Khi những “ổ khóa tình yêu” biến thành gánh nặng

Thứ Năm, 18/06/2015, 10:35
Cây cầu Pont des Arts ở Paris, Pháp, đã phải đóng cửa từ ngày 1 đến 8/6 để gỡ hàng triệu “ổ khóa tình yêu” vì sợ sập! Mốt gắn ổ khóa vào thành cầu để tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu đang trở thành gánh nặng - đúng theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - cho những cây cầu không chỉ riêng ở Pháp mà còn cả trên toàn thế giới.

Rác hay nghệ thuật?

Paris, thủ đô nước Pháp, là điểm đến sáng giá đối với khách du lịch khắp nơi. Sông Seine chảy qua thành phố là nơi hò hẹn lý tưởng của những cặp tình nhân. Bắc qua sông Seine là những cây cầu, mỗi chiếc cầu là một công trình kiến trúc có nét độc đáo riêng, tất cả đều đóng góp và tô đậm thêm nét đẹp và sức cuốn hút của thành phố Paris.

Gần 1 triệu ổ khóa đang làm cây cầu oằn lưng.

Một trong những cây cầu bắc qua sông Seine là Cây cầu Nghệ thuật (Pont des Arts). Chính tại nơi này đã xuất hiện một truyền thống được duy trì nhiều năm khi những cặp tình nhân đến gài vào hai bên thành cầu những "ổ khóa tình yêu" trên có ghi thông điệp về cuộc tình, rồi ném chìa khóa xuống dòng sông.

Ngay cả khi bầu trời xám xịt, thì trên cầu Nghệ thuật vẫn đông đảo du khách. Ai nấy tranh nhau chụp ảnh và tìm lấy một chỗ trống trên cầu để ghi dấu ấn tình yêu qua các ổ khóa đủ kiểu, cỡ, màu sắc, hoa văn và đủ mọi thứ tiếng… Nào là những ổ khóa bằng đồng, bằng nhựa, bằng vải, được chính tay các đôi tình nhân vẽ họa tiết lên đấy để tạo nét riêng cho mỗi cặp, như một cuộc chạy đua xem đôi nào sẽ có biểu tượng tình yêu đẹp nhất, ấn tượng nhất... Có đôi còn gắn cả khóa chống trộm xe đạp lên cầu. Nhìn từ xa, cầu Nghệ thuật trông như được mạ vàng, với hai bên cầu điểm xuyết những ổ khóa mà các cặp đôi móc lên để thề non hẹn biển.

Đối với những người khác, Pont des Arts đã trở thành một sân khấu. Những cặp tình nhân sắp cưới ở các nước lân cận dùng Paris và Pont des Arts làm phông cho bộ ảnh kỷ niệm chụp trước lễ cưới. Cảnh sát theo dõi những lần chụp ảnh này, không phải để bắt giữ cặp tình nhân, mà để bắt những người bán ổ khóa, bởi vì luật hiện hành nghiêm cấm hoạt động bán ổ khóa trên Pont des Arts hoặc các địa điểm kế cận. Nhưng khi chiều tàn, cảnh sát hết ca trực, thì từ bóng tối người ta lại thấy xuất hiện những người rao bán những ổ khóa mới, lớn nhỏ đủ loại.

Thoạt tiên được coi là một truyền thống đáng yêu, biểu tượng cho tình yêu, nhưng qua năm tháng, cây cầu đã bắt đầu trĩu xuống bởi sức nặng ước lượng 45 tấn của gần 1 triệu ổ khóa bằng kim loại, mà giới ủng hộ cho là trông giống như một tác phẩm điêu khắc đương đại, trong khi giới chỉ trích mô tả là một thứ ung nhọt bằng kim loại không ngừng lây lan, phá hoại nét đẹp kiến trúc của cây cầu và mỹ quan thành phố.

Tháng 6/2014, một thanh lan can dài hơn 2m trên Chiếc cầu Nghệ thuật đã bị sập do không chịu nổi sức nặng của các ổ khóa. Vào lúc đó, cây cầu cổ xưa đã phải đóng cửa để sửa chữa và may mắn thay, không một ai bị thương. Sau sự cố trên, chính quyền thành phố Paris cho biết sẽ cân nhắc việc hạn chế gắn ổ khóa vào các cây cầu ở thành phố. Khối lượng ổ khóa tình yêu trên mỗi thành cầu quá nhiều buộc thành phố Paris phải kiểm tra, tháo dỡ và thay thế thành cầu, cứ hai tuần một lần.

Ngoài vấn đề sức nặng, các nhà sinh thái học lo lắng dòng sông Seine sẽ trở nên ô nhiễm bởi hàng nghìn chiếc chìa khóa bị ném xuống sông. Tháng 2/2015, hai người Mỹ là Lisa Anselmo và Lisa Taylor-Huff đã thực hiện một chiến dịch với tên gọi "Not Love Locks" (Bỏ khóa tình yêu) đã thu thập được hàng ngàn chữ ký người dân tại Paris vì quan ngại về những hậu quả mà những móc khóa tình yêu có thể gây ra đối với các di tích này. Hai người sáng lập ra bản kiến nghị cho rằng, khi những chiếc ổ khóa này bắt đầu hoen gỉ sẽ lan sang các cây cầu, từ đó làm ảnh hưởng đến vẻ mỹ quan của thành phố. Do đó, họ mong muốn du khách đến Paris không tiếp tục tạo nên những hình ảnh phản cảm như vậy nữa.

Một cặp đôi đang dạo bước trên cây cầu nổi tiếng.

Các ổ khóa được dùng làm bằng chứng tình yêu bắt đầu xuất hiện ở Paris vào năm 2008, mặc dù truyền thống ấy có cách đây gần 100 năm, xuất xứ từ một chuyện tình buồn của Serbia trong Thế chiến I, một mối tình dang dở giữa cô giáo trẻ với một người lính đang chuẩn bị ra chiến trường. Serbia thất trận, người lính ở lại Hy Lạp nơi anh trú đóng, rồi lập gia đình với một cô gái địa phương và không bao giờ trở về quê cũ.

Cô giáo buồn qua đời với trái tim tan vỡ, các thiếu nữ trong thị trấn muốn tránh hoàn cảnh bi đát của cô giáo, bắt đầu gài những ổ khóa tình yêu lên một cây cầu trong thành phố. Chuyện tình buồn lan truyền từ Serbia nhưng dần dà chìm vào quên lãng. Nửa sau của thế kỷ XX, chuyện tình buồn của cô giáo trẻ hồi sinh trong một bài thơ mang tên "Câu kinh tình yêu" của Desanka Maksimovic, nữ thi sĩ nổi danh nhất của Serbia.

"Toàn cầu hóa" ổ khóa tình yêu

Mặc dù có nhiều ý kiến phản đối và chỉ trích, nhưng xu hướng này đã lan ra tới những cây cầu khác trên thế giới như tại Moskva, New York, Seoul, Budapest, Roma, Tokyo. Hiện tượng này trở thành một thách thức cho chính quyền sở tại. Không ít nơi sau đó đã buộc phải loại bỏ những dấu tích này vì sợ ảnh hưởng tới mỹ quan cây cầu.

Hàng rào thép dày ổ khóa sẽ không còn nữa.

Cầu Ponte Vecchio ở thành phố Florence (Firenze), Italia cũng buộc phải cắt bỏ ổ khóa chi chít trên đó đi. Thủ đô Roma cấm bấm khóa trên cầu Ponte Milvio. Ngay từ năm 2007, Thị trưởng Roma đã quyết định cấm móc ổ khóa lên cầu, sau khi một cột đèn đường đã bị gãy do phải "oằn mình" gánh quá nhiều cặp khóa. Ai vi phạm lệnh cấm sẽ bị phạt 50 euro.

Tại Chester, Anh, Hội đồng thành phố đã đề nghị cắt 330 móc khóa khỏi cầu treo Queen's Park vào tháng trước. Chính quyền nhiều thành phố ở Mỹ đã buộc phải sử dụng kìm sắt để bẻ gãy những ổ khóa tình yêu vì lo ngại trọng lượng của chúng có thể làm sập cầu.

Thế nhưng các biện pháp hạn chế, qua hình thức phạt vạ hay treo bảng cấm, dường như vẫn chưa kìm hãm được trào lưu gắn ổ khóa tình yêu. Tuy mới rộ lên trong những năm gần đây nhưng phong trào này lại lan truyền rộng rãi đặc biệt vào mùa hè du lịch. Tại Moskva, Berlin, Bruxelles, Kiev, Vilnius, Verona (xứ sở của Roméo và Juliette), Roma, Venezia, Thượng Hải, Marrakech, Praha, các ổ khóa tình yêu đều đang rất thịnh hành.

Giải pháp nào cho những ổ khóa tình yêu?

Pont des Arts không phải là chiếc cầu duy nhất ở Paris thu hút những cặp tình nhân muốn để lại kỷ vật tại "thành phố của tình yêu". Các cặp tình nhân còn gài ổ khóa tại 2 cây cầu khác là Pont de l'Archevêché và Passerelle Simone de Beauvoir, gây ra một cuộc tranh luận gay gắt giữa Hội Bảo trì Di tích lịch sử và các tổ chức du lịch ở Pháp, khiến cho tân Thị trưởng Anne Hidalgo phải can thiệp.

Trong một thông cáo công bố sau khi Hội đồng thành phố quyết định tháo gỡ các ổ khóa, Hội đồng thành phố Paris cho rằng: "Paris là thủ đô của tình yêu, chúng tôi rất tự hào về điều đó nhưng có rất nhiều cách để biểu lộ tình yêu, ngoài những ổ khóa".

Với quyết định đó, hình ảnh các ổ khóa trên Cầu Pont des Arts dần dà sẽ chỉ còn là kỷ niệm, xuất hiện đâu đó trong những bộ phim quay ở Paris, để lại niềm nuối tiếc khôn nguôi cho những cặp tình nhân đã từng ghé ngang qua Paris và bỏ lại thành phố hoa lệ này một kỷ vật về mối tình đẹp của họ.

Ngày 1/6, các giới chức thành phố Paris thông báo bắt đầu tháo gỡ các ổ khóa và thay thế các thanh sắt bằng những tấm kính dày, để ngăn không cho các cặp tình nhân gài các ổ khóa mới.

Trước đó, kể từ mùa hè năm 2014, để cứu lấy các cây cầu đang oằn mình trước sức nặng của các ổ khóa tình yêu, chính quyền Paris đã đưa ra một chiến dịch kêu gọi các cặp tình nhân hãy chụp ảnh "tự sướng" trên cầu rồi đăng lên mạng Twitter hay Facebook thay vì treo ổ khóa.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.