đăng bài gây sốc trước đã" (?)

Và rõ ràng, với kiểu sản xuất bài viết có nội dung như thế này, báo điện tử Trí Thức Trẻ đã tiệm cận hơn với những tờ báo thuộc dạng "đàn anh" về mức độ "chỉ cần view cao, bất chấp tất cả". Chiều 14/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã triệu tập cuộc họp khẩn với một số đơn vị thuộc Bộ để chỉ đạo xử lý về sai phạm xung quanh bài viết "Gái miền Tây và 3 chữ "N" nổi danh thiên hạ". Thứ trưởng đã giao Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử khẩn trương xem xét, xử lý sai phạm nghiêm trọng nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Trước khi lãnh đạo Bộ TT&TT họp khẩn vì bài viết này, thì Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã âm thầm gỡ bài viết trên. Và trước sự phản ứng dữ dội của dư luận, hàng loạt các trang báo điện tử cũng đã gỡ bài. Đây là cách làm rất phổ biến của một số tờ báo điện tử, cứ thoải mái cho đăng những thứ tào lao để câu view, rồi bị phản ứng lại âm thầm gỡ bài là xem như chưa có chuyện gì xảy ra.

Cần sự quyết liệt hơn

Trên thực tế, bài viết "Gái miền Tây và 3 chữ "N" nổi danh thiên hạ" chỉ là giọt nước làm tràn ly trong một chuỗi bài viết có tính chất kích động kỳ thị vùng miền đang được xem là chiêu để câu view của không ít tờ báo mạng hiện nay.

Trang M. từng có bài "Đừng bao giờ lấy gái Bắc làm vợ". Báo ĐSPL đã từng xuất hiện bài viết "Dân Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh: Đừng mơ xin việc ở Hà Nội?". Báo Đ.V có bài "Phẫn nộ thiếu nữ Hà Nội buông lời miệt thị người Thanh Hóa". Báo V.N.N có bài "Không xin nổi việc vì là người... Nghệ An". Báo điện tử Trí Thức Trẻ có bài "Sau Thanh Hóa, lại thêm một trang Facebook "bài xích" dân Nghệ An". Báo T.T có bài "Xe cộ Hà Nội trong mắt một em gái Sài Gòn". Đó là chưa kể đến những bài báo mượn lời người nước ngoài để "Mắng như hát hay những hạn chế của người Việt"… Họ viết về người Việt mà có cảm giác như họ đang viết về người ở tận đẩu tận đâu hoặc đang có mối thù truyền kiếp với gia tộc của họ vậy.

Bài báo phản cảm của Trí Thức Trẻ vẫn đang tồn tại trong nhiều diễn đàn.

Tất cả những bài viết ấy đều có chung nội dung kể lể với thái độ bài xích những người có gốc tích từ địa phương hay khu vực cụ thể. Thậm chí, khi họ nhân danh sự lên án những diễn đàn kỳ thị vùng miền thì đó cũng chính là một trong những cách câu view của họ.

Có hay không việc những người gốc Nghệ An, Thanh Hóa sẽ không tìm được việc làm ở một vài công ty tư nhân. Điều này là có, dựa theo thông báo của những đơn vị này. Có hay không những người không đạt được hạnh phúc vì lấy vợ là người miền Trung, miền Nam, miền Bắc hay cùng địa phương. Điều này là có, bởi không phải ai cũng có một hạnh phúc trọn vẹn. Có hay không những cá nhân tị hiềm với người này người khác nên lôi gốc tích của họ ra để miệt thị trên facebook hoặc lập một trang mạng chung để "cùng nhau mắng mỏ cho sướng miệng" theo kiểu "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã". Điều này cũng là có, bởi không phải nhận thức của cá nhân nào cũng phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Điều nguy hiểm nhất của truyền thông (Cụ thể là những tờ báo mạng) khi loan tin có tính chất kỳ thị vùng miền chính là họ lấy nhận thức, cảm quan của một (hay vài người) để biến nó thành một cuộc tranh luận theo chiều hướng "ông chửi nguồn gốc của bà, thì bà mắng lại gốc tích của ông". Và đây chính là điều mà một nhóm người làm báo mạng muốn hướng đến.

Có lần, tác giả bài viết trao đổi với nhà báo Đinh Phong về xu hướng của những người làm truyền thông trong giai đoạn hiện tại (nhà báo Đinh Phong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) ông có nói một ý rất hay: "Xã hội ta có những vụ giết người, cướp của, hiếp dâm, trấn lột… không(?). Có, chắc chắn là có. Nhưng, đó không phải là bộ mặt toàn cảnh của xã hội, đó chỉ là một phần rất nhỏ. Tuy nhiên, lại bị một số người làm báo bôi đen, họ làm như xã hội chỉ có toàn chuyện xấu xa. Mà đưa tin kiểu đó thì vô đạo đức và nguy hiểm vô cùng.

Cách nay ít lâu, tôi có tham dự buổi gặp mặt với các cựu chiến binh, cán bộ lão thành, hưu trí. Các cụ hỏi tôi: "Các anh làm báo, các anh ở Hội Nhà báo Việt Nam, mà các anh để báo chí đăng tin, ông cụ 80 tuổi xâm hại cô bé 13 tuổi để làm gì? Ý các anh là phê phán ông cụ, hay ý các anh là muốn nhắc nhở các cô bé 13 tuổi nên cẩn thận kẻo bị xâm hại?". Đó là câu hỏi, tôi không có câu trả lời. Và tình thật, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ.

Bài báo gây kỳ thị vùng miền trên mạng.

Câu chuyện về kỳ thị vùng miền cũng như chuyện "cụ ông 80 tuổi xâm hại cô bé 13 tuổi" mà nhà báo Đinh Phong từng nhắc cũng từa tựa như câu chuyện kỳ thị vùng miền đang xuất hiện trên một số trang báo mạng.

Trước khi sự kỳ thị vùng miền trở thành món đề tài không bao giờ nguội của một bộ phận những người làm báo mạng, thì họ đã sử dụng tất cả những chiêu thức kỳ quái nhất để câu view, như: Bố chồng tòm tem nàng dâu, Bố chồng van xin giặt đồ lót cho con dâu, Trót lên giường với mẹ vợ tương lai… Thậm chí là bịa đặt những thông tin suy đồi kiểu: "Bố chồng và nàng dâu phải đi bệnh viện vì dính nhau"…

Căn nguyên này là do đâu(?!).

Người viết không có ý cho rằng căn nguyên của sự tha hóa trong cách làm báo mạng của một nhóm người là do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan quản lý truyền thông. Thế nhưng, điều chắc chắn rằng những nhà quản lý đã không đủ sức để theo kịp sự phát triển của truyền thông. Trong lúc, không hiểu sao số lượng ấn phẩm phụ lẫn những trang báo mạng lại xuất hiện ngày càng một nhiều lên.

Vừa không đủ sức để theo kịp sự phát triển lại vừa cấp phép quá nhiều ấn phẩm, trang báo mạng mới thì chuyện gì đến cũng sẽ đến. Điều này cũng giống một người đang phát phì muốn giảm cân bằng cách ăn khuya liên tục vậy. Miệng càng nói "nhất thiết phải giảm cân" thì lại càng "tăng cân". Ngay cả những trang thông tin tổng hợp với quy định không được sản xuất tin bài thì những người làm các trang này lại nghĩ ra cách đối phó bằng việc "tìm cách xin ra một tờ báo mạng (trực thuộc một Hội nào đó) để sản xuất tin bài. Rồi từ tin bài của trang báo mạng này, họ cho đăng lại trên trang thông tin tổng hợp của họ cùng lúc. Vậy là, có cấm cũng như không.

Dẫu sao thì cách xử lý nhanh chóng của Bộ TT&TT xung quanh bài viết "Gái miền Tây và 3 chữ "N" nổi danh thiên hạ" của báo điện tử Trí Thức Trẻ cũng là cách phát đi một tín hiệu từ cơ quan quản lý truyền thông. Thế nhưng, quan trọng vẫn là cách xử lý kiên quyết đến đâu đối với một sai phạm nghiêm trọng như kiểu của báo điện tử Trí Thức Trẻ. Mà đâu phải chỉ mỗi mình báo điện tử Trí Thức Trẻ mới vướng vào sai phạm này.

Lịch sử thế giới đã ghi nhận, con người mất hàng trăm năm với biết bao sự hy sinh, với máu và nước mắt để xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc. Truyền thông thế giới cũng lên tiếng phản đối rất mạnh mẽ với những hành vi kỳ thị màu da hay nguồn gốc… thì làm sao chúng ta có thể chấp nhận những cơ quan truyền thông lại đang cố hết sức để thực hiện hành vi "kích động kỳ thị vùng miền" ngay trong một quốc gia chỉ với mục đích duy nhất là câu view.

Làm sao có thể chấp nhận được điều đó khi mà mục tiêu về "Đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc" luôn là một vấn đề rất quan trọng được xác định nhất quán trong Cương lĩnh của Đảng. Và hơn cả là khát vọng của toàn thể nhân dân.

Đã làm báo thì cho dù là hình thức báo chí nào đi chăng nữa, thì tuyệt đối cũng không thể đi ngược lại lợi ích của cả dân tộc

Ngô Nguyệt Hữu
.
.