Khi rường cột kinh tế châu Âu bị lung lay

Thứ Tư, 28/11/2012, 11:40

Cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu từ hơn hai năm nay đang bắt đầu tác động tới những trụ cột chính của khu vực sử dụng đồng tiền chung euro. Trong khi báo chí Pháp cho biết ngành kinh tế huyết mạch của Đức bắt đầu suy giảm thì báo chí Anh và Đức cho rằng, kinh tế Pháp đang là quả bom nổ chậm của châu Âu!

Những chỉ số kinh tế vĩ mô mới nhất cho thấy hậu quả cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu đã bắt đầu ảnh hưởng tới Đức. Đây là nhận định trong bài báo đăng trên tờ Le Figaro của Pháp số ra mới đây. Theo dự báo của Bộ Kinh tế Đức, tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ trì trệ trong quý 4 năm nay và sẽ kéo dài trong suốt quý I/2013. Mặc dù hiện các doanh nghiệp Đức đang buộc phải giảm mạnh đầu tư, song Bộ Kinh tế Đức nhận định rằng đây chỉ là hiện tượng mang tính chất tạm thời, do cuộc khủng hoảng nợ công ở cựu lục địa gây ra.

Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu, trụ cột chính của nền kinh tế Đức, đã sụt giảm 3,4% trong tháng 9/2012. Trong khi đó, xuất khẩu toàn khu vực châu Âu giảm tới 9,1%, mức kỷ lục chưa từng thấy kể từ tháng 11/2009. Số lượng đơn đặt hàng công nghiệp ghi nhận trong khoảng thời gian này cũng sụt giảm thê thảm mà chưa xuất hiện tín hiệu lạc quan về triển vọng hồi phục.

Tờ Le Figaro nhận định: Tinh thần các chủ doanh nghiệp Đức đang bị lung lay. Một số doanh nghiệp lớn của Đức bắt đầu rục rịch các chính sách sa thải nhân viên. Ngay cả ngành công nghiệp sản xuất ôtô cũng bắt đầu có dấu hiệu "hụt hơi", trong khi các nhà sản xuất buộc phải bán tống bán tháo sản phẩm để duy trì doanh số bán hàng.

Các chuyên gia kinh tế còn lo ngại rằng, lĩnh vực máy móc, dụng cụ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng, do một số doanh nghiệp bắt đầu thực hiện chính sách thất nghiệp bán phần.

Trên bình diện thất nghiệp, hiện nay, tuy thị trường lao động Đức được đánh giá là tốt, nhưng có thể bị "hụt hơi": tỉ lệ thất nghiệp ở Đức năm 2012 dự kiến ở mức 6,8%, nhưng có khả năng gia tăng trong năm tới.

Trong khi đó, trên số báo ra ngày 17/11, tuần báo Anh The Economist đăng một hàng tít lớn gây sốc trên trang nhất "Nước Pháp: Quả bom nổ chậm ngay trong lòng châu Âu". Với hình ảnh những ổ bánh mì baguette, được buộc chặt bằng một dải băng mang màu cờ của Pháp, giống như là một bó thuốc nổ, có gắn một ngòi nổ. Tờ báo giải thích vì sao nước Pháp trở thành một mối nguy hiểm lớn nhất cho khối đồng tiền chung châu Âu.

Theo The Economist, cho đến giờ Pháp vẫn có những điểm mạnh, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm lộ rõ những điểm yếu của nền kinh tế đất nước. Từ nhiều năm nay, tính cạnh tranh của Pháp đã mất dần ưu thế so với Đức, là bởi vì quốc gia này đã kịp tiến hành một loạt các chính sách cải cách lớn và cắt giảm các khoản chi tiêu.

Trong khi do không thể phá giá đồng tiền để thúc đẩy tăng trưởng, Paris đã dùng đến chính sách tăng chi tiêu công để hỗ trợ tiêu thụ nội địa. Không như các quốc gia khác trong khối, cố gắng kìm hãm nợ công, chi tiêu công cộng của Pháp đôi khi chiếm đến gần 57% tỷ trọng của GDP, mức cao nhất trong khối Liên hiệp châu Âu. Bởi vì, thâm hụt ngân sách đã có từ năm 1981, nợ công đã tăng từ 22% cho đến mức 90% như hiện nay.

Hơn nữa, theo The Economist, môi trường kinh doanh và đầu tư tại Pháp ngày càng tồi tệ. Các doanh nghiệp Pháp bị bóp nghẹt bởi các quy định nghiêm ngặt về luật lao động và sản xuất-thị trường, nhất là mức thuế áp cho doanh nghiệp quá cao và các khoản đóng góp cho xã hội mà doanh nghiệp phải trả nặng nhất trong khu vực đồng euro.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và đồng nhiệm Pháp Jean-Marc Ayrault tại Berlin, ngày 15/11.

Nhìn chung, tờ báo Anh đã chỉ trích khá gay gắt chính phủ do đảng Xã hội cầm quyền, khi lên án họ là thiếu can đảm để tiến hành cải cách. Tờ báo dự đoán rằng nước Pháp có thể trở thành một mối nguy hiểm lớn nhất cho khối đồng tiền chung châu Âu. Khủng hoảng có thể sẽ tác động xấu lên nước Pháp vào năm tới.

Ngay cả tờ Le Figaro của Pháp mới đây cũng cho rằng nền kinh tế Pháp đang đứng bên bờ vực suy thoái. Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Pháp, được công bố hôm 9/11 vừa qua, trong IV bốn năm nay, GDP của Pháp có thể bị giảm 0,1%, sau khi bị giảm ở mức tương tự trong quý III.

Dự báo của Ngân hàng Trung ương Pháp dựa trên cuộc điều tra về tình hình hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Theo đó, sản xuất công nghiệp lại một lần nữa bị giảm nhẹ trong tháng 10, chủ yếu là do hoạt động trong công nghiệp xe hơi vẫn tiếp tục bị suy giảm. Tỷ lệ khai thác khả năng sản xuất vẫn chững lại và thấp hơn mức trung bình, đơn đặt hàng không đủ. Giá các thành phẩm tiếp tục tăng ở mức nhẹ. Tình hình khu vực dịch vụ trong tháng 10 cũng tương tự.

Như vậy, kinh tế Pháp gần như rơi vào giai đoạn suy thoái. Tuy nhiên, Bộ Tài chính và Bộ Kinh tế Pháp đang cố trấn an các nhà đầu tư, khi cho rằng "tình hình cuối năm sẽ gặp phải một số khó khăn, nhưng sau đó sẽ dần được khắc phục". Sự thừa nhận nền kinh tế Pháp đang rơi vào khủng hoảng được chính Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault đưa ra trong lời phát biểu hôm 6/11 rằng Chính phủ Pháp đã loan báo một kế hoạch nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các công ty Pháp, và kế hoạch này được đề ra "mở đường cho việc đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng".

Nhìn tổng thể khu vực sử dụng đồng euro, trong bảng dự báo kinh tế công bố hôm 7/11, Ủy ban châu Âu đã phác họa một viễn cảnh không mấy sáng sủa của khu vực đồng euro: Tăng trưởng yếu kém, thất nghiệp gia tăng, không kỷ luật chi tiêu ngân sách. Trong tình hình đó, Bruxelles đã hạ thấp dự báo tăng trưởng cho vùng đồng euro.

Theo dự báo, GDP các nước trong vùng sử dụng đồng tiền chung châu Âu sẽ co thắt với tỉ lệ 0,4% vào năm 2012, cao hơn dự kiến đưa ra hồi mùa xuân. GDP năm 2013 sẽ tăng lên nhưng chỉ ở mức 0,1%. Có lẽ phải chờ đến năm 2014 thì khu vực đồng tiền chung châu Âu mới có được tỉ lệ tăng trưởng hơn 1%. Trong những quốc gia bị đình đốn nặng nề nhất, có Tây Ban Nha và Italia. GDP của Tây Ban Nha sẽ co thắt đến 1,4% năm nay và năm tới, GDP của Italia dự kiến giảm 2,3% năm nay và tăng nhẹ 0,5% vào năm 2013.

Trong bối cảnh như vậy, niềm tin giữa 2 rường cột của EU cũng đang bị thử thách. Số là ngày 7/11, 5 nhà kinh tế cố vấn cho Chính phủ Đức đã trình Thủ tướng Merkel bản tường trình mới về tình hình kinh tế Đức năm 2012 và nêu ra một số dự đoán trong năm 2013 cùng với nhiều đề nghị liên hệ. Điều đáng nói là trong báo cáo dài 400 trang này, các cố vấn kinh tế Đức phán một câu xanh rờn rằng: "Nước Pháp đang là vấn đề lớn nhất hiện nay trong khu vực đồng euro". Nhận xét này đã đẩy quan hệ Pháp - Đức căng thẳng thêm một nấc và dẫn đến việc ngày 15-11, Thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrault phải đến Berlin để trấn an dư luận Đức về tình hình kinh tế Pháp.

Pháp và Đức là hai đầu tàu của EU. Hòa bình và thịnh vượng của khu vực này trên nửa thế kỷ qua là kết quả sự hợp tác và tin cậy giữa hai nước này. Từ hơn hai năm nay đồng euro rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, có những lúc tưởng như khu vực đồng euro bị tan rã và giữa 17 nước thành viên đã có những bất đồng lớn trong phương cách giải quyết cuộc khủng hoảng. Nhưng dường như hiện nay các nước này đang tìm ra được giải pháp vừa khẩn cấp vừa lâu dài cho khu vực đồng euro và toàn EU.

Hướng đi giải quyết nó đã khá rõ qua việc tiến hành đồng thời trên 3 lĩnh vực: cứu các nước gặp khó khăn, kết hợp với cải tổ sâu rộng những cơ cấu không thích hợp ở từng nước và kiện toàn tổ chức của EU theo hướng giảm quyền lực quốc gia của các nước thành viên và tăng cường quyền hành cho EU, nhất là trong các lĩnh vực ngân sách, ngân hàng và kinh tế.

Điều nan giải ở đây là làm thế nào thỏa mãn cả ba yêu cầu này trong một khoảng thời gian cho phép. Vì chỉ giúp tiền bạc, nhưng nếu các cơ chế bảo thủ và sai lầm trong kinh tế, tài chính, lao động và xã hội vẫn tồn tại thì như muối bỏ bể, xây nhà trên cát. Đó là trường hợp của Hy Lạp. Nhưng muốn sửa đổi các cơ cấu này ngay trong từng nước cũng rất khó khăn, vì sự chống đối của nhiều giới cảm thấy quyền lợi bị thiệt thòi. Việc sửa đổi các cơ cấu tổ chức và điều hành trên bình diện toàn khu vực đồng euro (17 nước) và cả EU (27 nước) cũng nan giải không kém, vì đây là 17 và 27 quốc gia độc lập trên mọi lĩnh vực chứ không phải là một liên bang như ở Mỹ.

Nhưng sau một số những chần chừ thử nghiệm không thành công từ 2 năm qua, nên gần đây EU đã bắt tay thực hiện song song cả ba lĩnh vực: giúp đỡ ngay các nước gặp khủng hoảng tài chính bằng các khoản tiền lớn, nhưng bắt các nước này phải thực hiện các cải cách thực sự trong lĩnh vực ngân sách, kinh tế, lao động và xã hội. Đồng thời Chủ tịch EU và Ủy ban EU đã được giao phó đưa ra một dự án cải tổ toàn diện EU theo mục tiêu giảm bớt quyền các nước hội viên và gia tăng quyền của EU. Nếu ba lĩnh vực căn bản này được thực hiện tốt thì hy vọng trong các năm tới đồng euro và EU sẽ vượt qua khủng hoảng

Một Thạch (tổng hợp)
.
.