Văn hóa đọc… lên ngôi:

Khi những trang viết nuôi dưỡng tâm hồn

Thứ Ba, 27/09/2016, 20:45
Vào dịp mùa thu hằng năm, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh theo thường lệ, có sách mới "ra lò". Điều kỳ lạ là trong rất nhiều năm, sách của Nguyễn Nhật Ánh luôn có một lượng độc giả "khủng" đến mua sách, xin chữ ký của tác giả. Và, nghiễm nhiên, Nguyễn Nhật Ánh có thể gọi là một trong những nhà văn "bạc tỉ" sống đàng hoàng bằng nhuận bút sách.

Nhiều người vẫn cho rằng, văn hóa đọc đang "xuống cấp", song trên thực tế, qua hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh, có thể khẳng định rằng, cùng với công nghệ truyền thông, sách hay và phù hợp với xu thế luôn có một lượng độc giả "khủng" không bao giờ quay lưng lại với văn hóa đọc...

Tôi có dịp đến dự lễ ra mắt cuốn sách "Ngày xưa có một chuyện tình" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong ngày 18/9 vừa qua tại phố Đinh Lễ. Nếu được chứng kiến cảnh những cô cậu học sinh tuổi mới lớn đứng xếp từng hàng dài, trên tay cầm cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh để chờ đến lượt mình được ký tặng, sẽ thấy xúc động vô cùng vì một thế hệ trẻ mê đọc sách.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký sách tặng bạn đọc trẻ.

Có những cô cậu còn đi cùng bố mẹ, họ kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình. Trong cái nắng trưa giao mùa còn sót lại của mùa hè, họ vẫn xếp hàng trật tự, không ồn ào, không nói quá nhiều, có những bạn trong lúc chờ đợi đã cầm sách đọc một cách say mê.

Cuộc ký tặng sách ấy của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bắt đầu từ 8h30 phút sáng mà kéo dài tận đến 16h chiều mới dừng lại. Buổi trưa, nhà văn chỉ nghỉ giải lao 30 phút ăn trưa, uống vội cốc cà phê và lại tiếp tục công việc ký tặng sách của mình ở một nhà sách không có điều hòa, oi bức của thời tiết. Mặc dù trong quán cà phê gần đó, nhiều bạn bè biết ông ra Hà Nội đã ngồi sẵn chờ ông để chuẩn bị những câu chuyện hàn huyên.

Nhìn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mướt mát mồ hôi, tay thỉnh thoảng... mỏi vì viết liên hồi, nhưng trên môi ông luôn nở nụ cười tươi tắn và thân thiện với những người bạn nhỏ của mình. Dường như ông không hề mệt trong suốt một ngày dài tại phố Đinh Lễ bởi vì tấm lòng của các bạn trẻ dành cho sách của ông quá lớn. Nhiều cô cậu, ngoài chữ ký còn muốn chụp ảnh cùng tác giả, để có thể có một tấm hình lưu giữ lại cùng nhà văn mà họ yêu mến.

Ngọc Linh, học sinh lớp 11 chia sẻ: Khi nghe tin nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có sách mới, em đã đi mua sách từ sớm và chờ đợi đến ngày tác giả ra Hà Nội để ký tặng. Trên giá sách của em có đầy đủ sách của Nguyễn Nhật Ánh không thiếu một cuốn nào, từ "Cho tôi một vé đi tuổi thơ", "Hoa vàng cỏ xanh", "Chú chó nhỏ mang giỏ hoa hồng"... Linh đọc và giữ lại sách để cho em gái đang học những năm đầu cấp hai cùng đọc vì hai chị em đều thích sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Linh cho rằng, sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gần gũi với tuổi của em, ngôn ngữ dễ hiểu, câu chuyện dễ hiểu và kể cả những câu chuyện tình cảm lãng mạn cũng mang đậm những nét học trò và gần gũi với tuổi mới lớn. Em khẳng định, thông qua những câu chuyện, em học được rất nhiều kinh nghiệm ứng xử cũng như cảm thấy có mình trong những câu chuyện ấy. Đọc những trang sách ấy, Linh thấy mình có động lực học tập và cảm thấy nhiều niềm vui khi đến trường.

Bạn đọc trẻ xếp hàng chờ xin chữ ký tác giả Nguyễn Nhật Ánh.

Có lẽ, đọc sách khác với những trào lưu vui chơi, giải trí khác, nhất là đối tượng lại là những cô cậu tuổi học trò quỷ ma hiếu động. Để đến với những trang sách, đắm chìm trong nó phải là một nhu cầu tự thân, một niềm say mê thực sự từng câu chữ... Có lẽ nắm được "tâm lý" ấy của lứa tuổi học trò, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luôn đứng ở vị trí, vai trò là một cậu bé, cô bé để nói câu chuyện của các em, kể về cuộc sống ở lứa tuổi các em để được làm bạn, làm một người đồng hành.

Sách của ông luôn được in và tái bản với số lượng "khủng". Với truyện dài "Ngày xưa có một chuyện tình", ở lần in đầu, NXB Trẻ sẽ phát hành 70.000 bản bìa mềm, 10.000 bản bìa cứng. Cuốn "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" in tới 20 vạn bản, "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" tái bản lần thứ 58 và in tới 30 vạn bản... Đó là một con số đáng mơ ước của bất cứ nhà văn nào. Rất nhiều người cho rằng, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết truyện thiếu nhi, thiếu niên từ những năm 80 của thế kỷ trước mà cho đến tận hôm nay vẫn được bạn đọc trẻ yêu thích vượt qua những rào cản về tuổi tác, thế hệ, trong khi nhiều tác phẩm thiếu nhi khác lại không vượt được rào cản thế hệ, giáo điều...

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng, trẻ em ở thời nào cũng có những nét tương đồng về tính cách, tâm lý, cả những lỗi lầm và những giấc mơ. Điều kiện và hình thức sinh hoạt có thể mỗi thời mỗi khác, nhưng bản chất mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ, anh em, thầy cô, bạn bè về cơ bản không có gì thay đổi. Do vậy, ông cho rằng yếu tố quyết định sự thành công của một nhà văn viết cho trẻ em nằm ở chỗ tác giả có chạm được vào tâm hồn của các em hay không. Nếu nhà văn thể hiện đúng thần thái, tính cách tiêu biểu của trẻ em thì trẻ em thời nào cũng có thể nhìn thấy bóng dáng mình trong đó. Có lẽ chính quan niệm này đã đưa tên tuổi ông luôn ở vị trí nhất định trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ.

Giáo sư Đinh Xuân Dũng, Ủy viên thường vụ Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương trong một cuộc phát biểu cho rằng, Nguyễn Nhật Ánh được đánh giá là một trường hợp cá biệt của văn học Việt Nam thời mở cửa, các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phá vỡ mọi quan điểm về thị trường văn học trong nước. Giữa lúc người ta than thở sách văn học trong nước bán được rất ít thì sách của Nguyễn Nhật Ánh hầu như liên tục đứng đầu về doanh số bán bỏ xa các sách văn học dịch nổi tiếng thế giới.

Khi mọi người than sách bán chạy toàn là loại sách ít giá trị văn học thì sách Nguyễn Nhật Ánh đoạt hết giải thưởng văn học này đến giải thưởng văn học khác. Lúc các nhà văn than bạn đọc ngày nay thay đổi khác xưa khiến tư duy nhà văn theo không kịp thì những sáng tác cách nay 30 năm của Nguyễn Nhật Ánh giờ vẫn ăn khách. Đáng tiếc, hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh đến nay vẫn là cá biệt, thi thoảng có nhà văn cũng thoáng nổi lên nhưng sau đó lại bặt tăm.

Có thể thấy rõ rằng, một cuốn sách hay thì ở thời nào, dù đó là thời công nghệ phát triển hay rất nhiều những hỗn tạp, xô bồ của đời sống cuốn con người ta đi. Một trong những cuốn sách gần đây, đã trở thành "hiện tượng" gây tò mò trong lòng bạn đọc là cuốn "Quân khu Nam Đồng" của tác giả Bình Ca.

Theo đơn vị xuất bản, cuốn "Quân khu Nam Đồng" in lần đầu năm 2015 mà đến nay đã tái bản tới lần thứ 11 và chưa dừng lại ở đó. Tác giả của cuốn sách, trước đó, chưa từng viết một dòng văn hay một mẩu báo. Bản thân tên thật của anh, cũng được "ẩn danh" và Bình Ca chỉ là một "dấu hiệu" được rất nhiều người truy tìm là ai sau sự kiện sách "Quân khu Nam Đồng".

Điều này cho thấy rằng, sách hay và "hot" không phải ở tên tác giả, mà ở chính nội dung cuốn sách. Sách hay không phải nó mang tính hàn lâm hay những triết lý cao siêu ở một chân trời xa lạ, mà bản thân nó đã nói hộ tiếng nói của nhiều con người trong một thời điểm nào đó không thể mờ phai của quá khứ, để trân trọng hơn cuộc sống hiện tại...

Tác giả Bình Ca và cuốn “Quân Khu Nam Đồng”.

Nhà văn Bảo Ninh khi đọc "Quân khu Nam Đồng" đã khẳng định, dù trước đó không biết tác giả là ai, nhưng anh biết đó không phải là một nhà văn chuyên nghiệp, bởi lẽ chuyên nghiệp viết văn thì không nhìn, không kể, không viết được như vậy. Phóng khoáng, mạnh bạo, dạn dĩ viết, không tự gò mình vào những khuôn phép văn chương, không tránh né những chông gai hầm hố của hiện thực từng có trong số phận con người và trong đời sống xã hội một thời, nhưng cũng không tô vẽ, bôi đen, phủ hồng sự thật...".

Không phải ngẫu nhiên mà "Quân khu Nam Đồng" trở thành một hiện tượng. Nó đã đánh thức cả một thế hệ với hồi ức không thể quên của một thời kỳ bao cấp khốn khó, nhắc nhiều người nhớ về một thời mà chất lính đậm đặc trong những ngóc ngách đời sống. Ở đó có bóng dáng cha ông một thời trận mạc binh lửa...

Tác giả Bình Ca đã chia sẻ: "Tôi vốn hiền lành, nhút nhát và ngại xuất hiện chỗ đông người. Trong thời buổi cởi mở thông tin và tự do gần như hoàn toàn trên các trang mạng xã hội như hiện nay, biết đâu tôi lại bị thiên hạ xúm vào "ném đá" vì tội chẳng biết gì văn chương chữ nghĩa mà dám viết sách. Ban đầu, tôi chỉ muốn viết lại chuyện ngày xưa, gửi bạn bè đọc chơi, không có ý định xuất bản.

Trước khi cầm bút viết câu chuyện này, tôi chưa từng viết dù chỉ một trang trên báo. Thế rồi, chú em tôi đọc, cho là hay, đòi đem in. Nhưng chú ấy có bị phơi tên ra đâu, nếu chẳng may sách bị người ta chỉ trích. Tôi dùng bút danh vì nếu như cuốn sách có dở hoặc làm ai đó không hài lòng, cứ để họ "ném đá" cái ông Bình Ca nào đó.

Tôi muốn kể cho mọi người câu chuyện về một giai đoạn có vẻ bị văn chương nước nhà bỏ quên: Tuổi thơ trong các khu gia binh những năm đất nước chưa thống nhất. Và qua đó, tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ ngày nay một điều: Dù các bạn có sống bao lâu đi chăng nữa, hai mươi năm đầu chính là nửa đời tươi đẹp và quan trọng nhất của bạn. Hãy cố gắng sống sao cho vui vẻ, hạnh phúc, và đừng để mình trượt ngã ngay từ vạch xuất phát. Mong các bạn coi câu chuyện của chúng tôi như một sự trải nghiệm, để giúp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Nếu không có những câu chuyện trong quá khứ cho đến ngày nay vẫn còn nóng hổi, nếu không có bạn bè luôn ôn lại kỷ niệm xưa mỗi khi gặp nhau và không có sợi dây tình bạn thân thiết ràng buộc, tôi sẽ không thể viết nên cuốn truyện này.

Tất nhiên, tôi không phủ nhận vai trò cá nhân. Dữ liệu của tuổi thơ ngày đó là vô tận, có thể viết liền ba tập như thế này cũng chưa hết chuyện... Mọi người ở khu tập thể Nam Đồng đều biết, đều nhớ, nhưng tôi là người đầu tiên viết thành một cuốn sách. May mà các bạn trong "Quân khu Nam Đồng" thích câu chuyện này. Đối với tôi, đó là điều quan trọng nhất...".

Churchill Sir Winston đã từng nói: "Gặp được một quyển sách hay, nên mua liền dù đọc được hay không đọc được, vì sớm muộn gì cũng cần đến nó". Văn học Việt Nam đang có những sự chuyển mình trong dòng xoay của rất nhiều những cám dỗ hấp dẫn khác.

Tuy nhiên, nếu được hòa mình trong dòng người đợi chờ để mua sách, để được ký tặng sách, hoặc đến các nhà sách, các công ty sách, đến các NXB sách... sẽ thấy vẫn còn nhiều người dành tình yêu cho sách, cho văn hóa đọc, cho những trang viết của những tác giả, đôi khi chỉ là vô danh, thì biết rằng, những trang viết vẫn là một ngọn lửa thực sự ấm áp nuôi dưỡng cho tâm hồn...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.