Kho tàng dưới đáy biển

Thứ Tư, 12/04/2017, 10:05
Cách đây một phần tư thế kỷ, ngày 7 và 8-4-1992 tại Amsterdam đã tổ chức cuộc bán đấu giá quốc tế đồ cổ Vũng Tàu do Công ty Trục vớt cứu hộ Việt Nam - VISAL phối hợp với Công ty Halstrom Holding của Thụy Điển thực hiện. Được hãng Cristies - nhà bán đấu giá nổi tiếng - tổ chức, cuộc đấu giá đã thành công mang về cho Việt Nam 6,7 triệu USD chỉ trong 2 ngày bán với 28.000 cổ vật, trong đó có một món đồ “giá búa” gấp 20 lần giá chào...

Vào một ngày đầu tháng tư năm 1990, khi tôi đang làm việc tại Văn phòng trục vớt Bộ Giao thông Vận tải thì cánh cửa bật mở, anh Trần Viết Trung - trợ lý Tổng Giám đốc Lê Minh Công - với vẻ mặt hớn hở, vui sướng: “Anh Hội ơi, công ty vừa phát hiện ra một tàu đắm ở Vũng Tàu chở đầy đồ cổ”.

Tôi hỏi: “Thế đầu đuôi thế nào?”, Trung đáp: Anh Tuấn, Giám đốc VISAL Vũng Tàu được thợ lặn báo là khảo sát một con tàu đắm ở độ sâu khoảng 45m có nhiều đồ gốm sứ men lam xanh của Trung Quốc chắc đời nhà Thanh tuyệt đẹp, nên chú Công cử em ra cùng anh báo cáo Thứ trưởng Bùi Văn Sướng để vào cuộc. Còn chú Hoàng Văn Lộc đã báo cáo việc này với ông Trần Xuân Giá - Chủ nhiệm Văn phòng HĐBT tại cuộc họp của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng. Thường vụ đồng ý về nguyên tắc cho VISAL tiến hành trục vớt, mấy hôm nữa sẽ có văn bản chính thức.

Món đồ có giá bán gấp 20 lần giá chào.

Khoảng một tuần sau chúng tôi nhận được công văn do ông Trần Xuân Giá ký thông báo ý kiến của Chính phủ đồng ý cho Visal trục vớt đồ cổ tại tọa độ X Vũng Tàu Côn Đảo, yêu cầu VISAL tiến hành các thủ tục pháp lý đầy đủ. Công việc trục vớt về mặt kỹ thuật được sự hợp tác hiệu quả của Công ty Hastrom Holding của Thụy Điển, họ mang nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại vào trục vớt trong số đó có cả tàu ngầm mini có thể lặn sâu hàng trăm mét.

Trong suốt 2 năm 1990, 1991 tôi nhiều lần vào Vũng Tàu chứng kiến anh em thủy thủ, thợ lặn ngày đêm miệt mài với công việc để trục vớt với sản lượng nhiều nhất. Cuối năm 1991 công việc đến giai đoạn kết thúc, ta thu được khoảng 130.000 đồ cổ và bắt đầu công tác phân loại tại Bạch Dinh Vũng Tàu. Theo chủ trương của công ty và sau khi báo cáo xin ý kiến của các bộ liên quan, đồ cổ được chia thành 4 bộ sưu tập đặt tại 3 địa phương (Vũng Tàu, TP HCM, Hà Nội) và một bộ để bản đấu giá quốc tế.

Trong thời gian làm thủ tục cho xuất khẩu tôi thường gặp các anh Vũ Anh Đường ở Văn phòng HĐBT, anh Lưu Trần Tiêu ở Bộ Văn hóa, anh Đỗ Nguyên Khoát ở Bộ Tài chính và trực tiếp báo cáo các anh: Trần Xuân Giá - Chủ nhiệm  Văn phòng HĐBT, anh Phạm Văn Trọng - Thứ trưởng Bộ Tài chính, anh Bùi Văn Sướng - Thứ trưởng Bộ Giao thông và được sự giúp đỡ hết lòng của các anh đối với công tác trục vớt của VISAL và hầu như không gặp một trở ngại nào.

Đến sau tết âm lịch 1992, Công ty Cristies bắt đầu công việc bùng nổ quảng cáo toàn thế giới, ông đại diện Cristies nói với VISAL: “Chúng tôi có truyền thống hơn 200 năm  nghề bán đấu giá quốc tế đồ cổ và các tác phẩm mỹ thuật, đây là lần đầu tiên chúng tôi được hợp tác với các ông, kết quả bán như thế nào chưa thể nói trước vì thông thường một ngày bán đấu giá chúng tôi chỉ bán vài món, ví dụ như một bức tranh Van Gogh có thể đạt tới 20 đến 30 triệu USD. Còn ở đây là đồ cổ nhưng số lượng rất nhiều, 28.000 món, giá khởi điểm được Bộ Tài chính đưa ra là 2,3 triệu USD. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình vì là vinh dự được làm việc với các ông”.

Công việc được tiến hành rất suôn sẻ, chúng tôi đã lấy được giấy phép của các bộ: Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Văn Phòng HĐBT, Bộ Thương mại.

Khoảng giữa tháng 3-1992 khi tôi đang ở nhà, anh Vũ Anh Đường ở Văn Phòng HĐBT đến gặp cho biết khả năng phải dừng lại cuộc bán đấu giá do lệnh của một cấp rất cao.

Tôi liền điện và báo cáo việc này với Tổng Giám đốc Lê Minh Công, ông bảo cứ bình tĩnh đến gặp anh Giá ngay, báo cáo đầy đủ việc này, chắc sẽ giải quyết được thôi. Ngay chiều hôm sau tôi đến gặp anh Giá tại nhà ở đường Đội Cấn. Thật xui xẻo anh Giá lại không có nhà. Tôi gặp vợ anh, đang ngồi nói chuyện thì có điện thoại, chị cầm ống nghe (hồi đó chưa có điện thoại di động), khoảng 5-7 phút sau chị đưa ống nghe cho tôi, tôi báo cáo lại tình hình về cuộc bán đấu giá, anh ấy hỏi: “Đã để lại các bộ sưu tập trong nước như thế nào?”, tôi trả lời là “đã đưa vào đầy đủ tại Vũng Tàu, TP HCM và Hà Nội. Anh ấy nói thế thì được, tôi sẽ báo cáo với anh Sáu (Võ Văn Kiệt) tiếp tục cho bán.

Khoảng 1 tuần sau anh Đường ở Văn phòng HĐBT báo cho tôi biết Chính phủ đã quyết định cho đưa hàng đi bán tại Hà Lan đúng kế hoạch, thật là mừng hết chỗ nói!

Trước ngày lên đường, Việt Nam thành lập đoàn chứng kiến gồm: Tổng Giám đốc Lê Minh Công trưởng đoàn, Hoàng Văn Lộc trợ lý kiêm phiên dịch, Vũ Anh Đường chuyên viên VP HĐBT. Đỗ Nguyên Khoát Vụ trưởng Vụ Giao thông Bộ Tài chính, Nguyễn Quốc Hùng chuyên viên Bộ Văn hóa, Châu Văn Mẫn Phó GĐ Công an Vũng Tàu, và chỉ còn đợi ngày khởi hành.

Khi tàu chở đồ cổ ra khỏi cảng thì bị Hải quan Vũng Tàu chặn lại nói là phải có lệnh của Nhà nước cho đi bán thì mới được. Đưa họ các công văn của  các bộ Tài chính, Thương mại, Văn hóa họ vẫn không chấp nhận. Tôi lại điện báo cáo việc này cho anh Giá, ngay ngày hôm sau anh Giá có công điện khẩn thừa lệnh Chủ tịch HĐBT gửi Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Hải quan, Hải quan Vũng Tàu: “Việc Công ty VISAL chở đồ cổ đi Amsterdam là theo quyết định của HĐBT. Yêu cầu tất cả các cơ quan nghiêm túc thực  hiện”. Thế là qua được cửa ải cuối cùng.

Đoàn Việt Nam đến Hà Lan ngày 5-4-1992, điện báo về không khí chuẩn bị cho cuộc bán đấu giá thật là tưng bừng và sôi nổi. Ngày đấu giá đầu tiên 7-4, khách từ khắp thế giới đến dự ngồi chật kín cả hội trường chính và hội trường phụ. Cuộc đấu giá diễn ra hết sức căng thẳng và quyết liệt. Trong vòng 2 ngày 7 và 8-4-1992 đã bán hết 28.000 cổ vật với tổng giá trị 6,7 triệu USD gấp 3 lần định mức mà Bộ Tài chính đưa ra (2,3 triệu USD).

Báo Công an TP HCM ra một tít lớn: “Cuộc đấu giá đồ cổ đã thành công vang dội với 71 tỉ đồng khối tài sản dưới mặt nước, một con sổ kỷ lục”. Và đây cũng là một con số rất ấn tượng năm 1992.

Phan Tân Hội
.
.