Khi “kỳ quan bóng bàn” tái xuất…

Thứ Ba, 06/01/2015, 21:05
Bảy mươi lăm tuổi nhưng vẫn rắn chắc, giọng nói sang sảng - đấy là “kỳ quan” Lê Văn Tiết. Được Ban tổ chức (BTC) giải vô địch Diễn đàn Bóng bàn Việt Nam lần thứ 8 (tranh Cup Báo CAND) mời từ TP HCM ra Hà Nội biểu diễn và vinh danh nhưng vẫn chủ động xin thi đấu - đấy là “kỳ quan” Lê Văn Tiết. Thứ bảy (ngày 27/12) thì “kỳ quan” tái xuất khán giả Hà thành...

"Thầy Tiết kìa, thầy Tiết kìa..." - hàng loạt vận động viên (VĐV) bóng bàn nói với nhau khi thấy "kỳ quan" xuất hiện ở Nhà thi đấu Cầu Giấy. Nhiều người chạy vội lên hỏi thăm sức khỏe thầy. Giọng "kỳ quan" vui đùa: "Thứ bảy này mình thi đấu với mấy bác lãnh đạo. Mấy bác ấy kém mình trên dưới chục tuổi, chắc quần mình tơi tả đây...".

Asiad năm 1958 tại Nhật Bản, thế hệ Lê Văn Tiết từng tạo nên một cú chấn động làng bóng bàn châu Á khi giật chiếc HCV đồng đội nam từ tay chủ nhà.

Ông Tiết kể lại: "Mọi người phải tưởng tượng là trước đấy, môn bóng bàn chưa từng có trong chương trình thi đấu của Asiad. Chủ nhà Nhật Bản đưa môn này vào vì tin chắc mình sẽ có vàng. Trận chung kết đồng đội nam, cả nước Nhật chờ sẵn một chiếc HCV lịch sử, thế mà rốt cuộc họ lại mất nó về Việt Nam".

Vẫn theo lời kể của ông Tiết thì lần ấy người Nhật tự tin tới mức đã không chuẩn bị kế hoạch trao HCV cho Việt Nam, thế nên sau đó ông và các đồng đội đã phải đợi BTC chuẩn bị một lúc lâu mới có thể lên bục nhận... vàng. Cũng từ giải đấu này cái biệt danh "Kỳ quan bóng bàn" được báo giới Nhật đặt cho Lê Văn Tiết.

Huyền thoại Lê Văn Tiết (giữa) tại nhà thi đấu Cầu Giấy. Ảnh: Trang Dũng.

Và những ký ức vàng son giống như một thước phim quay chậm cứ từ từ hiện lên qua những lời kể xúc động của ông Tiết: "Chỉ một năm sau Asiad 1958, tại giải vô địch thế giới ở Pháp, tôi đã giành HCV cá nhân. Ở cả trận bán kết và chung kết, tôi đều bị dẫn trước 2-0, nhưng sau đó thắng ngược 3-2".

Tay vợt huyền thoại Nhật Bản Ogimura khi chứng kiến đồng hương Murakami dẫn Lê Văn Tiết 5-0, 10-5, nhưng lại bị gỡ 10-10 rồi thua ngược 17-21 ở ván quyết định đã phải thốt lên: "Đấy là trận đấu khủng khiếp nhất mà tôi từng chứng kiến".

Dân bóng bàn Việt Nam xưa nay hoặc từng chứng kiến hoặc từng nghe kể về những cú "phản đòn" vốn được xem là một chiêu độc của Lê Văn Tiết - cái chiêu từng khiến nhiều tay vợt cứng của Tiệp Khắc và Nhật Bản khốn khổ, và cũng là cái chiêu mà sau này ông Tiết truyền lại cho lớp lớp học trò của mình. Nhưng ông Tiết không mãi độc tin vào "quái chiêu", mà không ngừng xem xét, tìm hiểu những chiến thuật thi đấu mới.

Ông phân tích: "Kỹ thuật bóng bàn không ngừng đổi mới, phát triển theo thời gian. Người ta phải luôn nghĩ ra những chiêu thức mới để cả phá "đòn độc" của các tay vợt đi trước. Vì vậy nếu không thay đổi sẽ khó vươn xa. Ví dụ như xét về độ xoáy của quả bóng thì thời tôi ngày xưa không sánh bằng bây giờ được, và để ứng phó với những thay đổi hiện nay thì các VĐV phải tập đánh cự ly xa".

Ông Tiết đánh giá là những tay vợt tên tuổi của Việt Nam như Tuấn Quỳnh, Mạnh Cường đều chỉ giỏi đánh gần, hoặc đánh trung bình, và đến nay chỉ có duy nhất Lê Tiến Đạt (Hà Nội) là có khả năng đánh cự ly xa, nên ông kỳ vọng và tin rằng, nếu tiếp tục trau dồi, VĐV này có khả năng vươn tầm thế giới.

"Ở tuổi 75, bác có mắc bệnh người già nào không nhỉ?" - tôi mạo muội hỏi, "kỳ quan" vừa cười vừa đáp: "Ba cao, một thấp nhà báo nhé". Ba cao là cao huyết áp, cao tiểu đường, cao mỡ máu; còn một thấp là thấp khớp, nhưng theo lời ông thì "bàn bóng và những vui buồn với nó" giống như liều thuốc làm tiêu tan bệnh tật.

Hằng ngày, ông Tiết vẫn dạy bóng bàn tại Trung tâm Văn hóa thể thao quận Tân Phú, TPHCM, mỗi ngày 2 tiếng. Còn trước năm 1990, ông từng là huấn luyện viên bóng bàn của các đoàn TP HCM, CAND, và đã giúp cho lớp lớp học trò gặt những chiến công hiển hách.

Trước hôm "kỳ quan" tái xuất ở Nhà thi đấu Cầu Giấy - Hà Nội, một đồng nghiệp chuyên theo dõi mảng bóng bàn bảo tôi: "Nhớ ra xem nhé! Xem lại những đòn phản công làm nên sức sống bóng bàn nước nhà một thời vàng son".

Giải đấu quy mô nhất trong lịch sử 8 lần tổ chức:

Giải vô địch Diễn đàn Bóng bàn Việt Nam lần thứ 8 tranh Cup Báo CAND (Vietnam - Open 2014) đã diễn ra tại Nhà thi đấu Cầu Giấy - Hà Nội, từ ngày 25 đến 28/12. Ông Tống Đức Thuận, Chủ tịch Diễn đàn Bóng bàn Việt Nam, Phó Trưởng BTC Giải vô địch Diễn đàn Bóng bàn Việt Nam lần thứ 8 tranh Cup Báo CAND cho biết giải đấu quy tụ tới hơn 90 đoàn với trên 500 VĐV từ các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

So với 7 lần tổ chức trước, đây là năm đầu tiên, giải đấu được đưa vào hệ thống giải của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam và đã thu hút được số lượng VĐV đông đảo nhất gồm: các tổ chức, cá nhân, VĐV chuyên nghiệp, VĐV nghiệp dư và VĐV phong trào cũng như đông đảo người hâm mộ bóng bàn từ nhiều địa phương tới nhà thi đấu theo dõi và cổ vũ.

Ông Tống Đức Thuận cho biết thêm, ngoài sự tham dự của 12 cây vợt nam và 12 cây vợt nữ chuyên nghiệp, VĐV tham dự giải lần này thi đấu ở 4 hạng: A, B, C, D đều có trình độ khá cân bằng. Điều đặc biệt là ở các nội dung đồng đội, Ban tổ chức không phân biệt VĐV nam hay nữ, mục đích để các VĐV có cùng trình độ được thi đấu cùng nhau để cọ xát, học hỏi và tích lũy thêm kinh nghiệm thi đấu ở các giải lớn.

Một điểm đáng chú ý là tại giải đấu này, BTC đã bố trí 4 bàn thi đấu được trải thảm ở sàn đấu, đủ điều kiện như tại giải thi đấu quốc tế.

N.A.

Phan Đăng
.
.