Khủng hoảng hoạt động mang tính phản chiếu gương

Thứ Bảy, 13/11/2010, 15:55
Bất kỳ hoạt động nào của cơ thể con người đều do não bộ điều khiển. Cùng một lúc, não có thể ra lệnh cho các bộ phận khác nhau trong cơ thể thực hiện các động tác khác nhau. Song đôi khi điều tưởng chừng rất bình thường ấy lại không diễn ra như người ta mong muốn. Đó chính là những gì mà những người bệnh của chứng khủng hoảng hoạt động mang tính phản chiếu "gương" đang phải đối mặt.

Khủng hoảng hoạt động mang tính phản chiếu là gì?

Các nghiên cứu về não bộ đã cho chúng ta biết: hoạt động của cơ thể con người chịu sự kiểm soát của hai bán cầu não phải và não trái. Não phải thường là não kiểm soát các hoạt động của phần thân và chi bên trái. Cùng một lúc, hoạt động não ở một người bình thường có thể điều khiển người đó tay phải làm cái này và tay trái làm cái khác.

Tuy nhiên, ở những người mắc phải dạng khủng hoảng hoạt động mang tính phản chiếu, khi hoạt động bên tay phải diễn ra, thì tay trái của họ cũng hoạt động giống y hệt động tác của tay phải và ngược lại. Bản thân con người họ như được chia làm hai phần: trái, phải và các động tác của hai nửa thân người giống hệt nhau tới mức ta có cảm giác đang đứng trước một chiếc gương nằm giữa hai nửa người. Các hoạt động của bên thân trái là sự phản chiếu của hoạt động bên thân phải.

Hiện tượng kỳ lạ này xảy ra rất ít trên thế giới và có tên gọi là khủng hoảng hoạt động mang tính  phản chiếu "gương" (mirror movement disorder). Tên khoa học gọi là mirror dystonia.

Các nhà khoa học thuộc Trường đại học Montreal, Canada là những người đầu tiên phát hiện và nghiên cứu về dạng khủng hoảng kỳ lạ này.

Khủng hoảng hoạt động phản chiếu có thể xuất hiện ở các hoạt động của tay, chân, thậm chí toàn bộ cả cánh tay của người bệnh. Các biểu hiện của dạng khủng hoảng này thường chỉ được phát hiện khi đứa trẻ ở vào độ tuổi trung bình là 10 tuổi, song rất khó phát hiện, vì dễ bị nhầm lẫn với các dạng bệnh hiếm gặp khác, chẳng hạn như chứng Kallmann hay hội chứng Klipplel - Feil (các dạng khiếm khuyết hoạt động tương tự được đặt theo tên của các nhà khoa học đã phát hiện ra bệnh).

Như Andree Marion, 47 tuổi, là một nữ bệnh nhân người Canada đã bị mắc phải dạng khủng hoảng hoạt động phản chiếu trong nhiều năm qua. Marion cho biết, ngay trong một hoạt động bình thường nhất hàng ngày của cô đó là đánh răng, khi cô dùng tay trái để cầm bàn chải đánh răng, thì cánh tay phải của cô cũng có hành động tương tự và cũng có các thao tác tương tự bắt chước y hệt tay trái.

Ngay cả khi Marion thực hiện một thao tác tay rất bâng quơ, tình cờ không hề dự tính trước, thì cánh tay bên đối diện cũng không ngừng bắt chước y hệt. Nó khiến cho người bệnh rơi vào tình trạng rất vụng về, lóng ngóng và không thể làm được việc gì một cách trọn vẹn, đặc biệt, cô không thể bơi tốt với hai cánh tay chỉ chực thao tác giống nhau.

Thậm chí ngay cả khi cắt, thái bất kỳ một thực phẩm gì đó, cô cũng phải rất cẩn thận để không bị cắt vào chính mình. Bệnh nhân thậm chí không thể viết chữ, bởi mỗi khi cô cố gắng cầm bút viết, thì tay còn lại cũng chực làm theo. May mắn là Marion có thể đi được, mặc dù việc đi lại cũng hết sức khó khăn và cô phải nỗ lực từng bước một.

Ngoài Marion, một số người trong gia đình cô cũng có biểu hiện của dạng khủng hoảng hoạt động phản chiếu này.

Và những lý giải khoa học

Từ việc Marion bị mắc dạng khủng hoảng hoạt động phản chiếu và việc một số thành viên cùng huyết thống trong gia đình cô cũng có các biểu hiện này, các nhà nghiên cứu đã đặt ra giả thuyết về dạng khủng hoảng mang tính chất di truyền.

Nghiên cứu về dạng khủng hoảng đặc biệt này, các nhà khoa học tập trung nghiên cứu về vấn đề não kiểm soát các hoạt động này như thế nào. Những kết quả nghiên cứu ban đầu đã chỉ ra rằng: Sự đột biến gien đã khiến cho quá trình tạo prôtêin trong cơ thể bị đảo lộn. Cơ thể tạo ra thiếu một prôtêin nào đó trong não bộ. Và đây chính là nguyên nhân tác động trực tiếp đến hoạt động truyền tín hiệu trong não.

Đặc biệt là hoạt động truyền tín hiệu của phần não trái. Từ đó dẫn tới khiếm khuyết trong việc ra lệnh của não trái, cũng như sự điều khiển của các bán cầu não đối với phần cơ thể bên phải và bên trái. Hiện tượng được ghi nhận ở đây là đôi khi các bộ phận trái và phải của cơ thể cùng nhận được một tín hiệu giống hệt nhau (dù cường độ tín hiệu có thể là khác nhau) dẫn đến việc chúng thao tác y hệt nhau.

Gien được xác định là đột biến và gây ra hiện tượng nêu trên là DCC (deleted in colorectal carcinoma). Theo Tiến sĩ Rouleau - người đã xác định gien gây bệnh - thì ở mỗi người trong gia đình Marion đều có mang hai phiên bản gien DCC, song ở những người có biểu hiện của bệnh thì chỉ có một phiên bản DCC bị lỗi. Do đó có các thành viên khác trong gia đình tuy cũng mang gien DCC song không có biểu hiện bệnh.

Lý giải thành công vấn đề này giúp khoa học mở ra bước tiến mới trong việc hiểu rõ hơn về cấu tạo và hoạt động của não bộ, đồng thời là cơ sở cho việc nghiên cứu các phương pháp nhằm điều trị tốt các chứng bệnh có liên quan đến hoạt động điều khiển của não, chẳng hạn như chứng Parkinson hoặc các chấn thương dây thần kinh tủy sống khác

Minh Ngọc (theo ABC)
.
.