Khoa học lý giải về trải nghiệm cận kề cái chết

Thứ Ba, 03/09/2013, 16:10

Khi tim ngừng đập, "người chết" cảm thấy như “linh hồn” bay thoát khỏi thân xác, trượt vào cửa một đường hầm và trước mắt chỉ là một vùng ánh sáng chói lòa! Những người từng trải nghiệm hiện tượng "cận kề cái chết" (NDE) khẳng định đó là kiếp sau. Nhưng, một nghiên cứu khoa học mới lần đầu tiên cho biết đó thật ra chỉ là "quang cảnh" do não bộ vẫn còn hoạt động mạnh tạo ra.

Khi tim ngừng đập, các tế bào thần kinh (neuron) trong não bộ bắt đầu giao tiếp với mức độ cao hơn mức bình thường để từ đó tạo ra "một bức tranh toàn cảnh với những hiệu quả đặc biệt" như những người trải nghiệm NDE nhìn thấy. Nhà nghiên cứu hàng đầu và chuyên gia thần kinh học Jimo Borjigin nhận xét: "Nhiều người tin rằng những gì mà họ nhìn thấy là thiên đường. Trong khi đó, khoa học trước đây vẫn chưa cung cấp cho họ sự giải thích có sức thuyết phục".

Các nhà khoa học Đại học Michigan (Mỹ) ghi nhận các tín hiệu điện não đồ (EEG) ở 9 con chuột thí nghiệm được gây mê và tiến hành tiến trình ngưng tim của chúng. Trong 30 giây đầu tiên sau khi tim ngừng đập, tất cả 9 con chuột đều có những dấu hiệu cho thấy não bộ của chúng hoạt động mạnh lên, kèm theo trạng thái tỉnh táo và sự kích hoạt thần kinh thị giác. Nói khác đi, những con chuột thí nghiệm đang trải qua NDE như ở con người.

Bác sĩ gây mê George A. Mashour giải thích: "Về cơ bản, thí nghiệm khiến chúng ta nghĩ đến khái niệm sinh học thần kinh của bộ não sắp chết".

Nghiên cứu mới được công bố trên trang web của chuyên san khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences. NDE được ghi nhận tồn tại ở khắp nơi trên thế giới cũng như ở mọi nền văn hóa. Khoảng 20% những người có NDE báo cáo họ nhìn thấy một số cảm giác như ánh sáng chói lòa ở cuối đường hầm, những sự kiện trong cuộc sống từng trải qua hay “linh hồn” thoát khỏi thân xác.

Nữ chuyên gia thần kinh học Jimo Borjigin cho biết: "Có đến hàng trăm ngàn người báo cáo về những cảm giác như thế. Nếu như trải nghiệm xuất phát từ não bộ thì tất yếu ở cơ quan phức tạp này phải có những dấu hiệu như thế nào đó".

George Mashour (trái) và Jimo Borjigin.

Năm 2007, Borjigin đang theo dõi hoạt động tiết chất dẫn truyền thần kinh trong não những con chuột, thì bất ngờ đến nửa đêm có 2 con chuột trong số đó lăn đùng ra chết. Sau khi xem lại dữ liệu, Borjign nhìn thấy vài hoạt động "nhộn nhịp" trong não của 2 con chuột khi sắp chết. Điều này khiến Borjigin phải suy nghĩ: Có những thay đổi gì trong não bộ vào thời điểm tim ngừng hoạt động?

Năm 2012, Borjigin tìm đến đồng nghiệp George A. Mashour, chuyên gia về EEG và ý thức để giúp tiến hành thí nghiệm điều tra có hệ thống về hoạt động của não bộ sau khi tim ngừng đập.

EEG sử dụng các điện cực để đo sự dao động của điện áp trong não bộ do nhiều neuron được kích thích cùng một lúc. Bình thường, não bộ trong trạng thái thức thể hiện những dao động khác nhau tùy theo những tiến trình nào đó đang diễn ra; còn ở não bộ đã chết hoàn toàn thì không có dấu hiệu hoạt động gì. Khi tim bất ngờ ngừng đập, luồng máu đi lên não sẽ ngưng lại gây tử vong trong vài phút sau đó.

Giả định đặt ra là nếu không có sự cung cấp oxy thì bất cứ hoạt động nào của não bộ cũng ngưng lại. Nhưng, sau khi tim 2 con chuột ngừng đập thì Mashour và các đồng nghiệp chú ý thấy có điều ngược lại xảy ra - đó là những dấu hiệu nào đó cho thấy não còn nhận thức. Những dấu hiệu này bao gồm sự giao tiếp căng thẳng giữa các phần khác nhau của não bộ mà thường thấy rõ trong trạng thái con người tỉnh táo. Bác sĩ Mashour cho rằng, có lẽ đó là dấu hiệu của ý thức mà ở đó não hợp nhất những sắc thái khác nhau của thế giới, giống như thông tin thị giác ở một khu vực và thông tin thính giác ở khu vực khác.

Các nhà khoa học đang cố gắng xác định rõ dấu hiệu xung điện của ý thức trong não bộ bởi vì có nhiều tình huống khó xác định - ví dụ, bệnh nhân đang trong tình trạng bị gây mê hay đời sống thực vật hoặc bị cơn tai biến ngập máu não. Jimo Borjigin cũng lưu ý về hiện tượng kích thích thị giác có thể giải thích về ánh sáng trắng chói lòa mà những người trải nghiệm NDE thường kể lại. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định sự ngạt thở do hít carbon dioxide cũng gây "hiệu ứng đặc biệt" nơi những người từng trải qua NDE.

Tuy nhiên, Nicholas D. Schiff - nhà thần kinh học Đại học Weill Cornell, người không liên quan đến cuộc nghiên cứu của Jimo Borjigin và George A. Mashour - tỏ ra hoài nghi về những cách giải thích về hiện tượng NDE mặc dù ông nhận xét công trình nghiên cứu "rất đáng quan tâm" và mới mẻ. Nicholas Schiff tin rằng hoạt động tăng cao ở não bộ trong hiện tượng NDE chỉ đơn giản là phản xạ mạnh của các tế bào não đối với sự thay đổi lớn lao trong chức năng sinh lý não bộ. Schiff cũng cho biết ông không nghĩ sự hoạt động ở não bộ chuột có thể giống như ở con người.

Trong khi đó, Jeffrey Long - chuyên gia xạ trị chữa bệnh ung thư và nhà nghiên cứu về hiện tượng NDE trong hơn 14 năm - cho rằng: "Tuyệt đại đa số những trải nghiệm cận kề cái chết không thể được giải thích bằng cuộc nghiên cứu như thế". Bởi vì, sự thay đổi mạnh của EEG không thể giải thích được cảm giác "lâng lâng rời khỏi thể xác" cũng như sự nhìn thấy những người thân yêu đã qua đời từ lâu mà nhiều người trải qua NDE mô tả. Jeffrey Long là người thành lập Quỹ Nghiên cứu NDE (NDERF), tổ chức đã thu thập hơn 3.000 báo cáo từ những người trở về từ cõi chết trên khắp thế giới trong những năm qua.

Về phần mình, Mashour và Borjigin cũng tỏ ra thận trọng khi tuyên bố về mối quan hệ trực tiếp giữa những phát hiện của họ và NDE

Duy Minh (tổng hợp)
.
.