Hàng loạt vụ xử lý nữ sinh do đánh nhau: “Không nên đuổi học”

Thứ Năm, 09/04/2015, 16:35
Đó là quan điểm của Phó Giáo sư - Tiến sĩ (PGS-TS) Trần Hữu Tá trong cuộc trao đổi với chúng tôi xung quanh câu chuyện liên quan đến các vấn đề về giáo dục vào cuối tháng 3/2015.
Đoạn kết của những hình ảnh chấn động

Với internet và những trang mạng xã hội, khoảng cách địa lý đã bị thu ngắn lại một cách không tưởng, những vụ việc nữ sinh đánh nhau ngất xỉu ở Hậu Giang, nữ sinh đánh bạn trai như dân xã hội tẩn nhau ở Nghệ An, nữ sinh đánh nhau tay bo trên cầu ở Cà Mau, nữ sinh chỉ đạo nhiều học sinh trong lớp đánh hội đồng một nữ sinh khác ở Trà Vinh... đã thật sự khiến truyền thông sốt sắng, phụ huynh lo lắng, nhà quản lý giáo dục bối rối còn dư luận thì hoang mang.

Đó là chưa kể đến hàng chục clip ghi lại cảnh nữ sinh đánh nhau vì ghen, vì nhìn đểu, vì mâu thuẫn trên facebook, vì "giật bạn trai"… đang còn tồn tại rất nhiều trên các trang mạng. Bởi, không ai có thể hình dung được rằng các nữ sinh lại dễ bị kích động và chọn lối hành xử theo hướng tiêu cực như vậy với bạn cùng lớp, cùng trường.

Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là nên ủng hộ biện pháp xử lý học sinh theo hướng "đuổi học" có thời hạn. Không thể đối xử với học sinh như hành xử với công chức vi phạm pháp luật theo kiểu "tạm đình chỉ chức vụ để điều tra".

Vào một ngày tuần đầu tiên của tháng 3 đoạn clip ghi lại cảnh một nữ sinh bị các học sinh khác trong lớp đánh hội đồng rất dã man được lan truyền rầm rộ trên mạng, chia sẻ rất nhiều trên facebook.

Không quá khó khăn, truyền thông xác tín được nơi xảy ra vụ việc là ở Trường THCS Lý Tự Trọng, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.

Đó là một vụ việc ầm ĩ, ầm ĩ đến độ thầy Hiệu trưởng Phan Thanh Nguyên (Trước đó, thầy Nguyên có xin từ chức xem như đó là cách tự chịu trách nhiệm), Phó hiệu trưởng Võ Thanh Vũ, Tổng phụ trách đội Thạch Minh Tâm và giáo viên chủ nhiệm Võ Thành Tất cùng bị tạm đình chỉ công tác một tháng để làm rõ trách nhiệm.

3 học sinh bị đuổi học một tuần, 5 học sinh nhận hình thức cảnh cáo và 1 học sinh nhận hình thức khiển trách. Nguyên nhân được xác định là do lớp trưởng sai nữ sinh đi mua vài thứ lặt vặt, nữ sinh không đi, lớp trưởng chỉ đạo các bạn cùng lớp đánh vì tội "láo, không nghe lời".

Trường THCS Lý Tự Trọng, tỉnh Trà Vinh - nơi xảy ra vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng theo chỉ đạo của lớp trưởng.

Khi vụ việc ở Trà Vinh chưa lắng xuống, thì thêm một clip ghi lại cảnh nữ sinh đánh nhau tay đôi được tung lên  mạng internet. Hai nữ sinh này đánh nhau trong sự hò reo của những người chứng kiến. Kết quả, một nữ sinh ngất xỉu được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Nữ sinh ngất xỉu được xác định đang theo học tại Trường THCS Nguyễn Du, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Nữ sinh này có mâu thuẫn với một nữ sinh khác vừa nghỉ học, hai nữ sinh đi trên đường gặp nhau và quyết định "đánh một trận" để giải tỏa mâu thuẫn.

Điều đáng nói là hai nữ sinh đánh nhau với trọng tài là những nam sinh (Thú thật, tôi không thể nào hiểu nổi là làm sao lại có những nam sinh tồi tệ đến mức kích động rồi đứng nhìn nữ sinh đánh nhau như một trò tiêu khiển).

Chiều 29/3 vừa qua, Hội đồng kỷ luật Trường THCS Nguyễn Du (thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) quyết định buộc thôi học một tuần đối với nữ sinh Trần Thị Bảo Hân (lớp 9A5) vì đánh nhau với người khác phải nhập viện cấp cứu.

Tiếp vụ nữ sinh đánh nhau ở Hậu Giang, là đến lượt hai nữ sinh lớp 6 Trường THCS 1 Sông Đốc, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) hẹn nhau lên cầu để đánh nhau tay đôi. Hai nữ sinh giao chiến, người sử dụng điện thoại để quay lại là một học sinh lớp 8. Kết quả, Ban Giám hiệu trường đã đuổi học 2 nữ sinh 1 tuần, học sinh quay clip bị đuổi học 10 ngày.

Hai nữ sinh lớp 6 đánh nhau ở Cà Mau.

Vụ nữ sinh đánh nhau ở Hậu Giang vừa xử lý xong, đến lượt nữ sinh ở Nghệ An bị buộc thôi học 10 ngày vì kéo tóc và dùng chổi quét nhà đánh nhiều nhát vào đầu nam sinh cùng lớp đến tả tơi. Tất nhiên, nữ sinh này phải nhận được sự "bảo kê" của một nhóm nào đó thì mới tự tin tấn công nam sinh đến vậy?

Nguyên nhân được xác định là do có lời qua tiếng lại trên facebook, kiểu "Nữ sinh viết facebook, nam sinh vui miệng vào bình luận "Ngu"". Nữ sinh đang theo học tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (thành phố Vinh, Nghệ An).

Trong 4 vụ nữ sinh đánh nhau (đều diễn ra vào tháng 3, bị các cơ quan truyền thông xác tín địa điểm, danh tính) và bị xử lý bằng hình thức kỷ luật là đuổi học, Ban Giám hiệu các trường đều khẳng định sẽ tận tâm giúp đỡ để học sinh nhận hình thức kỷ luật đuổi học theo kịp tiến độ bài vở với những bạn khác.

Nhưng thực tế, đâu đơn giản vậy(!).

“Học sinh dễ bị hẫng”

Theo PGS-TS Trần Hữu Tá, một trong những nhà sư phạm hàng đầu của đất nước trong buổi trao đổi với chúng tôi, PGS có đưa ra quan điểm: "Chắc là chúng ta ai cũng nhớ hai câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn / Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Chính vì vậy, mỗi khi dùng biện pháp mạnh với học sinh phạm khuyết điểm, những người có trách nhiệm nên cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.

Theo tôi, trường hợp này không nên đuổi học học sinh. Học sinh nghỉ 1 tuần, 10 ngày đã là hẫng, là mất đà. Những em cá biệt vốn kém nay nghỉ nhiều như thế, mất hàng trăm tiết học lại càng kém hơn. Đã bất cần đời thì lại càng ngang ngược hơn. Không may, nhóm học sinh này mà gia nhập vào băng nhóm xã hội đen nào đấy thì không còn cơ hội để cứu vãn được nữa".

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hữu Tá

Trên thực tế, không phải là đã không có những học sinh "sa vào vũng lầy của cuộc đời" một cách đầy bản năng khi buộc phải nhận hình thức kỷ luật đuổi học. Ít ra tôi cũng có hơn một người bạn thời niên thiếu phải dở dang nhiều thứ sau khi nhận quyết định kỷ luật bằng hình thức đuổi học của Ban Giám hiệu. Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, đuổi học học sinh là cách xử lý đơn giản nhất trong mọi vấn đề liên quan đến học sinh.

Ban Giám hiệu có bị sức ép của truyền thông khi tại trường xảy ra một vụ việc chấn động như, nữ sinh đánh nhau, nam sinh vay tiền lãi suất cao, hay không? Chắc chắn là có. Không chỉ Ban Giám hiệu nhà trường bị sức ép, mà ngay cả lãnh đạo Phòng Giáo dục quận, huyện và cả Sở cũng cùng chung trạng thái này. Chính vì vậy, tôi e rằng rất khó để những nhà làm quản lý giáo dục kịp suy xét thấu đáo trước khi đưa ra một quyết định nào đó đối với học sinh vi phạm.

"Thế nên, tôi nghĩ vẫn phải kỷ luật và ghi rõ vào trong học bạ nguyên nhân kỷ luật. Sau đó, Ban Giám hiệu, giáo viên theo sát và nếu như suốt thời gian còn lại của năm học các em không vi phạm thì chúng ta xóa lỗi ấy đi. Đi đôi với hình thức này là bảo ban, khuyên nhủ các em. Cho các em nhận khuyết điểm trước lớp, trước trường, phân tích hành vi  của các em là sai. Rồi gia đình và nhà trường phải trao đổi thường xuyên, phối hợp để giúp đỡ các em có thể vượt qua được lỗi lầm này.  Còn nếu đuổi học ư? Ngay cả một ngày cũng không nên đuổi. Còn như sau khi thực hiện các biện pháp ấy rồi mà các em vẫn tiếp tục vi phạm thì phải có biện pháp khác, cương quyết hơn, mạnh mẽ hơn theo đúng quy định của pháp luật”, PGS Trần Hữu Tá cho biết.

Tất nhiên là có vẻ giáo điều, nhưng rõ ràng không thể xem việc đuổi học có thời gian đối với một học sinh vi phạm là cách xử lý đúng với tinh thần giáo dục. Mà tinh thần này phải được hình thành từ sự phối hợp tốt giữa nhà trường và gia đình, một sự phối hợp có tính gắn kết bền chặt. Đáng tiếc là hiện tại mối quan hệ ấy vẫn còn nhiều hạn chế.

Xét về mặt giáo viên, PGS-TS Trần Hữu Tá nói:  "Tôi nghĩ, ở đây có mấy nguyên nhân. Trước hết vì giáo viên bận quá không thể quán xuyến hết. Lại nữa, là đời sống của giáo viên hiện nay vất vả quá, cho nên họ phân tâm và phân lực. Nguyên nhân cơ bản là không ít giáo viên chưa thật am tường "hồn cốt" của giáo dục.

Giáo dục là một nghệ thuật, đồng thời là một khoa học, người giáo viên phải luôn luôn nắm sát tâm lý tư tưởng của học trò, không được phép buông lơi để rồi có những biện pháp sư phạm thích hợp. Đừng bao giờ để các em thấy rằng chưa được thầy cô tin nên bị theo dõi, nhưng phải làm sao nắm bắt được từng động thái tích cực hay tiêu cực của học trò.

Để rồi từ đó, giáo viên có thể góp ý cho học sinh, tùy theo tính cách và vị trí mà học sinh đang được giao. Nhiều khi giáo viên chỉ cần nhắc một câu, hai câu học sinh sẽ trở nên phấn chấn hơn, hiểu biết hơn và vỡ ra được nhiều điều.

Nắm vững những yêu cầu cơ bản của khoa học tâm lý, khoa học giáo dục, hiểu thấu đáo tình cảnh, cá tính và hoàn cảnh sống của học sinh để có những biện pháp thấu tình đạt lý tác động đến học sinh, nhất là những em yếu kém hoặc có hoàn cảnh đặt biệt. Đó là yêu cầu mang tính nguyên tắc đối với giáo viên".

Còn xét về mặt gia đình, thì "Có lẽ, nên nói vấn đề như thế này cho thỏa đáng hơn: Để giáo dục thế hệ trẻ thì theo tôi có hai bộ phận quan trọng như nhau đó là nhà trường và gia đình. Hai bộ phận đều hết sức quan trọng.

Tôi nói như vậy không phải là ba phải đâu, nhà trường chỉ chiếm 1/3 thời gian của các cháu, tức là 8 tiếng có vẻ ít. Nhưng 8 tiếng ấy chính là 8 tiếng tập trung, chất lượng 8 tiếng để học hành, để làm người. Cũng nên thông cảm với phụ huynh học sinh, vì việc kiếm sống cũng nhiều cơ cực lắm.

Hơn nữa, đâu phải phụ huynh học sinh nào cũng có đủ khả năng hiểu biết về tâm lý, về sư phạm, về nghệ thuật giáo dục như các thầy, các cô. Tất nhiên, họ đã là bố là mẹ thì khi không biết, họ phải học hỏi. Ai dạy họ, sách vở dạy họ và xã hội dạy họ.

Thế nên tôi cho rằng, việc bồi dưỡng kiến thức về sư phạm, về tâm lý lứa tuổi, tâm lý gia đình cho phụ huynh học sinh là điều rất cần. Đáng tiếc là chúng ta lại chưa bao giờ làm được điều này'.

Trong phạm vi bài viết này, tôi không có ý lờ đến những khó khăn của các cô giáo, thầy giáo như chế độ lương bổng còn thấp, chế độ đãi ngộ còn kém, thái độ trân trọng còn yếu… Tôi chỉ đang mạn phép lạm bàn nhằm cố gắng tìm ra giải pháp làm thế nào để học sinh có thể tốt hơn sau mỗi lần va vấp, dựa theo lời của PGS-TS Trần Hữu Tá mà tôi ghi chép được trong buổi hầu chuyện dài.

Còn lại, đương nhiên là tôi biết sẽ rất bất công cho các thầy cô giáo nếu như liên tục yêu cầu các thầy các cô phải tận tụy với công việc, phải dành nhiều thời gian để chăm bẵm học sinh trong lúc rất nhiều các thầy, các cô không đủ điều kiện để chăm bẵm gia đình mình.

Mà nhắc đến giáo dục thì còn quá nhiều cái rối rắm mà tôi nghĩ rằng, rất ít người có thể lần ra đầu mối để tháo gỡ(!). Hoặc giả có lần ra, cũng không thể tháo gỡ. Có lẽ, chỉ biết an ủi nhau rằng: "Còn sống là còn hy vọng".

Ngô Kinh Luân
.
.