Khi danh tướng viết báo

Thứ Ba, 22/06/2021, 20:55
Hai đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Thanh - đều là những vị tướng văn võ toàn tài. Cả hai ông đều khéo léo sử dụng ngòi bút làm vũ khí đắc lực phục vụ cho công cuộc cách mạng.

Cổ vũ quân và dân đánh giặc

Cả hai đại tướng đều không xuất thân từ nhà quân sự. Với Võ Nguyên Giáp, ngay từ khi học trường Quốc học Huế, ông đã có bài viết gửi đăng Báo LAnnau của luật sư Phan Văn Trường tại Sài Gòn và sau khi tốt nghiệp trung học năm 1929, đã trở thành cộng tác viên tờ báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Bằng uy tín trong làng báo, tại Đại hội Báo giới Bắc kỳ lần thứ nhất diễn ra ngày 24-4-1937, nhà báo Võ Nguyên Giáp được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc kỳ.

Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Thanh - hai Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, hai nhà báo cách mạng nổi bật.

Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người được các thế hệ sau thân ái gọi là “tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy”, đã viết hàng trăm bài báo, cả về quân sự và chính trị, kịp thời chỉ đạo, động viên quân đội và nhân dân đánh giặc cũng như xây dựng đất nước. Đại tướng còn là một cây bút bình luận xuất sắc, khi trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ông đã chỉ đạo và là tác giả (bút danh Chính Nghĩa) của những bài xã luận, bình luận sắc bén trên 33 số báo Quân đội nhân dân tại mặt trận.

Còn với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vị tướng kiệt xuất, người nắm giữ các vị trí quan trọng như Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, báo chí cũng là vũ khí sắc bén giúp ông thực hiện nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Chính phủ và Nhân dân giao phó.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tên thật là Nguyễn Vịnh) là một nhà cách mạng từ khi tuổi đời còn rất trẻ. Năm 1938, ông đã là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên khi mới tròn 24 tuổi. 3 lần bị Pháp bắt, tù đày, ông trưởng thành từ quá trình lãnh đạo Nhân dân đấu tranh gian khó.

Từ năm 1945 đến năm 1950, ông giữ cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng phụ trách Xứ ủy Trung Bộ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên và Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4. Cuối năm 1949, ông được Bác Hồ và Trung ương Đảng gọi ra Việt Bắc tăng cường cán bộ lãnh đạo cho các cơ quan Trung ương.

Ngày 11-7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ở cương vị quan trọng này, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã sử dụng ngòi bút cổ vũ, động viên quân đội hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Như trên Báo Nhân dân ngày 15-11-1951, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã viết bài “Để phá tan âm mưu của giặc dùng người Việt đánh người Việt - đẩy mạnh công tác vận động ngụy binh”.

Ngày 31-8-1959, trong đợt phong quân hàm cho các sĩ quan cao cấp của quân đội, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh vinh dự nhận quân hàm đại tướng, trở thành đại tướng thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1964, Đại tướng xung phong vào chiến trường miền Nam, nhận nhiệm vụ quan trọng là Bí thư Trung ương Cục. Ở vị trí này, bên cạnh việc cùng các lãnh đạo Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Quân giải phóng đưa ra chủ trương xuất sắc về quân sự với chiến thuật đánh áp sát kiểu "Nắm thắt lưng địch mà đánh", giúp quân giải phóng hạn chế ưu thế hỏa lực của quân Mỹ để giành thắng lợi, Đại tướng tiếp tục dùng cây bút làm vũ khí cổ vũ quân đội mạnh mẽ.

Trong thời gian này, Đại tướng viết hàng loạt bài với các bút danh Trường Sơn, Người Quan Sát, S.K.Z... từ chiến trường gửi ra, đăng trên Báo Quân đội nhân dân, với những chủ đề mang tính chiến lược và chiến thuật quan trọng như “Chuẩn bị đập tan âm mưu Mỹ”, “Ai thắng ai”, “Hoan hô chiến thắng Plâycu, Bình Giã, Phú Mỹ, Quảng Nam”, “Phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng quyết thắng giặc Mỹ”, “Đập tan âm mưu chiến lược của Giôn xơn ở miền Nam”...

Các bài báo của Đại tướng không chỉ phân tích sâu sắc cục diện chiến trường miền Nam với cách nhìn “trong cuộc” của một nhà quân sự chiến lược mà còn khẳng định quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của nhân dân miền Nam, đã làm nức lòng chiến sĩ, đồng bào cả nước và bè bạn quốc tế.

Trong bài “Phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”, Đại tướng đã đúc kết, khẳng định từ rất sớm thắng lợi cuối cùng của dân tộc ta trước sức mạnh vũ khí, tiền bạc của Mỹ: “Vũ khí, cơm gạo, tiền bạc chúng ta đều nghèo hơn Mỹ. Bọn Mỹ nhiều tiền, lắm của. Nhưng, nếu Mỹ là triệu phú, tức là có bạc triệu đô-la thì Nhân dân chúng ta là triệu phú về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Mỹ thua chúng ta là ở chỗ đó, tức thua cái gan của dân tộc chúng ta”.

Khuấy động phong trào nông nghiệp

Ngay từ năm 1951, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh được bầu vào Bộ Chính trị. Tại Đại hội Đảng lần thứ III năm 1960, ông tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sau đó lại được tín nhiệm cử làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương. “Vị tướng dân quân” lúc này lại kiêm thêm gánh nặng “Vị tướng của nông dân”. Trên mặt trận này, ông tiếp tục sử dụng các bài báo làm vũ khí hữu hiệu của mình.

Văn võ song toàn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn là một nhà báo xuất sắc của báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhiều người nhận xét, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người khéo léo tổ chức các phong trào thi đua trên mặt trận nông nghiệp ở miền Bắc nước ta. Điển hình là khi đọc bài báo “Một hợp tác xã gương mẫu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (đăng Báo Nhân dân ngày 11-1-1961, ký tên T.L) biểu dương những thành tích và kinh nghiệm của Hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương - dẫn đầu đoàn cán bộ, chuyên viên nông nghiệp vào Quảng Bình, mời Bí thư Tỉnh ủy cùng về cơ sở 5 ngày để tìm hiểu thực tế. Kết quả quá trình trao đổi với nông dân và cán bộ thôn xã, rút kinh nghiệm từng chi tiết việc tổ chức sản xuất và đời sống ở đây cùng hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm ở cấp tỉnh đã giúp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh viết một bài dài “Hoan nghênh Hợp tác xã Đại Phong” đăng 3 kỳ liên tục trên Báo Nhân dân vào các ngày 26, 27 và 28-2-1961.

Hội nghị ở Quảng Bình và bài báo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tạo nên một phong trào học tập và thi đua với Đại Phong rộng rãi trên khắp miền Bắc. Chỉ sau 3 tháng đã có gần 1.000 hợp tác xã thi đua với Đại Phong. Gió Đại Phong được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh “thổi” lên từ đó đã khơi nguồn cho nhiều phong trào thi đua sản xuất khác trên miền Bắc sau đó: Sóng Duyên Hải, Cờ Ba Nhất...

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rất sâu sát thực tiễn. Sinh thời đã có người gọi ông là “anh bám đội lội đồng” dù lúc đó ông đã là Ủy viên Bộ Chính trị. Trên Báo Nhân dân, ông viết nhiều bài về cải tiến quản lý hợp tác xã, về thâm canh lúa, về phát huy vai trò tích cực của phụ nữ trong phong trào hợp tác hóa và phát triển sản xuất nông nghiệp...

Không chỉ viết chính luận, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn là một cây bút tiểu phẩm xuất sắc với lối viết dí dỏm. sâu sắc. Các độc giả lớn tuổi vẫn còn nhớ như in bài báo “Huyện ủy năm không” nổi tiếng ông viết mùa hè năm 1962, sau khi về thăm huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Câu chuyện về ban lãnh đạo huyện ủy không thể trả lời cụ thể 5 câu hỏi chi tiết của Trưởng Ban Nông nghiệp đã khiến dư luận xôn xao và lãnh đạo địa phương phản ứng gay gắt. Đặc biệt, bài báo viết theo góc nhìn ngôi thứ ba “tôi cùng đi theo đồng chí Nguyễn Chí Thanh...”, cuối bài lại ký tắt P.V, khiến nhà báo Phan Quang, khi đó là Trưởng Ban Biên tập Nông nghiệp và nông thôn, Báo Nhân dân, cũng là phóng viên duy nhất tháp tùng Đại tướng hôm đó, chịu mang tiếng là “nói xấu địa phương”, cho đến khi sự thật được sáng tỏ rằng tác giả bài báo không ai khác là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Dù là một tiểu phẩm mang tính phê phán, bài báo vẫn thể hiện sự đánh giá khách quan của người lãnh đạo cấp cao, khi tác giả kết luận: “Được cái là các đồng chí không biết thì bảo là không biết, còn tốt hơn là không biết mà cứ nói bừa, chẳng trúng vào đâu”.

Tiếc rằng, ngày 6-7-1967, Đại tướng đã bất ngờ qua đời sau một cơn đau tim đột ngột, khi tuổi đời mới có 53. Nhớ đến ông, bên cạnh nhớ đến một nhà chính trị, quân sự xuất sắc, người ta vẫn nhớ đến một nhà tuyên truyền, nhà báo xuất sắc, với cách viết gần gũi, dễ nhớ, cực kỳ thuận lợi trong việc cổ vũ động viên chiến sĩ, Nhân dân và nông dân trong công cuộc kháng chiến cũng như xây dựng đất nước.

Lê Tiên Long
.
.