“Khung cửa hẹp” xuất khẩu lao động sang cộng hòa Séc, Mỹ

Thứ Bảy, 19/07/2008, 10:45
Trong tình cảnh thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) khá trầm lắng từ đầu năm đến nay, có hai thị trường đang được rất nhiều người quan tâm là cộng hòa Séc và Mỹ. Tuy nhiên, người lao động không có trình độ không nên “mơ” tới hai thị trường này bởi ngoài yêu cầu tay nghề, ngoại ngữ thì thủ tục làm visa hiện cực kỳ khó khăn, thậm chí ách tắc.

Đi Séc: không “ngon” như mọi người nghĩ

Trở về sau chuyến đi thực tế thị trường Cộng hòa Séc, ông Vũ Công Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Hợp tác lao động nước ngoài (LOD) không khỏi thất vọng dù doanh nghiệp của ông đã đưa được lao động sang đây.

Cũng như ông Bình, Phó giám đốc Công ty Inmasco Lê Thanh Hà than thở dù nhu cầu thị trường Séc lớn nhưng doanh nghiệp của ông cũng không hy vọng.

Tuy nhiên, không chỉ ông Bình, ông Hà, tất cả các doanh nghiệp đang “làm” Séc hiện rất bi quan về thị trường này.

Theo ông Hà, Séc cần rất nhiều lao động (nhất là lao động có nghề hàn, cơ khí chế tạo, xây dựng, may mặc... với mức lương khoảng 600 USD/ tháng vì hiện người bản xứ đã bỏ sang các nước khác ở châu Âu có mức lương cao hơn). Nhưng vướng mắc nhất hiện nay của các doanh nghiệp XKLĐ là dù đã tuyển chọn, đào tạo xong lao động mà không thể đưa đi được vì “tắc” trong khâu làm visa.

Hiện nay, lao động Việt Nam sang Séc bằng hai loại visa là visa lao động và visa kinh doanh. Từ nhiều tháng qua việc cấp visa lao động cực kỳ khó khăn vì cấp kiểu “nhỏ giọt”, có thời điểm hầu như bị bế tắc.

Trong khi đó visa kinh doanh lại vẫn được cấp đều. Vì vậy các nhà máy tại Séc không đợi được lao động Việt Nam đi theo visa lao động đã phải nhận lao động trình độ thấp nhưng sang bằng visa kinh doanh.

Và đây chính là nguyên nhân phát sinh tiêu cực trong thời gian vừa qua, bởi có doanh nghiệp để đưa được lao động đi đã phải lựa chọn hoặc chấp nhận chi tiêu cực phí để làm visa lao động vì đã trót tuyển, đào tạo và nhận tiền của lao động hoặc buộc phải chuyển sang visa kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, do khó khăn trong việc làm visa lao động nên thời gian qua, có tới hơn 70% lao động Việt Nam sang làm việc tại Séc bằng visa kinh doanh.

Nhưng nghịch lý ở chỗ phần lớn số lao động này lại không có nghề, không được tổ chức đào tạo giáo dục định hướng, nên trở thành một nguồn dự trữ lao động người Việt Nam có chất lượng thấp ở Séc đã ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh người lao động Việt Nam tại thị trường này.

Không những thế, thời gian qua, không ít doanh nghiệp do chưa tiếp cận khảo sát thực tế, dễ dãi trong lựa chọn đối tác và ký kết hợp đồng, đào tạo nghề kiểu “đầu voi đuôi chuột” nên ngay cả số lao động được đưa sang bằng visa lao động nhưng trình độ tay nghề và ý thức kỷ luật kém.

Một hệ lụy tiêu cực khác là do quá kỳ vọng về thị trường Séc nên để đến được với doanh nghiệp có giấy phép, nhiều người lao động đã bị cò mồi “chăn dắt”, chấp nhận chi thêm hàng ngàn USD mà không biết rằng thực tế nếu đi được sang Séc, lương cũng chỉ khoảng 600 USD/tháng. 

Trước những bế tắc thủ tục làm visa lao động mà chưa có hướng giải quyết; trong khi với lý do để “chạy” visa, hiện có tình trạng doanh nghiệp thu phí vô tội vạ của người lao động, mới đây Bộ LĐ-TB&XH đã phải họp bàn tìm giải pháp nhưng chưa có phương án nào khả thi.

Trong khi đó có ý kiến cho rằng Bộ nên tính tới phương án yêu cầu các doanh nghiệp dừng thực hiện các đơn hàng mới, những đơn hàng cũ phải có báo cáo về độ khả thi, tiến độ xin visa và có phương án đối với số lao động đã được tuyển dụng và đang chờ đợi.

Là người trong cuộc, Tổng giám đốc Công ty Airseco Nguyễn Xuân Vui cho rằng, trong khi chưa có giải pháp khả thi để khai thông thủ tục cấp visa lao động, Bộ LĐ-TB&XH cần lập tức yêu cầu các doanh nghiệp dừng tuyển lao động đi Séc.

Nếu cứ để tình trạng này kéo dài sẽ tác động tiêu cực tới toàn bộ công tác XKLĐ, bởi từ cuối năm 2007 tới nay, trước những thông tin quá hấp dẫn về thị trường Séc nên người lao động đã gần như quay lưng với những thị trường khác dù thu nhập ở những thị trường này rất tốt mà chi phí lại thấp hơn nhiều.

Hiện phần lớn lao động đăng ký đi Séc tại các doanh nghiệp đều đã chờ đợi quá 6 tháng, có người đã nộp khá nhiều tiền cho doanh nghiệp. Vì thế Bộ LĐ-TB&XH cần sớm có quyết định cụ thể thông báo công khai cho người dân biết để chủ động định hướng cho mình, chứ không thể để người lao động vay nợ cả đống tiền nộp cho doanh nghiệp rồi cứ ngồi ôm hy vọng và chờ đợi như hiện nay.--PageBreak--

Đi Mỹ: không có “cửa” cho lao động trình độ thấp

Một thị trường cũng thu hút sự quan tâm của người lao động hiện nay là Mỹ, nhất là sau khi có hai doanh nghiệp đưa được 20 lao động sang Mỹ hồi tháng 5 vừa qua. Qua khảo sát của các doanh nghiệp, tại Mỹ đang rất cần thợ hàn và y tá điều dưỡng. Nhưng để đi được Mỹ, ngoài có tiền, điều kiện bắt buộc là lao động phải có đủ trình độ tay nghề và ngoại ngữ thành thạo, một điều kiện mà phần đông lao động Việt Nam hiện nay không đáp ứng được.

Không những thế thủ tục để nhận lao động nước ngoài tại Mỹ rất khắt khe. Doanh nghiệp Mỹ có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài phải trải qua những quy định chặt chẽ. Trước khi nộp hồ sơ xin tuyển dụng cho Bộ Lao động, doanh nghiệp phải chứng minh được dù tìm kiếm trong một thời gian dài mà họ không tuyển được lao động trong nước.

Khi hồ sơ đáp ứng yêu cầu, Bộ Lao động Mỹ mới cấp giấy xác nhận cho phép nhà tuyển dụng được tuyển lao động nước ngoài. Sau đó, nhà tuyển dụng sẽ mang giấy phép này nộp cho bộ phận di trú của Đại sứ quán Mỹ ở các nước. Tại các nước, lao động có nhu cầu xuất khẩu phải trực tiếp đến phòng di trú và nhập tịch và phòng visa không di dân để làm mọi thủ tục.

Với trình độ 4G đến 6G, nghề thợ hàn tại Mỹ có thể kiếm được mức lương 15 USD/giờ.

Ông Chu Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Simco - Sông Đà, 1 trong 5 doanh nghiệp (Simco, Airseco, TTLC, Viracimex, AIC) được Bộ LĐ-TB&XH cho phép thí điểm đưa lao động sang Mỹ, cho biết nhu cầu lao động thợ hàn có tay nghề làm việc tại các nhà máy đóng tàu là rất lớn.

Hiện Simco đang đào tạo thợ hàn để đưa sang Mỹ làm việc, hợp đồng lao động 1 năm, có thể gia hạn 2 lần, mỗi lần 1 năm nữa. Hết hạn, nếu vẫn được chủ sử dụng tiếp nhận, người lao động về nước và làm lại thủ tục và đi tiếp. Chi phí mà người lao động phải nộp cho công ty là 8.500 USD, chưa kể phí học nghề tại trường dạy nghề của công ty.

Nhưng để đào tạo được lao động đủ trình độ theo yêu cầu của Mỹ là chuyện không dễ. Thợ hàn phải đạt tiêu chuẩn 4G tới 6G (tiêu chuẩn của Mỹ). Tháng 5 vừa rồi, sau khi Simco thông báo tuyển thợ hàn, đã có tới hơn 100 người đến tuyển. Qua sơ tuyển, chọn được 30 người để đào tạo. Sau 1 tháng đào tạo, mới đây khi kiểm tra lại, chỉ có 15 người đủ yêu cầu để học tiếp và việc tuyển chọn sẽ còn tiếp tục với yêu cầu ngày càng khó hơn.

Vì vậy, dù bắt đầu tìm hiểu thị trường này từ năm 2002 và chuẩn bị làm rất bài bản nhưng mãi tháng 5/2008, Simco mới chỉ đưa được 1 lao động thợ hàn sang làm việc ở bang Texas với mức lương 15 USD/giờ, chưa kể làm thêm. Mà đây là người đã từng đi làm việc ở Đài Loan 3 năm nên đã rất thạo việc, thạo tiếng và có phong cách làm việc công nghiệp.

Với nghề y tá điều dưỡng, yêu cầu còn khó hơn. Tổng giám đốc Công ty Airseco Nguyễn Xuân Vui cho biết sau khi tham khảo thị trường, doanh nghiệp của ông đang dự định sẽ đưa y tá sang Mỹ bởi nhu cầu lao động này rất lớn với thu nhập có thể tới 100.000 USD/năm.

Tuy vậy để đào tạo được 1 y tá theo tiêu chuẩn Mỹ không đơn giản và cực kỳ tốn kém. Hiện Mỹ không thừa nhận bất cứ bằng cấp nào của các trường dạy y tá tại Việt Nam nên sau khi tuyển những người đã học y tá tại Việt Nam, biết tiếng Anh, sẽ phải mất khoảng 1 năm đào tạo nghề và tiếng Anh ở Thái Lan với những kỳ thi nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn Mỹ để khi tốt nghiệp, ngoài trình độ nghề, tiếng Anh phải đạt tiêu chuẩn TOEFL 550 điểm.

Để học được chương trình này, người lao động phải có tài sản trị giá khoảng 50.000 USD (là tiền đặt cọc và chi phí ăn, học tại Thái Lan). Do vậy, dù biết “việc đang chờ người” và mức lương rất hấp dẫn, nhưng ông Vui tính toán nếu thuận lợi thì cũng phải gần 2 năm nữa may ra mới có lao động đủ trình độ. 

Với thị trường Mỹ, có nghề, có tiếng Anh vẫn chưa chắc đã được cấp visa. Do Mỹ và Việt Nam chưa có bất kỳ một văn bản hay thỏa thuận nào về hợp tác XKLĐ nên mọi việc hoàn toàn do các doanh nghiệp tự làm. Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam chỉ phỏng vấn và giải quyết visa theo hình thức cá nhân nên không thể xin visa với số lượng lớn.

Hiện Mỹ có có 2 loại visa H1 và H2 được cấp cho lao động nước ngoài đến làm việc:

Visa H1 (gồm H1A và H1B) dành cho lao động trình độ cao. Visa H1A dành cho lao động nghề y tá, thời hạn hợp đồng 3 năm và được gia hạn thêm. Visa H1B dành cho lao động có trình độ cao, có thể làm việc ở Mỹ tối đa 6 năm.

Visa H2A, H2B dành cho lao động tay nghề thấp, làm việc trong ngành nông nghiệp và một số ngành phi nông nghiệp, thời hạn hợp đồng dưới 1 năm.

Visa làm việc không được chuyển thành du lịch hay di dân và khi hết hạn người lao động phải về nước.

Để phòng ngừa người lao động nước ngoài đến Mỹ làm việc sẽ bỏ trốn, nên trước khi cấp visa, cơ quan ngoại giao Mỹ phỏng vấn trực tiếp đương đơn. Ngoài việc chứng minh người lao động đã được đồng ý vào Mỹ làm việc theo diện visa nào, cơ quan ngoại giao Mỹ đòi hỏi người lao động phải chứng minh được mình đã từng làm việc ở nước ngoài và có cam kết quay trở về nước khi hết hạn hợp đồng làm việc tại Mỹ. Cam kết này phải được chứng minh bằng mối quan hệ gia đình và tài sản ở Việt Nam như đã có vợ, chồng, con, nhà cửa, tài sản...

Vì những yêu cầu nghe có vẻ oái oăm này, để có “hệ số an toàn cao” khi tuyển thợ hàn đi Mỹ, Công ty Simco thường ưu tiên những người đã có trình độ hàn 4G, từng đi làm việc ở nước ngoài và đã có gia đình.

Do yêu cầu cao và thủ tục phức tạp như vậy nên khi nhận định về thị trường Mỹ, ngay cả Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) Đào Công Hải cũng hết sức dè dặt. Do đó, người lao động khi có nhu cầu đi XKLĐ cần phải tìm hiểu kỹ những yêu cầu của thị trường để tự “liệu cơm gắp mắm, liệu con gả chồng” xem mình có đủ năng lực tài chính và nhất là trình độ hay không.

Đặc biệt, trước tình trạng lừa đảo XKLĐ tràn lan như hiện nay (mới đây đã có kẻ dám làm giả cả công văn có dấu và chữ ký của Cục trưởng Cục QLLĐNN Nguyễn Ngọc Quỳnh để thông báo tuyển bổ sung lao động đi Hàn Quốc), khi tìm hiểu thông tin, người lao động cần liên hệ trực tiếp với Cục QLLĐNN hoặc các doanh nghiệp đã được cấp phép. Có như vậy mới nhận được thông tin chính xác, tránh “tiền mất nợ mang”

Nguyễn Thiêm
.
.