Khu dân cư “ngộp thở” vì rác

Thứ Hai, 23/02/2009, 09:20
5 năm qua, khu vực Ao Sen tồn tại một bãi rác tự phát lớn, nằm cuối đường số 1. Suốt ngày đêm có đến hàng trăm lượt xe rác lớn nhỏ, từ thô sơ đến cơ giới, vận chuyển rác thải của quận Bình Tân và một số địa phương lân cận về đổ tại đây...

Vừa qua, Chuyên đề ANTG - Báo CAND có nhận được đơn kiến nghị của hơn 100 hộ dân sinh sống tại phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân, TP HCM) về việc di dời bãi rác Ao Sen nằm tại khu vực Ao Sen. Theo chúng tôi được biết, TP HCM đã có chủ trương xây dựng trạm ép rác kín tại các khu vực quận Bình Tân để giải quyết những trạm trung chuyển rác lộ thiên, nhưng không hiểu sao, cho tới nay, những bãi rác như Ao Sen vẫn tồn tại và luôn là nỗi ám ảnh người dân?

Từ hóa đơn của hơn 100 hộ dân

Theo đơn kiến nghị của người dân: 5 năm qua, khu vực Ao Sen tồn tại một bãi rác tự phát lớn, nằm cuối đường số 1. Suốt ngày đêm có đến hàng trăm lượt xe rác lớn nhỏ, từ thô sơ đến cơ giới, vận chuyển rác thải của quận Bình Tân và một số địa phương lân cận về đổ tại đây.

Cùng đó, hàng ngày, chủ bãi rác cho nhân công đào bới, phân loại rác một cách thủ công nhằm lọc tìm và bán phế liệu thu lợi nhuận. Việc làm này đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không khí trong khu vực dân cư luôn có mùi hôi thối nồng nặc, ruồi muỗi và khói bụi thường xuyên, bãi rác trở thành nỗi ám ảnh của người dân khu vực này.

Không dừng lại ở đó, vào ban đêm, các chất thải rắn và những thứ không thể bán được đem ra đốt, gây khói bụi mịt mù và mùi hôi kinh khủng. Nghiêm trọng hơn, nước thải từ bãi rác thấm dần xuống lòng đất làm nhiễm bẩn nguồn nước ngầm của toàn bộ khu vực dân cư, gây tác hại trực tiếp cho sức khỏe của người dân.

Hiện tại, trong khu dân cư  đã có nhiều trường hợp bị nhiễm các bệnh do ô nhiễm không khí, nguồn nước từ bãi rác gây ra. Không những thế, bãi rác này còn thường xuyên ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng ngàn công nhân Công ty Pouchen làm việc cách đó không xa.

Ngoài ra, vào ban đêm, nơi đây thường xuyên trở thành địa điểm tụ tập mua bán, hút chích ma túy của các đối tượng nghiện ngập, gây mất an ninh, trật tự của khu dân cư...

Chúng tôi có mặt tại phường Bình Trị Đông B  khi còn cách xa hàng trăm mét đã ngửi thấy mùi hôi nồng nặc. Nhiều nhà dân trong khu vực, nhất là phía dưới chiều gió, cửa đóng im ỉm. Bãi rác đúng là... tự phát, ngoài những tấm lưới chắn không hề theo một tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường nào, cũng không hề có cổng chắn bảo vệ.

Nhà ông Nguyễn Văn Trương, số 29/31, đường 13C, tiểu khu 2, khu phố 1, cách bãi rác 500m, không dám mở cửa bao giờ. Đi ra, đi vào là vội vàng đóng cửa lại. Ông Lê Thành Thạo, số nhà 2B, đường 1C cho biết, có ngày xịt hết cả bình thuốc mà ruồi vẫn kéo đến như ong.

Giải pháp: Di dời hay một trạm ép rác kín?

Theo chúng tôi được biết, đây không hề là bãi rác “tự phát” như đơn kiến nghị di dời của người dân, mà là bãi rác dân lập do tư nhân thuê mặt bằng của Công ty Dịch vụ công ích quận Bình Tân từ năm 2004, để làm bãi trung chuyển rác do quận Bình Tân quản lý.

Tại bãi rác Ao Sen, chúng tôi đã gặp một nhân viên tên Thịnh, người có trách nhiệm “gác cổng” khu vực, không cho xe đổ rác của các địa phương khác đến đổ “ké”. Ông Thịnh cho biết: ông thuộc lực lượng của thanh tra xây dựng phường Bình Trị Đông B., được điều động làm nhiệm vụ quản lý khu vực bãi rác này.

Mỗi ngày, người của phường sẽ giám sát từ 6 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút, quản lý việc đổ rác, ngăn không cho xe rác không thuộc quận quản lý vào khu vực này để thải rác. Nhưng cũng theo người dân nơi đây, việc có mặt của nhân viên phường đã giảm thiểu tình trạng đổ rác “lậu” ban ngày, nhưng ban đêm khi không có lực lượng bảo vệ túc trực thì tình trạng đổ rác “lậu” vẫn tiếp tục diễn ra.

Cách đây không lâu, khi dư luận lên tiếng về bãi rác gây “ngộp thở” khu dân cư này, đại diện UBND quận Bình Tân, ông Huỳnh Văn Biết, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết đây là trạm trung chuyển tạm tiếp nhận rác từ các phường chuyển về để phân loại rồi chuyển đi khu xử lý rác tập trung.

Vì quận đang quy hoạch xây dựng trạm ép rác kín nên tạm thời cho phép Công ty Dịch vụ công ích Bình Chánh duy trì bãi rác này. “Chúng tôi sẽ cử lực lượng của Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, nhắc nhở đơn vị quản lý hạn chế thời gian tiếp nhận rác và phun xịt khử mùi” - ông Biết nói.

Được biết, từ tháng 11/2007, UBND TP HCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND các quận 6, Bình Tân, Tân Bình và huyện Bình Chánh rà soát việc quy hoạch trạm ép rác trên địa bàn các quận, huyện, nghiên cứu phương án xây dựng trạm ép rác kín để tham mưu cho UBND TP phương án đầu tư khả thi, hiệu quả, đảm bảo yêu cầu xử lý môi trường.

Đến tháng 4/2008, UBND TP HCM tiếp tục giao UBND các quận 6, Bình Tân, Tân Bình và huyện Bình Chánh làm chủ đầu tư xây dựng trạm ép rác kín trên địa bàn.  TP HCM hiện đang xử lý rác bằng cách tập trung tại nhiều điểm trong nội thành, sau đó dùng xe thô sơ trung chuyển rác đến các xe ép rác hiện đại để chuyển ra các bãi rác ngoại thành.

Rác tập trung tại các điểm nhỏ trong nội thành đã gây ra nhiều vấn đề rất phức tạp như làm ô nhiễm đến môi trường, gây ùn tắc giao thông. Theo đại diện của Công ty Môi trường đô thị TP HCM, trong điều kiện phải duy trì việc tập kết rác như thế, thành phố cần đầu tư xây dựng những trạm ép rác kín, có cách hạn chế mùi hôi và nước rác ra ngoài. Công ty Môi trường đô thị đã có dự án xây dựng 40 điểm ép rác như thế nhưng xem chừng khó khả thi vì không có đất và kinh phí.

TP HCM cũng đã cho xây dựng vài trạm ép rác kín như tại số 350 B Trần Bình Trọng, phường 1, quận 10 với kinh phí đầu tư là hơn 5 tỉ đồng. Với cách xử lý rác mới này sẽ hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường.

Sau khi thu gom từ các hộ dân, chợ, đường phố... trên địa bàn, rác được đưa về trạm để ép (bằng máy thủy lực) vào 4 container có khả năng tiếp nhận hơn 30 tấn rác/ngày, thay cho quy trình trước đây là rác được tập kết tại một số “điểm hẹn” trên đường phố chờ xe ép rác đến lấy đi. 5 tỉ đồng, đây không phải là số tiền đầu tư quá lớn đối với sức khỏe, sự văn minh của những khu đô thị mới tại quân Bình Tân.

Tuy nhiên, khi nào thành phố có thêm các trạm ép rác kín như chỉ đạo của UBND TP HCM và nguyện vọng của người dân thì chưa cơ quan nào trả lời. Điều đó đồng nghĩa với việc người dân tiếp tục chịu đựng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các trạm trung chuyển rác là không thể tránh khỏi...

Thuận Nguyên
.
.