Không thể đổ lỗi cho cây xanh

Thứ Ba, 09/06/2020, 22:33
Sau sự việc thương tâm đã xảy ra tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP Hồ Chí Minh), ngày 4/6, lại một cây phượng cao hơn 10m, đường kính khoảng 60cm, cũng đã bị bật gốc, làm 3 nữ sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo, Biên Hòa, Đồng Nai bị thương.

Ở nhiều sân trường, những cây xanh đã bị cưa bỏ không thương tiếc. Vậy làm thế nào để vừa giữ được cây xanh cải thiện môi trường, vừa lưu giữ giá trị tinh thần lại đảm bảo an toàn cho con người?

Và thế là hàng loạt cây phượng trong khuôn viên các trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị "hành quyết". Rất nhiều ý kiến phản đối về quyết định vội vàng của những người có trách nhiệm được chia sẻ trên báo chí, trên các trang mạng xã hội. Có cả không ít những lời "ai oán" khóc thương cho cây phượng, loài cây nhắc của mùa hè và tuổi học trò. Hầu hết các ý kiến phản đối đều cho rằng đó là quyết định nóng vội, trốn tránh trách nhiệm của một số lãnh đạo các trường.

Nếu cho rằng thân, cành phượng giòn, dễ gãy đổ nên đốn hạ, vậy thì nếu đó là cây me thì cũng tận diệt hết me, hay xà cừ cũng vậy? Không lẽ chặt hết cây đi? Phượng đã xuất hiện trong sân trường cả trăm năm, sao hôm nay mới bị xem là nguy hiểm? Bức tử, tận diệt phượng có khác nào bức tử ký ức, kỷ niệm của bao nhiêu thế hệ học trò?

Đã có người hiến kế cứu phượng: "Nên chăng xây bồn cho cây, bón nhiều phân và đắp đất cao thêm cho bộ rễ vươn dài ra bám sâu vào đất. Hy hữu lắm mới có cây mục ruỗng thân, rễ như cây phượng trong sân trường THCS Bạch Đằng. Phải nghĩ cách chứ, chả lẽ sợ trách nhiệm mà đốn sạch cây xanh?".

Một thầy giáo Trường tiểu học Lê Thị Riêng quận 10, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, cây phượng gắn bó với thầy từ ngày về trường, nay đã gần 20 năm. Những ngày giãn cách xã hội vừa qua, không có việc thầy cũng chạy tới trường cho đỡ nhớ trường, nhớ lớp... Đương nhiên cây phượng trong sân trường cũng là một phần ký ức của chính thầy.

Phượng là "nhân chứng" trong những thăng trầm, thay đổi của ngôi trường. Từ trước ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, cây phượng đã hiện diện ở đây hàng chục năm. Nó từng chứng kiến nhiều gia đình 2 - 3 thế hệ theo học ngôi trường này. 

Cách đây mấy năm, khi ngôi trường xuống cấp, trường được xây dựng lại, nhiều cây cối khác bị đốn hạ nhưng "nhân chứng" này vẫn được ưu ái giữ lại dù cũng phải cắt tỉa trụi cành. Thầy và các bác bảo vệ trường chăm chút, vun bón, từng ngày nhìn phượng nảy chồi đâm lộc và nở hoa. 

Để cây phượng cổ thụ trong trường không "cô đơn lẻ bóng", sau khi hoàn thiện việc xây dựng, Ban giám hiệu trường cũng đã trồng thêm một cây phượng nhỏ cho có bạn tâm tình. Giờ hai cây phượng trẻ - già trong sân trường Lê Thị Riêng đã bị chặt bỏ, thầy không khỏi chạnh lòng.

Phượng hay bất cứ loài cây nào khác cho bóng mát cũng có thể trốc gốc gãy cành. Xà cừ chẳng hạn. Không lẽ cứ giòn, cứ gãy thì không trồng, là đốn hạ? Thực tế để tai nạn xảy ra là do con người cẩu thả, thiếu trách nhiệm. Đừng đổ tội cho thiên nhiên, loài giống. 

Một nhà văn đã viết: "Đốn hạ phượng thì có khác gì cưa đốn ký ức học trò? Cũng không thể giăng dây cách ly cây với người để đề phòng. Không gốc cây ngọn cỏ nào đáng tội để phải cách ly với kỷ niệm hôm nay, ký ức mai sau trong lòng con trẻ".

Cây mục ruỗng, có nguy cơ bị đốn đã đành, cây khỏe mạnh cũng bị tiện tay cưa bỏ. Sân trường là nơi con trẻ vui chơi, cây xanh tạo bóng mát, cải thiện không khí, không thể triệt hạ một loài cây để che đậy việc sự thờ ơ thiếu trách nhiệm của một vài người. Phượng cũng như bao cây cối khác, làm bóng mát, cải thiện môi trường sống, đặc biệt hơn khi nó gắn liền với kỷ niệm tuổi học trò. Đốn bỏ phượng hay bất kỳ loài cây nào khác đều để lại nhiều đáng tiếc.

Sáng kiến làm khung, giá đỡ cho cây phượng.

Hiện trên nhiều tuyến phố như đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Ngọc Thạch, Huyền Trân Công Chúa, Hùng Vương… tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều cây cổ thụ. Tuổi đời của những cây này lên hàng trăm năm nhưng độ an toàn vẫn đảm bảo, cho dù giông lốc, có phải do giống cây, kỹ thuật trồng? Từng có trường hợp cây trồng bị bật gốc, bao nilon vẫn còn nguyên, bó chặt, khiến rễ cây không thể phát triển, lúc này người ta mới phát hiện sự cẩu thả, vô trách nhiệm của những người trồng cây.

Công ty Công viên Cây xanh TP Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị thực hiện duy tu chăm sóc cây xanh đường phố nhiều quận huyện theo hình thức đấu thầu - Chủ đầu tư là Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Ngoài Công ty Công viên Cây xanh còn nhiều đơn vị cũng đảm nhiệm công việc chăm sóc, duy tu cây xanh như Công ty dịch vụ công ích các quận, công ty tư nhân… 

Qua kiểm tra hiện trường, các cán bộ kỹ thuật của Công ty Cây xanh nhận thấy cây phượng vĩ "bị ngã" trong sân Trường THCS Bạch Đằng, quận 3 có hệ thống rễ bị hư hại trong khi cây có kích thước lớn, tán rộng… Khi trời mưa xuống đất mềm, chỉ cần gió lớn một chút là đã khiến cây ngã đổ. Bất kỳ loại cây nào cũng có thể ngã đổ khi rễ đã không còn. Chỉ thêm yếu tố khách quan mưa, gió tác động cây sẽ đổ, và thương vong sẽ xảy ra là điều khó tránh.

Do vậy, cây xanh cần được duy tu, chăm sóc bảo dưỡng theo quy trình kỹ thuật: cắt mé cành nhánh nặng tàn, nhánh vươn dài, nhánh xụ, rong chồi... ngoài ra công tác kiểm tra đánh giá cây xanh rất quan trọng, sẽ kịp thời phát hiện những khiếm khuyết hư hại cũng như những nguy cơ mất an toàn tiềm ẩn, nhằm đưa ra giải pháp và xử lý kịp thời, hạn chế sự cố xảy ra.

Tốc độ đô thị hóa cao, nhiều nhà cao tầng mọc lên đã tạo hiệu ứng đường hầm, tác động rất lớn đến khả năng sinh trưởng, phát triển cũng như sức chống chịu của hệ thống cây xanh. Ngoài điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, mưa giông, lốc xoáy, bão, triều cường gây ngập úng, ảnh hưởng không nhỏ đến độ bám, bền chặt của hệ rễ còn có yếu tố con người. 

Nhiều trường hợp xâm hại đến hệ thống rễ cây xanh như đổ hóa chất độc hại gây chết cây, thi công vỉa hè, thi công ngầm hóa lưới điện và các tuyến ống cấp thoát nước, khai quang đường dây điện đã làm giảm sức chống chịu của hệ rễ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngã đổ và ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống cây xanh. Không thể chỉ đổ lỗi cho cây xanh được.

Văn Hào
.
.