Khủng hoảng tài chính thế giới khiến an ninh lương thực thêm bấp bênh

Thứ Tư, 14/01/2009, 09:15
Đó là lời cảnh báo của các chuyên gia tại Hội nghị về An toàn lương thực mới đây ở Rome, Italia. Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), từ năm 2005 đến 2007 đã có thêm 75 triệu người trên thế giới bị đói nâng tổng số người bị đói trên toàn cầu là 923 triệu.

Việc khắc phục khủng hoảng lương thực thế giới đầu năm 2008 chưa triệt để thì cơn khủng khoảng tài chính nổ ra, đẩy kinh tế thế giới vào thời kỳ suy thoái dài càng khiến cho mối an ninh lương thực bị đe dọa.

Nguyên nhân là do dân số tăng, thiếu hụt nguồn nước và năng lượng cho sản xuất không được đảm bảo trong khi nhu cầu nhiên liệu sinh học tăng cao đã khiến đảm bảo an ninh lương thực bị rối thêm. Các chuyên gia cũng cho rằng, khí hậu thay đổi, sản xuất thực phẩm và thủy sản tại một số quốc gia giảm đã khiến cho an ninh lương thực thực phẩm càng bị tổn thương.

Trong 10 năm qua, các loại hạt dùng cho sản xuất nhiên liệu sinh học tăng liên tục theo từng năm đã khiến cho ngành chăn nuôi phải chịu nhiều sức ép cũng ảnh hưởng tới đời sống của nhiều bộ phận dân cư, đặc biệt là các dân nghèo nông thôn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, nhiên liệu sinh học, hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân khiến cho giá trị, sản lượng sản xuất nông nghiệp bị giảm, đặc biệt là nông nghiệp trồng ngũ cốc.

Abdolreza Abbassian, Tổng thư ký phụ trách lĩnh vực ngũ cốc của FAO đã cho rằng, khủng hoảng tài chính không chắc chắn rằng, giá lương thực thế giới sẽ tăng năm 2009, tuy nhiên, năm sau, do bị tác động từ khủng hoảng, tại các quốc gia trồng nhiều lương thực thực phẩm của thế giới là châu Âu, Brazil, Mỹ sản lượng lương thực sẽ giảm do diện tích nông trang bị thu hẹp, người dân sao nhãng việc sản xuất do lo ngại khâu thị trường.

Hơn nữa, khủng hoảng tài chính, nhiều người thu nhập giảm, nhu cầu tiêu thụ dè sẻn càng khiến nhiều người bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là ở các nước nghèo do người dân chủ yếu mua các loại lương thực giá rẻ, không có chất lượng cao để tiết kiệm.

Chính vì vậy, tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, thay vì tài trợ vài trăm triệu USD, các nước giàu nên bỏ ra 20 tỉ USD giúp các nước nghèo mua lương thực và khôi phục lại các vùng đất bị bỏ hoang.

Tuy nhiên, lời kêu gọi này có vẻ khó khăn khi mà nhiều chuyên gia cho rằng, khủng hoảng tài chính đang đánh vào hầu bao của chính các nước giàu, việc đưa ra lời hứa viện trợ của những nước này nhanh chóng bị lãng quên.

Thực tế, thời gian qua, số lượng nông dân trên thế giới tăng để đáp ứng nhu cầu tăng lương thực của thế giới do sức ép dân số, tuy vậy, theo các chuyên gia, tới năm 2050, dân số thế giới tăng tới 9 tỉ người thì nhu cầu sản xuất lương thực đòi hỏi tăng gấp đôi.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, tại hội nghị của FAO năm 2009, một yêu cầu được đưa ra là, cần tới 30 tỉ USD để phát triển một nền nông nghiệp mới với sức sản xuất mới để loại trừ nạn đói trên thế giới.

Trải qua hơn 60 năm hoạt động, chưa bao giờ FAO lại bị một sức ép về đẩy mạnh nâng cấp một nền nông nghiệp mới nhằm bảo đảm an ninh lương thực như hiện nay.

Tổng giám đốc của FAO cho rằng, giải quyết khủng hoảng lương thực là một việc làm tổng lực, yêu cầu có sự kết hợp cả vấn để cây giống, trợ cấp nông nghiệp, xóa bỏ rào cản thương mại, thuế quan để giúp ngành lương thực thế giới, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển.

Khủng hoảng tài chính thời gian gần đây đã khiến các quốc gia tăng cường nhóm họp với nhau để khắc phục thì khủng hoảng lương thực cũng cần các cuộc họp nghị sự liên tục như vậy

Văn Nguyễn (theo Xinhua)
.
.