Không lẽ, lỗi tại con đường?

Thứ Sáu, 22/10/2010, 19:25
Từ cuối tuần trước kéo dài cho đến tuần này, dư luận tại TP HCM liên tiếp phải đón nhận những tin không vui, một phụ nữ chở con đi học, lưu thông trên đường Kha Vạn Cân (Thủ Đức) bị vướng vào nắp cống thoát nước ngã xuống đường và bị xe tải cán chết, người đàn ông đi xe đạp bị nước cuốn trôi vào miệng cống dẫn đến tử vong do ngạt trên đường Tô Ngọc Vân (Thủ Đức) trong trận ngập lịch sử ngày 10/10… Từ xe máy cho đến xe bồn, xe tải, xe taxi đang lưu thông bất ngờ bị lọt vào "hố địa ngục"…

Những vụ việc đau lòng đã diễn ra và rất có khả năng sẽ tiếp tục diễn ra, người dân cứ nơm nớp lo sợ, còn các cơ quan chức năng đang bàn tán tính chuyện trách nhiệm… Không lẽ, mọi chuyện đang xảy ra tất cả đều là do lỗi của con đường(?!).

1. Trưa ngày 9/10/2010, một phụ nữ chở con đi học về đang lưu thông trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) bất ngờ bị va vào phần nhô cao ra phía lòng đường của một nắp hố ga. Cú va chạm làm hai mẹ con chị  ngã sấp xuống đường, lúc này chiếc xe tải đang lưu thông cùng chiều trờ tới. Chị đã tử vong, con trai chị buộc phải chứng kiến từ đầu đến cuối thảm kịch của mẹ mình, những sang chấn tâm lý nghiêm trọng chắc chắn sẽ trở thành nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời của cậu bé.

Sau tai nạn này, người ta vội vàng cho chỉnh trang, tu sửa lại toàn bộ các hố ga đang "chiếm dụng" lòng đường một cách có chủ ý của đơn vị thi công. Người ta cũng nói thêm rằng, sở dĩ nắp hố ga nhô cao ra phía lòng đường do khi chỉnh trang đô thị bằng cách lát gạch vỉa hè và vạt triền lề vỉa hè không hiểu bằng cách nào đó đã khiến hố ga này trở thành cái bẫy tử thần đối với người đi đường.

Sau cái chết của người phụ nữ ấy, nhiều tờ báo đã cho giật cái tít lớn đại khái là "Chết oan vì nắp hố ga". Nhưng trên thực tế, cái chết oan ấy sẽ không bao giờ xảy ra nếu như đơn vị thi công trên đường Kha Vạn Cân ngày nào biết rằng để nắp hố ga lòi ra đường là rất nguy hiểm. Tôi chắc chắn rằng họ biết điều đó, nhưng họ vẫn để mặc vậy. Không biết sau tai nạn thương tâm của người phụ nữ vắn số kia, họ có thể thản nhiên cười nói khi thi công các công trình khác hay không. Cũng có thể có, mà cũng có thể không, nhưng hy vọng rằng dẫu sao đi chăng nữa, người có lương tâm là người không cố tình gieo tai họa cho người khác.

Mà trời ạ, cái nắp hố ga ấy đâu phải chỉ mới cướp đi sinh mạng của một người. Hai năm trước, một người đàn ông cũng từng té ngã vì vướng nắp hố ga này và bị xe tải cán chết.

Cái nắp hố ga chiếm dụng lòng đường này là nguyên nhân khởi đầu cho vụ tai nạn khiến người phụ nữ ở thủ đức thiệt mạng.

Một ngày sau cái chết của người phụ nữ, trong trận ngập lịch sử ở TP HCM ngày 10/10, một người đàn ông khác cũng tử vong do bị nước cuốn trôi vào miệng cống trên đường Tô Ngọc Vân, quận Thủ Đức.

Trên đường đi làm về, trời mưa to, đường bị ngập. Anh gọi điện thoại về báo với vợ con ăn cơm trước, mình ghé nhà bạn mượn xe đạp về để xe khỏi chết máy, nên có thể về muộn. Vậy mà, khi đi ngang qua nắp cống không được che đậy trên đường Tô Ngọc Vân, lúc này nước đã ngập lênh láng, anh đã bị nước cuốn trôi. Người chồng và người cha ấy đã mãi mãi không về nữa.

Và sau cái chết của anh, người ta lại vội vàng chỉ đạo này kia để yêu cầu sửa chữa những khiếm khuyết về hạ tầng giao thông. Hẳn nhiên, người ta sẽ rà soát, sẽ tu bổ nhiều bất cập khác trên đường. Nhưng người chết thì đã không thể sống lại. Mà không biết người ta có biết cái nắp cống này đã từng cuốn hàng chục người khác, chỉ có điều may mắn là họ không tử vong như người đàn ông xấu số nọ.

Ngạc nhiên hơn cả là, người ta lại nói cái chết của người đàn ông trên là do... xui xẻo, là do trời mưa ngập lớn chứ đâu phải là do cái lỗi... không đậy nắp cống của người ta(!). Nói gì mà nói tài thế, đổ thừa gì mà đổ thừa ác thế. Đang yên đang lành, vợ con đang chờ bên mâm cơm đâu ai dại dột gì mà chui vào nắp cống để mất mạng, rồi giờ người thân của họ được nghe câu nói rất phũ phàng là do xui xẻo. Thói thường, xui xẻo cũng là một cái cớ để đổ thừa rất tốt. Vì nó vô hình, vì nó trừu tượng và những con người vô cảm trước nỗi đau của người khác thì lại thích vin vào cái trừu tượng để thoái thác trách nhiệm.

Người dân đang sinh sống tại TP HCM, một trong những thành phố lớn nhất nước này, đâu ai muốn xui xẻo. Họ luôn muốn được về nhà sau khi xong công việc, luôn muốn lưu thông trên đường được an toàn, luôn muốn sinh mạng mình được bảo vệ. Nhưng, họ lại xui xẻo khi mà những khoản tiền đóng thuế nhằm phục vụ cho cơ sở hạ tầng thì lại được giao cho những người thích nói xui xẻo hơn là dám chịu trách nhiệm. Hay là bây giờ người ta lại học thói của “quân tử kiếm” Nhạc Bất Quần trong truyện chưởng của Kim Dung là thích "hạnh tai lạc họa" trước nỗi đau của người khác(?). Thú thật, là tôi không còn lời bình luận nào tốt hơn cho những sự việc đau lòng này trước cách nói của những người có trách nhiệm. Mà buồn thay, lương họ nhận là từ ngân sách của Nhà nước, ngân sách Nhà nước có được là từ nguồn thuế của nhân dân. Biết đâu, lương của họ có cả phần đóng thuế của người đàn ông xấu số ấy.

2. Ngày 13/10/2010, con đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh đang yên đang lành thì bỗng dưng bị... sụt lún, tạo ra hố đen có bán kính 2m với hàm ếch rất rộng xung quanh. May mắn là thời điểm con đường bỗng dưng bị nứt toác ấy, không có người tham gia lưu thông, nếu không chắc dư luận lại được nghe điệp khúc do... xui xẻo.

Người ta xuống kiểm tra và tái lập mặt đường xong, người ta nói đường bị xói mòn từ bên trong. Nguyên nhân là do khi thi công lắp đặt đường ống nước cho nhà dân, một nhánh ống nước đã bị xì bể, nước thấm lâu ngày gây xói mòn dẫn đến việc mặt đường bị sụt lún vì ẩm ướt.

Việc này, có thể tiên lượng trước mà khắc phục hay không(?!). Chắc chắn là có chứ, bởi đơn vị cấp nước nào mà không có một đội ngũ công nhân hùng hậu và lành nghề chuyên đi kiểm tra và bảo trì đường ống nước ngầm. Đơn vị cấp nước nào mà khi thi công không huênh hoang với báo chí rằng, đường ống của chúng tôi là đường ống tốt nhất, có thể chịu áp lực tốt, chịu được va đập mạnh... Tóm lại, là đường ống của chúng tôi tốt gần bằng đường ống của thế giới. Vậy thì tại sao đường ống vẫn cứ xì nước để tạo nên một “hố địa ngục”(?!).

Chắc chẳng người nào có thể trả lời được câu hỏi đơn giản ấy. Vì người ta còn bận hàng nghìn công việc khác, và những công việc này chỉ có thể dừng lại để tập trung khắc phục một công việc nào đó nhằm đảm bảo an toàn cho người đi đường khi xảy ra sự cố. Còn nếu sự cố chưa xảy ra, người dân hãy cứ... vững tâm chờ(!).

Ngày 12/10/2010, một chiếc xe bồn chở hóa chất đang lưu thông ở giao lộ Kha Vạn Cân - Hoàng Diệu 2, quận Thủ Đức thì sập bẫy hố tử thần. Tai nạn khiến chiếc xe to tướng này "ngã quị", đè phải phần đuôi của một chiếc Lexus đang lưu thông cùng thời điểm khiến tài xế của chiếc Lexus mất tay lái lao thẳng vào cột đèn tín hiệu giao thông. Cái bẫy mà chiếc xe bồn mắc phải là "hố địa ngục" có đường kính rộng với hàm ếch khoét sâu.

Theo người dân sinh sống tại khu vực này thì ngay buổi sáng hôm ấy, mặt đường đã có dấu hiệu sụt lún nên người dân đã lập biển cảnh báo tại đây. Nhưng đến trưa, khi chiếc xe bồn lưu thông với tốc độ rất chậm đã bị "hố tử thần" nuốt phải. Rất may là không có thiệt hại về người.

Chuyện gì đang xảy ra(?!). Chuyện người ta đã biết trước hiểm họa rình rập người tham gia lưu thông trên đường, nhưng người ta vẫn kiên nhẫn chờ sự cố rồi mới giải quyết. Biết nói làm sao cho đủ những bức xúc của dư luận trước những hiểm họa được báo trước nhưng người ta vẫn cứ cố chờ như vậy.

Còn rất nhiều những sự vụ khác liên quan đến "hố tử thần" tại TP HCM. Nhưng đỉnh điểm phải kể đến vụ việc diễn ra vào giữa tháng 9 vừa qua, khi mà tất cả các trang báo đều đăng ảnh chiếc taxi 7 chỗ của Hãng VinaSun cắm đầu vào lòng đường Nguyễn Văn Sĩ, quận 3.

Người tài xế taxi này cho biết, khi xe chuẩn bị quẹo vào hẻm để đón khách thì bất ngờ mặt đường bị nứt toác, một hố to sâu hoắm xuất hiện, hố ngày càng to dần, xe ngày càng lún dần. May là anh tài xế kịp thời thoát thân. Cái "hố địa ngục" ấy sâu gần 2m, rộng gần... 20m2. Đây là "sản phẩm" của một đơn vị thi công công trình đào đường vừa san lấp. Trước đó vào cuối tháng 8, khi đơn vị thi công vừa nhổ lôcốt rút đi, đoạn đường đã bị xói mòn nghiêm trọng, người dân phản ánh ráo riết. Người ta xuất hiện, san lấp thêm lần nữa và đến giữa tháng 9 thì đoạn đường vừa san lấp ấy kịp... nuốt trọn nửa thân của chiếc xe taxi trên.

Chiếc taxi của hãng VinaSun lọt hố tử thần trên đường Lê Văn Sỹ.

2 ngày trước "phi vụ" "hố địa ngục" nuốt xe taxi. Một chiếc xe tải cũng bị loại hố lạ mới xuất hiện ở TP HCM này nuốt một phần thân xe trên đường Võ Văn Vân, huyện Bình Chánh. Kịch bản vẫn như cũ, tài xế đang lưu thông trên đường thì bất ngờ mặt đường nứt toác và xe cứ "thoải mái" nhào xuống. Và lại như vậy, "hố địa ngục" này trước đây là công trình thi công của một đơn vị “chuyên gia” dựng lôcốt. Sau khi người ta thực hiện xong công việc, tái lập mặt đường và rút đi thì... xe tải lâm nạn.

3. Có thể nói, chưa bao giờ người dân đang sinh sống tại TP HCM hoang mang đến như vậy khi họ tham gia lưu thông trên đường. Trước đây, trời mưa họ sợ ngập nước, sợ kẹt xe, sợ cây xanh vô tình gãy đổ, sợ bị điện giật chết nếu chẳng may dây điện bị rò rỉ "ngoài ý muốn của đơn vị chủ quản"... thì giờ đây, họ lại có thêm nhiều nỗi sợ hãi khác.

Sợ cái nắp hố ga do thi công ẩu lòi ra mặt đường, sợ cái cống không có nắp khi ngập nước. Sợ cả chuyện đang cho xe bon bon trên đường thì bị “hố đen” nuốt chửng. Tất cả những nỗi sợ ấy, đều có nguồn gốc rất vô lý là... từ những công trình chỉnh trang đô thị, dự án thoát nước và cải thiện nguồn nước. Những hiểm họa chực chờ họ có nguồn gốc từ các công trình với mục đích phục vụ cho đời sống của người dân ngày càng tốt hơn!

Hàng chục nghìn tỉ đồng đã được đổ xuống những con đường ở thành phố để rồi người dân nhận được gì? Chuyện xa xăm thì chưa thấy, chuyện trước mắt là đường ngày một xấu đi, mưa nhỏ mưa to gì thì đường phố phút chốc cũng thành sông và mức độ nguy hiểm lại ngày một tăng lên. Tôi không có ý định bài xích những công trình phục vụ dân sinh với mục đích tốt đẹp là cải thiện môi trường sống cho người dân, nhưng cái cách mà người ta đang thực hiện thì quả thật là "có mất ngủ cũng không dám nghĩ đến".

Đổ thừa cho ai bây giờ? Đổ thừa cho xui xẻo, đổ thừa cho mưa to gió lớn, hay đổ thừa cho "ý thức" tham gia lưu thông của người dân. Theo kiểu "Ai bảo biết con đường ấy nguy hiểm mà vẫn còn cố lao đầu vào". Người tham gia lưu thông khổ lắm. Bình thường mỗi ngày chịu kẹt xe vài bận, hít khí bụi đến ngạt thở có vẻ như chưa đủ đô, không lẽ  giờ lại bắt họ luôn phải căng dây thần kinh để sẵn sàng đợi chờ những hiểm họa luôn lơ lửng trên đầu mình hay sao(?!).

Hay là, đổ thừa cho con đường. Con đường thì không biết nói năng, con đường chỉ biết im lặng nằm chờ người ta vu vạ cho mình cái tội vô trách nhiệm.

Dĩ nhiên, người tham gia lưu thông khi bị tai nạn có thể khởi kiện đơn vị này, cơ quan kia để đòi lại quyền lợi cho mình. Nhưng, làm sao có thể mong chờ một sự phát triển bền vững ở bất cứ khu vực nào bằng sự bức xúc của người dân đang sinh sống tại nơi đó. Mà để ngăn chặn điều này, người ta hoàn toàn thừa sức để thực hiện.

Vấn đề là, người ta có dám "trảm quân" để làm gương hay không(?!). Khi mà tất cả đều biết, sức chịu đựng của mọi người đều có giới hạn!

Ngô Kinh Luân
.
.